Bảo hiểm thất nghiệp: giảm rủi ro, thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động

Việc làm | 08:00:00 03/05/2023

Bảo hiểm thất nghiệp là một trong những chế độ an sinh xã hội rất quan trọng và cần thiết cho người lao động, đặc biệt trong trường hợp bị mất việc làm. Đây là một trong các chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là công cụ quản trị thị trường lao động hữu hiệu với mục tiêu hỗ trợ người lao động bảo vệ vị trí việc làm, duy trì việc làm, phòng tránh thất nghiệp.

Cùng với những chính sách bảo hiểm khác như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế..., BHTN giúp đảm bảo một phần an sinh xã hội trong việc giải quyết được một khó khăn cho NLĐ khi họ bị mất việc làm, hỗ trợ NLĐ học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ tư vấn, GTVL.

BHTN điểm tựa cho người lao động khi gặp khó khăn

Sau 13 năm thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), số lượng người tham gia và đóng BHTN tăng nhanh qua các năm.

 Theo thống kê của BHXH Việt Nam, đến nay, cả nước đã có khoảng 15 triệu người tham gia BHTN. Cùng với số người tham gia tăng, số thu BHTN cũng tăng từ 3.511 tỷ đồng từ năm 2009 lên 5.401 tỷ đồng vào năm 2010 (tăng 53,8% so với năm 2009); tiếp tục tăng lên 11.996 tỷ đồng vào năm 2014 (tăng 112% so với năm 2010). Từ năm 2015 đến nay, số tiền thu BHTN tăng bình quân 15%/năm, dự toán thu BHTN năm 2021- 2022 khoảng 20 tỷ đồng/năm, với mức tiền lương bình quân đóng BHTN khoảng 5.669.322 đồng/tháng.

Hiện BHTN đã thực hiện tốt vai trò là điểm tựa cho người lao động khi gặp khó khăn, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và việc làm của người lao động.

Đánh giá về việc thực hiện chính sách, ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, thời gian qua chính sách BHTN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, khi xảy ra đại dịch Covid-19, thị trường lao động biến động mạnh với những rủi ro đột biến, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã giúp đảm bảo phần nào đời sống, người lao động thất nghiệp và gia đình. Ngoài ra, người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp còn được cung cấp thông tin về thị trường lao động để tìm việc làm và sớm trở lại thị trường lao động, được cấp thẻ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có thể khám chữa bệnh.  

Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội khẳng định, trong những năm qua, các cơ quan, ban, ngành đã phối hợp tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp với phương châm 3 đúng “đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn” khi giải quyết chế độ hỗ trợ học nghề đã có tác động tích cực, trực tiếp đến người lao động, người sử dụng lao động và vấn đề an sinh xã hội

Phải nói rằng, trong tình hình kinh tế khó khăn, khủng hoảng toàn cầu và ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt..., NLĐ rất dễ đối mặt với nhiều rủi ro về việc làm. Nên, khi rơi vào tình cảnh này, BHTN đã giúp  NLĐ đảm bảo an sinh, nhất là ngăn chặn tình trạng thất nghiệp, ảnh hưởng đến TTLĐ khi được bù đắp một phần thu nhập trong thời gian thất nghiệp. Quan trọng hơn, BHTN có các biện pháp để hỗ trợ người thất nghiệp tham gia học nghề để nâng cao trình độ kỹ năng nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp; tư vấn, GTVL để người thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm mới, được hưởng bảo hiểm y tế...

Bên cạnh đó, BHTN còn nhiều hạn chế, bất cập cần phải sửa đổi, theo Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23.5.2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã chỉ rõ: chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự gắn bó với thị trường lao động, mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức, còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa theo thông lệ quốc tế. Cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức bộ máy thực hiện bảo hiểm thất nghiệp còn nhiều điểm bất cập.

Một số người lao động và người sử dụng lao động chưa nhận thức đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm của mình về bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, còn xảy ra tình trạng cố tình hưởng bảo hiểm thất nghiệp sai quy định, trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm thất nghiệp gây ảnh hưởng đến công tác thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Công tác quản lý lao động ở nước ta còn nhiều bất cập, chưa có đủ công cụ để quản lý lao động nên rất khó kiểm soát tình trạng việc làm của người lao động. Do đó, vẫn còn trường hợp người lao động vừa đi làm vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Việc phát hiện người lao động có việc làm chủ yếu phụ thuộc vào ý  thức tự giác của người lao động hoặc do cơ quan bảo hiểm xã hội phát hiện. Mặt khác, công tác thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do không kiểm soát được việc người lao động di chuyển nơi ở, nơi làm việc đi địa phương khác.

Kinh phí và vấn đề nhân sự tại các trung tâm dịch vụ việc làm còn gặp rất nhiều khó khăn. Đó là, định suất nhân sự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp của ngành LĐTBXH từ năm 2011 đến nay chưa được bổ sung, trong khi số người đề nghị và hưởng bảo hiểm thất nghiệp đã tăng gấp nhiều lần so với năm 2011 dẫn đến khối lượng công việc của nhân sự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp tại các trung tâm dịch vụ việc làm rất lớn, đặc biệt là các trung tâm có nhiều lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp như thành phố Hồ Chí Minh,  Bình Dương, Hà Nội... Trụ sở, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, bất cập, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ về bảo hiểm thất nghiệp 

Có thể nói, vai trò của BHTN đối với cả 3 bên có liên quan là NLĐ, người sử dụng lao động và Nhà nước đều rất quan trọng. Vì vậy, ngoài ý thức, trách nhiệm của NLĐ và người sử dụng lao động, ngành LĐTB&XH cần sớm kết nối, đồng bộ cơ sở dữ liệu với cơ quan Bảo hiểm xã hội để thuận tiện trong việc thực hiện giải quyết chế độ BHTN, theo dõi đối tượng hưởng, ngăn chặn kịp thời về việc lạm dụng chính sách BHTN. Đồng thời cần tìm kiếm, tạo điều kiện, cơ hội cho NLĐ tham gia TTLĐ, góp phần đảm bảo hiệu suất lao động cho xã hội, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

P/v

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam