Theo đó, so với Thông tư hiện hành, dự thảo thay cụm từ “Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục” bằng cụm từ “Cục Quản lý chất lượng”; thay cụm từ “phòng Khảo thí” bằng cụm từ “phòng Quản lý thi”.
Dự thảo cũng bỏ cụm từ “ngay trước năm tổ chức kỳ thi” tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 16 về số lượng thí sinh Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia.
Như vậy, nội dung hai điểm này theo dự thảo sẽ là:
Đội tuyển mỗi môn thi của từng đơn vị dự thi (trừ đơn vị dự thi Hà Nội) có tối đa 6 thí sinh; đội tuyển có đủ số lượng tối đa thí sinh dự thi và có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong 2 kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp được Bộ GD&ĐT xét tăng đến tối đa 10 thí sinh.
Đội tuyển mỗi môn thi của đơn vị dự thi Hà Nội có tối đa 12 thí sinh; đội tuyển có đủ số lượng tối đa thí sinh dự thi và có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong 2 kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp được Bộ GD&ĐT xét tăng đến tối đa 20 thí sinh.
Dự thảo cũng quy định rõ điều khoản chuyển tiếp. Theo đó, số lượng thí sinh trong đội tuyển mỗi môn thi của từng đơn vị dự thi kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2022-2023 và năm học 2023-2024 tiếp tục giữ ổn định theo số lượng thí sinh được đăng ký tối đa trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2021-2022.
HIện nay, việc thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia được thực hiện theo Thông tư số 56/2011/TT-BGDĐT ngày 25/11/2011 được sửa, đổi bổ sung bởi Thông tư số 41/2012/TT-BGDĐT ngày 19/11/2012 và Thông tư số 37/2013/TT-BGDĐT ngày 27/11/2013 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Theo Chinhphu