Quảng Ngãi: Nỗ lực tăng trưởng, tạo nên bức tranh kinh tế nhiều gam màu tươi sáng

Thời sự, Kinh tế | 08:35:00 16/02/2021

"Với khát vọng đưa địa phương trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền Trung vào năm 2025, năm 2021 Quảng Ngãi sẽ thay đổi phương thức làm việc, nỗ lực thu hút đầu tư, hứa hẹn sẽ tạo nên bức tranh kinh tế thêm nhiều gam màu tươi sáng", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết.

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Nhân dịp Tết cổ truyền Tân Sửu 2021, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã có bài phỏng vấn ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi về những khó khăn, thách thức trong năm qua và những định hướng, mục tiêu cho năm mới.

Nỗ lực tăng trưởng kinh tế

Năm 2020, một năm đầy khó khăn, thách thức với sự xuất hiện bất ngờ của dịch COVID-19 và thiên tai bão lũ khiến tình hình kinh tế-xã hội của Quảng Ngãi bị ảnh hưởng nặng nề. Trong bối cảnh đặc biệt đó, bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, khắc phục thiệt hại do thiên tai bão, lũ gây ra.

Đồng thời, tập trung tìm các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thu ngân sách nhà nước, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công... Nhờ vậy, tình hình kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Ngãi năm 2020 đạt được những kết quả nhất định.

Tổng sản phẩm GRDP tăng trưởng dương (0,43%); giá trị sản xuất công nghiệp tăng, nhất là giá trị công nghiệp ngoài dầu đạt 55.567 tỷ đồng (tăng 52,68%); giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước đạt 16.575 tỷ đồng (tăng 2,18%); kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh, ước đạt 1.300 triệu USD (tăng 58,1%); Kết quả, 19/26 chỉ tiêu kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh chủ yếu đạt kế hoạch đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi thăm và động viên người dân vùng sạt lở.

Tạo bức tranh kinh tế sáng màu

Năm 2021 hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, là thời cơ để Quảng Ngãi phát triển nhanh, tiến vững chắc, tạo nên bức tranh kinh tế thêm nhiều gam màu tươi sáng.

Để đạt được mục tiêu kỳ vọng, Quảng Ngãi sẽ triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của giai đoạn 2021-2025: Huy động, phân bổ có hiệu quả các nguồn lực xã hội; bố trí vốn đầu tư công hợp lý; rà soát, bãi bỏ và thay thế các cơ chế, chính sách không còn phù hợp, cản trở sự phát triển...

Cụ thể, đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tỉnh, trong đó triển khai hoàn thành quy hoạch điều chỉnh Khu kinh tế Dung Quất; huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng Khu Kinh tế Dung Quất, các khu, cụm công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn.

Tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ nhà đầu tư sớm thực hiện hoàn thành dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất lên 8,5 triệu tấn/năm; dự án Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất mở rộng lên 9 triệu tấn/năm; các nhà máy điện khí tại Khu kinh tế Dung Quất; dự án Bến cảng tổng hợp-container Hòa Phát Dung Quất… Tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển Trung tâm logistics khu vực cảng biển Dung Quất, phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, hỗ trợ các hoạt động tiếp xúc, kết nối với các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Triển khai thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho người nông dân. Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, năng suất cao, giá trị lớn và có khả năng xuất khẩu; xây dựng có hiệu quả các vùng chuyên canh tại 5 huyện miền núi.

Thúc đẩy phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất khẩu, đặc biệt là phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới. Tăng cường đầu tư, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch và dịch vụ du lịch ở các khu, điểm du lịch Mỹ Khê, Lý Sơn, Sa Huỳnh, Bình Châu…

Tăng cường xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa thế mạnh, chủ lực của tỉnh, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt mức 1.400 triệu USD. Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư để tiếp cận nhanh, kịp thời, có hiệu quả các dự án FDI đang có xu hướng dịch chuyển về Việt Nam.

Đẩy lùi và xóa bỏ trì trệ

Năm 2021, với sự thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, cùng một thế hệ lãnh đạo mới, với ý chí quyết tâm mới, tư duy và phương pháp làm việc mới, Quảng Ngãi xác định, năm 2021 là năm thay đổi mạnh mẽ phương thức chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh để đẩy lùi và xóa bỏ những trì trệ tồn tại trong thời gian qua. Trong đó, từng đồng chí ủy viên UBND tỉnh phải gắn trách nhiệm của mình đối với ngành, lĩnh vực, địa phương phụ trách; phải giải quyết kịp thời, không đùn đẩy.

Các cơ quan hành chính Nhà nước phải đổi mới phương pháp làm việc, với phương châm nói ít làm nhiều; lấy kết quả làm thước đo để đánh giá thước đo năng lực của mỗi cơ quan, đơn vị và từng cán bộ, công chức, viên chức; kiên quyết không để xảy ra tình trạng thờ ơ, trì trệ trong giải quyết công việc cho người dân, tổ chức.

Với khát vọng đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền Trung vào năm 2025, Quảng Ngãi xác định quyết tâm đoàn kết trong tập thể, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cộng với sự chung sức đồng lòng của Nhân dân, tin tưởng rằng kinh tế-xã hội của tỉnh sẽ có sự phát triển nhanh, bền vững.

Chăm lo tốt đời sống người dân dịp Tết

Dù năm qua đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng Quảng Ngãi đã sử dụng tất cả các nguồn kinh phí hiện có để hỗ trợ, giúp người dân đón Xuân, vui Tết.

Cụ thể đã hỗ trợ tối đa các hộ có nhà ở bị sập hoàn toàn, nhà bị hư hỏng nặng; trích hơn 40 tỷ đồng thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách người có công với cách mạng, hưu trí và các đơn vị lực lượng vũ trang .

Đối với đối tượng đồng bào người dân tộc thiểu số thuộc các huyện miền núi, tỉnh đã bố trí 9,5 tỷ đồng cho các địa phương để mua hàng thiết yếu cấp cho 52.767 hộ sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán.

Với đối tượng là người cao tuổi, tổ chức thăm, tặng quà cho 23.844 cụ với tổng kinh phí hơn 17 tỷ đồng; trích Quỹ cứu trợ của tỉnh để hỗ trợ quà tết cho hộ nghèo với mức 500.000 đồng/hộ, hộ cận nghèo với mức 300.000 đồng/hộ với tổng số tiền hỗ trợ hơn 19 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỉnh đã hoàn thành việc cấp phát 1.592,385 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân bị thiệt hại do bão và mưa lũ gây ra trên địa bàn theo Quyết định số 1991/QĐ-TTg ngày 4/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Lưu Hương/Chinhphu

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam