Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật góp phần bảo đảm an ninh trật tự đối với thanh thiếu niên

Thứ sáu, 03/05/2024 - 10:31

NCKH - Tóm tắt: Bài viết đánh giá công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật góp phần bảo đảm an ninh, trật tự đối với thanh thiếu niên trong tình hình hiện nay; chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này hơn nữa trong thời gian tới.

Từ khóa: Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; an ninh, trật tự; thanh thiếu niên.

Hiện nay, quá trình đô thị hóa ở nước ta diễn ra mạnh mẽ phản ánh sự phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng có nhiều tác động tiêu cực đến an ninh trật tự. Tình hình vi phạm pháp luật trong lứa tuổi thanh thiếu niên có xu hướng tăng với tính chất ngày càng manh động, tinh vi, nguy hiểm, xảy ra nhiều vụ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về tính mạng, sức khỏe của con người. Theo thống kê sơ bộ, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 13 nghìn thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Tỷ lệ gây án ở tuổi vị thành niên là 5,2% đối với người dưới 14 tuổi, 24,5% đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 70,3% đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi. Tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật thường xuất phát từ những nguyên nhân sau: đa phần các em phải sống trong môi trường thiếu lành mạnh, bố mẹ lo làm ăn ít quan tâm quản lý, giáo dục hoặc bố mẹ ly hôn; bố mẹ đang chấp hành án phạt tù; bố hoặc mẹ đã chết, các em phải sống với những người thân khác hoặc sống lang thang. Các em bị tổn thương về tâm lý do tự ti, mặc cảm; thiếu thốn tình cảm, thiếu điều kiện học tập, vui chơi; thiếu quản lý, giáo dục… dẫn đến nhiều thanh thiếu niên có xu hướng phát triển lệch lạc, có hành vi nổi loạn, bất cần, rất dễ bị lôi kéo bởi các đối tượng xấu. Vì thế, để giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật trong lứa tuổi thanh thiếu niên cần có sự quan tâm, chung tay góp sức không chỉ từ gia đình, nhà trường mà còn nhờ vào sự nỗ lực giúp đỡ từ phía các cơ quan, tổ chức đoàn thể và của toàn thể quần chúng nhân dân.

Ảnh minh họa

Trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) cũng là công tác cần được các cấp, các ngành quan tâm. Bởi ngoài các khu dân cư tập trung đông đúc, trường học cũng là một nơi rất dễ dẫn đến cháy nổ vì là khu vực tập trung nhiều các bộ phận có nguy cơ cao như phòng thí nghiệm, thực nghiệm, phòng máy tính, thư viện, kí túc xá, bếp ăn, căng tin, nhà xe…Trường học lại là nơi tập trung đông đúc học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên, nhân viên phục vụ… vì thế nếu để xảy ra cháy nổ thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng cả về tính mạng con người và tài sản, cơ sở vật chất xung quanh. Vì thế, công tác PCCC cho học sinh, sinh viên là công tác không thể thiếu trong hoạt động bảo đảm an ninh trật tự ở các cơ sở giáo dục hiện nay. Bên cạnh công tác PCCC thì công tác CNCH cũng quan trọng không kém. Theo thống kê của Chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam, tai nạn đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây tai nạn thương tích hàng đầu ở trẻ em. Đuối nước không chỉ xảy ra ở sông, suối, ao hồ… mà còn có thể xảy ra ngay tại nhà ở, trường học, nơi làm việc…. Vì vậy, việc nâng cao vai trò trách nhiệm, trang bị thêm cho thanh thiếu niên các kiến thức về cách phòng tránh và kỹ năng xử lý tai nạn đuối nước để vận dụng vào thực tế là vô cùng quan trọng.

Bên cạnh công tác PCCC và CNCH, công tác đảm bảo an toàn giao thông trong lứa tuổi thanh thiếu niên là một công tác cần được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày, hàng giờ. Thông qua công tác tuần tra kiểm soát, phát hiện xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông trên khắp các địa bàn cho thấy tình trạng thanh thiếu niên vi phạm giao thông vẫn có xu hướng gia tăng, trong đó, chủ yếu là hành vi điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, lạng lách đánh võng, qua đường không chú ý quan sát, chạy quá tốc độ quy định, đi dàn hàng ngang… Theo đó, tình hình tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi thanh thiếu niên có nhiều diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn quốc xảy ra 881 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh độ tuổi dưới 18 tuổi (chiếm 8,96% số vụ tai nạn giao thông toàn quốc). Trong đó có 737 vụ do thanh thiếu niên dưới 18 tuổi trực tiếp điều khiển phương tiện hoặc đang đi bộ bị tai nạn; làm chết 378 người, bị thương 658 người. Trước tình hình đó, công tác bảo đảm an toàn giao thông đặc biệt đối với lứa tuổi thanh thiếu niên là vấn đề cấp bách, cần phải triển khai với nhiều giải pháp mạnh mẽ và có sự phối kết hợp của nhiều bộ, ngành và chính quyền các cấp.

Với thực trạng nêu trên, có thể nói một trong những biện pháp hữu hiệu trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự cần được chú trọng hàng đầu đó là công tác tuyên truyền, PBGDPL cho thanh thiếu niên. Những năm vừa qua, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức rất nhiều các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL đem đến nhiều hiệu quả và thiết thực. Đối với công tác phòng, chống vi phạm pháp luật trong lứa tuổi thanh thiếu niên, công an các đơn vị, địa phương đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể, các cơ sở giáo dục…tích cực tổ chức phổ biến, quán triệt cho thanh thiếu niên các thông tin, kiến thức, tư vấn về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Thông qua các trang mạng xã hội “Góc cảnh giác”, “Loa làng”, “Tre xanh”, “Cánh buồm đỏ”… đã đăng tải, chia sẻ hàng nghìn tin, bài viết, hình ảnh tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, cảnh báo “tín dụng đen” và các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật khác góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của thanh thiếu niên trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Đặc biệt, các mô hình tự quản về ANTT được tổ chức trên địa bàn hoạt động rất hiệu quả, có thể kể đến như các mô hình “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm”, “Tổ hòa giải ở cơ sở”, điển hình như mô hình “Câu lạc bộ chi đoàn giúp bạn” của Đoàn Thanh niên phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng với mục tiêu giúp đỡ, tạo điều kiện để những thanh thiếu niên có quá khứ vi phạm pháp luật hoặc có nguy cơ gây mất an ninh trật tự có thêm những điều kiện thuận lợi để rèn luyện, phấn đấu tiến bộ, có việc làm và trở thành công dân tốt. Đây thực sự là một mô hình cần nhân rộng ra khắp các địa bàn để góp phần giảm thiểu, ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên, góp phần giữ vững an ninh trật tự xã hội. Những năm vừa qua, lực lượng công an đã phối hợp tích cực với các tổ chức đoàn thể trên địa bàn, các nhà trường tích cực tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp trong các trường học được sự hưởng ứng tích cực của các em học sinh, sinh viên. Đối với các trường hợp đặc biệt là các thanh thiếu niên hư, chậm tiến hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được các nhà trường, gia đình và cơ quan, tổ chức đoàn thể thường xuyên quan tâm, giáo dục, uốn ắn, giúp đỡ họ tiến bộ, phấn đấu trở thành công dân có ích cho xã hội. Đối với trường hợp thanh thiếu niên sau cai nghiện, lực lượng cảnh sát phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể trên địa bàn khu dân cư tổ chức các buổi tập huấn, hướng nghiệp và hỗ trợ việc làm để các bạn có cơ hội sớm tái hòa nhập cộng đồng, tạo thu nhập nuôi sống bản thân và hỗ trợ gia đình.

Trong công tác PCCC và CNCH, hoạt động tuyên truyền, PBGDPL về lĩnh vực này là một nhiệm vụ cần đẩy mạnh thường xuyên, liên tục. Thời gian vừa qua, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH đã tăng cường công tác truyền thông về PCCC và CNCH trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn, xử lý các tình huống cháy, nổ khi xảy ra, kỹ năng sơ cứu người bị nạn ở dưới nước và trên cạn, phương pháp xử lý khi gặp tình huống nguy hiểm dưới nước cho lứa tuổi thanh thiếu niên tại các khu dân cư, trường học… để trang bị cho các em học sinh, sinh viên có được hành trang cơ bản để bảo vệ chính bản thân, gia đình và những người xung quanh. Các mô hình như “Hè an toàn, vạn niềm vui”, “Cụm trường học an toàn phòng cháy và chữa cháy”, “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”…là những mô hình đã được triển khai và đem đến nhiều hiệu quả thiết thực, nhận được sự quan tâm của ban lãnh đạo nhà trường, sự ủng hộ nhiệt tình của giáo viên, phụ huynh, học sinh, sinh viên. Thông qua các tình huống cháy nổ, sự cố trải nghiệm thực tế do lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH xây dựng, mỗi lứa tuổi, cấp học sẽ được trải nghiệm các tình huống khác nhau, từ đó hình thành nhận thức, trang bị cac kỹ năng thoát nạn, xử lý cháy ban đầu, kỹ năng sơ cấp cứu, tập làm lính cứu hỏa, vượt chướng ngại vật…Trong thời gian tới, các mô hình này cần được nhân rộng mạnh mẽ hơn nữa, góp phần vào phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH từ đó góp phần giữ vững an ninh trật tự trên các địa bàn.

Để giảm thiểu được tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông, trong thời gian vừa qua, công tác tuyên truyền về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được đẩy mạnh tới mọi tầng lớp nhân dân. Trong đó, xác định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong học sinh, sinh viên luôn là nhiệm vụ trọng tâm, có tính chiến lược nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông góp phần tạo môi trường an ninh, an toàn giúp thế hệ trẻ phát triển toàn diện. Các hình thức tuyên truyền được phối hợp rất đa dạng, phong phú như vận dụng các kỹ năng tuyên truyền miệng gắn với trình chiếu hình ảnh, video minh họa cho học sinh, sinh viên tại các điểm trường với sự hào hứng tham gia của các giáo viên, học sinh, sinh viên; thực hành cách xử lý các tình huống gặp phải khi tham gia giao thông; trưng bày hình ảnh về trật tự an toàn giao thông; cấp phát tờ rơi tuyên truyền; phát động các cuộc thi, đố vui, trò chơi nhỏ; đồng thời kèm với quà tặng hấp dẫn, thiết thực như mũ bảo hiểm, áo mưa, xe đạp…thu hút sự chú ý và tích cực tham gia của học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, đẩy mạnh triển khai, nhân rộng các mô hình “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”, “An toàn cổng học đường”, “Bình yên sông nước”, “Đội xung kích an toàn giao thông”, “Học sinh tự quản an toàn giao thông” để tạo hiệu ứng sâu rộng, huy động đông đảo tình nguyện viên là các em học sinh, sinh viên tham gia. Các mô hình nói trên cần được nhân rộng ở các địa bàn trong thời gian sắp tới bởi những hiệu quả rất tích cực chúng mang lại, không chỉ xây dựng văn hóa giao thông lành mạnh cho lứa tuổi thanh thiếu niên mà còn có tính lan tỏa khắp cộng đồng dân cư. Lực lượng công an và các tổ chức đoàn thể còn tích cực xây dựng các trang fanpage, tài khoản facebook, tiktok, youtube…uy tín, có lượng theo dõi đông đảo để tích cực chia sẻ, lan tỏa các phóng sự mới, bài viết hấp dẫn với nội dung chất lượng phục vụ nâng cao nhận thức cho người dân đặc biệt lứa tuổi thanh thiếu niên về đảm bảo an toàn giao thông.

Nhìn chung, công tác tuyên truyền, PBGDPL trong thanh thiếu niên được các cơ quan, ban, ngành thực hiện nghiêm túc; nhận thức của cấp ủy, lãnh đạo chính quyền các đơn vị, địa phương về vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, PBGDPL trong thanh thiếu niên được nâng lên rõ rệt, đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm đối với các vấn đề nổi cộm trong đời sống thanh thiếu niên; công tác tuyên truyền, PBGDPL được triển khai với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, vùng miền, địa bàn…Qua đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của thanh thiếu niên, đảm bảo sự ổn định về an ninh trật tự.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tuyên truyền, PBGDPL vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: (1) Một bộ phận các chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức đoàn thể, nhà trường…chưa nhận thức được đầy đủ tính chất, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, PBGDPL trong thanh thiếu niên nên hoạt động tuyên truyền, PBGDPL chưa được diễn ra thường xuyên, tích cực. (2) Cách thức truyền tải nội dung tuyên truyền, PBGDPL đối với thanh thiếu niên chưa thực sự phát huy sự sáng tạo, đột phá, có tính đầu tư và tạo sự thu hút mạnh mẽ. (3) Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL cho thanh thiếu niên chủ yếu là kiêm nhiệm, còn thiếu đội ngũ cán bộ chuyên trách đảm nhiệm công tác này. (4) Điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác tuyên truyền, PBGDPL cho thanh thiếu niên chưa được trang bị đầy đủ, gây khó khăn cho hiệu quả của hoạt động tuyên truyền. (5) Việc phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở một số địa bàn còn hạn chế, thiếu đồng bộ, trách nhiệm chưa rõ ràng dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tuyên truyền, PBGDPL cho thanh thiếu niên, các cơ quan, đơn vị cần tập trung thực hiện một số giải pháp như sau:

Một là, cấp ủy, lãnh đạo chính quyền các đơn vị, địa phương cần tiếp tục quán triệt, đề cao vị trí, vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, PBGDPL cho thanh thiếu niên trong công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn mình nói riêng và cả nước nói chung. Coi đây là công tác thường xuyên, liên tục, trọng tâm của toàn đơn vị, là trách nhiệm của từng cán bộ, chiến sỹ trong quá trình công tác, thực hiện nhiệm vụ của mình. Hoạt động tuyên truyền, PBGDPL cho thanh thiếu niên không chỉ tập trung vào tháng cao điểm, mà phải thực hiện liên tục, thường xuyên hàng tháng, hàng năm tại các khu dân cư, cơ sở giáo dục…

Hai là, thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, khả năng, kỹ năng về tuyên truyền pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, nhất là cán bộ ở các cấp cơ sở, huyện, thành phố, thị xã. Đặc biệt, các tổ chức đoàn thanh niên cần phối kết hợp với các trường trung cấp, cao đẳng nghề tích cực đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục các kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.

Ba là, nghiên cứu, đổi mới các hình thức tuyên truyền, PBGDPL gắn với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; áp dụng linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, cấp học, vùng miền, địa phương…; kết hợp tuyên truyền, PBGDPL với việc theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật, nắm tình hình tư tưởng, nhận thức, lối sống của các đối tượng thanh thiếu niên để kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa những thanh thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật, thanh thiếu niên bỏ học, có nguy cơ bị kẻ xấu rủ rê trên địa bàn. Xây dựng mới và nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả trong công tác đảm bảo an ninh trật tự đối với lứa tuổi thanh thiếu niên.

Bốn là, tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành và toàn dân trong công tác PBGDPL cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Cần phải huy động, tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, hỗ trợ giúp đỡ lực lượng Công an trong nắm tình hình, phát hiện, phối hợp tuyên truyền, vận động thanh thiếu niên hư; cần phát huy vai trò của lực lượng an ninh cơ sở, các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội nhất là tranh thủ uy tín của đội ngũ cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, các tổ chức phụ nữ, đoàn thanh niên tích cực tham gia hỗ trợ hoạt động tuyên truyền, PBGDPL.

Các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá hiệu quả của công tác tuyên truyền, PBGDPL trong thanh thiếu niên để có những nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan nhất những ưu điểm, hạn chế đã làm được để có những mục tiêu, kế hoạch, hành động cụ thể giúp cho công tác PBGDPL cho thanh thiếu niên ngày càng phát triển toàn diện, thực sự có hiệu quả và chiều sâu.

Năm là, cần có giải pháp cụ thể để tăng nguồn kinh phí hoạt động tuyên truyền, PBGDPL như vận động sự đóng góp của các cấp, các ngành, của các tổ chức, cá nhân và nhân dân trên địa bàn để tạo điều kiện tăng cường cơ sở vật chất, chế độ, chính sách cho hoạt động tuyên truyền, PBGDPL trong thanh thiếu niên như: Bổ sung thêm phòng máy phục vụ ghi âm, ghi hình các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL trực tuyến; tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ năng mềm, kỹ năng truyền thông cho lực lượng chuyên trách làm công tác truyền thông; phát triển công nghệ số để chia sẻ, khai thác trực tuyến các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL trên các trang thông tin điện tử của các đơn vị; đầu tư trang thiết bị máy quay, máy ảnh, máy chiếu đa năng, thiết bị phục vụ tuyên truyền…