Làm gì để phát hiện sớm và ngăn ngừa ma túy học đường?

Giáo dục | 10:32:00 16/06/2021

TNV - Phòng chống ma túy học đường là một nhiệm vụ rất cấp thiết mà Bộ Giáo dục và đào tạo đang triển khai nằm trong Chương trình công tác năm 2021 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm.

Đến hết tháng 12/2020, theo thống kê của Bộ Công an, trong số hơn 235.000 người nghiệm ma túy có hồ sơ quản lý trong cả nước, độ tuổi dưới 16 chiếm khoảng 0,1%, từ 16 đến dưới 30 tuổi chiếm 48%. Có khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu tiên ở độ tuổi 15-25. Đặc biệt nhiều trẻ em trong độ tuổi từ 13-14 đã sử dụng ma túy.

Phần lớn các em khi được phát hiện thì đã có thời gian sử dụng ma túy khá dài, rất khó khăn cho công tác cai nghiện, thậm chí đã gây ra những hậu quả đáng tiếc. Chính vì vậy yếu tố then chốt tạo nên sự thành công của việc ngăn chặn ma túy học đường chính là phát hiện sớm, giáo dục ý thức, sự hiểu biết về tác hại của ma túy cho học sinh, sinh viên, giúp cho các em tránh xa ma túy cũng như để ma túy không có cơ hội xâm nhập vào môi trường giáo dục.

Phát hiện sớm học sinh, sinh viên sử dụng ma túy 

Độ tuổi người sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa, có những em mới chỉ ở độ tuổi 13-14 vẫn là những học sinh trung học cơ sở, còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Với đặc tính của lứa tuổi là thích khám phá, trải nghiệm, nhưng nhận thức còn hạn chế, nhiều em dễ bị lôi kéo, rủ rê... Ở lứa tuổi này các em cần được sự quan tâm đặc biệt của gia đình và nhà trường.

Cha mẹ, thầy cô và các bạn cùng lớp hàng ngày tiếp xúc cần chú ý, giám sát hành vi, tâm, sinh lý các em để kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường như: 

Học hành sa sút, bỏ học, hành vi và tâm lý bất thường, hay nói dối, nhu cầu về tài chính tăng cao… cụ thể là: Cha mẹ và gia đình quan tâm và quản lý con em mình, dù có bận công việc hay đi công tác xa vẫn phải thường xuyên giám sát con một cách chặt chẽ nhất có thể; Thầy cô trong quá trình giảng dạy cần chú ý hơn đến những biểu hiện bất thường của học sinh sinh viên; Các bạn trong lớp cùng quan tâm chia sẻ với nhau, không a dua, dung túng, bao che cho những hành vi sử dụng ma túy của bạn.

Các giải pháp ngăn ngừa ma túy học đường

Học sinh, sinh viên sử dụng ma  túy hầu như không chỉ xuất phát từ một nguyên nhân mà là sự tổ hợp của nhiều tác nhân khác nhau. Các em thường sa ngã khi bố mẹ bận việc, đi công tác xa, ly hôn hoặc buông lỏng quản lí nên rất dễ bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ bằng nhiều hình thức. Bên cạnh đó, với sự xuất hiện của đa dạng các chủng loại về ma túy và đa dạng về cách tiếp cận nên nhiều em học sinh, sinh viên chưa có sự hiểu biết, kỹ năng tự vệ kém nên đã vô tình sử dụng hoặc dùng thử mà không biết đến tác hại khôn lường của nó.

Để giúp các em có kiến thức, ý thức trách nhiệm ngăn chặn ma túy với chính bản thân mình, các cấp, các ngành cần có những biện pháp cụ thể như: 

Tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tệ nạn ma túy, HIV/AIDS trong học sinh về: Các loại ma tuý phổ biến hiện nay và tác hại của ma tuý, biện pháp phòng chống ma tuý trong trường học; Các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn ma tuý, xử lý các hành vi có liên quan đến tệ nạn ma túy.

Phát động phong trào tố giác, xây dựng và tổ chức đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin có liên quan đến công tác phòng, chống ma túy của nhà trường. Tổ chức cho tập thể học sinh, cán bộ, giáo viên kí cam kết thực hiện phòng, chống ma túy.

Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ, các hoạt động thể dục, thể thao nhằm thu hút đông đảo học sinh tham gia. Tổ chức giao lưu, chuyên đề tuyên truyền về tác hại của ma túy với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, vui tươi như:
hát, tiểu phẩm, vẽ tranh tuyên truyền phòng, chống ma túy...

Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh: Nói không với ma túy và các chất gây nghiện; Không sử dụng thuốc lá, rượu, ma túy; Không vận chuyển, tàng trữ buôn bán sử dụng ma túy; Không để bạn bè, kẻ xấu rủ rê, lôi kéo ép buộc uống rượu, hút thuốc, tiêm chích ma túy; Kiên quyết từ chối, báo cho bố mẹ, thầy cô và cơ quan công an khi bị kẻ xấu lôi kéo; Từ chối khi người lạ nhờ chuyển hàng; Nhà và gia đình quản lý tốt giờ giấc sinh hoạt của học sinh; Thông qua các kỳ họp, nhà trường chủ động thông báo cho phụ huynh biết kế hoạch phòng, chống tệ nạn ma túy trong nhà trường.

Công tác phòng chống ma túy cần thực hiện quyết liệt và hiệu quả ngay tại trường học. Vừa qua, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành kế hoạch “Triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao trong Chương trình công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021", nhằm triển khai hiệu quả các nội dung công việc được giao tại Chương trình công tác năm 2021 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm. Đồng thời, tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm và kỹ năng phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội cho giáo viên, phụ huynh và học sinh, sinh viên.

Môi trường giáo dục phải là môi trường trong sạch, lành mạnh, là nơi để các em hoàn thiện nhân cách và trở thành người có ích cho xã hội. Chính vì thế, mỗi học sinh, mỗi thầy cô và mỗi gia đình cùng chung tay ngăn chặn ma túy không để ma túy, chất gây nghiện xâm nhập học đường hủy hoại những thế hệ tương lai của đất nước.

PV

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam