Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Chế Cu Nha rộn ràng vào năm học mới

Giáo dục | 15:15:00 09/09/2015

Vừa tan lớp, Khang A Dê học sinh lớp 6A ở bản Dề Thàng đã được mẹ đón về ăn Tết Độc lập 2/9 và chuẩn bị quần áo, sách vở mới cho A Dê khai giảng năm học mới. Còn các bạn ở bán trú trong trường cũng đều trong tâm trạng háo hức, sau bữa cơm trưa cũng sẽ về nhà báo tin cho bố mẹ cùng đến dự khai giảng, bởi lễ khai giảng năm nay nhà trường đón nhận danh hiệu trường chuẩn quốc gia.

Trường chuấn quốc gia

Xã Chế Cu Nha nằm về phía Nam huyện lỵ dọc theo Quốc lộ 32, là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái với diện tích tự nhiên 4.296,99 ha. Toàn xã có 6 bản, dân số 3085 khẩu với 511 hộ, trong đó có 334/511 hộ nghèo chiếm 65.3%, 31/511 hộ cận nghèo chiếm 6.06%, dân tộc Mông chiếm 99,6%.

Song nhờ sự phấn đấu nỗ lực của thầy và trò, sự giúp sức nhiệt thành của các bậc phụ huynh, và đặc biệt là cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm, đồng tình ủng hộ nên công tác giáo dục phát triển đều ở các cấp học, hệ thống trường lớp được đầu tư xây dựng kiên cố, chất lượng giáo dục ngày được nâng cao. Nhà trường đã làm tốt công tác chuyên môn, nuôi dưỡng và xây dựng môi trường sư phạm “xanh - sạch - đẹp”. Trường PTDTBT THCS Chế Cu Nha đã hoàn thành 05 tiêu chí, được UBND tỉnh Yên Bái công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2015.

Bước vào năm học 2015 - 2016, nhà trường có 26 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên (trong đó: 3 cán bộ quản lý, 19 giáo viên, 4 nhân viên); 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn, trong đó trên chuẩn chiếm 61,5%; có 01 chi bộ đảng gồm 11 đảng viên, trực thuộc Đảng bộ xã Chế Cu Nha; các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên và Ban đại diện cha mẹ học sinh ... hoạt động có hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.

Trường có 08 lớp với 223 học sinh, trong đó: 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, 140/223 học sinh bán trú, chiếm tỷ lệ 62,7%. Hàng năm duy trì tỷ lệ thường xuyên đến lớp đạt 95 %; Chất lượng 2 mặt giáo dục ngày được nâng cao; 100% học sinh đạt tốt nghiệp THCS.

Cơ sở vật chất nhà trường được đầu tư hàng năm theo hướng xây dựng trường đạt chuẩn: Diện tích toàn trường là 3750 m2, bình quân/HS đạt 16,8m2; phòng học đủ cho 8 lớp học 2 buổi/ngày, có đủ các phòng học chức năng theo quy định của Điều lệ trường trung học.

19 giáo viên trong trường được  biên chế ở  02 tổ chuyên môn: tổ Khoa học xã hội có 9 giáo viên, tổ Khoa học tự nhiên có 10 giáo viên; hoạt động theo quy định của Điều lệ trường học. Hai tổ chuyên môn đã đề xuất và giải quyết được các chuyên đề tập trung vào các nội dung như: Ứng dụng CNTT dạy học; Sử dụng sơ đồ tư duy vào dạy học lịch sử; Giảng dạy theo phương pháp "Bàn tay nặn bột" môn vật lý, sinh học và cải tiến hình thức sinh hoạt tập thể...Các nội dung chuyên đề có tác dụng nâng cao hiệu quả dạy học.

 Hàng năm, 100% CBGVNV nhà trường đều được tham gia học tập đầy đủ các nội dung và phương pháp giảng dạy theo yêu cầu chuẩn kiến thức kỹ năng, yêu cầu giảm tải chương trình từ lớp 6 đến lớp 9, thực hiện lồng ghép và tích hợp giáo dục môi trường, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, kỹ năng sống...Bên cạnh công tác bồi dưỡng thường xuyên, nhà trường còn tạo điều kiện cho CBGVNV đi học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Tính đến năm học 2015 - 2016 trường đã có 3 cán bộ,  giáo viên đi học lớp Trung cấp lý luận chính trị, 09 giáo viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn, nâng tỷ lệ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn lên 61,5%; Số giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi huyện trở lên: 6/19, tỷ lệ : 32%; Giáo viên đạt tổng phụ trách đội giỏi cấp tỉnh : 01; Số giáo viên xếp loại khá trở lên theo quy định chuẩn nghề nghiệp 19/19, tỉ lệ 100%. Số giáo viên thiếu theo cơ cấu bộ môn: Không. Tỷ lệ học sinh bỏ học 0,9 %; tỉ lệ lưu ban: Không.

          Nhà trường thực hiện nghiêm túc các hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông. Tích hợp lồng ghép các nội dung giáo dục, hoạt động giáo dục  ngoài giờ lên lớp (NGLL), giáo dục hướng nghiệp, giáo dục giới tính, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng...vào các môn văn hoá. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức các buổi ngoại khóa như Em yêu văn học, Giáo dục Kỹ năng sống, Tuyên truyền về An toàn giao thông… Tổ chức văn nghệ mừng Đảng, mừng xuân gắn với việc tuyên truyền "Ăn chung một tết" cho đồng bào Mông ở địa phương. ..

          Hằng năm nhà trường đề xuất chỉ tiêu, lập kế hoạch và tham gia cùng chính quyền địa phương xét duyệt học sinh bán trú. Giáo dục tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, kỹ năng sống, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường cho học sinh. Tổ chức cho học sinh tham gia lao động lao động công ích, sản xuất để cải thiện điều kiện ăn, ở, học tập. Tổ các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao... Tổ chức nấu ăn tập thể cho học sinh bán trú đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; chăm sóc sức khỏe cho học sinh bán trú…

Nhà trường thực hiện nghiêm túc kế hoạch của Ban chỉ đạo phổ cập xã, phối kết hợp với các đoàn thể, trưởng bản làm tốt công tác điều tra, tổng hợp và huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp. Năm 2003, nhà trường được công nhận Phổ cập Giáo dục THCS. Tính đến năm học 2014 - 2015 có 99,1% tỷ lệ trẻ trong độ tuổi từ 11 - 14 tuổi đi học; có 92.6% tỷ lệ người trong xã độ tuổi 15 - 18 có bằng tốt nghiệp THCS.

Đến nay, 100% cán bộ giáo viên nhà trường sử dụng thành thạo công nghệ thông tin trong công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Mỗi giáo viên đều đã lập email cá nhân để trao đổi thông tin với nhà trường. Có 5 máy phục vụ cho công tác quản lý; có 01 phòng bộ môn tin học với 02 máy chiếu phục vụ giảng dạy, có kết nối mạng Internet; có Website riêng của nhà trường.

Rộn ràng năm học mới

Chỉ còn mấy ngày nữa là đến ngày khai giảng năm học mới, cát, sỏi xi măng được tập kết ngay cổng trường để hoàn thành nốt phần sân trường còn lại. Căn phòng ăn lắp ghép bằng tôn dành cho học sinh bán trú rộng chừng 100 m2, đang được các tốp thợ hối hả hoàn thiện phần mái.

Trong phòng đợi của giáo viên, tranh thủ trước giờ lên lớp cô giáo Lý Thị Hà, Lương Thị Hà và Đào Thị Hương đang gấp rút làm đồ dùng trang trí lớp học theo chương trình vừa mới đi tập huấn về. Vào thăm mấy căn phòng làm nơi ở tập thể cho giáo viên của trường, tuy đã gần trưa nhưng thầy giáo Giàng A Đảng vẫn cặm cụi làm hòm thư góp ý và sơ đồ Hội đồng quản trị lớp 6A do thầy Giàng A Đảng và cô Bùi Thị Hạnh cùng làm chủ nhiệm.

Vừa tan lớp, Khang A Dê học sinh lớp 6A ở bản Dề Thàng đã được mẹ đón về ăn Tết Độc lập 2/9 và chuẩn bị quần áo, sách vở mới cho A Dê khai giảng năm học mới. Còn các bạn ở bán trú trong trường cũng đều trong tâm trạng háo hức, sau bữa cơm trưa cũng sẽ về nhà báo tin cho bố mẹ cùng đến dự khai giảng, bởi lễ khai giảng năm nay nhà trường đón nhận danh hiệu trường chuẩn quốc gia.

Thực hiện ước mơ trên chính quê hương mình

Sinh ra ở  vùng quê thuộc huyện Xuân Trường (Nam Định), do gia cảnh khó khăn,  năm 1996 Hùng đã theo bác khi ấy là bộ đội công tác ở Mù Căng Chải và học cấp 3 tại mảnh đất heo hút khó khăn này. Cảm mến tình đất tình người nơi đây, Hùng đã theo học sư phạm và chọn  mảnh đất với những thửa ruộng bậc thang đẹp đến mê mẩn lòng người này làm nơi lập nghiệp. Tốt nghiệp ra trường năm 2004, Hùng được phân công về xã Chế Cu Nha công tác. Gần 20 năm sinh sống trên mảnh đất Mù Căng Chải, trong đó có 11 năm gắn bó với học sinh xã Chế Cu Nha ở chàng trai 33 tuổi Trần Văn Hùng luôn toát lên niềm lạc quan yêu đời. Hùng tâm sự: không nuối tiếc khi đã chọn vùng cao nghèo khó này làm nơi lập nghiệp, bởi nơi đây đã cho anh cuộc sống ổn định, được cống hiến và những tình cảm chân thành mộc mạc của học trò dành cho. Được biết, Hùng nguyên là bí thư đoàn trường năng động và hiện là giáo viên giỏi của huyện, tổ trưởng tổ khoa học tự nhiên của trường.

Cách đây 29 năm trước, ở tuổi đôi mươi tràn đầy xuân xanh cô Nguyễn Thị Luyến (Hiệu trưởng) đã có mặt ở vùng non cao xa tắp Mù Căng Chải để đem con chữ đến với các bản làng heo hút trên đỉnh núi. 29 năm cần cù gieo từng con chữ, bàn chân cô đã đến hàng chục bản làng ở 12/13 xã trong toàn huyện. Chỉ nay mai là cô về nghỉ chế độ, nhưng niềm vui lớn nhất của cô là các lứa học trò của cô có nhiều em đã trở thành thầy giáo, cô giáo. Ngay tại ngôi trường hiện nay có 08 cán bộ, giáo viên là học trò của cô, trong đó có cô giáo Nguyễn Mai Hương (lớp học trò đầu tiên của cô) nay đã là đồng nghiệp, là  hiệu phó của trường;  – ánh mắt rạng ngời cô Luyến tự hào khoe với chúng tôi.

Bên cạnh lứa học trò nay đã trở thành đồng nghiệp như của cô giáo Luyến, thì ước mơ ngày nào trở thành thầy giáo, cô giáo của chính con em đồng bào vùng cao nay đã thành hiện thực. Đó là Giàng A Khua người con của bản Thào Chua Chải giáo viên môn văn – sử, Lý Thị Hà ( bản Trống Tông) giáo viên môn văn – sử, Giàng A Đảng (bản Thào Chua Chải) giáo viên môn toán – lý. Và chính họ đang hàng ngày thực hiện ước mơ mang cái chữ đến cho đồng bào mình, ngay trên mảnh đất Chế Cu Nha quê hương mình./.

Dưới đây là một số hình ảnh về nhà trường:

Sân trường và phòng ăn đang gấp rút hoàn thành.

 

 

Các giáo viên làm đồ dùng cho lớp học

Học sinh bán trú

Khang A Dê được mẹ đón về ăn Tết Độc lập

 

Rộn ràng bữa cơm bán trú

 

Bờ kè đường trước cổng trường – một trong những hạng mục xã hội hóa được
UBND xã triển khai ủng hộ nhà trường.

Trần Văn Hùng (áo trắng) từ miền xuôi lên vùng cao dạy học – đang trò chuyện với tác giả.

Bài và ảnh: Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam