Xã Nậm Búng đột phá cách giải quyết các tiêu chí khó, hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới

Thời sự, Xã hội | 09:25:00 11/03/2024

TNV - Ngày 19/1/2024 vừa qua, xã Nâm Búng (Văn Chấn – Yên Bái) vui mừng làm lễ đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Để hoàn thành mục tiêu này, trong năm 2023 xã Nậm Búng đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị dồn sức và quyết liệt đột phá cách giải quyết các tiêu chí khó; các cuộc giao ban đầu tuần và cuối tuần đều bàn sâu về nông thôn mới, kiểm tra sát sao, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh, đảm bảo tiến độ, kết quả thực hiện các tiêu chí ở từng thôn, ở phần việc của từng cán bộ được giao.

 Thanh niên là lực lượng xung kích, tạo động lực lôi cuốn các tầng lớp Nhân dân thay đổi nhận thức, tích cực tham gia xây dựng làng quê sạch đẹp.

Theo ông Đặng Ngọc Toán, Bí thư Đảng ủy kiêm Trưởng BCĐ xây dựng nông thôn mới xã Nậm Búng, đầu năm 2023 xã mới có 9/19 tiêu chí và 23/51 chỉ tiêu đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, khó khăn nhất là tiêu chí về giảm nghèo và môi trường. Lúc này tỷ lệ hộ nghèo của xã là 38,33% (gồm 252 hộ nghèo và 144 hộ cận nghèo), bài toán đặt ra là làm thế nào để tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 13%, tức là phải giảm được trên 261 hộ, trong khi bình quân các năm trước chỉ giảm được 50 – 60 hộ mỗi năm. Tất nhiên là với điều kiện không được ép dân, người dân phải đồng thuận.

Trên cơ sở phân tích, BCĐ xã thấy rằng nhiều hộ có tiềm năng thoát nghèo, hoặc có đủ điều kiện thoát nghèo từ những năm trước, nhưng do tâm lý e dè chưa mạnh dạn thoát nghèo, hoặc tư tưởng trông chờ ỷ lại Nhà nước hỗ trợ, và cả sự xuê xoa nể nang của chính quyền… nên các hộ này vẫn chưa thuộc diện thoát
nghèo. 

Đổi mới cách tuyên truyền vận động gắn với lợi ích lâu dài của người dân

Từ đây, xã tiến hành đổi mới cách tuyên truyền vận động theo hướng gắn với lợi ích lâu dài của người dân. Để người dân nhận thức rõ rằng, mọi sự hỗ trợ của Nhà nước đều không thể kéo dài mãi được. Nếu bà con không cố gắng vươn lên thoát nghèo thì mọi sự hỗ trợ (nếu có) cũng không làm cho bà con có đời sống bằng các hỗ tích cực làm ăn vươn lên thoát nghèo. Hơn nữa, bà con toàn xã (trong đó có cả gia đình mình) sẽ mất đi cơ hội được Nhà nước hỗ trợ các công trình phúc lợi, dự án đầu tư phát triển sản xuất... nếu xã chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Đồng thời, xã khuyến khích những hộ đăng ký thoát nghèo tùy thuộc vào tiềm năng về lao động, đất đai… cộng với nhu cầu gia đình, đều được xã hỗ trợ cây giống, con giống, hoặc máy sản xuất, hay xây sửa nhà mới… để cải thiện đời sống, đảm bảo thoát nghèo bền vững. 

Cùng đó tại thôn bản, công tác tuyên truyền được thực hiện “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền tại chỗ, thực hiện “cầm tay, chỉ việc” cho người dân. Công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú, ngắn gọn, dễ hiểu.

Ngoài ra, xã còn kết hợp tổ chức trên 100 hoạt động “Ngày cuối tuần cùng dân” cho trên 10.000 lượt người tham gia với phát động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên…thi đua xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh tuyên truyền qua những tấm gương, điển hình, qua các hình thức tuyên truyền “miệng” tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng về lợi ích của xây dựng nông thôn mới, từ đó người dân thay đổi nhận thức và tích cực  tham gia.

Nhờ vậy trong năm 2023, như một phép màu toàn xã có 268 hộ thoát nghèo (gồm: 136 hộ nghèo và 132 hộ cận nghèo), trong đó có hơn 100 hộ tình nguyện thoát nghèo. Qua rà soát, hiện toàn xã còn 116 hộ nghèo và 29 hộ cận nghèo, trong đó có 22 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo không có khả năng lao động, nên số hộ nghèo của xã chỉ còn 11,81%, đạt yêu cầu tiêu chí. 

Tổ thanh niên xung kích tại bản làm chủ lực

Đối với tiêu chí môi trường, đầu 2023 toàn xã còn 42,7% số hộ không có nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh chưa đạt. Khó khăn đặt ra là làm thế nào để kéo con  số trên về dưới 30%? Trong khi xã có trên 40% hộ là người dân tộc Dao, có tập quán đi vệ sinh ngoài khe nước ở gần khu vực sinh sống, chứ không làm nhà tiêu trên đất ở vì e sợ mùi hôi. Hủ tục này mang tới những hệ lụy xấu về môi trường, mỹ quan, sức khỏe… và bất tiện cho bà con. 

Ông Lâm (đứng giữa) khoe nhờ có thanh niên giúp sức, mấy tháng nay được sử dụng nhà tiêu mới, thấy sạch sẽ, tiện lợi hơn.

Nhận thấy việc thay đổi tập tục có từ nhiều đời nay của đồng bào Dao không phải là chuyện dễ, đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt, đột phá nhưng cũng phải phù hợp với tập quán văn hóa của người Dao. Và Lý A Liều chàng thanh niên người Dao, đang sinh sống cùng gia đình tại bản Dao hiện là Bí thư Đoàn xã được tin tưởng giao trọng trách đảm nhiệm chính công việc này. 

Với uy tín là người bản địa, vừa hăng hái các công việc chung của thôn vừa nhiệt tình giúp đỡ bà con trong bản khi có công to việc lớn như: dựng nhà, cưới hỏi,.. nên chàng Bí thư Đoàn xã được bà con nhất là thanh niên yêu mến. 

A Liều thành lập một tổ thanh niên xung kích tại bản gồm cả những bạn trẻ làm ăn xa quê và đang học trung học phổ thông, có nhiều tư tưởng đổi mới, tiến  bộ làm chủ lực. Kết hợp vừa tuyên truyền vận động ngay chính gia đình, người thân và tỏa ra cả bản, vừa tình nguyện giúp đỡ bà con vận chuyển vật liệu, đào hố, xây nhà tiêu. Tiêu biểu như: Triệu Quý Hoa - lớp 12 trường THCS &THPT Nậm Búng; Bàn A Phạm, 31 tuổi đang làm thợ hàn ở xuôi cũng về hăng hái giúp đỡ bà con; đặc biệt nhất là Bàn A Khé – trưởng thôn Nậm Chậu tham gia tích cực từ đầu đến cuối ròng rã mấy tháng trời và cũng là thợ xây chủ lực. 

Gia đình chị Nhị vừa thoát nghèo, nhưng đã có bể nước, nhà tắm, nhà vệ sinh khép kín từ 3 năm trước

Dẫn chúng tôi ra xem nhà tiêu tháng ở ngay phía sau nhà, ông Lý Phúc Lâm 55 tuổi người dân tộc Dao bản Nậm Chậu mừng rỡ cho biết, nhà tiêu của mình được mấy thanh niên giúp sức cùng với mình và em rể nên trong 2 – 3 ngày đã hoàn thành. “Từ tháng 10 năm 2023 cả nhà mình được sử dụng nhà tiêu mới, thấy sạch sẽ, tiện lợi hơn, đỡ phải đi xa nữa” – vợ chồng ông Lâm thật thà chia sẻ. 

Đến thăm hộ chị Hoàng Thị Nhị 38 tuổi nằm ngay ven đường Quốc lộ 32 mới thoát nghèo năm 2023. Ngôi nhà tuy nom bề ngoài bình dị nhưng vào trong quan sát kỹ thấy khá rộng rãi, chắc chắn và tươm tất tiện nghi. Ngoài tủ lạnh, máy giặt, còn có nhà tiêu tự hoại, nhà tắm có nóng lạnh, bể nước sạch đều nằm khép
kín ngay trong nhà. 

Chị Nhị cho hay, do có chồng làm nghề hàn ngay tại xã và con gái lớn làm công nhân gửi tiền về, còn thiếu một ít thì vay Ngân hàng Chính sách xã hội nên các hạng mục trên đều được làm từ 3 năm trước, trị giá 70 triệu đồng. Đến năm 2023, thì làm thêm téc nước và giàn năng lượng mặt trời hết 10 triệu đồng.

Khi được hỏi về chuyện thoát nghèo, chị cười nói: “Cũng ủng hộ thôi. Mình tự lập, tự làm ra mới có giá trị chứ!”. Nói về kinh tế gia đình, chị cho biết mới trồng 8.000 cây quế, mỗi năm lúa tẻ vụ chiêm hơn 1,5 tấn, lúa nếp vụ mùa bán được 8 triệu đồng. Con gái, con trai lớn đi làm không phải nuôi, nhà còn 2 vợ chồng và con trai học lớp 7 nữa nên cuộc sống cũng ổn. Tết vừa rồi mổ lợn 90kg để ăn tết. 

Tổ thanh niên xung kích giúp hộ Lý Thị Khé (thôn Nậm Chậu) làm nhà ở…

Qua câu chuyện của chị Nhị cho thấy, không chỉ xã Nậm Búng đã đi đúng hướng mà nếu chính quyền thôn, xã làm quyết liệt thì chắc hẳn tỷ lệ hộ nghèo ở nhiều địa phương sẽ giảm đi đáng kể.

Các tiêu chí khó liên quan đến hạ tầng, cơ sở vật chất được thực hiện từ sớm

Trao đổi với ThanhnienViet.vn về chiến dịch giúp bà con bản Dao làm nhà tiêu hợp vệ sinh, anh Lý A Liều tâm sự Đoàn xã đã huy động 50 ĐVTN tham gia hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho 20 hộ gia đình khó khăn tại thôn Nậm Chậu và thôn Sài Lương; trong đó có một số hộ gia đình đặc biệt khó khăn như gia  đình: Triệu Y Khoa, Triệu A Khé, Bàn Thị Sên... 

Thấy vậy, rất nhiều hộ người Dao nhất là các hộ có thanh niên đều thi đua nhau làm nhà tiêu hợp vệ sinh cho riêng gia đình. Đến cuối năm thì xã có thêm 326 hộ có nhà vệ sinh đạt chuẩn, đưa tỷ lệ hộ dân có nhà vệ sinh đạt chuẩn lên 88,98%, vượt so với yêu cầu ngót 20%. Ngoài ra, ĐVTN trong xã còn tích cực tham gia dọn dẹp vệ sinh đường giao thông nông thôn, trồng hoa dọc các tuyến đường thanh niên tự quản; ra quân thu gom rác thải, vỏ thuốc bảo vệ thực vật; lắp đặt thắp sáng đường quê 1,5 km tại thôn Nậm Chậu,... góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường, xây dựng nông thôn mới, A Liều tự hào nói. 

… và giúp hộ chị Phây (thôn Sài Lương) làm nhà tiêu hợp vệ sinh.

Qua thực tế ở nhiều địa phương, tiêu chí khó nhất thường liên quan đến đường giao thông, hay xây dựng cơ sở vật chất trường học, nhà văn hóa. Nhưng đối với xã Nậm Núng, thì việc thực hiện các tiêu chí này luôn được xã chú trọng huy động các nguồn lực triển khai sớm ngay từ các năm trước, nên đã tạo thuận lợi
cho xã tăng tốc hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Có thể nói, bên cạnh việc chủ động phân kỳ thực hiện các tiêu chí liên quan đến đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng ngay từ sớm, cộng với tinh thần quyết liệt và đột phá cách giải quyết các tiêu chí khó, là những kinh nghiệm hay từ thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở xã Nậm Búng rất đáng để các địa phương khác tham khảo, vận dụng.

 Đường giao thông thôn, xã và các công trình công cộng được chú trọng thực hiện từ sớm.

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam