Hoàn thiện chương trình bồi dưỡng cán bộ đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ sáu, 10/03/2023 - 22:28

TNV - Bồi dưỡng cán bộ đoàn là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp. Thông qua công tác bồi dưỡng sẽ bổ sung cho cán bộ những kiến thức, nghiệp vụ, phương pháp và kỹ năng công tác và cập nhật những kiến thức, quy định mới.

Bồi dưỡng được hiểu là hoạt động trang bị, cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng làm việc. Để thực hiện hoạt động bồi dưỡng thì việc thiết kế chương trình bồi dưỡng có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần vào thành công của hoạt động bồi dưỡng. Chương trình bồi dưỡng được hiểu là một hệ thống những kiến thức, kỹ năng được sắp xếp theo một cấu trúc, nội dung nhất định, nhằm đạt được mục tiêu cần thiết thông qua các hoạt động giáo dục cụ thể. Một chương trình đào tạo, bồi dưỡng thường bao gồm mục tiêu, khối lượng kiến thức, cấu trúc, nội dung, phương pháp và hình thức đánh giá.

Trong công tác bồi dưỡng cán bộ đoàn, có nhiều yếu tố ảnh hưởng như trình độ, năng lực của đội ngũ giảng viên, báo cáo viên, ý thức thái độ học tập của người học, điều kiện cơ sở, vật chất, trang thiết bị phục vụ bồi dưỡng. Để nâng cao chất lượng bồi dưỡng, một trong những nhiệm vụ cần phải quan tâm là xây dựng được chương trình bồi dưỡng phù hợp với đối tượng. Chương trình bồi dưỡng tập huấn phù hợp sẽ giúp trang bị cho cán bộ đoàn hệ thống những kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng công tác một cách toàn diện, sâu sắc. Chương trình bồi dưỡng cán bộ đoàn được hiểu là một hệ thống các kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng cần được bổ sung nhằm nâng cao năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ.

Học viên lớp bồi dưỡng bí thư Đoàn cấp xã

1. Kết quả xây dựng chương trình bồi dưỡng cán bộ đoàn

Nhận thức được tầm quan trọng của chương trình bồi dưỡng, trong những năm qua, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan tiến hành khảo sát nhu cầu, thống kê, phân tích thực trạng đội ngũ, yêu cầu cần trang bị kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng công tác của cán bộ đoàn các cấp để có cơ sở thiết kế nội dung và đã ban hành 10 chương trình, tài liệu phục vụ bồi dưỡng cán bộ đoàn các cấp, cụ thể:

Ngày 14/12/2015 Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã ban hành quyết định số 1070-QĐ/TWĐTN về việc quy định khung chương trình bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng công tác Đoàn, Hội, Đội. Chương trình được thiết kế là 260 tiết, gồm 03 khối kiến thức: Kiến thức lý luận về Đoàn, Hội, Đội; Nghiệp vụ công tác Đoàn, Hội, Đội; Kỹ năng tổ chức các hoạt động Đoàn, Hội, Đội. Đây là những kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng cơ bản và tương đối toàn diện mà một cán bộ Đoàn chuyên trách cần được trang bị, đáp ứng yêu cầu công tác. Chương trình này được thẩm định để cấp chứng chỉ theo quy định của Bộ Nội vụ.

Đây là lần đầu tiên Trung ương Đoàn ban hành chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng công tác Đoàn, Hội, Đội áp dụng thống nhất trên cả nước. Chương trình, tài liệu bồi dưỡng được ban hành, xuất bản đã trực tiếp phục vụ công tác tổ chức các lớp bồi dưỡng tập huấn của Đề án và là tài liệu phục vụ các lớp bồi dưỡng tập huấn khác của Trung ương Đoàn, các tỉnh, thành Đoàn trực thuộc. Sau khi ban hành chương trình và hoàn thành hệ thống tài liệu phục vụ bồi dưỡng chương trình này, Trung ương Đoàn đã chỉ đạo Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam thực hiện các thủ tục đăng ký để cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo quy định của Bộ Nội vụ. Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng công tác Đoàn, Hội, Đội đã trở thành một tiêu chí, điều kiện bắt bộc khi thi tuyển cán bộ chuyên trách Đoàn, Hội và giáo viên Tổng phụ trách Đội trong các trường học.

Ngày 14/12/2015, trên cơ sở khảo sát và phân tích tình hình, yêu cầu về kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng của cán bộ làm công tác chuyên môn ở các lĩnh vực công tác, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã ban hành quyết định số 1071- QĐ/TWĐTN về việc quy định chương trình bồi về nghiệp vụ công tác tuyên giáo, tổ chức, kiểm tra, công tác Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, công tác Hội Sinh viên Việt Nam, công tác Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Đây là hệ thống các chương trình phục vụ công tác bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ chuyên sâu cho cán bộ làm chuyên trách ở các ban, đơn vị của Trung ương Đoàn và Đoàn cấp tỉnh.

Tiếp theo đó, ngày 14/12/2015 Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã ban hành quyết định số 1072-QĐ/TWĐTN về việc quy định chương trình bồi dưỡng chức danh Bí thư đoàn cấp tỉnh, Bí thư đoàn cấp huyện và Bí thư Đoàn cơ sở.

Trên cơ sở các chương trình bồi dưỡng đã ban hành, Ban Bí thư đã chỉ đạo biên soạn, thẩm định các tài liệu phục vụ công tác bồi dưỡng. Sau khi biên soạn các các chuyên đề, đã thành lập Hội đồng thẩm định, nghiệm thu nội dung các chuyên đề, chỉnh sửa, bổ sung và xuất bản, phát hành 03 cuốn tài liệu phục vụ bồi dưỡng tập huấn là: Những vấn đề lý luận cơ bản về Đoàn, Hội, Đội; Nghiệp vụ cơ bản về công tác Đoàn, Hội, Đội; Kỹ năng công tác thanh thiếu niên. Ngoài ra, các tài liệu phục vụ bồi dưỡng chuyên sâu về các mặt công tác của Đoàn và bồi dưỡng theo chức danh cũng được quan tâm biên soạn.

Hiện nay, các chương trình bồi dưỡng cán bộ đoàn đều được thiết kế với thời lượng học tập theo đúng quy định của Bộ Nội vụ. Chương trình bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng cơ bản được thiết kế 260 tiết (tương đương với 26 ngày học tập), các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu và bồi dưỡng chức danh được thiết kế thời lượng học tập từ 100 đến 140 tiết (Tương đương với 5 đến 7 ngày học tập). Phương pháp thiết kế hiện nay chủ yếu được thiết kế theo nội dung cần được bồi dưỡng cho cán bộ đoàn.

Có thể khẳng định, việc Trung ương Đoàn ban hành các chương trình và tài liệu bồi dưỡng thì công tác bồi dưỡng cán bộ đoàn được từng bước chuyên nghiệp hóa, chuẩn hóa hơn trước đây. Các chương trình do Trung ương Đoàn ban hành đã góp phần là định hướng nội dung bồi dưỡng, nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng cán bộ đoàn các cấp.

2. Những tồn tại, hạn chế của các chương trình bồi dưỡng cán bộ đoàn

Việc xây dựng hệ thống chương trình, tài liệu phục vụ bồi dưỡng tập huấn đã nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, kết quả khảo sát, đánh giá của cán bộ đoàn về các chương trình bồi dưỡng đã ban hành cho thấy cần phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện các chương trình này, có thể kể đến như sau:

Một là, các chương trình bồi dưỡng và nội dung chuyên đề bài giảng vẫn thiết kế theo phương thức truyền thống, nặng về lý thuyết mà chưa quan tâm thỏa đáng đến thực hành; chưa tiếp cận phương pháp thiết kế chương trình mới theo hướng rõ mục tiêu, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của quá trình đào tạo, bồi dưỡng.

Hai là, trong các chương trình bồi dưỡng đã ban hành, chỉ có chương trình bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng công tác Đoàn, Hội, Đội là đảm bảo theo cấu trúc gồm đầy đủ các phần kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng; các chương trình bồi dưỡng chuyên sâu và theo chức danh chưa tuân thủ theo cấu trúc này.

Ba là, các chương trình bồi dưỡng thiết kế chưa đảm bảo tính ổn định và linh hoạt. Tính ổn định là phần cứng về kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng cần có của mỗi chương trình bồi dưỡng, tính linh hoạt là những kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng có thể điều chỉnh, thay đổi phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa phương, đơn vị và điều chỉnh thay đổi theo thời gian tùy vào tình hình thực tế để cập nhật những kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng mới.

Bốn là, đối với cán bộ đoàn cấp tỉnh các nội dung đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức lý luận, nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo quản lý và cập nhật tình hình thanh niên đều được đánh giá ở mức độ khá tốt. Tuy nhiên, có một tỷ lệ khá lớn (dưới 50%) cho rằng các nội dung đào tạo mới đáp ứng được một phần nhu cầu của họ.

Năm là, đối với cán bộ đoàn cấp huyện, kết quả đánh giá khá tương đồng với cán bộ đoàn cấp tỉnh. Trong 5 nội dung trong khung chương trình đào tạo được đưa ra, các mức đánh giá đều cho rằng đáp ứng tốt yêu cầu so với nhu cầu. Vẫn còn một tỷ lệ khá lớn (khoảng 50%) cho rằng các nội dung đào tạo mới đáp ứng được một phần nhu cầu của họ.

Sáu là, đánh giá các nội dung trong khung chương trình đào tạo Bí thư đoàn cấp cơ sở, kết quả nghiên cứu cho thấy, có 03 nội dung được đánh giá đáp ứng tốt nhu cầu gồm: Kiến thức lý luận, nghiệp vụ công tác Đoàn, Hội, Đội, thực hành kỹ năng công tác thanh thiếu niên, kiến thức cập nhật, bổ trợ, thực tế chuyên môn. Để nâng cao chất lượng bồi dưỡng cán bộ đoàn, vấn đề cần quan tâm được nhiều cán bộ đoàn lựa chọn nhất đó là cần tăng cường cập nhật kiến thức, bổ trợ các chuyên đề phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ.

3. Bối cảnh mới và các giải pháp đổi mới chương trình bồi dưỡng cán bộ đoàn

Bối cảnh đất nước đang ngày càng hội nhập sâu, rộng vào khu vực và thế giới, nên cán bộ đoàn cần có hiểu biết căn bản về hội nhập và thanh niên cũng cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng hội nhập quốc tế.

Thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, sự phát triển như vũ bão của internet, mạng xã hội, các phương tiện truyền thông mới... đang tác động mạnh mẽ đến thế hệ trẻ. Chính vì vậy, đội ngũ cán bộ đoàn cũng cần phải được trang bị những kiến thức, kỹ năng làm việc trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, sử dụng những ứng dụng trên internet, mạng xã hội để phục vụ cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

Thế giới và đất nước đang thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cũng đang tác động mạnh đến thanh niên, một lực lượng quan trọng. Vì vậy, cán bộ đoàn cũng cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng liên quan đến chuyển đổi số và phát triển kinh tế số để tuyên truyền, định hướng, hướng dẫn thanh niên.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định cần khơi dây khát vọng phát triển đất nước mới mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển. Thanh niên là lực lượng quan trọng trong xã hội, nên giáo dục để hình thành trong thanh niên khát vọng vươn lên, cống hiến, góp phần xây dựng đất nước phát triển là một nội dung quan trong cần được Đoàn thanh niên các cấp quan tâm triển khai. Vì vậy, cán bộ đoàn cần phải được học tập về nội dung này.

Tình hình thanh niên có những thay đổi bởi chính nhu cầu, tâm sinh lý và tác động của bối cảnh chung đang đặt ra yêu cầu đối với tổ chức đoàn cần phải đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động. Đây vừa là nhiệm vụ tự thân của tổ chức Đoàn và trước hết là đội ngũ cán bộ đoàn, nên cần điều chỉnh chương trình bồi dưỡng cho phù hợp với tình hình mới.

Nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các chương trình bồi dưỡng cán bộ đoàn, cần nghiên cứu, tham khảo một số giải pháp sau:

Một là, cần xây dựng yêu cầu của từng vị trí việc làm, vị trí lãnh đạo quản lý trong hệ thống tổ chức của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, làm cơ sở cho việc xây dựng các nội dung các chương trình bồi dưỡng phù hợp. Trung ương Đoàn chỉ đạo các cấp bộ Đoàn sớm xây dựng tiêu chuẩn và yêu cầu của từng vị trí việc làm. Ngoài việc đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, muốn thực hiện tốt nhiệm vụ của người cán bộ làm công tác thanh thiếu nhi, cán bộ bộ đoàn cần phải có được những kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng cơ bản về Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và những kiến thức chuyên sâu ở lĩnh vực cụ thể mình công tác như công tác tuyên giáo, công tác tổ chức, công tác kiểm tra, công tác văn phòng, công tác Hội LHTN Việt Nam, Công tác Hội sinh viên Việt Nam, công tác Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.

Hai là, với vai trò là đội dự bị tin cậy của Đảng, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có sứ mệnh rất quan trọng là bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ trẻ có chất lượng để cung cấp cho Đảng và hệ thống chính trị. Nếu tổ chức Đoàn làm tốt nhiệm vụ này chính là góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, là xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược, lâu dài. Vì vậy, ngoài đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn về công tác Đoàn, Hội, Đội, cán bộ đoàn cần được trang bị thêm những kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng để chuẩn bị cho sự luân chuyển công tác khi trưởng thành đoàn.

Ba là, đổi mới cách thiết kế chương trình bồi dưỡng theo từng khối kiến thức và kết hợp linh hoạt giữa cứng và mềm. Việc thiết kế chương trình theo các khối kiến thức sẽ giúp cho công tác đào tạo, bồi dưỡng thuận lợi. Trong điều kiện áp lực công việc ngày càng gia tăng, yêu cầu ngày càng cao, thì có thể tổ chức bồi dưỡng theo từng khối kiến thức là rất phù hợp cho những chương trình tương đối dài ngày. Kết thúc mỗi khối kiến thức đều có kiểm tra, đánh giá. Khi tích lũy đủ các khối kiến thức theo chương trình thì sẽ được cấp chứng chỉ hoặc chứng nhận theo từng chương trình đào tạo, bồi dưỡng.

Thiết kết các khối kiến thức linh hoạt vừa có phần cứng và phần mềm sẽ phù hợp với xu thế có nhiều biến đổi nhanh chóng hiện nay. Phần “cứng” được hiểu là hệ thống những kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng ổn định, ít thay đổi trong một hoặc một số nhiệm kỳ. Phần “mềm” ở đây được hiểu là những kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng có thể thay đổi theo từng nhóm đối tượng, địa bàn và thời gian khác nhau. Các cơ sở Đoàn có thể vận dụng thay đổi cho phù hợp với từng đại phương, đơn vị và cập nhật những nội dung mới cần trang bị cho cán bộ đoàn.

Bốn là, cần gia tăng thời gian và tỷ lệ thực hành trong các chương trình bồi dưỡng cán bộ đoàn các cấp, đồng thời cần tăng kiến thức kỹ năng về lãnh đạo, quản lý để chuẩn bị cho sự phát triển trong tương lai của cán bộ đoàn.

Năm là, để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, đa số cán bộ đoàn (trên 50%) cho rằng họ mong muốn được bồi dưỡng các kiến thức về chuyển đổi số, kinh tế số, về cách mạng công nghiệp 4.0,  hội nhập quốc tế và một số kỹ năng mới như kỹ năng truyền thông, tập hợp đoàn kết qua mạng xã hội, kỹ năng kết nối và vận động nguồn lực. Ngoài ra, cán bộ đòa cũng có nhu cầu được trang bị các kiến thức về chiến lược phát triển thanh niên, các quan điểm mới của Đảng, Nhà nước về công tác thanh niên, Luật Thanh niên hay bồi dưỡng cho cán bộ về nắm bắt đặc điểm tâm lý thanh thiếu nhi.

Sáu là, đối với cán bộ đoàn cấp tỉnh, kết quả khảo sát cho thấy, đa số cán bộ đoàn cho rằng, công tác bồi dưỡng chủ yếu tập trung vào các nội dung trang bị kiến thức, kỹ năng lãnh đạo quản lý (69,4%), hội nhập quốc tế (62,5%), kiến thức chung về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội (45,8%), chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về Công tác thanh niên (34,7%), kỹ năng phát ngôn đấu tranh với dư luận và tiếp xúc báo chí (31,9%).

Bảy là, đối với cán bộ đoàn cấp huyện, kết quả khảo sát cho thấy, đa số cán bộ đoàn được hỏi cho rằng cần tập trung chủ yếu bồi dưỡng về kỹ năng lãnh đạo quản lý (74,9%), công tác tham mưu với cấp ủy, phối hợp với các ban ngành (51,7%), kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đoàn, Hội Đội (trên 40%), phương pháp xử lý các kiểm nóng chính trị - xã hội trên địa bàn (39,1%), kiến thức chung về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội (35,7%), công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận trong thanh niên (33,3%).

Tám là, đối với cán bộ đoàn cấp cơ sở, kết quả khảo sát cho thấy, đối với cán bộ đoàn cấp cơ sở mong muốn được đào tạo, bồi dưỡng công tác xây dựng kế hoạch, thiết kế và tổ chức các hoạt động, chương trình, sự kiện cho thanh niên, công tác tổ chức xây dựng Đoàn, đoàn vụ cấp cơ sở, công tác đoàn kết tập hợp thanh niên của Đoàn cơ sở... Đây cũng là những nội dung, nhiệm vụ họ thường xuyên phải thực hiện.

Chín là, tự học là một nhiệm vụ rất quan trọng của mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, nhất là đội ngũ cán bộ đoàn. Vì vậy, cũng cần phải xây dựng quy định một số nội dung cán bộ đoàn cần phải tự học tập, đọc và tìm hiểu về tổ chức, công tác Đoàn, Hội, Đội và phong trào thanh thiếu nhi.

Trước yêu cầu đổi mới về công tác thanh vận, công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; tính biến động của tình hình thanh niên, cùng sự biến đổi đa dạng về nhu cầu của thanh niên, đòi hỏi đội ngũ cán bộ đoàn cần được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, phẩm chất, kỹ năng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; cách tiếp cận mới, phù hợp. Một trong những nhiệm vụ và cũng là giải pháp là cần đổi mới nội dung các chương trình bồi dưỡng cán bộ đoàn.

Mong rằng, những giải pháp nêu trên sẽ góp phần quan trọng vào việc đổi mới nội dung các chương trình bồi dưỡng cán bộ đoàn phù hợp với yêu cầu trong giai đoạn hiện nay.

TS. Nguyễn Hải Đăng , Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam

TS. Nguyễn Văn Quyết , Phó trưởng Khoa Công tác Thanh thiếu niên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Chính phủ nước CHXNCN Việt Nam, (2017), “ Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức”, Hà Nội.
  2. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, (2021), “ Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII (Nhiệm kỳ 2022 – 2027) ”.
  3. Quyết định số 1070-QĐ/TWĐTN ngày 14/12/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về việc ban hành quy định khung chương trình bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng công tác Đoàn, Hội, Đội.
  4. Quyết định số 1071- QĐ/TWĐTN ngày 14/12/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về việc ban hành quy định chương trình bồi về nghiệp vụ công tác tuyên giáo, tổ chức, kiểm tra, công tác Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, công tác Hội Sinh viên Việt Nam, công tác Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.
  5. Quyết định số 1072-QĐ/TWĐTN ngày 14/12/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về việc ban hành quy định chương trình bồi dưỡng chức danh Bí thư đoàn cấp tỉnh, Bí thư đoàn cấp huyện và Bí thư Đoàn cơ sở.