Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030

Sở hữu trí tuệ | 16:19:00 10/12/2021

TNV - Chương trình phát triển tài sản trí tuệ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lần đầu tiên vào năm 2005 theo Quyết định số 68/2005/QĐ-TTg ngày 23/4/2005. Với mục tiêu đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2205/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. 

Đảm bảo cơ sở pháp lý để triển khai

Để chuẩn bị cơ sở pháp lý cho các địa phương có thể triển khai thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 (Chương trình), ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt Chương trình, Bộ Khoa học và Công nghệ đã khẩn trương cùng với Bộ Tài chính xây dựng, ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Chẳng hạn, Thông tư số 03/2021/TT-BKHCN ngày 11/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quản lý Chương trình; Quyết định số 1792/QĐ-BKHCN ngày 02/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ liên quan đến Chương trình; Thông tư số 75/2021/TT-BTC ngày 09/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý tài chính thực hiện Chương trình.

 Cục Sở hữu trí tuệ tham gia Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Thực trạng và Giải pháp nhận diện hàng hóa giả mạo, vi phạm sở hữu trí tuệ từ góc nhìn doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2021” do Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) tổ chức (tháng 12/2021).

Ngoài ra, ngày 23/9/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Công văn số 2612/BKHCN-SHTT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo việc Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính đã ban hành đầy đủ các văn bản quy định tổ chức triển khai Chương trình, đồng thời hướng dẫn các địa phương xây dựng, ban hành chương trình, nội dung, cơ chế hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn. 

Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị

Trong 15 năm qua, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đã nhận được sự hưởng ứng, huy động được nguồn lực lớn từ hệ thống chính trị các địa phương và hệ thống doanh nghiệp. Tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tiến hành phê duyệt, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của địa phương và đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận.

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí trao Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Đắk Nông” cho sản phẩm hạt tiêu cho đại diện tỉnh Đắk Nông.

Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Chẳng hạn, chưa có nhiều nhiệm vụ về áp dụng sáng chế, hỗ trợ quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; hiệu quả bảo hộ của sản phẩm chủ lực địa phương chưa được như mong muốn; đội ngũ các chuyên gia, đơn vị tư vấn về quản trị và phát triển tài sản trí tuệ chưa được phát triển như kỳ vọng cả về số lượng lẫn chất lượng…

Từ thực trạng trên, Chương trình giai đoạn 2021 - 2030 đã được các bộ, ngành tham mưu, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với quan điểm đổi mới cách tiếp cận về nội dung, phương án triển khai thực hiện so với các giai đoạn trước đây.

Về mặt nội dung thì Chương trình giai đoạn 2021 - 2030 bao gồm đầy đủ các hoạt động trong chu trình sở hữu trí tuệ một cách chặt chẽ, từ việc tạo ra tài sản trí tuệ; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; quản lý và phát triển tài sản trí tuệ; cho đến bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp từ hoạt động khai thác tài sản trí tuệ tại trường đại học, viện nghiên cứu” – Techfest Việt Nam 2021 do Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức.

Trong giai đoạn 2021 – 2030 của Chương trình, ngoài sự tham gia của các Bộ, UBND cấp tỉnh, còn có sự góp mặt của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Hiệp hội doanh nghiệp. Điều này đã thể hiện quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong việc lấy doanh nghiệp làm trung tâm của việc xây dựng và triển khai chính sách liên quan đến Chương trình phát triển tài sản trí tuệ.

Việc phân công trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cũng được thực hiện một cách chặt chẽ, hợp lý. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã phân công Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì quản lý, tổ chức thực hiện và Cục Sở hữu trí tuệ là cơ quan thường trực của Chương trình. Ngoài ra, đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý; các nhiệm vụ cấp Bộ do Bộ hoặc cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý; các nhiệm vụ cấp tỉnh do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý.

Nhằm bảo đảm tính ổn định của cơ chế và yêu cầu của tình hình mới về các giải pháp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp với Chiến lược sở hữu trí tuệ, thời gian thực hiện Chương trình lần này cũng được điều chỉnh lên 10 năm, thay vì 05 năm như các giai đoạn trước đây.

Công tác xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 đã được xây dựng khẩn trương, chặt chẽ, đúng tiến độ, bảo đảm Chương trình được triển khai liên tục, không bị ngắt quãng, với tinh thần rõ ràng, công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục hành chính liên quan. Cơ chế tài chính thuộc Chương trình cũng cơ bản duy trì được tính ổn định, như định mức hỗ trợ, phân định cụ thể nguồn chi từ Trung ương và địa phương, hỗ trợ đầy đủ các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, hướng dẫn thực hiện đầy đủ các nội dung, giải pháp triển khai Chương trình được phê duyệt.

Trước bối cảnh Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập toàn diện, việc các ngành, các cấp và toàn thể hệ thống chính trị đang có sự trở bộ tích cực, phối hợp chặt chẽ, nhằm tạo nên sức mạnh cộng hưởng, thúc đẩy Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Đây chính là một động lực quan trọng giúp các doanh nghiệp tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị trong nước, phát triển mạnh mẽ thị trường nội địa, chủ động tham gia sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.

Tú Lê

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam