Trường Mầm non Sùng Đô, huyện Văn Chấn (Yên Bái) nơi xảy ra sự việc
Cụ thể, ngày 30/3/2020, UBND huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái có báo cáo số 67/BC – UBND gửi tới Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, lãnh đạo UBND huyện Văn Chấn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn, UBND xã Sùng Đô về kết quả kiểm tra, xác minh, giải quyết đơn thư phản ánh của công dân về công tác huy động xã hội hóa tại Trường Mầm non Sùng Đô, huyện Văn Chấn năm học 2019 -2020.
Theo nội dung văn bản, tại phần III, phần IV mục 2 nêu rõ: “…Nhà trường đã không thực hiện đúng quy trình huy động xã hội hóa ngay từ đầu năm học theo hướng dẫn hiện hành của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, cụ thể như sau: Chưa lập kế hoạch công việc và dự trù kinh phí chi tiết để thực hiện, chưa niêm yết công khai để tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn chỉnh kế hoạch công việc và dự trù kinh phí. Trước khi tổ chức huy động, chưa có báo cáo bằng văn bản và xin ý kiến của UBND xã, phê duyệt của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện. Chưa họp Ban Đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường, của các lớp và họp triển khai đối với phụ huynh toàn trường để thống nhất các khoản thu, chi theo kế hoạch của nhà trường trước khi tổ chức thu. Việc thực hiện huy động xã hội hóa chưa đảm bảo dân chủ, công khai và đặc biệt chưa làm tốt công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận cao đối với phụ huynh học sinh dẫn đến một số phụ huynh không đồng tình, xảy ra đơn thư vượt cấp. Trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện công tác huy động xã hội hóa còn chủ quan, chưa nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn của cấp trên trước khi triển khai thực hiện. Chưa thực hiện tốt công khai trong nhà trường theo Thông tư số 36/2017/TT- BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ Giáo dục”.
Đồng thời cũng tại văn bản này, UBND huyện Văn Chấn yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo trường Mầm non Sùng Đô tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có những hạn chế khuyết điểm trong công tác huy động xã hội hóa. Đồng chí Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu nhà trường đã nhận rõ khuyết điểm, trách nhiệm về những thiếu sót trong quá trình huy động xã hội hóa và nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc, có thái độ cầu thị trong việc khắc phục, sữa chữa kịp thời những hạn chế, khuyết điểm.
Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, các cá nhân có liên quan đã làm đã làm bản tự kiểm điểm về những hạn chế, khuyết điểm đã mắc phải trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện công tác huy động xã hội hóa.
Ông Cứ A Sùng - Chủ tịch UBND xã Sùng Đô (huyện Văn Chấn, Yên Bái) thông tin về vụ việc
Để hiểu hơn về vấn đề này, ngày 10/6, PV đã có cuộc trao đổi với ông Cứ A Sùng - Chủ tịch UBND xã Sùng Đô (huyện Văn Chấn, Yên Bái).
Theo ông Sùng cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin về thu - chi của trường mầm non Sùng Đô, lãnh đạo UBND xã đã yêu cầu nhà trường dừng ngay các khoản thu và báo cáo sự việc.
Ông Sùng khẳng định những phản ánh của phụ huynh với báo chí về những khoản thu của nhà trường là đúng. “Đúng là con sâu làm rầu nồi canh. Cá nhân tôi rất bất ngờ khi xảy ra sự việc này, vì không nghĩ rằng với sự chỉ đạo, quán triệt quyết liệt từ UBND huyện về các khoản thu-chi đầu năm học, yêu cầu các trường phải thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch, vậy mà câu chuyện lạm thu lại xảy ra ở địa bàn mình… Trước mắt, chúng tôi đã yêu cầu nhà trường trả lại những khoản thu sai cho phụ huynh”- ông Sùng chia sẻ.
“Về các khoản thu này, chúng tôi xác định trường mầm non Sùng Đô có mấy cái sai. Đầu tiên là sai của tập thể lãnh đạo nhà trường, trong đó đồng chí hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm cao nhất”- ông Sùng nói.
Cũng theo ông Sùng cho biết, ở đây 99% là đồng bào người Mông, lại là vùng 135 nên cuộc sống người dân hết sức khó khăn.
Về trường hợp cô Nguyễn Thị Huyền Trang – Hiệu trưởng nhà trường Mầm non Sùng Đô thu tiền sai quy định, năm 2016 ông không nắm được. Bắt đầu thu từ 2018, 2019 thì nghe ý kiến của người dân phản ánh. “Cô Trang khi thu số tiền này đã không thông qua Hội Đồng giáo dục quản lí. Sau đó, cô Trang không thông qua chương trình, kế hoạch, căn cứ công văn từ trên xuống như thế nào, báo cáo xã xin chủ trương ý kiến xem có nên thu hay không nên thu, thu như thế nào và mức như thế nào và trình bày bằng văn bản. Sau khi có ý kiến của dân, tôi có mời hai cô Hiệu trưởng và Hiệu phó lên xã làm việc. Hai cô có thừa nhận có việc đó nhưng chỉ là hai năm 2018 và 2019, có thu của mỗi cháu là 400 nghìn đồng. Sau đó, tôi có lập biên bản làm việc, cô Trang nhận sai xin nhận chịu hoàn toàn trách nhiệm và hứa tại xã sẽ hoàn trả lại tiền cho phụ huynh” – Ông Sùng thông tin.
“ Theo suy nghĩ của tôi và cũng như chủ trương những con người làm những gì mà không thông qua tập thể, tự ý kiến cá nhân quyết định những sai sót như thế, thì nên phải xử lí. Xử lý theo mức độ thế nào, nhẹ thì phải cảnh cáo, nặng thì phải xem xét trách nhiệm. Trong trường hợp này gần 150 triệu đồng là lớn, về mặt Đảng thì phải kỷ luật, về mặt chính quyền theo tôi không thể đảm nhận chức vụ này nữa, phải cách chức”- ông Cứ A Sùng, Chủ tịch UBND xã Sùng Đô nhấn mạnh.
Cũng trao đổi về vấn đề trên, bà Bùi Thị Oanh – Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn cho biết: “Ngay sau khi sự việc được phản ánh, Phòng GD&ĐT đã vào cuộc xác minh. Phòng chỉ đạo yêu cầu làm bản tường trình, kiểm điểm và khắc phục trả lại toàn bộ số tiền này. Đồng thời, cô Trang cũng đã kiểm điểm trước Hội đồng nhà trường.
Về việc xử lí, bà Oanh cho biết, cô Trang hiện đang làm bản kiểm điểm, còn Phòng (Phòng GD&ĐT - PV) cũng đang định hướng sẽ có hình thức kỷ luật với cô ấy. Do thời gian này sắp Đại Hội Đảng và kết thúc năm học, nên việc kỷ luật hay luân chuyển công tác sẽ giải quyết hết trong tháng 7… Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng đã báo cáo với UBND huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo có những bước để xin ý kiến.
Việc vận động thu xã hội hóa thì đúng nhưng quy trình thực hiện cô Trang lại không đúng như: Họp với Hội phụ huynh học sinh, có biên bản, hồ sơ trình lên Phòng Giáo dục và Đào tạo. Sau khi được Phòng Giáo dục và Đào tạo thẩm định phê duyệt đồng ý cho thu những khoản tiền gì thì lúc đó cô ấy mới được tiến hành thu. Thế nhưng cô ấy không làm theo quy trình ấy mà tự ý để thu khoản tiền này chi cho nhà trường. Số tiền thu trong năm 2019 là 83.600.000 đồng, năm 2020 là 66.166.000 đồng.
Về hướng xử lí, bà Oanh cho biết, hiện cô Trang Hiệu trưởng đang có đơn nguyện vọng cá nhân xin miễn nhiệm chức vụ. Còn về phía Phòng Giáo dục và Đào tạo dự định sẽ giải quyết vụ này trong tháng 7. Chắc chắn cô ấy không sẽ còn vị trí là Hiệu trưởng nữa. Hiện chúng tôi cũng đang làm quy trình.
Trước đó, nhiều thông tin dự luận xôn xao việc hơn hai trăm học sinh trường mầm non Sùng Đô (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) mỗi năm được nhà nước hỗ trợ 500 nghìn đồng/ học sinh nhưng lại bị Hiệu trưởng “ăn chặn” 400 nghìn đồng/năm. Số tiền ăn chặn trong 4 năm từ 2016 đến nay khoảng trên 320 triệu đồng.
Các khoản thu này, không họp phụ huynh, Ban giám hiệu nhà trường cũng không báo cáo UBND xã và Phòng Giáo dục huyện Văn Chấn. Đáng nói, việc thu tiền trái quy định của cô Trang kéo dài đã lâu nhưng khi bị phát hiện đến nay vẫn chưa bị xử lí.
Được biết, nhiều năm gần đây để hạn chế tình trạng lạm thu gây bức xúc cho phụ huynh, gây nhức nhối dư luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường công khai các khoản thu, chi đầu năm học theo đúng quy định hiện hành; không để xảy ra tình trạng lạm thu. Đồng thời, Bộ yêu cầu các các địa phương phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm trong thu, chi đầu năm học... Nếu trường học xảy ra sai phạm thu chi, hiệu trưởng sẽ bị xử lý theo quy định.
Việc Trường mầm non Sùng Đô đặt ra nhiều khoản thu nằm ngoài quy định, cụ thể người đứng đầu nhà trường sẽ chịu trách nhiệm như thế nào, dư luận chờ câu trả lời từ cơ quan chức năng huyện Văn Chấn và UBND tỉnh Yên Bái.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về việc này!
Văn Việt