Quy trình, thủ tục đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đang rộng mở cho thanh niên nông thôn khởi nghiệp

Ngày 27/7/2021, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 1984/QĐ-BKHCN về phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặt hàng thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ. Trên cơ sở đó, Nhóm dự án đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương đã xây dựng quy trình, thủ tục cụ thể, đã tạo nên cánh cửa rộng mở về bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho những doanh nghiệp trẻ, thanh niên nông thôn khởi nghiệp trong thời gian tới.

Với vai trò thúc đẩy, hỗ trợ của Cục Sở hữu trí tuệ, vừa qua, Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản đã chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận”.

Chỉ dẫn địa lý rất quan trọng

Theo Điều 79 Luật Sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.

Chỉ dẫn địa lý muốn được bảo hộ, phải đảm bảo các điều kiện sau: Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng; Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do diều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.

Về khía cạnh thông tin về nguồn gốc địa lý của hàng hoá đáp ứng đủ các điều kiện gồm: Thể hiện dưới dạng một từ ngữ, dấu hiệu, biểu tượng hoặc hình ảnh, dùng để chỉ một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, địa phương thuộc một quốc gia; Thể hiện trên hàng hoá, bao bì hàng hoá hay giấy tờ giao dịch liên quan tới việc mua bán hàng hoá nhằm chỉ dẫn rằng hàng hoá nói trên có nguồn gốc tại quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương mà đặc trưng về chất lượng, uy tín, danh tiếng hoặc các đặc tính khác của loại hàng hoá này có được, chủ yếu là do nguồn gốc địa lý tạo nên.

Nếu chỉ dẫn địa lý là tên gọi xuất xứ hàng hoá thì việc bảo hộ được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về tên gọi xuất xứ hàng hoá.

Như vậy, cùng với tên thương mại, nhãn hiệu, thì chỉ dẫn địa lý là yếu tố đầu tiên và quan trọng trong chiến lược xâm nhập, mở rộng thị trường; là một thành tố góp phần vào sự phát triển và quyết định sự thành bại của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp mới, hay thanh niên nông thôn mới khởi nghiệp.

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chè shan “Phình Hồ” (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái)

Quy trình rõ ràng, minh bạch

Thực hiện Quyết định số 1984/QĐ-BKHCN, ngày 27/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Nhóm dự án đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương (Nhóm dự án) đã xây dựng một quy trình, thủ tục công khai, minh bạch, nhằm giúp cho những doanh nghiệp trẻ và thanh niên khởi nghiệp dễ dàng thực hiện thành công Bộ hồ sơ đăng ký bảo hộ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và kết quả xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý.

Quy trình được Nhóm dự án xây dựng chặt chẽ, bao gồm 4 hoạt động như sau:

Một là, xác định chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

Trước hết, sẽ tổ chức lấy mẫu, bảo quản mẫu theo quy định; sau đó, tiến hành phân tích, đánh giá bằng phương tiện kỹ thuật hoặc sử dụng phương pháp chuyên gia, nhằm đánh giá, xác định các chỉ tiêu về cảm quan của sản phẩm thông qua việc xác định các dấu hiệu nhận diện và phân biệt của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý như: màu sắc, kích cỡ, ngoại hình...

Kế tiếp, tiến hành phân tích, đánh giá cụ thể từng chỉ tiêu phân tích bằng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật chuyên ngành, sau khi tổ chức lấy mẫu, bảo quản theo quy định, nhằm thực hiện việc phân tích, xác định chỉ tiêu định tính, định lượng về vật lý, hóa học, vi sinh đặc thù của sản phẩm.

Sau đó, tiến hành tổng hợp thông tin, xử lý số liệu, viết báo cáo xác định chất lượng, đặc tính của sản phẩm mangchỉ dẫn địa lý bao gồm chỉ tiêu cảm quan và chỉ tiêu định tính, định lượng về vật lý, hóa học, vi sinh đặc thù của sản phẩm.

Dĩ nhiên, trong các bước thực hiện cần đảm bảo tuân thủ đúng theo các tiêu chuẩn, phương pháp kiểm tra hiện hành; ngoài ra, cần đảm bảo năng lực chuyên môn, điều kiện trang thiết bị kỹ thuật, máy móc tương ứng của đơn vị tiến hành phân tích đối từng chỉ tiêu cụ thể…

Hai là, phân tích, xác định các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

Trước hết, tiến hành xác định và tiến hành phân tích, đo đạc từng chỉ tiêu cụ thể của các yếu tố về điều kiện tự nhiên có ảnh hưởng quyết định đến chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, bao gồm: Khí hậu (các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, áp suất khí quyển, các hiện tượng xảy ra trong khí quyển và các yếu tố khí tượng khác); Thuỷ văn (trạng thái, quá trình diễn biến và sự vận động của nước sông, suối, kênh, rạch, hồ); Địa chất (thành phần vật chất, cấu trúc, quy luật hoạt động và lịch sử phát triển của đất; sự tồn tại và tác động của các nguyên tố hoá học trong đất, đá, nước, khí quyển); Địa hình (phần mặt đất với các yếu tố trên bề mặt của nó như dáng đất, chất đất, thủy hệ, lớp thực vật, đường giao thông, điểm dân cư, các địa vật…); Hệ sinh thái (tập hợp các nhóm sinh học (thực vật, động vật sống) và sinh cảnh (không khí, năng lượng, nước, đất đai, khoáng chất) phụ thuộc lẫn nhau có cấu trúc rõ ràng được điều chỉnh bởi các quy tắc chung).

Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm sú “Cà Mau”.

Kế tiếp, thực hiện xác định, phân tích các yếu tố về con người gồm: Đánh giá các yếu tố về điều kiện khoa học, kỹ thuật, công nghệ và luận giải mối quan hệ ảnh hưởng quyết định đến chất lượng đặc thù của sản phẩm; Đánh giá các yếu tố về tập quán, thói quen, bí quyết sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm và luận giải mối quan hệ ảnh hưởng đến chất lượng để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Sau đó, tiến hành tổng hợp, xử lý số liệu và xác định các chỉ tiêu cụ thể về các yếu tố tự nhiên, con người ảnh hưởng đến chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

Ba là, xây dựng bản đồ vùng địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý với các hoạt động như: Thu thập, tổng hợp các bản đồ địa lý, khí hậu, thủy văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái vùng chỉ dẫn địa lý; Làm việc, thảo luận với các chuyên gia, các nhà sản xuất có kinh nghiệm lâu năm ở địa phương về hoạt động sản xuất sản phẩm, khu vực phân bố và đặc điểm sản xuất của từng khu vực; Làm việc với các cơ quan quản lý địa phương về chủ trương quy hoạch, khả năng mở rộng vùng sản xuất sản phẩm; Xây dựng bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý sử dụng phương pháp chồng xếp lớp bằng công nghệ GIS (mô tả chi tiết phương pháp thực hiện); Biên tập bản đồ các khổ A0 và A4 theo tỷ lệ quy định (nêu chi tiết các thông số minh họa trên bản đồ).

Bốn là, xây dựng hồ sơ và thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Về xây dựng hồ sơ đăng ký gồm có: Xây dựng Bản mô tả tính chất, chất lượng đặc thù, danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và các yếu tố đặc trưng của điều kiện tự nhiên tạo nên tính chất, chất lượng đặc thù, danh tiếng của sản phẩm; Xây dựng hồ sơ và thực hiện thủ tục trình UBND tỉnh cho phép đơn vị đại diện đứng tên nộp đơn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sử dụng dấu hiệu địa danh và xác nhận Bản đồ khu vực địa lý để đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm; Soạn hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý theo quy định của Cục Sở hữu trí tuệ.

Về nội dung thực hiện thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý gồm: Nộp hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý theo quy định tại Cục Sở hữu trí tuệ; Theo dõi, bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của Cục Sở hữu trí tuệ.

Như vậy, với quy trình, thủ tục rõ ràng, cụ thể, Nhóm dự án đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương đã mở rộng cánh cánh cửa cho những doanh nghiệp trẻ và thanh niên khởi nghiệp dễ dàng thực hiện thành công về bảo hộ chỉ dẫn địa lý, chắp cánh cho sản phẩm chủ lực địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Tú Lê

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam