Nhận thức của sinh viên Học viện An ninh Nhân dân về chuyển đổi số trong giáo dục hiện nay

Lý luận trẻ | 16:00:00 01/03/2024

NCKH - Tóm tắt: Chuyển đổi số trong giáo dục hiện nay đang trở thành xu thế của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, Chính phủ xác định ưu tiên trong chuyển đổi số là chuyển đổi về nhận thức của người dân, trong đó có lực lượng sinh viên. Đề tài khoa học này nghiên cứu nhận thức của sinh viên Học viện An ninh nhân dân về sự chuyển đổi số trong giáo dục hiện nay. Nghiên cứu được thực hiện trên mẫu gồm 328 sinh viên, khóa đào tạo chính quy hệ đại học tại Học viện An ninh nhân dân. Dữ liệu được thu thập thông qua một bảng câu hỏi trực tuyến. Kết quả nghiên cứu này góp phần cung cấp thông tin hữu ích để cải thiện chính sách giáo dục, chương trình học và phương pháp giảng dạy và học tập trong quá trình chuyển đổi số.

Từ khóa: Nhận thức, sinh viên, chuyển đổi số, giáo dục.

1. Đặt vấn đề

Từ lâu, giáo dục và đào tạo đóng vai trò quan trọng với mọi quốc gia, mọi chế độ. Tại Việt Nam, giáo dục và đào tạo luôn được coi là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Để giáo dục và đào tạo xứng tầm với sự phát triển của đất nước thì đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo phải được chú trọng quan tâm, tạo điều kiện.

Hiện nay, cùng với sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ, chuyển đổi số cũng đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu và tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Không đứng ngoài xu thế tất yếu đó, Việt Nam đã ban hành chương trình hay chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia.

Ngày 03/06/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” [4], trong đó giáo dục được xác định là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số. Quyết định cũng nhấn mạnh, nhiệm vụ đầu tiên tạo nền móng chuyển đổi số là chuyển đổi nhận thức. Tuy nhiên, hiện nay có ít nghiên cứu về nhận thức của người dân, đặc biệt là đối tượng sinh viên về chuyển đổi số trong giáo dục. Chuyển đổi số trong giáo dục không đơn thuần chỉ là ứng dụng công nghệ mà cần có sự tham gia tích cực của tất cả các bên liên quan, trong đó người học đóng vai trò trung tâm.

Học viện An ninh nhân dân là một trong những cơ sở giáo dục hàng đầu của Bộ Công an đang thực hiện chủ trương chuyển đổi số trong giáo dục. Học viện đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi phương thức đào tạo sang môi trường số và đang trong giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ về chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo theo hướng hiện đại hóa; bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, để quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đạt hiệu quả cao thì nhận thức của sinh viên đóng vai trò rất quan trọng. Do đó, bài báo “Nhận thức của sinh viên Học viện An ninh nhân dân với chuyển đổi số trong giáo dục hiện nay” nghiên cứu một vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất lớn, mang tính thời sự và cấp bách.

2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này áp dụng phương pháp tiếp cận hỗn hợp, kết hợp định lượng và định tính nhằm khảo sát toàn diện nhận thức về chuyển đổi số trong giáo dục của sinh viên Học viện An ninh nhân dân. Đối tượng nghiên cứu bao gồm sinh viên năm 2, 3 và 4, hệ đào tạo chính quy được lựa chọn theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên dựa trên các năm học khác nhau. Nghiên cứu thực hiện gửi đường link khảo sát qua email cho người tham gia. Sau quá trình khảo sát, số phiếu thu thập 328 phiếu khảo sát đầy đủ thông tin đạt yêu cầu để đưa vào phân tích chính thức. Công cụ khảo sát chính là bảng hỏi trực tuyến Google Form bởi vì sự thuận tiện, dễ thu thập dữ liệu từ số lượng lớn mẫu, tập trung vào 4 nhóm nội dung gồm: Nhận thức chung về chuyển đổi số; Nhận thức về các hình thức học tập; Khả năng ứng dụng công nghệ số; Khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi số. Bảng hỏi được xây dựng dựa trên thang đo Likert nhằm định lượng hóa các nhận thức và đánh giá cùng với sử dụng phương pháp thăm dò ý kiến trong nghiên cứu xã hội học. Song song đó, nghiên cứu cũng sử dụng phỏng vấn sâu để làm sáng tỏ hơn các kết quả định lượng. Quy trình xử lý số liệu từ khảo sát được thực hiện qua các bước: thẩm định công cụ, chọn mẫu ngẫu nhiên, thu thập dữ liệu trực tuyến, làm sạch số liệu, mã hóa và nhập dữ liệu vào phần mềm thống kê SPSS, phân tích mô tả và so sánh các nhóm. Kết quả nghiên cứu cung cấp cái nhìn toàn diện hơn về thực trạng nhận thức chuyển đổi số trong sinh viên, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp để nâng cao nhận thức của sinh viên về chuyển đổi số trong giáo dục.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Nhận thức chung của sinh viên về chuyển đổi số trong giáo dục

Bảng khảo sát đưa ra một số nhận định liên quan đến chuyển đổi số trong giáo dục nhằm đánh giá sơ lược nhận thức của sinh viên đối với vấn đề này. Kết quả khảo sát được thể hiện qua Bảng 1 dưới đây.

Bảng 1. Nhận định của sinh viên về chuyển đổi số trong giáo dục

Qua bảng 1, sinh viên cho rằng “Chuyển đổi số trong giáo dục là quá trình thay đổi, đổi mới căn bản về phương thức dạy và học dựa trên nền tảng công nghệ số” và “Chuyển đổi số trong giáo dục là xu thế hiện đại giúp đổi mới nền giáo dục theo hướng tiên tiến, nhân văn và phát triển bền vững” là đúng chiếm tỉ lệ cao lần lượt là 94,8% và 86,9%. Bên cạnh đó, sinh viên cũng tỏ rõ quan điểm chuyển đổi số trong giáo dục là không bắt buộc giáo viên và học sinh phải sử dụng công nghệ số trong dạy và học chiếm 54,3%.

3.2. Nhận thức của sinh viên với các hình thức học tập trong bối cảnh chuyển đổi số

Bảng khảo sát cũng đưa ra một số nhận định về các hình thức học tập trong bối cảnh chuyển đổi số nhằm xem xét sơ lược về đánh giá của sinh viên đối với vấn đề này. Kết quả khảo sát được thể hiện qua Bảng 2 dưới đây.

Bảng 2. Nhận định của sinh viên với các hình thức học tập trong bối cảnh chuyển đổi số

Sinh viên đánh giá về hai phương pháp học trực tiếp và trực tuyến đều có ưu và nhược điểm riêng. Đối với ưu điểm của phương pháp học trực tiếp, 83,8% đồng ý với tiêu chí “Các hoạt động văn hóa, ngoại khóa, giao lưu của lớp, khoa diễn ra sôi nổi và hiệu quả hơn ở môi trường trực tiếp” và 80,2% đồng ý về tiêu chí “phương pháp học trực tiếp tạo điều kiện cho sinh viên rèn luyện tốt hơn các kỹ năng mềm cần thiết như giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết trình”. Bên cạnh đó, nhược điểm của phương pháp học trực tiếp là 73,1% đồng ý với tiêu chí “tốn nhiều thời gian di chuyển và chi phí cá nhân hơn so với học trực tuyến”, 68,9% đồng ý với tiêu chí “khó có thể ứng dụng được nhiều công nghệ, phương tiện học tập hiện đại”.

Đối với ưu điểm của phương pháp học trực tuyến, 79,6% đồng ý với tiêu chí “Thầy cô có thể dễ dàng theo dõi, đánh giá quá trình học tập của sinh viên thông qua các công cụ trực tuyến” và 75,0% đồng ý về tiêu chí “Các nội dung, tài liệu học tập trực tuyến thường được cập nhật mới và đa dạng hơn”. Bên cạnh đó, nhược điểm của phương pháp học trực tuyến là 71,3% đồng ý với tiêu chí “thiếu sự tương tác trực tiếp với thầy cô và bạn cùng lớp”, 51.5% đồng ý với tiêu chí “Các công cụ, phần mềm học trực tuyến không thể thay thế hoàn toàn vai trò của giáo viên”.

3.3. Khả năng ứng dụng công nghệ số để hỗ trợ học tập của sinh viên trong quá trình chuyển đổi số

Để tìm hiểu về khả năng ứng dụng công nghệ số để hỗ trợ học tập của sinh viên trong quá trình chuyển đổi số, bảng khảo sát đưa ra những kỹ năng để sinh viên tự đánh giá khả năng thành thạo của mình. Kết quả thể hiện ở biểu đồ 1 dưới đây.

Biểu đồ 1. Mức độ thành thạo về kỹ năng của sinh viên trong việc ứng dụng các công nghệ số của chuyển đổi số phục vụ học tập

Hầu hết các kỹ năng của sinh viên trong việc ứng dụng các công nghệ số của các chuyển đổi số trong giáo dục, đều được sinh viên tự ý đánh giá ở mức tương đối thành thạo 40 – 52%, bên cạnh đó tỉ lệ hầu như chưa thành thạo và không thành thạo chiếm khá cao dao động từ 18% - 31,1%. Trong đó, “Kỹ năng học tập, nghiên cứu trên nền tảng số, mạng xã hội” được sinh viên đánh giá có mức tương đối thành thạo trở lên chiếm tỉ lệ cao nhất 82%.

3.4. Những khó khăn và thách thức mà sinh viên gặp phải khi tiếp cận với chuyển đổi số trong giáo dục

Nhằm làm rõ những khó khăn và thách thức mà sinh viên đang gặp phải trong quá trình chuyển đổi số ở Học viện, bảng khảo sát đưa ra những nhóm khó khăn để sinh viên lựa chọn. Kết quả thể hiện dưới biểu đồ 2 dưới đây.

Biểu đồ 2. Những khó khăn mà sinh viên gặp phải khi tiếp cận với chuyển đổi số trong giáo dục

Sinh viên nhận thấy có nhiều khó khăn đã gặp phải khi tiếp cận chuyển đổi số trong giáo dục hiện nay. Các tiêu chí chiếm tỉ lệ cao như: 68,9% gặp khó khăn về năng lực, kỹ năng số và trình độ sử dụng công nghệ, 68% gặp khó khăn về nội dung và phương pháp học tập, 63,1% gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị số.

4. Một số khuyến nghị nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên Học viện An ninh nhân dân về chuyển đổi số trong giáo dục

4.1. Về phía Nhà trường

Một là, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đối với việc nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên và sinh viên về chuyển đổi số trong giáo dục. Qua đó, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của cán bộ, giảng viên, học viên; làm cho họ nhận thức đúng đắn, tích cực về công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục, về vai trò, trách nhiệm của bản thân trong công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục, từ đó hình thành thái độ, động cơ, hành động đúng đắn [2].

Hai là, tiếp tục đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ số, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập tại Học viện. Cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng công nghệ số là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng chuyển đổi số trong giáo dục. Học viện cần khắc phục khó khăn hiện tại, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống mạng nội bộ và kết nối thành một mạng diện rộng; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thư viện số tại Học viện với trang thiết bị tiên tiến [6].

Ba là, tăng cường tổ chức tọa đàm, hội thảo, cuộc thi tìm hiểu về chuyển đổi số trong giáo dục cho sinh viên. nhằm gặp gỡ trao đổi ý kiến, trò chuyện và chia sẻ kinh nghiệm giữa các chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số với sinh viên về nội dung chuyển đổi số trong giáo dục để bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số, ý thức được vai trò, trách nhiệm của bản thân về chuyển đổi số trong giáo dục.

Bốn là, phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên trong nâng cao nhận thức của sinh viên về chuyển đổi số trong giáo dục. Đoàn Thanh niên phải đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền thiết thực, trọng tâm, có chiều sâu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển đổi số tại Học viện.

Năm là, cán bộ, giảng viên Học viện tăng cường trau dồi, ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy và quản lý đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục. Cán bộ, giảng viên tại Học viện cũng phải quan tâm việc tự nâng cao kiến thức về chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng các công nghệ số trong giảng dạy và quản lý theo dõi học tập, chuyển đổi dần hình thức học tập sang học tập trực tuyến và học tập kết hợp, giao bài tập, cung cấp tài liệu cho sinh viên trên các nền tảng công nghệ [3].

4.2. Về phía sinh viên

Một là, phát huy tính tự giác, chủ động trong trau dồi kiến thức liên quan đến vấn đề chuyển đổi số. Sinh viên cần chủ động dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu các chủ trương, đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, Chính phủ, Bộ giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an và của Học viện về vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục.

Hai là, phát huy tính tích cực, tự giác của sinh viên trong học tập. Tính tích cực của người học là yếu tố quan trọng để hình thành kỹ năng nghề nghiệp trong tương lai. Sinh viên sẵn sàng tham gia các lớp học trên không gian mạng do giảng viên tổ chức, làm các bài tập mà giảng viên giao trên nền tảng số hay khai thác học liệu số.

Ba là, chủ động trau dồi nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ số. Cùng với nâng cao kỹ năng tay nghề nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ số giúp sinh viên có sự thích ứng tốt với môi trường chuyển đổi số, truy cập tài nguyên giáo dục, cá nhân hóa việc học tập của bản thân. [5].

5. Kết luận

Chuyển đổi số trong giáo dục hiện nay là một xu thế tất yếu đối với sự phát triển của một quốc gia, trong đó chuyển đổi về nhận thức là một ưu tiên hàng đầu. Nhận thức của sinh viên Học viện An ninh nhân dân về chuyển đổi số trong giáo dục là một yếu tố cốt lõi để thực hiện thành công công cuộc chuyển đổi số tại Học viện cũng như của Bộ Công an. Thực trạng nhận thức cho sinh viên Học viện An ninh nhân dân về chuyển đổi số trong giáo dục hiện nay đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình nhận thức vẫn còn bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm nhất định và cần có những biện pháp mang tính lâu dài nhằm nâng cao nhận thức cho sinh viên Học viện An ninh nhân dân về chuyển đổi số trong giáo dục hiện nay. Tác giả đã đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao nhận thức cho sinh viên Học viện An ninh nhân dân về chuyển đổi số trong giáo dục hiện nay.

TS Nguyễn Thị Hiên - Phạm Quang Anh

Học viện An ninh nhân dân

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Chính trị (2013), Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 24/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Hà Nội.

2. Đỗ Như Hùng (2021), Thực trạng và biện pháp nâng cao nhận thức của sinh viên trường Đại học Hồng Đức về môn học Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Tạp chí Khoa học trường Đại học Hồng Đức, số 57.2021, tr.37-49.

3. Nguyễn Thị Bích Nguyệt (2021), Vai trò của việc ứng dụng công nghệ trong dạy và học đại học hiện nay, Tạp chí Công thương Điện tử, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/vai-tro-cua-viec-ung-dung-cong-nghe-trong-day-va-hoc-dai-hoc-hien-nay-82252.htm, cập nhật ngày 20/07/2021.

4. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Hà Nội.

5. Thùy Trang (2023), Những lợi ích công nghệ đem lại trong giáo dục, Báo Lao Động, https://laodong.vn/cong-nghe/nhung-loi-ich-cong-nghe-dem-lai-trong-giao-duc-1181109.ldo, cập nhật ngày 18/04/2023.

6. Lê Quang Mạnh & Lê Ngọc Tường (2024), Giải pháp chuyển đổi số trong giáo dục ở các trường đại học trong quân đội hiện nay, Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam, tập 20, số 01/2024, tr. 12-19.

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam