“Về nguồn” – Hành trình của sự biết ơn

TNV - Những ngày cuối tháng 7 cả nước hướng về các hoạt động tri ân, tuổi trẻ Hải Hậu, Nam Định có dịp về thăm “Cội nguồn”- những “Địa chỉ đỏ” về cách mạng thuộc huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Chuyến đi hướng tới nâng cao công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đoàn viên trẻ.

Chương trình “Về nguồn” cũng góp phần tăng cường hiểu biết và sự gắn kết, bồi đắp tình cảm về truyền thống, lịch sử cách mạng và nâng cao ý thức trách nhiệm của đoàn viên thanh niên huyện Hải Hậu với cộng đồng.

Nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Ngày thành lập Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2023), 135 năm Ngày thành lập huyện Hải Hậu và kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định. Với mục tiêu ý nghĩa đó, chương trình đã nhận được sự hưởng ứng của trên 40 đoàn viên, thanh niên tới từ Đoàn thanh niên các Chi đoàn, Tổng phụ trách Đội cùng tham gia. 

Chuyến thăm do đồng chí Bùi Thanh Hải – Huyện ủy viên, Bí thư Đoàn TNCS HCM huyện Hải Hậu làm trưởng đoàn đã trang trọng tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Cao Bằng. Đây là nơi mà ngày 28/01/1941, khi về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt bước chân đầu tiên trở về sống và hoạt động cách mạng sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Tại đây, các đoàn viên, thanh niên được nghe lại những điều Bác dạy, được hiểu thêm về tình yêu bao la Bác dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng; được nghe những phong trào hành động cách mạng mà thế hệ thanh niên đi trước đã thực hiện theo lời dạy của Bác. 

Đoàn TNCS HCM huyện Hải Hậu thăm Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Pác Bó.

Trong giây phút tưởng niệm thiêng liêng ấy, hẳn ai cũng xúc động bồi hồi, để rồi như nhân lên ngọn lửa, dòng nhiệt huyết trong mỗi đoàn viên thanh niên, khao khát muốn cống hiến sức trẻ, tiếp tục phát huy truyền thống của cha anh đi trước, góp phần xây dựng quê hương, bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng.

Huyện đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đoàn tiếp tục tham quan những điểm di tích có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó đó là: suối Lê Nin, núi Các Mác; hang Cốc Bó... Đây là nơi được Bác Hồ chọn làm căn cứ địa lãnh đạo cách mạng và và có dấu ấn quan trọng trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Ngắm nhìn dòng suối Lê - Nin trong vắt Bác từng ngồi để câu cá, với tảng đá Bác viết nhiều tài liệu tuyên truyền cách mạng; chứng kiến hang Cốc Bó nơi Bác đã sống và làm việc, nghỉ ngơi trên chiếc phản gỗ đơn sơ; mộc mạc, được chạm vào bàn đá “chông chênh lịch sử Đảng” như trong vần thơ của Người. Qua đó giúp cho thế hệ trẻ cảm nhận được cuộc sống hoạt động cách mạng của Bác dù khó khăn, gian khổ như thế nhưng Người vẫn lạc quan lãnh đạo Đảng, đất nước và nhân dân đi đến thắng lợi cuối cùng. Qua đó, các đồng chí đoàn viên thanh niên đã hiểu hơn về ý nghĩa của Pác Bó: Nơi đây không chỉ là “đầu nguồn” theo tiếng Tày-Nùng, mà còn chứng kiến sự khởi đầu của cuộc đấu tranh gian khổ, song đầy vẻ vang của đất nước, dân tộc Việt Nam.

Đoàn thăm Hang Cốc Bó – nơi Bác Hồ sống và làm việc

Các đ/c Đoàn viên thăm bếp nấu của Bác tại Hang Cốc Bó

Cũng trong chuyến hành trình, đoàn đã đến thăm và dâng hương tại Khu di tích lịch sử Kim Đồng. Đây là nơi mà Đội nhi đồng cứu quốc - tiền thân của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh ngày nay được thành lập với 5 đội viên ban đầu và do Kim Đồng (tức Nông Văn Dền) làm đội trưởng. Đội thành lập với mục đích “Đánh Tây, đuổi Nhật, giành độc lập cho nước nhà”. Kim Đồng là người con của dân tộc Nùng vừa thông minh, nhanh nhẹn. Tháng 8/1942, tại hang Nộc Én, Kim Đồng vinh dự lần đầu tiên được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác đã động viên và giao nhiệm vụ cách mạng cho Kim Đồng. Đội Nhi đồng cứu quốc có nhiệm vụ làm thông tin liên lạc, đưa đón cán bộ, bảo vệ các cuộc họp bí mật. Sau khi đội được thành lập, các em được học chữ, luyện tập quân sự để trực tiếp làm công tác liên lạc cho cách mạng. Ngày 15/2/1943, trong khi đang làm nhiệm vụ để bảo toàn bí mật, giúp các đồng chí cán bộ Việt Minh kịp thời tản lên núi, người thiếu niên anh hùng, dũng cảm Kim Đồng đã hi sinh khi vừa tròn 14 tuổi. 

Đoàn TNCS HCM huyện thăm quan Khu di tích lịch sử Kim Đồng

Câu chuyện về tinh thần yêu nước và sự hy sinh anh dũng của anh Kim Đồng đã trở thành tấm gương sáng cho các bạn nhỏ ra sức học tập, rèn luyện, xứng đáng với sự hy sinh máu xương của các thế hệ cha anh.

Đền thờ Đội Nhi đồng cứu Quốc

Đoàn thắp hương tại Khu di tích lịch sử Kim Đồng

Đây là nơi mà giúp cho các thế hệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có thể học tập, nâng cao hiểu biết thêm về cách mạng từ đó có thể giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, con người, bồi dưỡng lý tưởng, giúp cho các em thiếu nhi hoàn thiện nhân cách, nuôi dưỡng ước mơ, không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ. 

Khuôn viên mộ anh hùng Liệt sỹ Kim Đồng

           Toàn cảnh khuôn viên Khu di tích lịch sử Kim Đồng

Là một thành viên trong đoàn được tham gia hành trình này, cùng tâm trạng và dòng cảm xúc của tất cả các thành viên trong đoàn, chị Trần Thị Tuyết - giáo viên, Tổng phụ trách đội, Trường Tiểu học Hải Hưng xúc động bày tỏ: “Đây thực sự là dịp sinh hoạt chính trị rất có ý nghĩa, thiết thực giúp mỗi đoàn viên thanh niên, đội viên có cơ hội tìm hiểu về các di tích lịch sử, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ và bày tỏ lòng biết ơn đối với các thế hệ cha, anh đã cống hiến và hi sinh vì lý tưởng cách mạng, càng thêm kiên định mục tiêu lý tưởng xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn. Đồng thời qua các hoạt động chúng tôi được giao lưu, học hỏi, tăng tình đoàn kết, kịp thời khích lệ, động viên tinh thần của tuổi trẻ chủ động, sáng tạo trong học tập và trong công tác hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong đó có công tác Đội và phong trào thanh thiếu nhi ở các nhà Trường.”

Đồng chí Bùi Thanh Hải – HUV, Bí thư Đoàn TNCSHCM huyện chia sẻ: “Chuyến hành trình được tổ chức với mục đích mang đến những bài học thực tế, ý nghĩa cho mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên về truyền thống yêu nước, đánh giặc giữ nước đầy bất khuất, oai hùng của Đảng, của đất nước và của cha ông ta, đồng thời cũng nhằm tăng cường trải nghiệm, nâng cao hiểu biết từ các bài học lịch sử  thông qua cách giáo dục trực quan khi đến với các “Địa chỉ Đỏ”; di tích lịch sử để thế hệ trẻ thêm hiểu, trân trọng truyền thống đấu tranh oai hùng của cha ông. Gìn giữ và phát huy hiệu quả các di tích cách mạng trong cuộc sống chính là góp phần bồi đắp tình yêu nước, nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ hôm nay; cùng nhau góp phần lập nên những kỳ tích vẻ vang của lớp lớp thanh thiếu nhi Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Đoàn viên, thanh niên chụp ảnh lưu niệm tại Suối Lê – Nin

Đoàn tạm biệt Hà Quảng lịch sử, cội nguồn của cách mạng Việt Nam, trở về Hải Hậu mang theo bao niềm vui và khát vọng. Các đồng chí đoàn viên, thanh niên hát vang những bài hát về núi rừng Pác Bó “in dấu chân Người”, những bài hát truyền thống của Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh: “Kim Đồng”; “Tiến lên đoàn viên”, “Cùng nhau ta đi lên”... những lời ca cứ vang mãi lấn át cả cái nắng gay gắt ngoài trời; nghe trong tiếng hát ấy có sự trưởng thành hơn trong tư tưởng, kiên định hơn trên con đường cống hiến như lời bài hát “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”.

Việt Hải

 

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam