Chính thức công bố Báo cáo thường niên FDI năm 2022

Doanh nhân, Hội nhập | 15:25:00 10/03/2023

TNV - Sáng 10/3/2023 tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) chính thức công bố Báo cáo thường niên FDI năm 2022 với sự tham dự của đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương, Hội đồng lý luận Trung ương và các cơ sở nghiên cứu - đào tạo, các Hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp.

GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch VAFIE, Chủ biên đã trình bày các nội dung chính của bản Báo cáo tại lễ công bố

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực VAFIE, Tổng biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư cho biết:Từ năm 2021, VAFIE đã nghiên cứu và công bố Báo cáo thường niên về FDI nhằm cập nhật xu hướng FDI trên thế giới và khu vực, cung cấp cho các nhà đầu tư và các cơ quan nghiên cứu, hoạch định chính sách bức tranh toàn cảnh và đánh giá khách quan về hoạt động FDI cũng như môi trường đầu tư Việt Nam; khuyến nghị giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách và cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư.

Báo cáo gồm 3 chương, được xuất bản cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh.Trong đó, chương I là tổng quan về FDI toàn cầu và ASEAN. Một số nhận xét, kết luận đáng lưu ý được đưa ra tại chương này là: FDI vào châu Á liên tục gia tăng trong 3 năm liền và đạt mới 619 tỷ USD vào năm 2021. Bên cạnh đó, FDI vào lĩnh vực tăng trưởng xanh tăng mạnh, năm 2021 tăng tới 70% so với năm 2020.

Chương II được dành cho việc đánh giá tổng quan tình hình thu hút và sử dụng vốn FDI tại Việt Nam, cũng như môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu tại chương này cho thấy, năm 2022, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam đạt 22,39 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021, trong khi vốn FDI đăng ký mới đạt 27,71 tỷ USD, chỉ bằng 89% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giao dịch mua bán và sáp nhập doanh nghiệp năm 2022 cơ bản quay về thời điểm trước đại dịch, với tổng giao dịch đạt trên 5,1 tỷ USD.

Đặc biệt, nội dung tại chương II cũng cho thấy, các khu công nghệ, khu kinh tế tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, đã và đang hình thành nhiều khu công nghiệp sinh thái. Về môi trường đầu tư, kết quả điều tra cho thấy, có tới 68,5% doanh nghiệp FDI cho rằng, Việt Nam có những yếu tố thuận lợi so với các quốc gia khác khiến họ cân nhắc đầu tư tại đây. Tuy nhiên, những thủ tục hành chính, chất lượng kết cấu hạ tầng, dịch vụ công vẫn là những vấn đề nổi lên, cần được khắc phục giúp Việt Nam thực sự hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Chương III của báo cáo đề xuất định hướng, chính sách và giải pháp thu hút, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn FDI năm 2023. Theo đó, một số nội dung cần tập trung tại chương này là, theo báo cáo của UNCTAD, FDI toàn cầu tiếp tục suy giảm, nhiều quốc gia tiếp tục sạng lọc FDI. Tuy nhiên, khả năng thu hút FDI của Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực, mặc dù vẫn còn không ít thách thức.

Để thực hiện hiệu quả định hướng thu hút FDI, cần nâng cấp chính sách thu hút và sử dụng FDI hướng mạnh vào tăng trưởng xanh, chuyển đổi số và kết nối chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp FDI, nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia.

Hoàn thiện thể chế pháp luật, trong đó có việc nội luật hóa thuế tối thiểu toàn cầu; xử lý tốt quan hệ nội lực với ngoại lực; hiện đại hóa hạ tầng kinh tế - xã hội và đẩy mạnh cải cách nền hành chính quốc gia là các giải pháp chính được đề xuất để tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả FDI năm 2023 và các năm tiếp theo.

Báo cáo thường niên FDI 2022 do GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE làm chủ biên được xây dựng từ các tư liệu của nhiều tổ chức quốc tế như IMF, WB, ADB, UNCTAD và thống kê của một số nước phát triển,các quốc gia ASEAN, của Tổng cục Thống kê và Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong quá trình soạn thảo Báo cáo thường niên FDI 2022, Tổ biên tập của VAFIE đã tiến hành khảo sát 10 địa phương thu hút nhiều và sử dụng vốn FDI có hiệu quả kinh tế - xã hội cao để đánh giá khoa học và khách quan thành quả, vấn đề, cơ hội và thách thức đối với nước ta trong quá trình hợp tác và cạnh tranh với nhiều nước để thu hút FDI có chất lượng và hiệu quả.

Ban soạn thảo Báo cáo thường niên 2022 cũng đã nhận được sự tham gia, đóng góp tích cực của các chuyên gia kinh tế và các công ty kiểm toán quốc tếhàng đầu tại Việt Nam. Đặc biệt, Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG đã gửi phiếu điều tra đến nhiều doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam và đã nhận được sự phản hồi tích cực, đánh giá khách quan về tiềm năng, lợi thế của Việt Nam trong thu hút FDI, cũng như về môi trường đầu tư và kinh doanhcủa Việt Nam.Tập đoàn FiinGroup đã nghiên cứu và đánh giá sâu về hoạt động M&A tại Việt Nam năm 2022 - một hình thức đầu tư đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.

Bình luận về Báo cáo thường niên FDI năm nay, nhiều đại biểu cho rằng, Báo cáo thường niên năm 2022 do VAFIE xây dựng và công bố là tài liệu hữu ích cho các nhà đầu tư, các cơ quan nghiên cứu và hoạch định chính sách, các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.Một số chuyên gia cũng đã góp thêm ý kiến nhằm hoàn thiện bản Báo cáo thường niên về FDI năm 2022.

 PV

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam