Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai dự án đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương

TNV - Ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định số 1984/QĐ-BKHCN ngày 27/7/2021 về phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặt hàng thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, các nhóm dự án đã nhanh chóng xây dựng khung nội dung để sớm áp dụng vào thực tiễn, trong đó, có dự án đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương.

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí phát biểu tham luận với chủ đề “Bảo hộ dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc - Tầm nhìn chiến lược cho nông sản, thực phẩm Việt Nam” tại Hội nghị quốc tế ngành thực phẩm Việt Nam (Vietnam FoodForum 2021) do Bộ Công Thương đã tổ chức ngày 7/12/2021

Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý do điều kiện địa lý quyết định, được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm, thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó.

Xác định tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển được chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nhằm phát huy danh tiếng, đảm bảo duy trì sự tín nhiệm của người tiêu dùng, đảm bảo cơ chế quản lý sử dụng chỉ dẫn địa lý có hệ thống chặt chẽ, khoa học. Bên cạnh đó, còn thúc đẩy việc hình thành hệ thống sản xuất, phát triển sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý theo chuỗi giá trị, gắn với truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng sản phẩm, từ đó gia tăng giá trị của sản phẩm trên thị trường, chống lại sự lạm dụng dấu hiệu nguồn gốc, góp phần bảo vệ quyền lợi và nâng cao đời sống của chủ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Căn cứ vào trình tự, nội hàm của các mục tiêu định hướng và danh mục sản phẩm dự kiến nêu trong Quyết định 1984/QĐ-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhóm Dự án về đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương (Dự án) đã hoàn tất việc xây dựng khung nội dung dự kiến của Dự án, trên cơ sở tham khảo ý kiến chuyên môn từ Hội đồng tư vấn tuyển chọn. Các thuật ngữ chuyên môn cũng đảm bảo được sử dụng chính xác theo các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định khác của pháp luật trong các lĩnh vực có liên quan.

Các Dự án được xây dựng phải đảm bảo đầy đủ các hạng mục công việc theo từng hợp phần tương ứng với yêu cầu đặt hàng, ngoài ra, cũng có thể linh động bổ sung các nội dung mở rộng khi cần thiết, tùy theo điều kiện thực tế, mục tiêu yêu cầu cụ thể của địa phương đối với từng loại sản phẩm tương ứng.

Mục tiêu được nhóm Dự án xác định là đảm bảo thiết lập được mô hình sản xuất, phát triển sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng sản phẩm được bảo hộ; đồng thời, xây dựng được hệ thống văn bản, công cụ quản lý, khai thác, phát triển sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý mang tính khoa học, chặt chẽ và khả thi cao.

Ngày 12/10/2021, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 4506/QĐ-SHTT về việc sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00046 cho sản phẩm cam Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) và bổ sung thêm giống cam V2.

Để công tác triển khai thực hiện có hiệu quả, đồng bộ và xuyên suốt, Dự án được phân chia thành 7 nội dung theo trình tự, gồm: Khảo sát, đánh giá xác định danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; Xây dựng Bộ hồ sơ và tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ; Xây dựng văn bản quản lý và các công cụ phục vụ công tác quản lý chỉ dẫn địa lý, kiểm soát chất lượng, nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý; Thiết kế, in ấn, sản xuất hệ thống nhận diện và các công cụ quảng bá, truyền thông, giới thiệu sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý; Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu vùng sản xuất, chế biến và công cụ quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý; Hỗ trợ vận hành thử nghiệm mô hình quản lý và phát triển sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng sản phẩm; Đánh giá và tổng kết Dự án.

Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp mong đợi nhiều nhất từ các cơ quan quản lý nhà nước ở nội dung xây dựng phương án tổng thể công tác quản lý và hệ thống các văn bản liên quan đến chỉ dẫn địa lý, kiểm soát chất lượng, nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhằm đảm bảo Dự án được triển khai trên thực tế mang tính đồng bộ và chặt chẽ. Chẳng hạn, xây dựng các Quy định về sản phẩm và các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc đối với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; Điều kiện để được sử dụng chỉ dẫn địa lý; Quy định về việc cho phép, tổ chức thẩm định và theo dõi hoạt động sử dụng chỉ dẫn địa lý; Quy định về tổ chức kiểm soát, phương pháp và nguyên tắc tổ chức hoạt động kiểm soát chỉ dẫn địa lý; Quy định về việc sử dụng dấu hiệu chỉ dẫn địa lý trên sản phẩm; Quy định về tổ chức quảng bá, thương mại sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; Các hoạt động về giám sát, xử lý xâm phạm quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý; Quy trình kỹ thuật sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý… là rất thiết thực và cần thiết, mà nhóm Dự án cũng đã có bước chuẩn bị ban đầu.

Ngoài ra, các chủ doanh nghiệp cũng mong muốn có được bộ tài liệu quy định, cẩm nang hướng dẫn hoạt động quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý, gồm: sử dụng tem nhãn, bao bì; cấp, thu hồi quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý; hệ thống kiểm soát độc lập và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; mẫu sổ sách, hồ sơ kiểm soát, quản lý, kiểm soát nội bộ chỉ dẫn địa lý; cơ chế tài chính cho hoạt động quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý; kế hoạch kiểm soát chỉ dẫn địa lý…

Ngày 9/11/2021, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 5157/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00111 cho sản phẩm hạt tiêu “Đắk Nông”. 

Để quá trình tổ chức thực hiện Dự án được thành công, đòi hỏi công tác phối hợp giữa đơn vị chủ trì và các đơn vị tham gia phải được chặt chẽ, xuyên suốt, nhằm đảm bảo các nội dung, tiến độ và kết quả đặt ra. Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc của những chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị chuyên môn, đặc biệt, cơ quan quản lý trực tiếp ở địa phương là chủ thể của quá trình ra quyết định những nội dung liên quan đến sản phẩm đăng ký, quản lý chỉ dẫn địa lý... 

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý là quyền của chủ doanh nghiệp được thể hiện chỉ dẫn đó trên hàng hoá, bao bì, giấy tờ giao dịch nhằm mua bán và quảng cáo cho hàng hóa này. Chỉ dẫn địa lý cùng với tên thương mại, nhãn hiện, bí mật kinh doanh… có vai trò rất quan trọng trong hoạt động, tính sống còn, sự thành bại và khả năng phát triển của doanh nghiệp trên thị trường. Vì lẽ đó, trong quá trình xây dựng nội dung thực hiện Dự án, ngoài sự nỗ lực của nhóm thực hiện Dự án, rất cần sự ủng hộ, cổ vũ và đồng thuận của “5 người” gồm: Người quản lý nhà nước, Người chuyên gia, Người sản xuất, Người phân phối và Người tiêu dùng.

Trần Hùng

 

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam