TNV - Vào các năm 938, 981 và 1288, trên dòng sông Bạch Đằng, đoạn chảy qua huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng ngày nay, với chiến thuật trận địa cọc độc đáo, cùng sự mưu lược, quả cảm của quân và dân Đại Việt, ông cha ta đã 3 lần chiến thắng oanh liệt giặc ngoại xâm, đập tan mộng xâm lăng của các triều đại phong kiến phương Bắc.
Khẳng định giá trị nổi bật của chiến thắng Bạch Đằng đối với lịch sử nước ta và thế giới
Với tâm nguyện tưởng nhớ và tôn vinh chiến công lẫy lừng của các bậc tiền nhân thủa trước, thành phố Hải Phòng đã dành nhiều thời gian, tâm sức và kinh phí để đầu tư làm nên một quần thể kiến trúc quy mô bề thế, hoành tránh và uy linh của Khu Di tích Bạch Đằng Giang như ngày hôm nay trên khu đất đắc địa của dãy núi Tràng Kênh.
Tượng của 3 vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Trần Hưng Đạo trên quảng trường Chiến thắng. Ảnh Hồng Phong
Khu Di tích Bạch Đằng Giang là quần thể kiến trúc tâm linh mang giá trị lịch sử, văn hóa gắn liền với những trận thủy chiến bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử và làm nên những chiến công oanh liệt của Đức Vương Ngô Quyền, Vua Lê Đại Hành, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Đặc biệt, Khu Di tích Bạch Đằng Giang là một trong số ít địa điểm trong cả nước thực hiện 3 không: không thương mại, không buôn bán hàng quán tại khu di tích; không thu bất kỳ một loại phí nào khi du khách vào tham quan, kể cả phí gửi xe; không rác thải, khu di tích luôn luôn được vệ sinh, dọn dẹp sạch sẽ.
Với ý nghĩa và tầm vóc lịch sử to lớn của Khu di tích Bạch Đằng Giang, ngày 04/11/2020, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có Quyết định về Bằng xếp hạng Di tích cấp Quốc gia Khu di tích Bạch Đằng Giang. Và tối ngày 2/1/2021 vừa qua, tại Khu Quảng trường tượng đài Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang, thành phố Hải Phòng đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang và Chương trình nghệ thuật “Hào khí Bạch Đằng Giang”.
Toàn cảnh Khu Di tích Bạch Đằng Giang. Ảnh Hồng Phong
Đây là hoạt động nhằm thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với các anh hùng dân tộc đã có công lớn trong các trận chiến trên sông Bạch Đằng; khẳng định tiềm năng và trí tuệ của con người Việt Nam cũng như những giá trị nổi bật của chiến thắng Bạch Đằng đối với lịch sử nước ta và thế giới. Qua đó, khơi dậy và nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần giáo dục và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, truyền thống yêu nước và đấu tranh giải phóng dân tộc hào hùng của dân tộc ta trong thời kỳ đổi mới.
Theo sử sách xưa kể lại, từ trước công nguyên đến thời Bắc thuộc, Núi Tràng Kênh - Sông Bạch Đằng án ngữ con đường xâm lăng duy nhất về phương Nam của các thế lực Phương Bắc. Nơi đây, từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 13 diễn ra 3 trận quyết chiến chiến lược, cả 3 lần đều dùng trận địa cọc, cả 3 lần đều chỉ xảy ra trong 1 ngày, 1 con nước sáng lên chiều xuống và tiêu diệt gọn quân thù, bắt sống giặc, chém chết chủ tướng, làm quân thù Nam Hán, Đại Tống, Nguyên Mông đều bạt vía kinh hồn. Không một khúc sông nào nơi đây không nhuốm máu quân thù. Bạch Đằng - Tràng Kênh thực sự là một địa danh có lịch sử truyền thống hào hùng, oanh liệt trong lịch sử trường tồn của dân tộc:
"Vạn cổ Bạch Đằng lưu chính khí"
Trên sông Bạch Đằng vào ngày cuối mùa Đông, tháng Chạp, năm 938, dưới ngọn cờ soái chủ của Đức Vương Ngô Quyền nhờ chọn đúng vùng cửa sông Bạch Đằng làm chiến trường tiến đánh quân Nam Hán kết hợp với phương thức phục kích và đặc biệt là sự lợi hại của trận địa cọc bọc sắt nhọn đóng ngầm dưới nước, chỉ trong vòng chưa đầy một ngày trận đánh nơi cửa biển Bạch Đằng đã phá tan hạm đội chiến thuyền Nam Hán, giết tại trận chủ tướng Lưu Hoằng Thao. Cuộc quyết chiến chiến lược Bạch Đằng của Ngô Quyền đã giải quyết trọn vẹn nhiệm vụ của cả một sự nghiệp kháng chiến, chỉ trong một trận đánh. Đồng thời, kết thúc cho cả thời kỳ hơn nghìn năm “Bắc thuộc – Chống Bắc thuộc” và mở ra một “Kỷ nguyên Độc lập tự chủ” vàng son của dân tộc ta.
Các vị lãnh đạo, đại biểu thành kính dâng hương tri ân công đức 3 vị anh hùng dân tộc
Tháng 7 năm 980, nhân cơ hội vua Đinh Tiên Hoàng bị Đỗ Thích sát hại, Vệ Vương Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi, nhà Tống phong cho Hầu Nhân Bảo làm tổng chỉ huy chia thành 2 đường thủy bộ cùng tiến về cửa sông Bạch Đằng từ đó đánh chiếm Tây Kết làm bàn đạp tấn công kinh thành Hoa Lư. Đức vua Lê Đại Hành trực tiếp cầm quân ra trận. Trong 92 ngày đêm từ tháng Chạp năm Canh Thìn đến cuối mùa xuân năm Tân Tỵ, Ngài đã trực tiếp chỉ huy 6 trận đánh lớn. Trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng vào đúng ngày 28 tháng 4 năm 981, Lê Đại Hành đã tái tạo trận địa cọc của Ngô Quyền, rồi khôn khéo dùng kế trá hàng, chém chết chủ tướng Hầu Nhân Bảo, tiêu diệt hoàn toàn quân Tống, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất giữ yên độc lập cho đất nước Đại Cồ Việt.
Sau 2 lần bại trận trước kế sách “vườn không nhà trống” và các chiến thắng Vạn Kiếp, Chương Dương, Hàm Tử lẫy lừng của quân dân nhà Trần, giặc Nguyên Mông vẫn chưa từ bỏ dã tâm xâm lược. Tại sông Bạch Đằng năm 1288, chỉ trong một ngày 9 tháng 4, với tài thao lược của Hưng Đạo Đại Vương quân dân nhà Trần đã chôn gọn 6 vạn tên giặc cùng 600 chiến thuyền do Ô Mã Nhi cầm đầu, đập tan mộng xâm lăng lần thứ 3 và cũng là lần cuối cùng của Đế chế Nguyên Mông, mở ra nền văn minh Đông A rực rỡ cho đất nước.
Chủ tịch TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đón Bằng xếp hạng di tích Quốc gia Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang
Nơi lưu giữ hồn thiêng dân tộc, tham quan vãn cảnh tìm về cảm giác an yên
Việc xây dựng khu di tích Bạch Đằng ngay tại chiến trường oanh liệt từ xa xưa là một việc làm lưu giữ hồn thiêng dân tộc, như lời thán tuyệt diệu của Thái học sinh (Tiến sĩ) thời Trần Phạm Sư Mạnh: “Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu” (Tạm dịch: Khí thiêng sông núi đọng lại ở chốn Bạch Đằng).
Quá trình xây dựng khu di tích là quá trình tạo dựng cảnh quan, không gian mang đậm sắc thái văn hóa dân tộc, vừa hùng vĩ của núi sông, vừa linh thiêng và thấy như tiếng ông cha từ ngàn xưa vẫn vang vọng về.
Trụ Chiến Thắng - Khu di tích Tràng Kênh
Từ năm 2008 đến 2016, các công trình trong khu di tích đã lần lượt được xây dựng, tạo nên một quần thể di tích uy nghi, lung linh soi bóng xuống Bạch Đằng Giang lịch sử. Khu di tích lưng tựa núi, chân đạp sông, mắt dõi biển Đông, tạo thành điểm tựa tâm linh cho cả vùng Đông Bắc tổ quốc. Quần thể di tích gồm có:
- Vườn cuội cổ và Trụ chiến thắng: Nằm trung tâm vườn cuội kết triệu năm tuổi. Trụ Chiến thắng được chế tác từ đá hồng ngọc nguyên khối lấy từ mỏ đá gốc Nam Trường Sơn, cao chừng 5,5m, tiết diện 2,25 m2, nặng chừng trăm tấn. Trụ có 4 mặt hình chữ nhật, khắc nổi 108 chữ tương ứng với 72 vị thiên can, 36 vị địa chi, mặt tiền 7 chữ “Giang San Vượng khí Bạch Đằng thâu”. Ba mặt tả, hữu, hậu khắc công lao và thần tích của Đức vua Ngô Quyền, Lê Đại Hành Hoàng đế và Đức Thánh Trần. Các chữ khắc cùng một mẫu, các bản thần phả đều từ cung sinh, kết thúc ở cung sinh theo Kinh dịch thể hiện sự trường tồn.
- Đền Bạch Đằng Giang thờ Đức Ngô Quyền Vương, người khai sinh trận địa cọc Bạch Đằng, đánh thắng quân Nam Hán năm 938, chấm dứt 1117 năm Bắc thuộc, mở ra nền văn Minh Đại Việt.
Đền Bạch Đằng Giangthờ Đức vương Ngô Quyền. Ảnh Hồng Phong
- Đền Tràng Kênh Vọng Đế, thờ Đức Vua Lê Đại Hành, năm 981 ngài đã tái tạo lại địa cọc của Ngô Quyền, có công đánh Tống bình Chiêm, đưa Đại Cồ Việt ngang hàng với Đại Hán.
- Linh từ Tràng Kênh thờ Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - ngài có công 3 lần đánh bại Nguyên Mông, đỉnh điểm là chiến thắng Bạch Đằng 1288, đập tan dã tâm xâm lược nước ta của Đế chế Nguyên Mông, mở ra nền văn minh Đông A rực rỡ.
- Trúc Lâm tự Tràng Kênh: Chùa mô phỏng theo mô hình Chùa Đồng - Yên tử. Chùa thờ Phật Tổ Như lai, các Đạt ma và Bồ Tát; Phật Hoàng Trần Nhân Tông - người đứng đầu quân dân Đại Việt trong 2 cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Sau này ngài cùng Pháp Loa và Huyền Quang sang lập phái Thiền tông Trúc Lâm Yên Tử. Dưới chân chùa là tượng Bạch Ngọc 18 vị La Hán, cây đa cổ thụ trên trăm tuổi được mang từ nhà máy xi măng Hải Phòng cũ để trồng, bảo tồn truyền thống.
Đền Tràng Kênh Vọng Đế thờ Đức Vua Lê Đại Hành
- Đền thờ Thánh Mẫu: tín ngưỡng tôn thờ lấy hình tượng Mẫu (người mẹ) với các quyền năng sinh sôi, bảo trữ, che chở con người đã đi sâu vào đời sống văn hóa dân tộc Việt, “thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO ghi nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đền thờ Thánh Mẫu trong khu di tích thờ Mẫu đệ Nhất thượng Thiên, Mẫu đệ Nhị thượng ngàn, Mẫu đệ Tam thoải phủ. Trong đền còn có hương án và pho tượng thờ tự Ngũ vị tôn ông, tam vị ông Hoàng, Đức Nam Hải thần vương và Mẫu Sơn Trang.
- Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Người luôn trong trái tim mọi người dân đất Việt. Nhiều đền, chùa đình, đền, miếu trong cả nước đã lập bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu di tích Bạch Đằng Giang là nơi đầu tiên tại Hải Phòng lập Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh để nhân dân và thu khách thập phương bày tỏ lòng thành kính, nhớ thương Người.
Linh từ Tràng Kênhthờ Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn
- Khu Nhà bảo tàng: trưng bày hiện vật cọc Bạch Đằng được bảo tồn nguyên trạng - nhân chứng lịch sử của chiến thắng Bạch Đằng; sơ đồ diễn biến các trận Bạch Đằng; các di chỉ khảo cổ đồ gốm các thời kỳ Lê, Trần..; lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ cũng như hình ảnh các vị lãnh tụ đã tới thăm, dâng hương và chiêm bái khu di tích.
- Quảng trường Chiến thắng: công trình được hoàn thành vào tháng Chạp năm Bính Thân 2016, đón xuân mới Đinh Dậu 2017. Quảng trường được xây nổi trên sông Bạch Đằng với diện tích 2000m2, lát đá granit vươn ra sông. Đây là nơi trang trọng đặt một công trình uy nghiêm, đó là tượng của 3 vị anh hùng dân tộc: Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Trần Hưng Đạo.
Các pho tượng được đúc bằng đồng nguyên khối, mỗi pho có chiều cao 8m, trọng lượng 40 tấn. 3 vị anh hùng được tạc với thần thái sống động, mỗi vị mang một sắc thái riêng. Đức vương Ngô Quyền đứng giữa, chân đạp sóng, tay chỉ thẳng dòng sông Bạch Đằng, nơi vùi xác quân thù. Đức hoàng đế Lê Đại Hành áo bào tung bay trong gió, tay nắm chặt đốc kiếm, mắt rực sáng thiêu đốt quân thù. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn khoan thai, tay phải giữ “Binh thư yếu lược” Bình Nguyên, tay trái nắm chắc chuôi gươm, dáng hiên ngang trong tư thế: “Năm nay đánh giặc nhàn”.
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh
Cả 3 vị đứng trên bệ đá, lưng tựa tùng xanh Thiên niên thịnh, mắt dõi trùng khơi trong tư thế uy phong, rực sáng giữa màu xanh của trời, của non, của nước, là sự hòa quyện linh khí Thiên - Địa - Nhân, làm nên sự trường tồn của đất Việt. Dưới mặt nước là bãi cọc lim bịt sắt gồm 180 cọc được dựng lại dưới lòng sông, tượng trưng cho thế trận năm xưa mà các tiền nhân đã cho dựng lên để tiêu diệt quân thù.
Được biết, nơi đây không chỉ là điểm đến tâm linh thu hút đông đảo du khách thập phương mà còn là nơi tham quan vãn cảnh tìm về cảm giác an yên, tạm xa rời cuộc sống tất bật thường ngày. Kể từ năm 2008 đến nay, khu di tích đã không ngừng mở mang, hoàn thiện, đón hàng triệu du khách trong và ngoài nước về thăm quan./.
Đền thờ Thánh Mẫu
Bài: Phạm Quỳnh
Nguồn ảnh: do Cổng thông tin điện tử TP Hải Phòng cung cấp