Tỉnh đoàn Long An: Nhiều giải pháp sáng tạo trong dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn

Giáo dục, Hướng nghiệp | 09:20:00 01/10/2020

TNV - Trong thời gian qua, Tỉnh đoàn Long An đã có nhiều giải pháp, mô hình sáng tạo trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020, gắn với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn. 

Nâng chất hoạt động hướng nghiệp

Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Long An, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã tích cực, tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức về nghề nghiệp và việc làm cho thanh niên nông thôn. Nhiều hoạt động tư vấn nghề nghiệp cho thanh niên nông thôn được diễn ra, nhằm giúp các bạn trẻ có định hướng nghề nghiệp đúng đắn và chọn được nghề phù hợp với khả năng của mình.

Đồng chí Võ Trần Tuấn Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Bí thư Tỉnh đoàn Long An (người thứ 3, bên trái qua) và đồng chí Lê Thị Cẩm Tú, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Long An (người thứ 2, bên trái qua) cùng tham quan Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao của anh Đinh Bạt Quy, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An (người bìa cùng bên phải).

Đồng chí Võ Trần Tuấn Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Bí thư Tỉnh đoàn Long An chia sẻ: “Trong thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm dịch vụ việc làm Long An tổ chức 12 Ngày Hội tiếp sức người lao động; Ngày hội dịch vụ việc làm cho thanh niên, thu hút sự quan tâm của hơn 6.300 đoàn viên thanh niên. Các cấp bộ Đoàn đã tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho hơn 170.000 lượt đoàn viên thanh niên; đồng thời, giới thiệu việc làm cho hơn 11.000 lượt đoàn viên thanh niên”.

Bí thư Tỉnh Đoàn Long An Võ Trần Tuấn Thanh cũng cho biết, vừa qua, Tỉnh đoàn đã tổ chức 155 lớp tập huấn phát triển kinh tế gia đình, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 300 thanh niên nông thôn.

Ngoài ra, trong những năm qua, Tỉnh đoàn Long An đã phối hợp với UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) tổ chức 05 chương trình Khởi sự doanh nghiệp tại Tân An, Đức Hòa, Cần Đước cho 1.200 đoàn viên thanh niên. Tổ chức cho thanh niên khởi nghiệp tham gia giao lưu hoạt động Startup Connect tại Đồng Tháp, Ngày hội khởi nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long tại Cần Thơ…

Mô hình khởi nghiệp nuôi bồ câu Pháp của anh Lê Hoài Hận, tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc,
 
tỉnh Long An đang mang lại giá trị lợi nhuận cao.

“Thông qua cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo” tỉnh Long An lần I năm 2018 thu hút hơn 60 mô hình, ý tưởng tham gia dự thi với các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ... Thông qua hội thi, Ban tổ chức đã chọn ra 08 ý tưởng, mô hình tham gia các cuộc thi cấp khu vực và trung ương. Đồng thời, phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh hỗ trợ cho 03 mô hình khởi nghiệp đưa vào triển khai trong thực tế và đã mang lại hiệu quả cao. Phát huy kết quả tốt đẹp đó, Tỉnh đoàn Long An dự kiến sẽ tiếp tục phát động cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo” lần II năm 2020 trong thời gian tới”, đồng chí Lê Thị Cẩm Tú, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Long An cho biết. 

Tạo cơ hội cho thanh niên tiếp cận vốn

Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Long An đã duyệt cho vay nhiều dự án của thanh niên nông thôn trong tỉnh, với tổng số tiền gần 900 triệu đồng từ vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, do Ban Bí thư Trung ương Đoàn phân bổ.

Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Đoàn phụ trách công tác vốn vay, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn từ tỉnh đến cơ sở. Tính đến nay, toàn tỉnh có 15/15 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc, với 140/188 xã, phường, thị trấn nhận ủy thác và đã thực hiện giải ngân số tiền gần 400 triệu đồng cho thanh niên nông thôn làm kinh tế.

 Mô hình Hợp tác xãThanh niên Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An chuyên sản xuất nước uống đóng chai.

Ngoài mục đích hỗ trợ thanh niên nông thôn vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, Tỉnh đoàn còn thường xuyên tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ đoàn viên thanh niên nghèo, cận nghèo được tháo gỡ những khó khăn, thiếu hụt về giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường,... thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi liên quan.

Đặc biệt, một trong những điểm sáng của Tỉnh đoàn Long An là công tác vận động các nguồn lực xã hội hóa, để hỗ trợ thanh niên thoát nghèo bằng nhiều hình thức như: tặng máy móc để sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi,... đang được phát huy ngày càng mạnh mẽ tại các Huyện, Thị, Thành đoàn trực thuộc. 

Nhiều mô hình khởi nghiệp thành công

Đối với công tác nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn hiện nay, bước đầu nhận được sự quan tâm của các cấp bộ Đoàn, cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương, nhờ đó, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo đoàn viên thanh niên. Ngày càng có nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên nông thôn mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã trở thành những điểm sáng trong phong trào thanh niên lập nghiệp tỉnh Long An, có thể kể đến như sau:

Một là, Huyện đoàn Tân Thạnh đã quan tâm khảo sát tình hình thực tế, gắn với vận động thành lập được nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên như: Tổ hợp tác đan ghế nhựa, đan giỏ, may gia công,... góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.

Hai là, Hội LHTN tỉnh với các phong trào: Thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi, Đổi mới trong phát triển kinh tế, Kinh tế hợp tác, Trang trại trẻ,… đã cho ra đời ngày càng nhiều mô hình kinh doanh hiệu quả từ các hộ thanh niên nông thôn như: HTX Thủy sản Long Thạnh chuyên nuôi ếch ở huyện Thủ Thừa, HTX Thanh niên Bắc Hòa chuyên sản xuất nước uống đóng chai ở huyện Tân Thạnh, HTX Tâm Nông Việt chuyên sản xuất dưa lưới công nghệ cao ở huyện Cần Giuộc.

Ba là, Huyện đoàn Cần Đước đã mở nhiều lớp dạy nấu ăn cho thanh niên nông thôn để làm việc tại các nhà hàng, quán ăn, dịch vụ tiệc cưới, trong đó, riêng thị trấn Cần Đước có hơn 100 thanh niên nông thôn được tiếp cận lớp đào tạo này và có được việc làm ngay, sau khi hoàn thành khóa học.

Tỉnh đoàn Long An thường xuyên vận động các nguồn lực xã hội hóa, để hỗ trợ máy móc
để sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho thanh niên nông thôn khó khăn.

Bốn là, Huyện đoàn Tân Trụ đã mở nhiều lớp kỹ thuật trồng thanh long theo hướng VietGAP, nhờ đó, đã giúp thanh niên nông thôn trang bị thêm các kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng và chăm sóc thanh long, chuyển từ canh tác theo tập quán sang áp dụng khoa học, kỹ thuật, nên chi phí giảm, năng suất tăng, cụ thể như đổi mới trong khâu chọn đất, đắp mô, làm hệ thống tưới, sử dụng phân bón,... 

Thời cơ đan xen thách thức

Bên cạnh những kết quả khả quan, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn của Tỉnh đoàn Long An còn nhiều khó khăn nhất định, cụ thể:

Thứ nhất, công tác tuyên truyền về hướng nghiệp, việc làm chưa thường xuyên, thiếu liên tục và sâu rộng về mục tiêu, chính sách đến thanh niên nông thôn. Từ đó, khi có thông tin từ cán bộ đoàn thể, nhiều thanh niên đã đăng ký học nghề ngay, mà không chủ động lựa chọn ngành cần học theo khả năng của bản thân và xu hướng của thị trường, để có được việc làm.

Thứ hai, số thanh niên nông thôn theo học nghề phi nông nghiệp còn ít, nên chưa tác động lớn đến chuyển dịch cơ cấu lao động, ngành nghề ở nông thôn, dẫn đến làm chậm tiến trình xây dựng xã nông thôn mới tại một số địa phương.

Thứ ba, công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp chưa cụ thể, dẫn đến một số lớp dạy nghề chưa sát với tình hình thực tế.

Thứ tư, thu nhập của người lao động sau học nghề không ổn định, thậm chí một số thanh niên không hành nghề đã học. Một số Xã, Thị đoàn chưa phối hợp tốt với các cơ sở đào tạo trong việc giám sát chặt chẽ thái độ học tập của thanh niên, dẫn đến khi kết thúc khóa học, một số bạn trẻ không đủ kiến thức, kỹ năng làm việc tại các doanh nghiệp.

Thứ năm, thực trạng hiện nay, một số huyện như Đức Huệ, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Thạnh Hóa, Tân Thạnh,... có số lượng công ty, doanh nghiệp không nhiều, nên nhu cầu tuyển dụng mới lao động có tay nghề còn hạn chế, dẫn đến việc triển khai đào tạo các ngành nghề phi nông nghiệp tại những nơi này đang gặp không ít khó khăn.

 “Thời gian tới, các cấp bộ Đoàn tỉnh Long An cần chú trọng hơn khâu điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của thanh niên nông thôn và xu hướng tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tại địa phương, từ đó, xây dựng nên kế hoạch đào tạo nghề cho phù hợp, bảo đảm hiệu quả, nhất định không vì chạy theo số lượng mà bỏ quên chất lượng dạy nghề. Đồng thời, cần nhân rộng nhanh các mô hình có hiệu quả trong đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, song song với việc các cấp bộ Đoàn cần tạo điều kiện tốt nhất cho các bạn trẻ được tiếp cận vay vốn khởi nghiệp khi có nhu cầu. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn cần quan tâm đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí của học nghề đối với tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho thanh niên nông thôn, để các bạn trẻ ai cũng có một gia đình ấm no, hạnh phúc trong tương lai”, đồng chí Võ Trần Tuấn Thanh nhận định.

Trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Long An đã thực hiện tốt vai trò chăm lo, định hướng, giáo dục thanh niên, cùng với nhiều mô hình, giải pháp sáng tạo nhằm hỗ trợ, động viên thanh niên nông thôn học nghề để lập thân, lập nghiệp thành công. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của thanh niên nông thôn, kéo giảm sự phân cực xã hội giữa nông thôn với thành thị, chung tay xây dựng tỉnh Long An luôn phát triển bền vững và ngày càng phồn vinh, thịnh vượng.

Lê Thanh  

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam