Khi sinh viên sư phạm tìm cách hướng nghiệp

Giáo dục, Giáo dục, Hướng nghiệp | 11:00:00 26/10/2020

TNV - Hướng nghiệp thông qua trải nghiệm với ba hoạt động cốt lõi là tư vấn tâm lý, trải nghiệm dự án và kết nối cố vấn trong doanh nghiệp là cách đề xuất mà nhóm Nguyễn Thị Việt Hà và Đàm Thượng Hải, sinh viên Trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh giải bài toán hướng nghiệp.

Dự án Hướng nghiệp trải nghiệm JOBEX là công trình dự thi chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2020 do Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục & Đào tạo cùng Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

JOBEX thực hiện sứ mệnh khuyến khích học sinh trở thành người trẻ năng động, làm chủ việc thiết lập hành trình sự nghiệp và kế hoạch cuộc đời

Tôi là ai, sứ mệnh của tôi là gì?

Bạn Nguyễn Thị Việt Hà cho biết: khi tìm hiểu, khảo sát tại các trường THPT, công tác hướng nghiệp chủ yếu thông qua các môn học, hoạt động lao động sản xuất, giới thiệu các ngành nghề hoặc hoạt động ngoại khoá.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu "Thực trạng quản lý hoạt động giáo dục hướng nghiệp tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh" của tác giả Nguyễn Thị Thanh Ly tại trường Ten Lơ Man cho thấy: "Hầu hết các kế hoạch giáo dục hướng nghiệp của nhiều năm giống hệt nhau, chỉ khác về thời gian năm học. Rõ ràng, quá trình vận dụng các biện pháp lập kế hoạch hoạt động còn mang nặng tính chủ quan, hình thức, đối phó; vận dụng một cách dập khuôn, máy móc; chưa thực sự được đầu tư triệt để, khoa học, sáng tạo và chưa xem xét đến yếu tố có phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của mỗi trường hay không”.

Qua khảo sát, đội ngũ JOBEX cũng nhận thấy, các trường phổ thông hiện nay không có biên chế chính thức làm công tác tư vấn/hướng nghiệp nên học sinh và giáo viên không có được sự trợ giúp cần thiết về chuyên môn. Thiếu các phương tiện cần thiết như tài liệu tham khảo cập nhật, phòng tham vấn, trang bị lưu trữ hồ sơ, công cụ chẩn đoán nên không thể tạo lập được hồ sơ tư vấn cho học sinh. Hình thức tư vấn hiện nay chủ yếu được thực hiện theo nhóm rất lớn (toàn trường hoặc một khối lớp) nên gần như không có tương tác thực sự với học sinh, trả lời hay giải đáp được các thắc mắc của học sinh.

Ngoài ra, việc cung cấp thông tin nghề nghiệp không gây hứng thú cho người học, chủ yếu là dưới hình thức sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hay tại các ngày hội thông tin hướng nghiệp. Số lượng ngành nghề đề cập trong nội dung giáo dục hướng nghiệp còn hạn chế, những ngành nghề về nghệ thuật, nghề truyền thống chưa được quan tâm, những chủ đề tham quan, giao lưu ít khả thi và ít tâm huyết thực hiện song song với các giờ học chính thức… dẫn đến việc học sinh không hào hứng với hoạt động giáo dục hướng nghiệp.

Từ đó nhóm đặt ra vấn đề, công tác hướng nghiệp tại trường hiện nay có thực sự đáp ứng đủ nhu cầu mà chúng ta vẫn thường mong đợi? Nhất là hoạt động "trải nghiệm" nghề nghiệp trong giáo dục hướng nghiệp tại trường học?

Bạn Đàm Thượng Hải chia sẻ kết quả khảo sát bằng hình thức phỏng vấn sâu của dự án JOBEX với 132 phụ huynh có con là học sinh THPT tại nhiều vùng miền, trong khi các phụ huynh đồng tình về tầm quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp dựa trên năng lực, sở thích, nguyện vọng của con, họ cũng thừa nhận tình trạng không có nhiều thời gian nói chuyện với con để hiểu rõ tâm tư của con hơn.

Nhiều phụ huynh trong khảo sát còn bày tỏ việc hướng nghiệp ở lớp 10 vẫn còn quá sớm, và dành cho con ít sự quan tâm về định hướng nghề nghiệp. Đáng lo ngại hơn, một số phụ huynh còn không rõ việc trường học tổ chức các buổi sinh hoạt với mục đích giáo dục nghề nghiệp dành cho con.

Hơn nữa, các quan điểm mâu thuẫn, trái chiều và khoảng cách thế hệ đã làm gia tăng căng thẳng giữa phụ huynh và học sinh trong hướng nghiệp. Từ đó, các phụ huynh có những kỳ vọng nhất định, ràng buộc về con đường nghề nghiệp tương lai của con trong khi không cân nhắc các yếu tố cốt lõi về năng lực, kiến thức, phẩm chất, hay các giá trị tự thân của con.

Quan trọng nhất, học sinh vẫn thiếu động lực tìm hiểu nghề nghiệp thật sự phù hợp với các giá trị bản thân, giá trị công việc mà bản thân kỳ vọng trong tương lai, nên các em dễ bị ảnh hưởng bởi các quyết định của nhà trường, gia đình, bạn bè.

Ngoài ra, hầu hết các học sinh chưa có khả năng đánh giá, chắt lọc thông tin nghề nghiệp trên nền tảng số. Tình trạng phổ biến ở các em tham gia dự án JOBEX 2020 vừa qua chính là việc các em còn mơ hồ, mù mờ về cách thức tìm hiểu thông tin nghề nghiệp, không có người hướng dẫn đến từ các chuyên gia trong ngành nghề  cụ thể mà các em yêu thích. Từ đó, các em gần như nhắm mắt cho qua, chọn ngành nghề theo ý kiến của cha mẹ, người thân dù họ chưa từng có kinh nghiệm, hoặc chưa từng nghiên cứu qua các thông tin nghề nghiệp trước đây.

Qua đó, các thành viên của nhóm đều thống nhất chung nhận định, đối tượng cần “tác động” chính là bản thân học sinh, giúp các em “giải mã” được câu hỏi “Tôi là ai, sứ mệnh của tôi là gi? Hướng tới trang bị cho các em kỹ năng tự nhận thức bản thân, hình thành tư duy tìm kiếm và chịu trách nhiệm cho những lựa chọn quan trọng trong đời.

Hình ảnh nhóm đạt top 50 cuộc thi CiC 2020

Hướng nghiệp thông qua trải nghiệm JOBEX

“Trải nghiệm JOBEX” (kết hợp giữa Job: nghề nghiệp và Experience: kinh nghiệm) ra đời với ba hoạt động cốt lõi là tư vấn tâm lý, trải nghiệm dự án và kết nối cố vấn trong doanh nghiệp nhằm mục đích cung cấp cho học sinh THPT những kỹ năng tự nhận thức bản thân, kỹ năng công việc, tìm hiểu nhu cầu thị trường lao động và phát triển khả năng hoạch định lộ trình học tập, đưa ra quyết định hành động.

Tham gia dự án, các em học sinh sẽ được, tư vấn hướng nghiệp 1-1 với chuyên gia tâm lý nhằm giúp khám phá bản thân, sau đó các em sẽ được tham gia một khóa đào tạo về kỹ năng làm việc từ các chuyên gia, tiếp đó làm việc nhóm quản lý một dự án được thiết kế bởi JOBEX dưới sự hướng dẫn và đánh giá của các cố vấn, cuối cùng những bạn đạt kết quả xuất sắc sẽ giành một vé để trải nghiệm công việc thực tế tại doanh nghiệp. Vào cuối hành trình, học sinh có thể tạo một kế hoạch phát triển cá nhân.

JOBEX hướng tới trở thành người bạn đồng hành trọn đời trên hành trình nghề nghiệp của các bạn học sinh với triết lý “Nghề nghiệp phù hợp thực sự không chỉ để nuôi sống bản thân mà còn là công việc mình sống đúng với sứ mệnh và cảm thấy hạnh phúc.” Nhóm kỳ vọng dự án ra đời sẽ là một cơ hội giúp các bạn học sinh trước hết là thay đổi tư duy, nhận thức về tầm quan trọng của việc hướng nghiệp và sau đó là có những trải nghiệm thực tế để "cảm được" và "thấm được" về “thế giới bên ngoài” thực sự là như thế nào.

Hiện nay dự án đã và đang bước đầu lan tỏa được sứ mệnh và thông điệp đến một nhóm 5 bạn học sinh tại Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Phản hồi tích cực về nhận thức và động lực hướng nghiệp từ các bạn đã giúp nhóm có thêm động lực cũng như vững tin hơn vào việc xây dựng một mô hình định hướng và phát triển nghề nghiệp bền vững cho học sinh trong cả nước.

Dự án đoạt giải Nhì chung cuộc tại cuộc thi Sinh viên Sư Phạm với ý tưởng khởi nghiệp lần 2 năm 2020

Hiện tại, đội ngũ JOBEX đang nghiên cứu và chuẩn bị cho các kế hoạch nhằm lan tỏa giá trị tích cực, uy tín hướng đến thu hút và có thể tác động sâu, rộng đến nhà trường, gia đình. Dự định sắp tới nhóm sẽ phi lợi nhuận hóa dự án và kêu gọi hỗ trợ từ cộng đồng, cụ thể là từ các chuyên gia tâm lý, chuyên gia làm việc trong lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể, các đối tác truyền thông, tài trợ tài để có thể thực hiện hóa các dự án có giá trị tác động lớn đến cả nhà trường, gia đình và học sinh.

Để hiện thực hóa, nhóm đã đề ra lộ trình trong năm đầu tiên tiến hành nghiên cứu, kiểm định và tổ chức 2 chương trình, năm thứ hai 6 chương trình “Trải nghiệm JOBEX”. Bước sang năm thứ ba tập trung phát triển App JOBEX về cộng đồng học tập nghề nghiệp.

Tô An

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam