Phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học ngày càng đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn cuộc sống

TNV – Thời gian gần đây, nhiều đề tài tham gia các giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học ngày càng có tính ứng dụng cao, thiết thực trong đời sống xã hội, đáp ứng được nhu cầu của người dân.

 

Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh với đề tài Xây dựng kit PCR phát hiện sự tạp nhiễm thành phần có nguồn gốc từ heo, gà trong thực phẩm chay

Phát hiện tạp nhiễm trong thực phẩm chay

Hiện nay, xu hướng ăn chay ngày càng trở nên phổ biến ở nước ta và trên thế giới. Lý do dẫn đến ăn chay của mỗi người cũng khác nhau, có người vì tín ngưỡng tôn giáo, có người do cơ địa không hấp thu được đạm động vật, nhiều trường hợp vì muốn cải thiện sức khỏe bản thân…

Đứng trước thị trường đang màu mỡ đó, nhiều nhà sản xuất thực phẩm chay đã phát triển nhiều dòng sản phẩm với tên gọi “nửa chay nửa mặn” để phù hợp với nhiều phân khúc thị trường như: thịt gà chay, bò viên chay, sườn non chay, chả lụa chay…

Tuy nhiên, việc đảm bảo tính thuần khiết, không bị pha nhiễm các gia vị, chất liệu động vật vào các sản phẩm chay là điều thách thức đối với người sử dụng và thị trường phân phối.

Từ thực trạng trên, Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh đã đăng ký đề tài Xây dựng kit PCR phát hiện sự tạp nhiễm thành phần có nguồn gốc từ heo, gà trong thực phẩm chay. Bằng phương pháp PCR (Polymerase Chain Reaction) là phương pháp thông dụng để khuếch đại trình DNA đích của các thành phần có nguồn gốc từ động vật trong các mẫu thử của thực phẩm chay.

Bằng các chỉ số khoa học đối với các mẫu xét nghiệm, đã chứng minh phương pháp thực hiện của Nhóm nghiên cứu là hoàn toàn đáng tin cậy. Như vậy, đề tài đã giải quyết được yêu cầu trong thực tiễn cuộc sống đặt ra, giúp cho người tiêu dùng đã trở nên an tâm khi sử dụng các thực phẩm chay, sẽ dễ dàng kiểm tra được các sản phẩm này có nhiễm tạp chất từ nguồn gốc động vật hay không, bằng phương pháp kit PCR do Nhóm nghiên cứu đề ra.

 

Đề tài khảo sát đặc điểm dịch tễ học, các triệu chứng y học cổ truyền của hội chứng đau vùng phức tạp trên bệnh nhân đột quỵ của thí sinh Đặng Thị Kim Thoa Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh

Khảo sát dịch tễ học trên bệnh nhân đột quỵ

Hội chứng đau vùng cục bộ phức tạp (CRPS) là tình trạng đau thần kinh mạn tính sau tổn thương mô mềm hoặc xương (loại I), hoặc tổn thương dây thần kinh (loại II) và kéo dài lâu hơn và nghiêm trọng hơn dự kiến đối với tổn thương mô ban đầu. Các biểu hiện khác bao gồm rối loạn thần kinh tự động (như vã mồ hôi, rối loạn vận mạch), thay đổi vận động (như yếu cơ, co rút) và biến đổi dinh dưỡng (như teo da hoặc xương, rụng tóc, cứng khớp).

Tuy nhiên, đề tài sử dụng Hội chứng CRPS rất hạn chế tại nước ta, trước khi Đề tài khảo sát đặc điểm dịch tễ học, các triệu chứng y học cổ truyền của hội chứng đau vùng phức tạp trên bệnh nhân đột quỵ của thí sinh Đặng Thị Kim Thoa và ThS Lý Minh Đạo đến từ Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, thì chỉ duy nhất có một đề tài sử dụng Hội chứng CRPS ở trẻ em.

Theo một số chuyên gia y tế, hiện độ tuổi đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Cụ thể, tỷ lệ người trẻ và người trung niên chiếm khoảng 1/3 tổng số các trường hợp đột quỵ; tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó nam giới cao gấp 4 lần nữ giới. Nguyên nhân dẫn đến đột quỵ đến từ thói quen ăn uống không lành mạnh, uống nhiều bia rượu, làm việc quá sức, tình trạng thừa cân, lười vận động, ngoài ra, những người từng bị nhiễm COVID-19 cũng tăng nguy cơ gây đột quỵ.

Theo tác giả đề tài, tỷ lệ bệnh nhân mắc CRPS sau đột quỵ hơn 25%, đặc biệt tỷ lệ cao đối với bệnh nhân có sức cơ giảm trong 3 tháng đầu bị đột quỵ; đồng thời, 100% CRPS xuất hiện cùng với bên liệt, chủ yếu ở chi trên. Qua phân tích, biết được bệnh nhân nào dễ mắc CRPS và cũng là tiền đề cho nghiên cứu chẩn đoán dựa vào lâm sàng và điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền phù hợp.

 

Thành phần nguyên liệu chủ yếu từ lõi ngô, cát, xi măng trong đề tài Nghiên cứu chế tạo gạch không nung từ bê tông nhẹ cốt liệu lõi ngô của Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh

Gạch không nung từ lõi ngô

Trước tình hình thực tế ngành xây dựng nước ta đang phát triển mạnh mẽ, dẫn đến vật liệu xây dựng cũng tăng theo, trong đó có gạch, với nhu cầu ước tính cho ngành xây dựng hàng năm lên hàng chục tỷ viên gạch. Trong đó, hầu hết mọi người đều sử dụng gạch đất sét nung, vừa có giá thành cao, vừa ít thân thiện với môi trường hơn gạch không nung.

 Trước thực trạng đó, Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh thực hiện đề tài Nghiên cứu chế tạo gạch không nung từ bê tông nhẹ cốt liệu lõi ngô.

Thành phần nguyên liệu chủ yếu từ lõi ngô, cát, xi măng. Trong đó, lõi ngô hay tên giân dan thường gọi là “cùi bắp” là hợp chất cao phân tử từ các liên kết các mắc xíchβ-D-Glucose. Cát sử dụng trong đề tài này là cát vàng hạt vừa, phổ biến dùng trong xây dựng. Xi măng là chất kết dính vô cơ rắn trong nước và không khí, được sản xuất bằng cách nung hỗn hợp đá vôi nghiền với đất sét ở nhiệt độ khaorng 1.450 độ C, làm lạnh nhanh tạo thành clinker.

Nguồn lõi ngô được phơi khô để đảm bảo không bị mốc, không lên men và giúp tỷ lệ nước khi cấp phối chuẩn xác. Kích thước khối gạch xi măng lõi ngô đề tài khuyên sử dụng là 400x100x190 mm, thể tích cao hơn khoảng 6 lần thể tích viên gạch đất sét nung, với giá thành bình quân khoảng 2.600 đồng/1 viên.

Như vậy, sản phẩm gạch không nung lõi ngô góp phần tạo nên vật liệu xây dựng mới, thân thiện với môi trường và có cường độ chịu nén không thua kém sản phẩm gạch nung truyền thống. Đề tài này nếu được đầu tư, phát triển đúng mực thành dây chuyền sản xuất và áp dụng thêm một số phế phẩm khác như bã mía, trấu, xơ dừa, mùn cưa… sẽ mở ra một bước tiến mới trong ngành vật liệu xây dựng xanh trong tương lai.

Lê Thanh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam