Nhãn hàng hoá là gì? Nhãn hàng hóa có được bảo hộ không?

TNV - Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ và các Nghị định, Thông tư, Nghị quyết, Quyết định có liên quan, Tạp chí điện tử Thanh niên (www.thanhnienviet.vn) xin giới thiệu đến các bạn trẻ và độc giả cả nước giải đáp thắc một số nội dung cơ bản về chính sách sở hữu trí tuệ để tham khảo, áp dụng khi cần thiết.

Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Thông tin và Truyền thông tặng hoa cho đại diện Trung ương Đoàn tại Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số và khai thác quyền sở hữu trí tuệ trong phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP”

Câu hỏi 9. Nhãn hàng hoá là gì? Nhãn hàng hóa có được bảo hộ không?

Trả lời: Theo Nghị định 89/2006/NĐ-CP, nhãn hàng hoá là bản viết, bảng in, hình ảnh, dấu hiệu in chìm, in nổi trực tiếp hoặc được dán, đính, cài chắc chắn trên hàng hoá hoặc bao bì để thể hiện các thông tin cần thiết, chủ yếu về hàng hoá (thông tin này theo quy định gồm một số nội dung như: tên hàng hoá, địa chỉ sản xuất, thành phần, công dụng, cách sử dụng, thời hạn sử dụng….).

Nhãn hàng hoá không phải là đối tượng sở hữu công nghiệp, không được bảo hộ, không phải đăng ký mà chỉ công bố.

 Câu hỏi 10. Văn bằng bảo hộ là gì? Hiệu lực của văn bằng bảo hộ như thế nào?

Trả lời: TheoĐiều 92 Luật Sở hữu trí tuệ, văn bằng bảo hộ ghi nhận chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu; tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; đối tượng, phạm vi và thời hạn bảo hộ.

Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý ghi nhận tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, các tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tính chất đặc thù về điều kiện địa lý và khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý.

Văn bằng bảo hộ gồm Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

TheoĐiều 93 Luật Sở hữu trí tuệ, hiệu lực của văn bằng bảo hộ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam; Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn; Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn; Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết năm năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần năm năm; Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn có hiệu lực từ ngày cấp và chấm dứt trong 15 năm vào ngày sớm nhất trong số những ngày sau đây từ ngày nộp đơn, kể từ ngày thiết kế bố trí được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới, kể từ ngày tạo ra thiết kế bố trí; Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm; Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp.

 Câu 11. Các nội dung mục tiêu cụ thể để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ liên quan đến phong trào thanh niên khởi nghiệp và sản phẩm OCOP như thế nào?

Trả lời: Theo Quyết định số 2205/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 xác định, xây dựng và triển khai hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và sản phẩm thuộc Chương trình OCOP gắn với đăng ký mã số vùng trồng, an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng và xác thực, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ; Khai thác, phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị. Giới thiệu, quảng bá và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại khác nhằm khai thác, phát triển giá trị các tài sản trí tuệ.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: 100% các trường đại học, viện nghiên cứu được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; Tối thiểu 40% sản phẩm được công nhận là sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Số lượng đơn đăng ký bảo hộ sáng chế của các viện nghiên cứu, trường đại học tăng trung bình 16 - 18%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12 - 14%; Tối thiểu 60% sản phẩm được công nhận là sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.

Câu hỏi 12. Nội dung và mức chi đối với nhiệm vụ thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước như thế nào?

Trả lời: Theo Điều 6, Thông tư số 75/2021/TT-BTC  ngày 09/9/2021 của Bộ Tài chính, đối với đơn đăng ký bảo hộ sáng chế và đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới trong nước được nhà nước hỗ trợ kinh phí: 30 triệu đồng/đơn; đối với đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu trong nước: 15 triệu đồng/văn bằng bảo hộ; đối với đăng ký bảo hộ ở nước ngoài cho các đối tượng trên: 60 triệu đồng/đơn được chấp nhận hợp lệ, các văn bản tương ứng theo quy định của tổ chức quốc tế hoặc quốc gia nộp đơn.

Đối với nhiệm vụ do các Bộ, cơ quan trung ương quản lý, mức kinh phí quy định tại điểm a và điểm b khoản này là mức hỗ trợ tối đa từ ngân sách nhà nước, trong trường hợp phát sinh thêm các chi phí khác (nếu có), các đơn vị tham gia Chương trình tự đảm bảo.

Đối với nhiệm vụ do địa phương quản lý, căn cứ vào các công việc có liên quan, điều kiện cụ thể của từng địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ cụ thể phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương để thực hiện.

Đăng ký bảo hộ trong và ngoài nước đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm quốc gia, sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của địa phương, sản phẩm gắn với Chương trình OCOP hoặc biểu tượng chỉ dẫn địa lý quốc gia: Nhiệm vụ hỗ trợ được xây dựng dưới hình thức các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ. Dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN và các quy định hiện hành về chế độ và định mức chi tiêu ngân sách nhà nước.

Câu hỏi 13. Việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 được thực hiện như thế nào?

Trả lời: Theo Điều 4, Thông tư số 75/2021/TT-BTC  ngày 09/9/2021 của Bộ Tài chính,việc lập dự toán ngân sách nhà nước, chấp hành ngân sách nhà nước và quyết toán ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về khoa học và công nghệ và các quy định hiện hành, cụ thể:

1. Lập dự toán: Hàng năm, vào thời điểm lập dự toán ngân sách nhà nước, các tổ chức, đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ của Chương trình, căn cứ vào các nhiệm vụ được phê duyệt và nội dung hướng dẫn tại Thông tư số 75/2021/TT-BTC  ngày 09/9/2021 của Bộ Tài chính để lập dự toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, gửi cơ quan chủ quản để tổng hợp chung vào dự toán của các Bộ, ngành, địa phương (theo phân cấp quản lý ngân sách) gửi cơ quan tài chính cùng cấp để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời gửi Bộ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp và phối hợp thực hiện.

2. Việc phân bổ, giao dự toán, tạm ứng, thanh toán và quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về khoa học và công nghệ và các văn bản hướng dẫn. Trong đó: Đối với dự toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia của Chương trình, dự toán kinh phí giao về Bộ Khoa học và Công nghệ để ký hợp đồng với cơ quan chủ trì thực hiện; Đối với dự toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, địa phương và cấp cơ sở  (nếu có) của Chương trình, dự toán kinh phí giao về các các bộ, địa phương và đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện.

3. Trong trường hợp nhiệm vụ không thực hiện theo đúng kế hoạch, việc huy động, giải ngân các nguồn kinh phí khác không đúng tiến độ, hoặc không đúng với cơ cấu và tổng mức quy định tại Quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền hoặc theo hợp đồng đã ký; kinh phí được giao sử dụng sai mục đích, sai chế độ:

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quản lý Chương trình có trách nhiệm thực hiện các biện pháp xử lý như sau: Đình chỉ nhiệm vụ; hoặc xuất toán khoản chi sai, thu hồi nộp ngân sách nhà nước khoản chi sai (đối với nguồn kinh phí ngân sách nhà nước), yêu cầu đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ xử lý khoản chi sai (đối với nguồn kinh phí khác) và các hình thức xử lý khác theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật;

Trường hợp bị đình chỉ nhiệm vụ; thu hồi các khoản chi sai chế độ đã thanh toán tại Kho bạc nhà nước: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quản lý Chương trình có trách nhiệm ban hành Quyết định xử lý đình chỉ nhiệm vụ, thu hồi các khoản chi sai chế độ, đồng thời gửi Kho bạc nhà nước để làm căn cứ thu hồi nộp ngân sách nhà nước.

Tú Nga Hùng

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam