TNV - Gìn giữ, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta. Tuy nhiên, hiện nay môi trường trên thế giới và tại Việt Nam đang ở mức báo động và thật đáng buồn, môi trường- ngôi nhà chung của nhân loại đang bị tàn phá, đe dọa một cách nghiêm trọng do chính bàn tay của con người.
Hiện nay, mọi người đã và đang sử dụng những đồ dùng bằng nhựa thay những đồ dùng khác bởi chúng nhỏ gọn, tiện lợi. Đó là nguyên do dẫn đến sự ô nhiễm toàn cầu, ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta, gây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm, sản sinh ra những mầm bệnh chết người, phá hủy hệ sinh thái của chúng ta.
Theo các chuyên gia, ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa đã trở thành vấn nạn môi trường toàn cầu, được chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, nhà khoa học và người dân trên toàn thế giới quan tâm.
Trong nguồn nước, rác thải nhựa là một trong những đe dọa lớn nhất của đại dương, đã và đang phá hoại các hoạt động kinh tế, xã hội tại các vùng biển và vùng bờ biển, như du lịch, nghỉ dưỡng, nghề cá và giao thông, môi trường, đa dạng sinh học và nguồn lợi cá biển, sức khỏe và sự an toàn của con người…
Những loài vật dưới biển lan trên bờ đều đang dần chết mòn vì hệ sinh thái của chúng đang dần bị các chất thải nhựa vùi lấp. Những loài vật còn sống sót thì mất đi ngôi nhà của mình. Những loài hoa, loài cây đang dần héo đi vì sự ô nhiễm không khí, những tấn rác thải nhựa của con người vứt bừa bãi, đổ lên những mầm non của trẻ nhỏ.
Theo báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2021, chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3,8 kg/năm/người năm 1990, tăng lên 54 kg/năm/người vào năm 2018, trong đó 37,43% sản phẩm là bao bì và 29,26% là đồ gia dụng.
Việc xả rác thải nhựa bừa bãi cùng một lượng lớn rác thải từ đại dương dạt vào đảo, bãi tắm, đặc biệt trong mùa du lịch đang là vấn đề đáng báo động ở vùng ven biển và các hải đảo.
Điển hình như tại Đà Nẵng - một thành phố đáng sống của Việt Nam, nơi nổi tiếng bởi những bãi biển đẹp nhất hành tinh, thu hút rất nhiều khách du lịch ghé thăm nhưng trong cuộc khảo sát gần đây, đã có rất nhiều ống hút nhựa, chai nước, bao ni lông trên bãi biển do du khách và người dân để lại.
Nếu cứ tiếp tục xảy ra tình trạng này thì đó thực sự là một điều rất đáng lo ngại. Mặc dù trên bãi biển đã bố trí rất nhiều thùng rác công cộng, song ý thức của một số người dân chưa cao, họ vẫn xả rác bừa bãi xuống biển, bất chấp những nguy hại “bào mòn tài nguyên” của biển cả, của tương lai thế hệ con cháu chúng ta mai sau.
Một câu hỏi được đặt ra rằng, những chủ nhân của “ngôi nhà chung nhân loại” cần phải làm gì ngay bây giờ để “cứu lấy chính cuộc sống của mình và vá lành những vết thương do chính bàn tay mình tạo ra?”. Thay vì “ngồi im, gặm nhấm” sự phá hủy đó, chúng ta hãy Hành động!
Hiện nay ở những thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đang có nhiều cộng đồng, tổ chức tham gia tình nguyện thu dọn rác tại khu vực công cộng và riêng ở Đà Nẵng có một nhóm tình nguyện viên vừa mới thành lập với tên gọi Trash hero Đà Nẵng tham gia dọn rác trên các bãi biển vào chiều thứ bảy hàng tuần. Đây là một việc làm rất ý nghĩa, hành động đẹp nhằm bảo vệ môi trường của các tình nguyện viên.
Những tình nguyện của nhóm Trash hero Danang
Tuy nhiên, tổ chức này không thể đi thu lượm sạch hết số lượng rác thải và hành động người xả rác - người đi nhặt sẽ mãi lặp đi lặp lại. Do đó, chúng ta cần có giải pháp lâu dài và bền vững, đó là làm thế nào để nâng cao nhận thức của người dân và các du khách về bảo vệ môi trường, bảo vệ các sinh vật biển và hệ sinh thái biển?
Để thay đổi hành vi sử dụng đồ nhựa của người dân là một hành trình dài và cũng đã có những sản phẩm túi tự phân hủy hay đồ dùng đến từ thiên nhiên nhưng vẫn chưa được phổ biến. Chính vì vậy, các nhà sản xuất từ các đơn vị nhỏ đến từng doanh nghiệp lớn cũng nên chung tay thay đổi để tạo ra môi trường sạch và bền vững hơn. Một doanh nghiệp không thể xoay chuyển tình thế, nhưng nhiều nhà sản xuất cùng thay đổi sẽ tạo một xu hướng cho cả toàn cầu. Các đơn vị có thẩm quyền, doanh nghiệp lớn nhỏ cũng nên xem xét hỗ trợ và tiếp tục tuyên dương, mở rộng các hoạt động tuyên truyền, lan tỏa các hội nhóm, các tổ chức tình nguyện thu gom rác làm sạch môi trường nhằm nâng cao nhận thức người dân.
Trước đó, chương trình “Thành phố sạch - Đại dương xanh” vừa được Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD), Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp Sở TN&MT giới thiệu vào cuối năm 2021, kỳ vọng sẽ thúc đẩy thực hành giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và củng cố thị trường, khu vực cho nhựa tái chế.
Đà Nẵng đã thay đổi những thùng rác để sinh động động thu hút người dân tránh xả rác bừa bãi hơn.
Đồng thời thúc đẩy, thay đổi hành vi xã hội đối với phương thức thu gom 3R và quản lý chất thải rắn bền vững; hỗ trợ các diễn đàn quốc tế, quan hệ đối tác công - tư và các bên trong lộ trình giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt nói chung và rác thải nhựa nói riêng. Được biết, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước được USAID chọn triển khai các nhóm giải pháp như hỗ trợ chính quyền thực hiện kế hoạch quản lý rác thải nhựa đại dương và các sáng kiến thúc đẩy chống ô nhiễm rác thải nhựa. “Thành phố sạch - Đại dương xanh” cũng sẽ hỗ trợ thực hiện dự án “Tăng cường hợp tác công - tư trong việc tái chế, phục hồi rác thải và kinh tế tuần hoàn tại Đà Nẵng” với tổng ngân sách 161.000 USD, thực hiện từ tháng 12/2021 đến tháng 7/2023, với các hoạt động chính như kết nối thị trường rác tái chế thông qua thương mại số, nâng cao năng lực cho người dân, đơn vị thu gom, cải thiện việc thu hồi rác thải tái chế và số hóa thông tin, chia sẻ mô hình…
Hy vọng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp ban ngành và ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường của người dân bản địa và du khách, trong thời gian không xa, Đà Nẵng sẽ lấy lại được “bầu không khí trong lành, nguyên sơ như vốn có”, đặc biệt sẽ không còn tình trạng xả rác thải bừa bãi. Tiếp tục phấn đấu đạt cho được mục tiêu không sử dụng vật dụng, đồ nhựa dùng một lần theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20-8-2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.
Nguyễn Lê Kim Ngân, Nguyễn Lê Minh Thành, Hồ Yến Nhi