Tìm kiếm giải pháp từ học sinh, sinh viên nghề

Giáo dục, Giáo dục, Dạy nghề | 08:00:00 20/09/2020

TNV - Đại diện Ban Tổ chức cuộc thi, bà Trần Minh Huyền – Vụ trưởng vụ Công tác học sinh sinh viên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, hiện nay, hệ thống giáo dục nghề nghiệp có khoảng 2.000 cơ sở đào tạo, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Trong số đó, nhiều học sinh, sinh viên trường nghề sau khi ra trường có thể tự tạo việc làm, khởi nghiệp.

Bà Trần Minh Huyền - Vụ trưởng vụ Công tác học sinh, sinh viên , Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) trao đổi với sinh viên về cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên" năm 2020. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

Trước đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” nhằm cụ thể hoá Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30-10-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Một trong những nội dung đề ra trong dự án là đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh và sinh viên.

Bà Trần Minh Huyền cho biết, cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” năm 2020 nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Từ đó thúc đẩy học sinh, sinh viên và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp áp dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn cuộc sống.

“Qua cuộc thi, chúng tôi mong muốn tạo ra sân chơi bổ ích cho học sinh, sinh viên phát huy tinh thần sáng tạo, áp dụng kiến thức được học trên ghế nhà trường để tìm ra giải pháp, ý tưởng, dự án khởi nghiệp thông qua việc lập các dự án; trải nghiệm thực tế trong việc lập dự án kinh doanh; đúc rút kinh nghiệm, kiến thức về khởi sự doanh nghiệp. Không dừng lại ở tìm kiếm, tôn vinh những tác giả và các dự án khởi nghiệp xuất sắc, chúng tôi sẽ chắp cánh cho các ý tưởng, dự án sớm đi vào hoàn thiện, đồng thời làm cầu nối cho các dự án đến với nhà đầu tư, doanh nghiệp”, bà Trần Minh Huyền nói.

Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” năm 2020 (Startup Kite - 2020) nhận được sự tham gia, cố vấn từ các chuyên gia đến từ các tập đoàn lớn. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT chia sẻ: “Mỗi startup đều có khát vọng thành công, cần vốn, cần sự đầu tư, tuy nhiên các bạn còn thiếu cách tiếp cận phù hợp. Để biến dự án thành hiện thực, các bạn phải học, không sợ hãi, phải nhìn thấy những gì người khác chưa thấy”. Đồng hành cùng cuộc thi lần này, ông cho biết sẽ phối hợp với Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp ươm mầm ý tưởng sáng tạo và sẵn sàng kêu gọi đầu tư cho các dự án khả thi nhằm sớm đưa các dự án khởi nghiệp vào áp dụng thực tiễn.

Vòng Bán kết được tổ chức từ ngày 20/8 đến ngày 10/10. Thời gian dự thi cụ thể của từng thí sinh/đội nhóm sẽ được ban tổ chức thông báo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Địa điểm tổ chức sẽ chia thành 8 khu vực, thi online và offline. Tại vòng thi này, các thí sinh sẽ có thời gian thi là 15 phút (gồm 5 phút thuyết trình và 10 phút phản biện). Tại mỗi khu vực sẽ chọn ra ba hồ sơ (nhất, nhì, ba) để tham dự vòng chung kết, hoàn thành trước ngày 11/10.

Cuối cùng 24 hồ sơ xuất sắc nhất sẽ cùng nhanh tranh tài tại vòng chung kết cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” năm 2020, dự kiến sẽ diễn ra hai ngày (14-15/11) tại TP. HCM.

Một trong những phần thi gay cấn được chờ đợi tại vòng chung kết ý tưởng là huy động vốn. Mỗi thí sinh/đội thi sẽ có tối đa 15 phút pitching dự án, tận dụng quỹ thời gian này để gây ấn tượng, kêu gọi vốn từ ban giám khảo là các nhà đầu tư của cuộc thi. Trong đó, có 5 phút thuyết trình thuyết phục nhà đầu tư và 10 phút thương thuyết. Tại vòng này, nhà đầu tư có quyền đưa ra quyết định “có” hoặc “không” đầu tư, tương tự thí sinh cũng có quyền đồng ý hoặc từ chối nhận đầu tư.

Ba thí sinh/đội nhóm có số điểm cao nhất ở phần huy động vốn sẽ tiếp tục bước vào phần xử lý tình huống. 15 phút là thời gian dành cho thí sinh/đội nhóm xử lý tình huống do ban giám khảo đưa ra liên quan đến dự án. Trong đó: 5 phút lựa chọn gói câu hỏi, suy nghĩ và đưa ra các phương án xử lý tình huống; 5 phút phản biển lại câu hỏi của hai đội bạn và 5 phút cuối cùng để phản biện với ban giám khảo.

Sau phần thi này, ban giám khảo sẽ chấm điểm, lựa chọn ra ba giải chung cuộc: nhất, nhì, ba. Các đội thi còn lại sẽ nhận giải khuyến khích và một giải được khán giả yêu thích nhất.

Ngoài ra, 24 đội thi lọt vào vòng chung kết sẽ được tham gia trưng bày và triển lãm ý tưởng, dự án của đội tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp năm 2020 nhằm thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Dự kiến, Lễ trao giải thưởng cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” diễn ra vào ngày 15/11 tại TP.HCM trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp năm 2020.

Thu Thủy

 

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam