Kiểm điểm người đứng đầu nếu để xảy ra vụ việc nghiêm trọng, kéo dài

Thời sự, Pháp luật | 08:40:00 08/01/2021

Sáng 7/1, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình chủ trì, kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác của BCĐ phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và BCĐ quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia).

Công tác phòng chống tội phạm được kéo giảm theo từng năm

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cơ bản tán thành với 2 báo cáo trung tâm của BCĐ 138/CP và BCĐ 389 quốc gia, ý kiến của các đại biểu, đồng thời nhấn mạnh, những năm qua, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng và nhân dân tích cực thực hiện và đã đạt được những kết quả quan trọng, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, góp phần ổn định và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng thu ngân sách, bảo vệ môi trường kinh doanh, quyền lợi của người dân.

Đặc biệt, từ khi Thủ tướng Chính phủ thành lập BCĐ 138 và BCĐ 389 quốc gia, các mặt công tác này đã có chuyển biến rõ rệt và đạt được những kết quả rất tích cực, nhận thức của các cấp, các ngành được nâng lên, vai trò và trách nhiệm của các lực lượng chức năng được đề cao.

Trong giai đoạn 2016-2020, công tác phòng, chống tội phạm đã được kéo giảm rõ rệt theo từng năm. Năm 2016 giảm 4,4%, năm 2017 giảm 3,02%, năm 2018 giảm 0,61%, năm 2019 giảm 7,39%, năm 2020 giảm 6,8%. 100% tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố được tiếp nhận, xử lý; tỉ lệ giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt trên 90%.

Tỉ lệ điều tra khám phá án hình sự bình quân trong 5 năm đạt 81,35%; án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 95%; triệt phá 10.426 băng, tội phạm các loại. Phát hiện và điều tra khám phá nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, công nghệ cao, cờ bạc, ma túy, môi trường nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm, trong đó có 120/133 vụ án lớn (chiếm tỉ lệ 91%) thuộc diện BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong giai đoạn này đã được các lực lượng chức năng của BCĐ 389 đã xử lý hơn 1,2 triệu vụ việc vi phạm, trong đó xử lý hình sự hơn 10.000 vụ với hơn 12.000 đối tượng liên quan, thu nộp ngân sách gần 117.000 tỷ đồng. Nhiều vụ việc gian lận liên quan đến chuyển giá, trốn thuế được Tổng cục Thuế phát hiện, xử lý. Nhiều vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy xăng dầu, khoáng sản, pháo nổ, hàng tiêu dùng... với số lượng rất lớn được các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực biểu dương BCĐ 138 và BCĐ 389 các cấp về những kết quả đạt được trong năm 2020 nói riêng và giai đoạn 2016-2020 nói chung.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tội phạm và chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục.

Về phòng chống tội phạm, tình hình trật tự an toàn xã hội trên một số địa bàn còn phức tạp, một số loại tội phạm gia tăng, như giết người cướp tài sản (tăng 9,38%), hiếp dâm, đặc biệt là hiếp dâm trẻ em (tăng 22,35%), lừa đảo chiếm đoạt tài sản (tăng 11,17%), chống người thi hành công vụ (tăng 14,31%). Hoạt động tội phạm “bảo kê, tín dụng đen”, ma túy vẫn diễn ra phức tạp. Công tác phòng ngừa tội phạm, nhất là phòng ngừa xã hội, hạn chế các điều kiện nảy sinh tội phạm chưa hiệu quả, có nơi ở cơ sở còn buông lỏng.

Đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tuy được tập trung chỉ đạo nhưng vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản. Tình trạng hàng giả, hàng có nguồn gốc từ nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi và gia tăng mạnh trên môi trường mạng. Tình trạng trốn thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp qua khai báo gian dối về giá, số lượng, chuyển giá vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng lợi dụng chính sách quản lý rủi ro để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng giả xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp... nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Chưa huy động được sức mạnh cả hệ thống chính trị phòng chống tội phạm

Chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là có cả khách quan và chủ quan, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, do chúng ta chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Nhiều nơi vai trò của các lực lượng chuyên trách còn hạn chế, chưa xây dựng được lực lượng nòng cốt, chưa sâu sát nắm bắt tình hình địa bàn, khu dân cư. Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao, còn có biểu hiện nể nang, bao che, thậm chí có trường hợp “bảo kê” cho các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, khai thác, buôn bán than, cát, sỏi trái phép, chặt phá rừng, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc... Cơ chế chính sách còn sơ hở, bất cập, tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng. Tổ chức bộ máy của một số cơ quan chức năng vẫn còn nhiều bất cập, nhiệm vụ phân định chưa cụ thể.

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ: Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử HĐND các cấp và là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2030. Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa một số quốc gia, đối tác trên thế giới và trong khu vực tiếp tục diễn ra gay gắt. Đại dịch COVID-19 chưa thể sớm kết thúc, tác động tiêu cực có thể kéo dài, ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực.

Ở trong nước, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi… tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp. Các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư thương mại, chuyển đổi số, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng, vấn đề an ninh mạng, mất an ninh, an toàn thông tin… là thách thức rất lớn đối với các lực lượng chức năng, đòi hỏi chúng ta tuyệt đối không chủ quan, mà phải hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, biến thách thức thành cơ hội, nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, năm 2021 là năm “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo và khát vọng phát triển”, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần giúp Chính phủ thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021 đã đề ra, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc để đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

6 nhiệm vụ trọng tâm của 2 BCĐ trong năm 2021

Cơ bản đồng ý với phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2021 mà Cơ quan thường trực của hai BCĐ đã nêu trong báo cáo và để công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới có được chuyển biến căn bản hơn, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các BCĐ tiếp tục bám sát các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, khẩn trương đề ra và tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác của năm 2021 và những năm tiếp theo.

Tập trung làm tốt công tác xây dựng lực lượng, đảm bảo bộ máy trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; chỉ đạo xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế chính sách; công tác phối hợp lực lượng, kiểm tra đôn đốc các cơ quan chức năng trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao...

Đối với các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 138/CP, BCĐ 389 quốc gia, luôn xác định các lĩnh vực công tác này là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các bộ, ngành, địa phương. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các lực lượng chức năng phải có quyết tâm cao trong phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài về tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu, xem xét điều chuyển công tác khác. Yêu cầu cơ quan thường trực của 2 BCĐ theo dõi, chỉ đạo sát sao việc này, kịp thời báo cáo Trưởng BCĐ và Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết ngăn chặn tình trạng tham nhũng, “tham nhũng vặt” ở các cơ quan hành chính, không để người dân bức xúc, giảm sút niềm tin vào đội ngũ cán bộ, công chức.

Tổ chức phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại ngay trong chính lực lượng chức năng (công an, hải quan, quản lý thị trường, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, thuế…), kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất, tiếp tay cho tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “liêm chính, bản lĩnh”, có phẩm chất chính trị, năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thứ ba, làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm, công tác nghiệp vụ, điều tra cơ bản, công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật để có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả.

Đối với các loại tội phạm có tổ chức, mua bán người, xâm hại trẻ em, ma túy, “tín dụng đen”, sử dụng công nghệ cao, khai thác cát sỏi, chặt phá rừng, vi phạm môi trường, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chổng dịch COVID-19, buôn lậu, nhất là buôn lậu các mặt hàng xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, đường cát, phân bón, rác thải độc hại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, nhất là các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân... các lực lượng chức năng cần xác lập chuyên án để mở rộng xác minh, điều tra triệt phá tận gốc, đánh trúng đối tượng cầm đầu.

Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, doanh nghiệp, tăng cường vai trò của các tổ chức đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí, nhất là người dân trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ.

Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật khiếu nại, tố cáo của người dân ngay từ cơ sở, không để hình thành các điểm nóng về an ninh-trật tự.

Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện thể chế trong phòng, chống tội phạm và quản lý Nhà nước về trật tự an toàn xã hội; rà roát, xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn bất cập, sơ hở... Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vừa tiết kiệm chi phí quản lý cho Nhà nước, chi phí thực hiện cho người dân, vừa góp phần ngăn chặn phát sinh tiêu cực... tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thư sáu, tăng cường công tác phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các lực lượng. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, trong đó tập trung nghiên cứu, đề xuất đàm phán, ký kết hoặc tham gia các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế trong các lĩnh vực này.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình tập trung cao độ, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của cả hệ thống chính trị, để công tác này ngày càng hiệu quả, nhận được sự đồng thuận của nhân dân, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển KTXH của đất nước.

Lê Sơn/Chinhphu

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam