Nhận định về đề minh họa 3 môn Toán – Văn – Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025

Giáo dục, Tuyển sinh | 14:54:00 29/12/2023

TNV - Ngày 29/12, Bộ Giáo Dục đưa ra minh họa cho đề thi tốt nghiệp THPT 2025.Như vậy, năm 2025 sẽ là năm đầu tiên triển khai kì thitốt nghiệp THPT (TN THPT) theoChương trình Giáo dục phổ thông mới (CT GDPT mới). Như các thông tin đã đưa trước đó, năm 2025 kì thi TNTHPT sẽ có một số những điều chỉnh so với kì thi TNTHPT những năm trước, vẫn với mục đích chính là để xét công nhận tốt nghiệp THPT nhưng sẽ có những điều chỉnh về hình thức câu hỏi, dạng thức hỏi và bám sát tinh thần đánh giá năng lực. 

Thời điểm hiện tại, khi CTGDPT mới đang triển khai đến lớp 11, sách giáo khoa lớp 12 chưa được công bố đầy đủ, nhằm hỗ trợ học sinh, giáo viên có sự chuẩn bị tốt nhất, Bộ GD&ĐT đã công bố đề minh họa 2025 nhưng sẽ sử dụng phạm vi kiến thức của lớp 10 để đưa vào đề. Việc này cũng đảm bảo tinh thần của đề thi đánh giá năng lực, giúp học sinh hình dung về một đề thi theo dạng  thức mới và có định hướng ôn tập, chuẩn bị sớm cho kì thi.

Cấu trúc định dạng đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với CT GDPT mới và được thể hiện thông qua đề minh họa, bảng năng lực - cấp độ tư duy kèm theo. Theo đó, người học sẽ được biết đề thi gồm mấy phần, có những dạng thức câu hỏi trắc nghiệm nào, những (thành phần) năng lực nào được đánh giá trong đề minh họa.

Với các môn thi trắc nghiệm, có tối đa 3 dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm được sử dụng để thi: Câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn, Câu hỏi trắc nghiệm dạng Đúng/Sai, Câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn. 

Về Môn Toán: So với đề thi TN THPT hiện nay, đề thi TN THPT 2025 môn Toán có những điểm đổi mới sau:

  • Về số lượng câu hỏi: Gồm 50 lệnh hỏi với 34 câuhỏi làm trong thời gian 90 phút

  • Về dạng thức câu hỏi và cách tính điểm: Bổ sung thêm hai dạng thức câu hỏi mới (Trắc nghiệm đúng sai và Trắc nghiệm trả lời ngắn) với cách tính điểm riêng biệt cho từng dạng thức. Cụ thể như sau: 

Dạng thức câu hỏi

Số lượng

Cách tính điểm

Trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn

12 câu

 

0,25/câu hỏi

Trắc nghiệm đúng sai

4 câu

4 ý/câu

Điểm tối đa là 1 điểm/câu hỏi
- Đúng 1 ý trong 1 câu hỏi: 0,1 điểm
- Đúng 2 ý trong 1 câu hỏi: 0,25 điểm
- Đúng 3 ý trong 1 câu hỏi: 0,5 điểm
- Đúng cả 4 ý trong 1 câu hỏi: 1 điểm

Trắc nghiệm trả lời ngắn

6 câu

 

0,5 điểm/câu hỏi

  • Về cấp độ tư duy: Cấu trúc định dạng đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với CT GDPT 2018 và được thể hiện thông qua đề minh họa, bảng năng lực - cấp độ tư duy kèm theo. Các câu hỏi trong đề minh họa cố gắng gắn với các bối cảnh có ý nghĩa (bối cảnh có tác dụng/có giá trị nhất định đến đời sống, thực tiễn, khoa học).

Năng lực

Cấp độ tư duy

Dạng thức 1

Dạng thức 2

Dạng thức 3

Nhận biết

Thông hiểu

Vận dụng

Nhận biết

Thông hiểu

Vận dụng

Nhận biết

Thông hiểu

Vận dụng

Tư duy và lập luận Toán học

10

1

0

4

4

0

0

0

0

Giải quyết vấn đề Toán học

0

1

0

0

5

3

0

0

3

Mô hình hóa Toán học

0

0

0

0

0

0

0

0

3

Tổng

10

2

0

4

9

3

0

0

6

 

Nhận biết

41,18%

Thông hiểu

32,35%

Vận dụng

26,47%

Tỉ trọng câu hỏi nhận biết và thông hiểu trong đề minh họa là khoảng 73% nhưng sẽ chỉ chiếm khoảng 6/10 điểm trong đề thi, 4/10 điểm vẫn là các câu hỏi vận dụng, chính vì vậy các trường đại học, cao đẳng hoàn toàn có thể sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển vào trường.

Như vậy, với đề thi này, học sinh cũng cần có sự điều chỉnh việc ôn tập, bám sát tinh thần của CTGDPT mới nhằm có sự chuẩn bị sớm và tốt nhất cho kì thi 2025. 

Về Môn Văn: Dựa trên Đề minh họa và các thông tin được cung cấp trước đó, cũng như định hướng trong hoạt động Kiểm tra, Đánh giá của Chương trình GDPT 2018, có thể thấy, học sinh cần nắm chắc các kiến thức về mặt thể loại, hình thành kĩ năng và năng lực đọc – hiểu văn bản theo thể loại mới có thể hoàn thành bài thi. Đề thi minh họa vẫn giữ nguyên hình thức là 100% tự luận, sự “quen thuộc” này chính là lợi thế cho học sinh, đồng thời cũng kiểm tra được toàn bộ năng Viết, đặc biệt là Viết văn bản nghị luận văn học về một nhân vật, cốt truyện hoặc chi tiết trong tác phẩm văn học, nghệ thuật.

I. Phần đọc hiểu.

Văn bản Chiến thắng Mtao Grự là ngữ liệu bên ngoài Sách giáo khoa, thuộc thể loại sử thi; học sinh đã có quá trình học về thể loại, đọc – hiểu văn bản trong sách và hướng dẫn tự học/đọc mở rộng nên việc trả lời các câu hỏi này không quá khó.

Với 05 câu hỏi trong đó có 02 câu nhận biết (xác định ngôi kể, liệt kê các từ ngữ, hình ảnh miêu tả không gian) học sinh sẽ không gặp bất cứ khó khăn gì, hoàn toàn có thể nhận được điểm tối đa trong quá trình làm bài. Ở câu hỏi thông hiểu (sự khác nhau của biện pháp tu từ so sánh và nhận xét về phẩm chất của nhân vật Đăm Săn) sẽ nhiều học sinh gặp khó khăn với câu hỏi số 3: Chỉ ra sự khác nhau của biện pháp tu từ so sánh trong hai câu văn vì chưa làm quen với cách hỏi này, trước đây, các đề thi thường chỉ yêu cầu “nhận diện biện pháp tu từ” hoặc “chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ”.

Câu hỏi vận dụng sẽ cần khả năng đọc văn bản và phát hiện điều gì “có ý nghĩa nhất với cuộc sống hôm nay” không làm khó học sinh vì chỉ cần viết 2 – 3 câu văn giải thích ngắn gọn, vấn đề được đặt ra trong tác phẩm tương đối quen thuộc.

II. Phần viết

Chiếm tỉ lệ 60%, học sinh sẽ cần viết 01 đoạn văn nghị luận văn học (bàn về nhân vật trong đoạn trích: nhân vật Thần Mưa) và 01 bài văn nghị luận xã hội (khoảng 600 chữ, trình bày ý kiến về những khó khăn, thử thách đối với tuổi trẻ).

Cũng giống như phần đọc hiểu, học sinh cần ghi nhớ những đặc điểm của nhân vật trong tác phẩm thần thoại để có thể đối chiếu, so sánh với ngữ liệu được cho. Đề bài không quá khó nhưng đòi hỏi tính chính xác, học sinh cần chú ý, cẩn thận trong lúc làm bài, tránh rơi vào tình trạng diễn xuôi văn bản, bàn luận lan man.

Câu hỏi nghị luận xã hội tương đối quen thuộc, vấn đề “những khó khăn, thử thách đối với tuổi trẻ” không mới, học sinh cũng đã được làm quen về kĩ năng, phương pháp triển khai bài viết nên chắc chắn không gặp trở ngại gì.Tuy nhiên, để có được điểm trọn vẹn, học sinh cần có những ví dụ hay, dẫn chứng thuyết phục và để lại ấn tượng. Các thao tác lập luận cần được vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo và thể hiện rõ được quan điểm của người viết.

III. Nhận xét chung

Từ việc phân tích đề minh họa có thể thấy, đề có sự đổi mới về nội dung, cách hỏi để kiểm tra kiến thức, kĩ năng, năng lực của học sinh, bám sát những định hướng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018;

Trong quá trình học, nếu đảm bảo các yêu cầu đặt ra trong việc tiếp cận, đọc – hiểu thể loại văn học, rèn luyện kĩ năng Viết, học sinh không khó để đạt được 7,0 – 7,25 điểm;

Mặc dù là ngữ liệu bên ngoài sách giáo khoa nhưng vấn đề được hỏi và nội dung văn bản đều không khó, câu hỏi không đi sâu khai thác các giá trị nghệ thuật, đặc sắc của văn bản hay yêu cầu so sánh mở rộng… đây có lẽ là bước đệm, để học sinh dần quen với việc đánh giá, kiểm tra mới và tự định hướng lại quá trình học tập của mình ngay từ bây giờ để có sự chuẩn bị tốt nhất cho kì thi 2025. 

Về Môn Tiếng Anh: Bài thi gồm: 40 câu hỏi với thời gian làm bài 50 phút bao gồm các dạng bài

1. Phát âm (2 câu) gồm phát âm nguyên âm và phụ âm: không mới

2. Trọng âm (2 câu) gồm trọng âm từ 2 âm tiết và 3 âm tiết: không mới

3. Hoàn thành câu: (5 câu) tương ứng 4 chuyên đề ngữ pháp và một câu về từ vựng.

4. Hoàn thành nội dung quảng cáo/ thông báo (dạng bài mới)

Lồng ghép chuyên đề ngữ pháp và từ vựng như: giới từ; mạo từ;  loại từ; bị động; câu điều kiện; từ vựng. Tuy vẫn là các chuyên đề ngữ pháp, nhưng học sinh cần đọc hiểu thông tin trong một văn bản.Mức độ khó hơn, phân hoá hơn hoàn thành câu với các từ đơn lẻ.

5. Sắp xếp thứ tự các câu thành một đoạn văn/ lá thư hoàn chỉnh. (dạng bài mới). Mỗi đoạn gồm 5, 6 câu, vị trí đang bị xáo trộn cần đọc hiểu ý và sắp xếp lại theo trình tự đúng, đây là dạng bài cần kĩ năng đọc hiểu, từ vựng và logic về sắp xếp ý.

6. Hoàn thành đoạn văn bằng các đoạn thông tin còn thiếu. Đây là dạng bài mới so với kì thi TNTHPT hiện nay. Thay vì chỉ điền từng từ vào chỗ trống, dạng bài đang yêu cầu học sinh có kiến thức đọc hiểu sâu, logic, đồng thời ngữ pháp phải vững để lựa chọn các cụm từ/ câu văn đúng vào chỗ trống.

7. Hoàn thành đoạn văn với các từ còn thiếu: đại từ quan hệ; liên từ; từ vựng; liên từ. Đây là dạng bài này quen thuộc với cấu trúc thi trước đây.

8. Đọc hiểu: Gồm 2 bài Bài đọc hiểu 5 câu và Bài đọc hiểu 7 câu. 2 dạng bài này giữ nguyên cấu trúc thi hay gặp của đọc hiểu gồm các câu hỏi: Nội dung chính của bài, Câu hỏi chi tiết; Câu hỏi từ vựng; Câu hỏi đại từ thay thế; Tìm từ trái nghĩa; Câu hỏi suy luận

Có thể nói, đề thi vẫn có những dạng bài quen thuộc như bài phát âm, trọng âm, hoàn thành câu, hoàn thành đoạn văn với các từ đơn, đọc hiểu, nhưng bên cạnh đó là sự biến mất các dạng bài hay gặp trước đây như sửa lỗi sai, viết lại câu, nối câu, chức năng giao tiếp mà thay bằng các dạng bài hoàn thành đoạn văn bằng các cụm từ/ câu, hoàn thành thông tin của bài quảng cáo/ thông báo, sắp xếp trật tự đoạn văn/ lá thư.

Có thể thấy rõ ràng mức độ đề khó hơn, phân loại mạnh hơn và xoáy sâu vào kĩ năng đọc hiểu, phân tích thông tin và sắp xếp ý logic của học sinh, bám sát định hướng đề thi Đánh giá năng lực. Với đề thi này, các trường Đại học hoàn toàn có thể tự tin sử dụng để xét tuyển Đại học. 

Tổ Toán – Văn – Anh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam