Phát triển tài sản trí tuệ là nguồn lực cho sự phát triển bền vững của đất nước

Sở hữu trí tuệ | 14:15:00 12/12/2021

TNV - Với mục tiêu đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, ngày 24/12/2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định số 2205/QĐ-TTgphê duyệt chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.

Kết quả Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011 – 2019.

Trong bối cảnh nguồn tài nguyên và lao động giá rẻ đang ngày càng thu hẹp, hệ thống chính trị cả nước luôn quan tâm phát triển tài sản trí tuệ, xem đây là một yếu tố không thể tách rời trong các chính sách phát triển kinh tế, xã hội.

Tài sản trí tuệ là một bộ phận của tài sản vô hình, là kết quả sáng tạo trí tuệ của con người trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật, kinh doanh thương mại…

Xác định vai trò quan trọng của tài sản trí tuệ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy việc tạo dựng, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ. Chẳng hạn, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và gần đây nhất là Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.

 Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng luôn quan tâm thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, tập huấn về sở hữu trí tuệ.

Các hoạt động tuyên truyền, tập huấn về sở hữu trí tuệ được các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện thường xuyên và có hiệu quả. Theo Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2019, đã có 5.000 số phát sóng về sở hữu trí tuệ trên các kênh truyền hình ở trung ương và địa phương, 37.000 người được tập huấn, 10.000 lượt người được đào tạo về sở hữu trí tuệ, hỗ trợ bảo hộ cho 118 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của địa phương, hỗ trợ về sở hữu trí tuệ cho 600 lượt doanh nghiệp.

Bên cạnh những thành quả tích cực đáng ghi nhận, công tác bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ vẫn còn một số tồn tại như: đơn đăng ký sáng chế của các cá nhân, tổ chức còn ít; sản phẩm chứa hàm lượng trí tuệ cao chưa nhiều; nhiều cơ sở sản xuất chưa mạnh dạn đầu tư vào nhãn hiệu, hay chưa thấy hết giá trị của việc gắn tem nhận diện sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và còn e ngại đến việc tăng giá thành sản phẩm; đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị tư vấn về quản lý và phát triển tài sản trí tuệ chưa được như kỳ vọng…

Nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại liên quan đến phát triển tài sản trí tuệ, tiếp tục thực hiện mục tiêu đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, ngày 24/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2205/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.

Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 tập trung vào 6 nội dung chính: Tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ; Thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước; Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; Thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Phát triển, nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ; Hình thành, tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc tham dự Hội thảo “Tham vấn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ” (tháng 1/2021).

Ngoài ra, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 cũng đề ra các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Cụ thể, đến năm 2025, phấn đấu 100% các trường đại học, viện nghiên cứu được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; Tối thiểu 40% sản phẩm được công nhận là sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.

Đến năm 2030, số lượng đơn đăng ký bảo hộ sáng chế của các viện nghiên cứu, trường đại học tăng trung bình 16 - 18%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12 - 14%; Tối thiểu 60% sản phẩm được công nhận là sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ; Số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam tăng trung bình 8 - 10%/năm.

Tại Quyết định 2205/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm xây dựng, phê duyệt và bố trí kinh phí để triển khai Chương trình của địa phương; triển khai các hoạt động chung, thường xuyên nhằm chỉ đạo, quản lý và tổ chức triển khai Chương trình trên địa bàn. Tổ chức quản lý và thực hiện các nội dung Chương trình theo quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ (đề tài, dự án, đề án) cấp tỉnh; đồng thời, lồng ghép việc thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác thuộc thẩm quyền quản lý, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bảo hộ, quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của địa phương và doanh nghiệp.

Với lộ trình, mục tiêu, giải pháp cụ thể, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đặt hàng, liên kết, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, rút ngắn quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Lê Thanh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam