Thực trạng và một số giải pháp nhằm nâng cao kỹ năng tư duy phản biện của sinh viên trong quá trình học tập môn Triết học Mác - Lênin ở các trường ĐH Việt Nam hiện nay

Giáo dục | 11:32:00 09/01/2023

NCKH - Ở bài viết dưới đây, người viết đã khảo sát 857 sinh viên nhằm chỉ ra thực trạng kỹ năng tư duy phản biện của người học trong quá trình học tập môn Triết học Mác – Lênin ở các trường đại học Việt Nam hiện nay và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao kỹ năng này cho các em.

 

Tóm tắt: Hiện nay, kỹ năng phản biện được coi là một trong những kỹ năng hàng đầu, có vai trò thiết yếu, có tầm ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, học tập cũng như công việc ở thế kỷ XXI. Trong quá trình học tập môn Triết học Mác – Lênin hiện nay, sinh viên có kỹ năng tư duy phản biện tốt hơn trước nhưng bên cạnh đó nhiều em vẫn còn hạn chế. Ở bài viết dưới đây, người viết đã khảo sát 857 sinh viên nhằm chỉ ra thực trạng kỹ năng tư duy phản biện của người học trong quá trình học tập môn Triết học Mác – Lênin ở các trường đại học Việt Nam hiện nay và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao kỹ năng này cho các em.

Từ khóa: tư duy phản biện (TDPB), kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng tư duy phản biện triết học Mác – Lênin.

  1. I.   Đặt vấn đề

Nền giáo dục hiện đại là hướng đến xây dựng những công dân toàn cầu có khả năng làm chủ, có năng lực tư duy tốt để thích ứng và giải quyết những vấn đề mới của thời đại. Vì thế, ngay từ khi bắt đầu tiếp cận ở bậc đại học, sinh viên không chỉ học khoa học chuyên ngành mà còn phải học một môn học khá quan trọng đó là Triết học Mác – Lênin. Bởi, Triết học Mác – Lênin và các khoa học chuyên ngành có mối quan hệ chặt chẽ với nhau không tách rời đó là mối quan hệ giữa cái chung với cái riêng. Việc giáo dục Triết học Mác – Lênin trong các trường đại học ở Việt Nam có vai trò quan trọng, góp phần vào việc xây dựng thế giới quan và phương pháp luận khoa học chung nhất trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn cho sinh viên nhằm hướng đến đào tạo nguồn nhân lực có đủ năng lực để làm chủ, thích ứng và giải quyết những vấn đề của thời đại mới. Như lời của Nguyên bộ trưởng Thông tin và truyền thông Việt Nam - Lê Doãn Hợp từng phát biểu, thế kỷ 20 học để vâng lời còn thế kỷ 21 là học để phản biện, phải phản biện mới ra chân lý. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, khi có TDPB mà thiếu kỹ năng phản biện thì kết quả học tập và lao động sẽ không đạt được hiệu quả và không thành công như mong muốn. Thực tế cho thấy, cần thiết phải có bức tranh tổng quan đánh giá đúng thực trạng và đề ra một số giải pháp nhằm nâng cao kỹ năng TDPB của sinh viên trong quá trình học tập môn Triết học Mác – Lênin ở các trường đại học Việt Nam hiện nay.

    II.  Nội dung nghiên cứu

  1. 1.    Một số khái niệm cơ bản

Tư duy phản biện

Có rất nhiều quan điểm về tư duy phản biện. Theo Richard Paul-Linda Elder cho rằng: “TDPB là nghệ thuật phân tích và đánh giá tư duy với định hướng cải thiện nó”1 [3, tr.11].Nghĩa là mô hình tư duy – về một chủ đề, một vấn đề, một nội dung bất kỳ – trong đó chủ thể tư duy cải tiến chất lượng tư duy của mình bằng việc điều khiển một cách thành thạo các cấu trúc nền tảng có sẵn của tư duy và áp đặt các tiêu chuẩn của hành động trí tuệ lên quá trình tư duy. Theo Michael Michalko: “TDPB là khả năng, hành động để thấu hiểu và đánh giá được những dữ liệu thu thập được thông qua quan sát, giao tiếp, truyền thông và tranh luận”2 [4, Tr.185].

Kỹ năng tư duy phản biện

 Theo Phan Thị Thanh Hội và Lê Thanh Oai, “Kỹ năng TDPB là một chuỗi các hoạt động được cá nhân thực hiện thuần thục nhằm phân tích thông tin, đưa ra lập luận nhằm chứng minh một vấn đề, ý kiến, quan điểm, qua đó thuyết phục người nghe nhìn nhận vấn đề theo một khía cạnh khác”3 [6, tr.1020].

Tiếp thu các quan điểm trên, tôi cho rằng, kỹ năng TDPBlà khả năng vận dụng kiến thức, kinh nghiệm để xác định, phân tích, suy luận và đánh giá một vấn đề nào đó dựa trên các tiêu chuẩn trí tuệ trước khi đưa ra kết luận hay quyết định nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề đặt ra.

Theo Facione, TDPB có liên quan đến nhiều kỹ năng cốt lõi như: Kỹ năng diễn giải: Biết phân loại, làm rõ ý nghĩa của các tình huống, chủ đề hay dữ kiện nào đó; Kỹ năng phân tích: Có khả năng kiểm tra tính chính xác của các ý tưởng; xác định được nguyên nhân và mục tiêu; Kỹ năng suy luận, phán đoán: Phỏng đoán, tìm kiếm chứng cứ; đề xuất một kết luận hợp lí, có sức thuyết phục hoặc đưa ra một lựa chọn thay thế cho kết quả bị bác bỏ; Kỹ năng đánh giá: Biết đánh giá độ tin cậy của tuyên bố và đánh giá chất lượng của các luận cứ; Kỹ năng giải thích: Chứng minh kết quả, biện luận về quy trình, tranh luận về các kết quả đã trình bày; Kỹ năng tự điều chỉnh: tự đánh giá bản thân và sửa lại cho đúng4[7, tr. 9].

Trên tinh thần kế thừa, tiếp thu các quan điểm trên, tôi đưa ra định nghĩa kỹ năng TDPB Triết học Mác – Lênin theo hướng nghiên cứu của mình như sau: Kỹ năng TDPB Triết học Mác – Lênin là một chuỗi các hoạt động được cá nhân (sinh viên) thực hiện thuần thục nhằm phân tích thông tin, thu thập minh chứng, đưa ra lập luận để chứng minh hoặc bác bỏ một vấn đề, ý kiến, quan điểm, một học thuyết nào đó của các triết gia trong lịch sử triết học đặc biệt là Triết học Mác – Lênin.

2.   Thực trạng kỹ năng TDPBcủa sinh viên trong quá trình học môn Triết học Mác – Lênin tại cáctrường Đại học ở Việt Nam hiện nay

Dưới sự hỗ trợ của công cụ Google form bằng hình thức trắc nghiệm, điều tra tôi thu được 857 phiếu trả lời hợp lệ của sinh viên trong các trường đại học và thấy được thực trạng kỹ năng TDPB khi học môn Triết học Mác – Lênin của sinh viên ở Việt Nam như sau:

Thứ nhất, sinh viên học thụ động vẫn còn rất nhiều, các em bước vào lớp học với tâm trí như chiếc bình rỗng để được lấp đầy kiến ​​thức hay tiếp nhận toàn bộ kiến thức trong sách vở. Bảng 1, làm rõ thực trạng này.  

 

Thứ hai, kỹ năng đặt câu hỏi phản biện của sinh viên còn thấp. Sinh viên không “tò mò”, đặt câu hỏi và tìm câu trả lời, thậm chí có thể nói là ỷ lại chờ thầy/ cô, bảng 2 dưới đây chỉ rõ vấn đề này.

 

Thứ ba, kỹ năng phân tích thông tin của sinh viên khi học môn Triết học Mác – Lênin chưa cao. Mặc dù nhiều sinh viên báo cáo rằng có đặt câu hỏi để giải đáp vấn đề nhưng thực tế lại cho thấy cách đặt câu hỏi ở các em thường ở mức độ dễ, chưa có chiều sâu, tầm rộng, bảng 3 phản ánh điều này.

Thứ tư, có rất nhiều sinh viên thiếu kỹ năng diễn giải (lập luận), thiếu ngôn ngữ phù hợp để làm rõ vấn đề đặt ra, thậm chí nhiều em không tự tin trình bày ý kiến của mình. Cụ thể, khi các giảng viên giảng dạy yêu cầu sinh viên phân tích và trình bày vấn đề, có rất nhiều sinh viên nói rằng: dạ thưa thầy/ cô, em hiểu mà không biết nói thế nào ạ, bảng 4 nêu rõ thực trạng.

 

Thứ năm, kỹ năng đánh giá, rút ra kết luận để vận dụng vào hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn ở sinh viên khi học môn Triết học Mác – Lênin chưa hiệu quả. Đặc biệt, trong tư tưởng của một bộ phận không nhỏ sinh viên quá đề cao môn chuyên ngành học của mình, do đó tâm thế các em học cho qua môn, không chịu hoặc không biết cách giải quyết vấn đề để rút ra kết luận, vận dụng vào thực tiễn, bảng 5 phản ánh như sau:

 

Thứ sáu, kỹ năng thu thập thông tin, sử dụng tri thức có được để trình bày, phân tích một cách rõ ràng thuyết phục có chiều sâu ở sinh viên còn thấp, các em lười sáng tạo, trau dồi kiến thức, sinh viên chưa biết khái quát, nắm vững thông tin đa dạng về các lĩnh vực để có thể tranh luận và bảo vệ luận điểm của mình với các bạn cũng như với các giảng viên.

Cuối cùng, nhiều em hiểu chưa đúng về TDPB nên chuyển sang tư duy phản bác để phê phán nội dung theo tư duy cá nhân.

3. Một số giải pháp góp phần nâng cao kỹ năng TDPB cho sinh viên trong quá trình học tập môn Triết học Mác – Lênin tại các trường Đại học Việt Nam hiện nay

Trải qua quá trình giảng dạy và công tác, tôi đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao kỹ năng TDPB cho sinh viên trong quá trình học tập môn Triết học Mác – Lênin tại các trường Đại học ở Việt Nam như sau.

Thứ nhất, sinh viên cần rèn luyện kỹ năng tự học và chủ động nắm bắt, phân tích vấn đề để có được thế giới quan khoa học và phương pháp luận biện chứng. Đây là điểm khởi đầu của TDPB. Chúng ta đều thấy rằng, cùng một môi trường học tập và rèn luyện như nhau nhưng kết quả học tập lại khác nhau. Rõ ràng ý thức tự học là yếu tố quyết định thành công của mỗi người. Do đó, sinh viên cần đọc Giáo trình, chọn các cuốn sách về các chủ đề mà bạn quan tâm; tự học thông qua trải nghiệm thực tế, có cái nhìn khách quan, như vậy mới có thể lập luận vấn đề một cách chính xác.

Thứ hai, kích thích khả năng đặt câu hỏi của sinh viên. Đây là cách quan trọng nhằm kích thích người học TDPB. Việc đặt câu hỏi là để hiểu rõ bản chất lý do nó tồn tại, cải thiện nó nếu có thể và nếu tính đúng đắn không còn phù hợp nữa cũng là lúc xem xét phương án thay đổi để tốt hơn.Các câu hỏi có thể hỏi ở cấp thấp (hướng vào sự ghi nhớ) hoặc câu hỏi cấp cao hơn (yêu cầu người học vận dụng các thông tin trả lời), buộc người học nỗ lực nhiều hơn để suy luận, phân tích và đánh giá. Elon Musk, “người khổng lồ” trong lĩnh vực công nghệ, chia sẻ rằng ông đã thông thạo về khoa học tên lửa bằng cách "đọc và đặt câu hỏi"5 [10, tr.3].

Thứ ba, nâng cao năng lực tư duy ngôn ngữ của sinh viên trong quá trình học môn Triết học Mác – Lênin. Theo chủ nghĩa Mác – Lênin, ngôn ngữ là hệ thống tín hiệu và là cái vỏ vật chất của tư duy, hình thức biểu đạt của tư tưởng... ngôn ngữ càng phong phú thì tư duy càng phát triển. Do đó, trong quá trình học sinh viên phải nắm được rõ các phạm trù, khái niệm và nội dung các bài học trước, nếu có phạm trù mới ở bài học mới thì giảng viên sẽ gợi ý về nghĩa của nó, từ đó giúp các em tự tin hơn khi thảo luận hay tranh luận, phân tích, chứng minh để tìm ra chân lý.

Thứ tư, sinh viên cần rèn luyện kỹ năng phản biện khi giao tiếp. Thực tế cho thấy rằng, không chỉ sinh viên mà ngay cả người trưởng thành khi thực hiện công tác phản biện không phải ai cũng có kỹ năng phản biện tốt và được yêu thích. Thậm chí, có những khi người phản biện đã suy nghĩ thấu đáo nhưng nếu không biết cách giao tiếpsẽ không đem lại kết quả như mong muốn. Vì vậy, ngay từ bây giờ, sinh viên hãy rèn luyện để vừa biết cách trình bày hết ý của mình với người khác, đồng thời cũng phải biết lắng nghe, tiếp thu và cảm thông cho người khác để đưa ra giải pháp hợp lý, đi đến chân lý.

Thứ năm, để sinh viên có được kỹ năng tư duy phản biện cần có một số tiêu chí đặt ra cho giảng viên

Một là, giảng viên phải có kiến thức chuyên môn và phương pháp giảng dạy tích cực. Nghĩa là giảng viên có kỹ năng làm việc chuyên nghiệp dưới những kiến thức đã được đào tạo bài bản, trong quá trình giảng dạy một đơn vị kiến thức, giảng viên có thể liên kết, hệ thống hoá kiến thức cần thiết giúp người học dễ nắm bắt những nội dung chính của bài học sẽ tạo được sự tự tin, chủ động dẫn dắt người học tiếp cận kiến thức thông qua quá trình phản biện. Khi giảng viên đã thành thạo về chuyên môn và có phương pháp sư phạm tốtbài giảng sẽ đạt được hiệu quả.

Hai là, giảng viên phải có kỹ năng sư phạm và phẩm chất đạo đức nhà giáo để nâng cao TDPB cho sinh viên. Kỹ năng sư phạm giúp giảng viên có thể quan sát, bao quát và nắm bắt được tâm lý người học, từ đó thu hút được người học một cách có hiệu quả. Muốn vậy, giảng viên Triết học Mác – Lênin cần có nhiều kỹ năng và phẩm chất như lắng nghe tích cực, đặt câu hỏi kích thích tư duy, định hướng thông tin;phải có lòng nhiệt huyết, yêu nghề, truyền cảm xúc vào môn học, có tác phong nghiêm túc, chuẩn bị giáo án chỉn chu, có tâm tư, tình cảm với nội dung bài học và với sinh viên.

Ba là, giảng viên phải tạo được môi trường học tập thân thiện, dân chủ để phát huy quyền tự chủ của sinh viên. Thảo luận nhóm được coi là cách hiệu quả để tạo điều kiện cho việc học sâu, giúp các em hiểu biết sâu sắc những quan điểm của người khác và phát triển TDPB bởi hoạt động này yêu cầu người học suy nghĩ thấu đáo và làm rõ ý tưởng của mình và nếu có sự chệch hướng giảng viên sẽ khéo léo định hướng lại cho các em. Để làm được điều này, sinh viên cần chú ý lắng nghe, phản hồi một cách tích cực và thích hợp, xây dựng ý tưởng, vẽ sơ đồ tư duy hoặc mời người khác trả lời, đặt câu hỏi làm rõ, bày tỏ đồng ý hoặc không với những dẫn chứng đầy đủ và thuyết phục.

Bốn là, giảng viên gắn lý luận với thực tiễn trong quá trình giảng dạy môn Triết học Mác – Lênin. Tri thức triết học mang tính khái quát và trừu tượng cao khó có thể được lĩnh hội sâu sắc nếu không gắn với thực tiễn và trải nghiệm cá nhân. Ví dụ, khi giảng dạy phần Lý luận nhận thức, tôi thường đưa ra vấn đề như:“Trong nhận thức và hoạt động thực tiễn, mọi chủ trương, đường lối, kế hoạch, mục tiêu đều phải xuất phát từ thực tế khách quan, từ những điều kiện, tiền đề vật chất hiện có. Phải tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, nếu không sẽ gây ra những hậu quả tai hại khôn lường”6 [2, tr.180-181]. Từ lý luận của triết học Mác - Lênin: Anh (chị) hãy phân tích mối quan hệ giữa vật chất và ý thức để làm rõ quan điểm trên; sinh viên cần làm gì để phát huy tính năng động sáng tạo của ý thức, tránh thái độ thụ động, ỷ lại, ngồi chờ, bảo thủ, trì trệ, thiếu tính sáng tạo?

III. Kết luận

Dù bạn học bất kỳ chuyên ngành nào, dù người lao động làm ở đâu cũng cần có TDPB, nó là năng lực không thể thiếu đối với con người ở thế kỉ 21. Đặc biệt khi đã có tư duy phản biện, thậm chí đã chuẩn bị kỹ càng nhưng nếu thiếu kỹ năng phản biện thì sẽ không đạt được kết quả như mong muốn. Do đó, khi học triết học Mác – Lênin cũng như các môn học khác, ngay từ bây giờ sinh viên phải rèn luyện để nâng cao kỹ năng phản biện của mình, có như vậy mới đi đến thành công trong học tập và cuộc sống cũng như trong sự nghiệp của thời đại mới. Đồng thời, muốn nâng cao kỹ năng này cho sinh viên thì các giảng viên khi giảng dạy cũng cần định hướng phát triển nó cho sinh viên để giúp các em hình thành ý thức tự chủ trong học tập, sự tự tin, suy nghĩ độc lập, nâng cao khả năng sáng tạo, thái độ tôn trọng chân lý khách quan.

 Hoàng Thị Duyên

Khoa Lý luận chính trị, Trường đại học Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. C. Mác - Ph. Ăngghen (1994). Toàn tập (tập 20). NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật.

2. Bộ giáo dục và đào tạo, Giáo trình Triết học Mác – Lênin (dành cho bậc đại học không chuyên lý luận chính trị), Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội – 2021.

3. Richard Paul - Linda Elder (2012). Cẩm nang tư duy phản biện khái niệm và công cụ. NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

4. Michael Michalko, Đột phá sức sáng tạo-Bí mật của những thiên tài sáng tạo. NXB Tri thức, (2006).

5. Vũ Thị Như Hương, Tài liệu giảng dạy CRITICAL THINKING, Trung tâm Đào tạo tiền tiến sĩ, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (lưu hành nội bộ), 2012.

6. Phan Thị Thanh Hội và Lê Thanh Oai, TDPB, 2020

7. Facione, TDPB, 2015.

8. Nguyễn Thị Hòa, Bàn về tư duy phản biện trong giáo dục đại học, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Đồng Nai, số 5/2017.

9. Hoàng Phê (chủ biên) 2008, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.

10. http://www.businessinsider.com/how-elon-musk-overcomes-challenges-2013.

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam