Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay

Lý luận trẻ | 15:17:00 02/08/2023

TNV - Hiện nay, để chống phá và xuyên tạc, các thế lực thù địch đã sử dụng nhiều chiêu bài khác nhau, xuyên tạc bằng nhiều luận điệu khác nhau. Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn  đạt hiệu quả cần nhận diện rõ các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay.

Một là, những quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Các quan điểm sai trái, phản động, thù địch cho rằng việc Nguyễn Ái Quốc du nhập chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam là một sai lầm, tạo nên nồi da xáo thịt và là nguyên nhân gây ra các cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Các quan điểm phản động, xuyên tạc này cũng cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin là ngoại lai nên nó không phù hợp Việt Nam. Họ cũng cho rằng ngay trên quê hương của cách mạng tháng 10 Nga mà người Nga đã bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin vậy thì tại sao Việt Nam không bỏ chủ nghĩa này. Cũng có những quan điểm có vẻ “khách quan” hơn thì cho rằng cái mà Mác chỉ ra rằng chủ nghĩa tư bản bóc lột bằng giá trị thặng dư chỉ đúng với thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (động cơ hơi nước), nền sản xuất dựa trên máy móc cơ khí, còn hiện nay nhân loại đã bước vào Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế tri thức, kinh tế số, toàn cầu hóa, tin học hóa, dữ liệu lớn (Big data) nên có những người như các tỷ phú Bill Gates đâu có bóc lột ai đâu? Từ lập luận ấy, họ cho rằng vậy thì học thuyết giá trị thặng dư của Mác, học thuyết về vai trò sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Nhiều người cũng đã dẫn quan niệm của Alvin Toffler để cho rằng học thuyết về hình thái kinh tế xã hội của Mác là sai lầm…

Từ đánh vào học thuyết Mác - Lênin, các quan điểm sai trái, phản động cho rằng vậy nếu học thuyết Mác - Lênin đã sai thì việc Nguyễn Ái Quốc du nhập vào Việt Nam cũng là sai. Thậm chí để tỏ ra khách quan hơn, có những quan điểm còn cho rằng bản thân Nguyễn Ái Quốc chỉ lấy chủ nghĩa Mác - Lênin như là một phương tiện để đạt mục đích, còn bản thân Nguyễn Ái Quốc không phải là người cộng sản mà chỉ là nhà cách mạng theo đường lối dân tộc chủ nghĩa. Đây là một âm mưu thâm độc nhằm tách tư tưởng Hồ Chí Minh khỏi chủ nghĩa Mác - Lênin mà mục đích cuối cùng là tiến tới xoá bỏ luôn tư tưởng Hồ Chí Minh.

Kể từ khi mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Ấu sụp đổ đến nay, các thế lực thù địch, phản động lại không ngớt rêu rao về sự thất bại hoàn toàn của việc áp dụng chủ nghĩa Mác - Lênin và họ cho rằng dây là sự sụp đổ của một hệ tư tưởng, rằng chỉ có chủ nghĩa tư bản mới là đỉnh cao của nhân loại. Từ những quan điểm phê phán chủ nghĩa xã hội, họ quay sang ca ngợi những giá trị của chủ nghĩa tư bản và cho rằng chủ nghĩa tư bản và cao hơn là mô hình chủ nghĩa xã hội dân chủ Bắc Âu mới là mô hình phát triển phù hợp cho thế giới hiện nay. Một số ý kiến cho rằng những nước đi theo con đường tư bản chủ nghĩa thường có dân chủ, tự do hơn các nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, rằng các nước đi theo chủ nghĩa xã hội thường xảy ra tình trạng tham nhũng, quan liêu, độc đoán. Chính tình trạng tham nhũng, quan liêu, độc đoán đã cản trở xã hội phát triển lành mạnh…

Hai là, các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng

Các quan điểm dạng này cho rằng việc Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một sai lầm của lịch sử Việt Nam. Họ cho rằng chính Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức đã gây nên các cuộc chiến tranh trên đất nước Việt Nam vì hiếu chiến. Các loại ý kiến này cũng cho rằng các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là sai lầm. Họ cho rằng Cách mạng tháng Tám năm 1945 thực chất là một cuộc cách mạng “ăn may” khi xuất hiện khoảng trống quyền lực chứ bản thân Đảng Cộng sản Đông Dương khi ấy cũng chả tài năng gì. Một số luận điệu còn đi xa hơn nữa khi cho rằng thực chất Việt Minh đã cướp chính quyền từ tay chính phủ hợp pháp Trần Trọng Kim. Một số quan điểm cho rằng thực ra Pháp đã trra độc lập cho Việt Nam qua Quốc trưởng Bảo Đại từ từ năm 1949 nên việc kháng chiến 9 năm chống Pháp là vô ích,…Một số quan điểm phản động cho rằng thực chất sau năm 1954, với Hiệp định Giơ-ne-vơ thì ở Việt Nam có 2 quốc gia ở miền Bắc và Miền Nam. Việc Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tấn công Việt Nam Cộng hoà là miền Bắc xâm lược miền Nam. Các luận điệu phản động cũng cho rằng thực chất cuộc chiến tranh thống nhất Tổ quốc Việt Nam là nội chiến giữa hai miền Nam - Bắc, rằng quân Mỹ vào miền Nam không phải đi xâm lược mà để giúp đồng minh Việt Nam Cộng hoà. Họ cho rằng nếu đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, không có Đảng Cộng sản Việt Nam thì không phải thực hiện hai cuộc chiến tranh,…Thậm chí đến ngay cả sự kiện nạn đói khủng khiếp năm 1945 do thực dân Pháp và phát xít Nhật gây ra làm chết hơn 2 triệu đồng bào Việt Nam, đã được các nhà khoa học, trong đó có các nhà khoa học Nhật Bản điều tra, viết thành sách vậy mà gần đây, để xuyên tạc, phủ nhận Đảng Cộng sản Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động cho rằng nạn đói là do Việt Minh gây ra. Để đánh đổ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động không ngớt rêu rao rằng Việt Nam cần đa đảng như các nước khác để có dân chủ, rằng Việt Nam chỉ có một đảng cầm quyền sẽ không có dân chủ,…

Ba là, quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và đồng hành cùng dân tộc trên 93 năm qua. Trong 93 năm ấy, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta giành độc lập dân tộc, chiến thắng các đế quốc, thống nhất Tổ quốc. Từ năm 1986, bằng đường lối đổi mới đất nước, đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta giành được những thành tựu vô cùng to lớn, thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao. Thế nhưng, cùng với những thắng lợi và thành công của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, các thế lực thù địch, phản động càng điên cuồng chống phá, xuyên tạc bằng nhiều chiêu thức khác nhau nhằm xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Các luận điệu ấy cho rằng Việt Nam phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là “một quái thai” bởi đã là kinh tế thị trường thì không thể đi cùng chủ nghĩa xã hội, rằng nếu là kinh tế thị trường thì phải đa đảng, đối lập mới đồng bộ giữa chính trị và kinh tế.

Khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Việt Nam bỏ phiếu trắng về các vụ việc liên quan trên diễn đàn Liên hợp quốc, các thế lực thù địch, phản động cho rằng Việt Nam đu dây, Việt Nam đánh võng, Việt Nam không rạch ròi, Việt Nam đi hai hàng,… và phê phán Việt Nam ủng hộ vi phạm luật pháp quốc tế của Nga. Thực ra trong câu chuyện này, Việt Nam đã bày quan điểm rõ ràng bằng chính phát biểu của Đại sứ, Trưởng phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc. Việt Nam không chọn phe mà chọn công lý, chọn lẽ phải và việc Việt Nam bỏ phiếu trắng cũng là vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Chúng ta cũng biết rằng, trong bối cảnh quốc tế đầy phức tạp hiện nay, Việt Nam nhất quán với đường lối quốc phòng “4 không”, đó là: “Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”. Các thế lực thù địch, phản động đã không ngớt lên tiếng và xuyên tạc về việc này, họ cho rằng Việt Nam cần chơi với Mỹ để nhờ Mỹ bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhờ Mỹ lấy lại Hoàng Sa và một số thực thể ở Trường Sa. Thế nhưng họ hoặc không biết, hoặc giả vờ không biết rằng Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974 dưới thời chính quyền Sài Gòn. Việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ chưa bao giờ có chuyện dựa vào bên ngoài mà thành công bởi nước nào cũng vì lợi ích quốc gia của họ.

Bốn là, quan điểm sai trái, thù địch “hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh”, xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc

Các thế lực phản động ở trong và ngoài nước đã dùng rất nhiều các thủ đoạn từ tinh vi đến đê hèn, trắng trợn để xuyên tạc công lao, sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thậm chí, chúng còn đưa ra các bằng chứng giả để cho rằng Hồ Chí Minh không phải là tác giả của “Nhật ký trong tù”, rằng Hồ Chí Minh không được UNESCO suy tôn là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất Việt Nam. Tất cả những luận điệu xuyên tạc có vẻ không đạt được mục đích họ liền tung ra những luận điệu nham hiểm hơn kiểu như Hồ Chí Minh không phải là Nguyễn Ái Quốc, rằng Nguyễn Ái Quốc đã chết trong nhà tù Hồng Công. Một số người nhân danh là “nhân chứng” thì tung ra các “giai thoại” về đời tư của chủ tịch Hồ Chí Minh với mục đích không nằm ngoài chiến dịch hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh bởi họ cho rằng khi đánh vào đời tư như vậy sẽ làm cho cán bộ, đảng viên nghi ngờ và không còn tin vào Hồ Chí Minh, không tin Hồ Chí Minh thì cũng đồng nghĩa với việc không tin vào tư tưởng Hồ Chí Minh,…

Đánh vào đời tư Hồ Chí Minh chưa đủ, họ còn dựng lên những câu chuyện thuộc dạng “thâm cung bí sử” để mô tả về các lãnh đạo tiền bối của Đảng như là những người sắt máu, hiếu chiến, độc ác. Thậm chí, đến sự hi sinh lẫm liệt của các anh hùng Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi cũng bị họ xuyên tạc,…Việc các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc là điều không mới và không khó hiểu, chỉ khó hiểu và bất ngờ ở chỗ là có nhiều người, trong đó có không ít cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” đã tin vào các luận điệu xuyên tạc này để rồi quay lại nói xấu, chống phá, phản bội lại lý tưởng của các lớp cha anh. Đặc biệt, loại quan điểm này thường tung hoả mù, đánh tráo khái niệm, đánh vào những đối tượng có phần kém hiểu biết hoặc đánh vào một bộ phận giới trẻ chưa từng trải và bồng bột, ngây thơ về chính trị. Bởi vậy, ngoài trách nhiệm của các cấp uỷ thì bản thân mỗi người cũng phải tự mình nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, đặc biệt là trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần có để có thể “đề kháng” trước những thông xuyên tạc, phản động.

Năm là, lợi dụng những sai lầm, khuyết điểm của Đảng để xuyên tạc

Đảng là một thực thể, do đó Đảng không có sai lầm và Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Những thành tựu mà đất nước và dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng đạt được là vô cùng to lớn, song không phải không có những lúc Đảng đã phạm những sai lầm. Vì vậy, ngay trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, Đảng đã có những chiến dịch, những đợt “tự chỉ trích”, tự phê bình và phê bình rộng rãi trước những sai lầm, khuyết điểm đã mắc phải. Có lẽ một trong những bản lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng luôn bản lĩnh tự thừa nhận những sai lầm, khuyết điểm, sửa chữa khuyết điểm và vươn lên sau những sai lầm, vấp ngã.

Thế nhưng, để chống phá Đảng và Nhà nước, các thế lực thù địch phản động luôn khơi gợi lại những sai lầm, khuyết điểm của Đảng để nói xấu, xuyên tạc bản chất của Đảng. Khi Đảng cộng sản Việt Nam đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và xử lý nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm, nhất là đưa ra toà những người vi phạm pháp luật, các thế lực thù địch, phản động lại xuyên tạc khi cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam không thực tâm chống tham nhũng, rằng thực chất chống tham nhũng ở Việt Nam chẳng qua là do phe phái đánh nhau…

Có thể thấy rằng, các quan điểm chống phá, thù địch, xuyên tạc hiện nay rất đa dạng trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Để thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cần sự vào cuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó không thể thiếu vai trò của Đoàn Thanh niên. Thế nhưng, chính mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên khi tham gia mạng xã hội cũng cần có hiểu biết để nhận diện và góp phần đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay.


(*)Bài viết là một phần của đề tài cơ sở “Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của thế lực thù địch trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện nay”.

Vũ Trung Kiên - Phạm Thị Quý(*)

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam