Giải pháp phát triển và xúc tiến đầu tư bất động sản du lịch nông nghiệp Việt Nam

Bất động sản | 08:05:00 26/05/2023

TNV - Ngày 25/05 tại Hà Nội Hiệp, Tổng cục Du lịch phối hợp với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam  tổ chức Hội nghị Giải pháp phát triển & Xúc tiến đầu tư: Bất động sản Du lịch Nông nghiệp Việt Nam. 

Hội nghị được tổ chức với mục tiêu kêu gọi các nhà đầu tư bằng các nguồn lực tài chính, tư duy quản trị, nhân lực chất lượng cao … tham gia cải tạo các bất động sản nông nghiệp phục vụ phát triển Du lịch Nông nghiệp, Nông thôn tạo động lực, xung lực mới cho phát triển thị trường bất động sản.

Đây cũng là lần đầu tiên một sự kiện bàn về các giải pháp và xúc tiến đầu tư bất động sản du lịch nông nghiệp quy mô được diễn ra với mục tiêu có một chương trình hành động với các giải pháp kết nối nhằm tạo động lực, xung lực mới phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã nhấn mạnh: “Phát triển du lịch là trách  nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch”.

TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam 

TS. Nguyễn Văn Khôi – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết Hội nghị tổ chức với mong muốn đồng hành cùng các doanh nghiệp Bất động sản và địa phương, các ngành nhằm đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản, trong đó có bất động sản nông – lâm – ngư nghiệp phục vụ ngành du lịch. Một trong các vấn đề quan trọng là: sự đồng bộ về luật, cơ chế chính sách đến quy hoạch và chương trình đầu tư phát triển, quản lý giữa các lĩnh vực: Du lịch – Bất động sản – Nông nghiệp – với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Đại diện Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch cho biết: Đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn thế giới đã thay đổi nhu cầu của khách du lịch về các sản phẩm, dịch vụ và điểm đến. Xu hướng phát triển du lịch xanh, thân thiện với môi trường, trải nghiệm văn hóa bản địa ngày càng được quan tâm. Du khách có xu hướng đi theo gia đình, nhóm nhỏ, mong muốn được tăng cường các trải nghiệm mới, đồng thời tìm kiếm các điểm du lịch có không gian, dễ tiếp cận và an toàn. Các tiêu chí này hoàn toàn phù hợp với các điểm đến du lịch nông thôn vốn có đặc trưng với không gian rộng rãi, trong lành, các hoạt động trải nghiệm gần gũi thiên nhiên gắn với các giá trị văn hóa bản địa.

Đến hết năm 2022, cả nước đang có 580 điểm du lịch được công nhận, và gần 1500 điểm du lịch khác đang hoạt động khai thác, trong đó có khoảng 70% điểm du lịch tại khu vực nông thôn, khai thác đặc trưng đời sống, canh tác, văn hóa nông nghiệp. Đây là những một tiềm năng vô cùng lớn, cần có sự khai thác hiệu quả và chỉ đạo, định hướng đúng đắn để phát triển du lịch nông thôn bền vững, nâng cao đời sống cho chính cộng đồng cư dân và phát triển kinh tế địa phương.

Nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch trải nghiệm 

Phát biểu tại Hội nghị, Ths. Nguyễn Văn Chung, Chuyên viên cao cấp - Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay cả nước có 18.945 trang trại đạt tiêu chí quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong đó có 3.471 trang trại trồng trọt, 11.807 trang trại chăn nuôi, 129 trang trại lâm nghiệp, 1.586 trang trại nuôi thủy sản, 1.952 trang trại tổng hợp.

Việc tổ chức sản xuất trong trang trại đã chuyển đổi theo hướng ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, ứng dụng tin học, chuyển đổi số, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu và tập trung sản xuất, kinh doanh những cây, con đặc thù có giá trị kinh tế cao; sản phẩm sản xuất theo hướng chất lượng an toàn, sản xuất hữu cơ.

Nhiều trang trại đã thực hiện liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị để ổn định tiêu thụ sản phẩm sản xuất ra đồng thời bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con nông dân (có 2.285 trang trại có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm). Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, nhiều trang trại đã tổ chức kết hợp các hoạt động du lịch và phi nông nghiệp để hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, ông Chung nhấn mạnh, hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại nằm tản mạn ở nhiều văn bản nên gặp khó khăn trong việc triển khai và tiếp cận chính sách hỗ trợ trang trại. Một số hoạt động phi nông nghiệp kết hợp phát sinh như: Sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm; lắp đặt hệ thống điện mặt trời phục vụ sản xuất; phát triển du lịch nhưng chưa có quy định cụ thể cho việc xây dựng các công trình phục vụ sản xuất kinh doanh trên đất nông nghiệp và cho phép các trang trại được chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp dẫn đến việc nhiều trang trại “lách luật” xây dựng các công trình “tạm bợ” vừa mất mỹ quan vừa hạn chế hiệu quả sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Chung cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; ngày 22/8/2022 có văn bản xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đến nay, dự thảo Nghị định đã được Bộ Tư pháp thẩm định và đang hoàn thiện để trình Chính phủ.

 PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến 

Cũng tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường kiêm Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ, chính sách phát triển du lịch nông nghiệp được Chính phủ quan tâm đã tạo động lực cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, những loại hình du lịch nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển một cách tự phát, nhỏ lẻ, thiếu chiến lược quy củ, bài bản, chuyên nghiệp như các phân khúc bất động sản khác. Một trong những nguyên nhân là do thiếu hành lang pháp lý để điều chỉnh và khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực tham gia phát triển bất động sản du lịch nông nghiệp một cách bài bản, chuyên nghiệp, tạo cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú nền tảng để thu hút và giữ chân du khách khi trải nghiệm, khám phá du lịch nông nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch khẳng định, việc tổ chức Hội nghị "Giải pháp phát triển và Xúc tiến đầu tư Bất động sản du lịch nông nghiệp Việt Nam" rất đúng “điểm rơi” khi quá trình hoàn thiện, sửa đổi các luật đang được đẩy mạnh.

Sau hàng loạt các tham luận, có rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, doanh nhân chưa trình bày được ý kiến, BTC sẽ tiếp thu bằng nhiều hình thức khác nhau. Sau Hội nghị này sẽ còn nhiều hội nghị khác tương tự để thúc đẩy phát triển bất động sản du lịch nông nghiệp Việt Nam.

Ông Phạm Văn Thủy đánh giá rất cao về chất lượng các tham luận, tạo ra định hướng để BTC có những hoạch định tiếp theo trong thời gian tới. Ông nhấn mạnh, nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã tồn tại rất lâu nhưng nông nghiệp, du lịch và bất động sản thì chưa được gắn kết và phổ biến rộng rãi để nhiều người hiểu rõ hơn.

Thông qua Hội nghị, khái niệm về bất động sản du lịch nông nghiệp sẽ được phổ biến hơn, các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp cũng hiểu sâu, hiểu rõ hơn để phát triển có định hướng. Trong thời gian tới, cần làm rõ hơn yếu tố bất động sản gắn trong du lịch, nông nghiệp để sửa đổi, hoàn thiện luật pháp nhằm phát huy giá trị đất nông nghiệp, ngoài sản xuất thuần túy còn có thể khai thác các dịch vụ trải nghiệm, nghỉ dưỡng, du lịch…

Du lịch nông thôn không chỉ cần bất động sản mà cần gắn với các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, tạo ra các gói sản phẩm du lịch đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của khách du lịch. Khi tạo ra các sản phẩm du lịch ở vùng nông nghiệp, nông thôn, thu hút được khách du lịch trong nước và quốc tế thì mới tạo ra giá trị kinh tế cao, đặc biệt là nguồn thu ngoại tệ. Ngoài ra cũng cần làm rõ, giá trị bất động sản nâng lên như thế nào khi gắn với phát triển du lịch nông nghiệp.

TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kết luận: “Thay mặt Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, tôi xin tiếp thu tất cả các ý kiến của các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là chỉ đạo của Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch… về các khuyến nghị, các giải pháp thúc đẩy ngành du lịch nông nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ".

Thông qua hội nghị, Ban tổ chức kỳ vọng sẽ góp phần phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng như giúp các địa phương nắm bắt xu hướng, nhu cầu của các nhà đầu tư, đồng thời tạo điều kiện giao lưu quốc tế tại địa phương và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

PV 

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

TP Hồ Chí Minh

 

 



 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vật tư Minh Anh cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam