Nâng cao chất lượng đào tạo lý luận chính trị góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở Trường Chính trị Thanh Hóa hiện nay

Lý luận trẻ | 15:10:00 17/08/2023

NCKH - Trường chính trị Thanh Hóa là đơn vị sự nghiệp của Tỉnh ủy, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa. Trong những năm qua Trường chính trị tỉnh đã đào tạo chương trình trung cấp lý luận chính trị cho hàng vạn lượt học viên của tỉnh nhà góp phần nâng cao trình độ lý luận chính trị, kỹ năng công tác cho đội ngũ cán bộ công chức.

Nhận thức được vị trí vai trò là một khâu quan trọng góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trường chính trị Thanh Hóa luôn chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo lý luận chính trị với phương châm lấy hiệu quả là mục tiêu và thước đo hành động. Trong quá trình đào tạo lý luận chính trị đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, như:

Thứ nhất, chất lượng đội ngũ giảng viên ngày càng nâng cao

Đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy, có bản lĩnh chính trị vững vàng; có đạo đức phẩm chất nghề nghiệp trong sáng; có trình độ chuyên môn, lý luận giỏi, có kỹ năng nghiệp vụ sư phạm; có năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; có tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ cao, đáp ứng yêu cầu của nhà trường.

Thứ hai, phương pháp giảng dạy đổi mới phù hợp

Đối tượng học viên là các cán bộ, công chức đang trực tiếp công tác tại địa phương cơ sở do đó trong quá trình giảng dạy cần phải đa dạng, linh hoạt sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để tăng tính cuốn hút, lôi kéo người học cùng tham gia. Một số phương pháp được sử dụng như: sử dụng linh hoạt, kết hợp đan xen các phương pháp truyền thống; tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học tích cực; tăng cường phương pháp thảo luận xêmina; sử dụng bài tập thực hành và bài tập xử lý tình huống

Thứ ba, chất lượng bài giảng được nâng cao tạo sự hứng thú cho người học

Từ đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm trong giảng dạy và kinh nghiệm thực tiễn kết hợp với sử dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy đã nâng cao chất lượng giảng dạy của các môn học. Bên cạnh đó cán bộ, giảng viên luôn chủ động trong đổi mới phương pháp dạy - học theo phương châm: 3 tăng (tăng chủ động, tăng trao đổi, tăng xử lý tình huống), 3 giảm (giảm thụ động, giảng độc thoại, giảm lý thuyết). Theo đó, trong sinh hoạt chuyên môn, các khoa tập trung vào việc thông qua nội dung bài giảng, giáo án của giảng viên trao đổi kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy. Học viên trong quá trình học được tăng cường chủ động về mặt kiến thức trao đổi trực tiếp trên lớp. Chính vì vậy ở mỗi bài học tạo được sự hứng khởi cho cả giảng viên và học viên

Thứ tư, các mô hình, các hoạt động ngoại khóa cho học viên được chú trọng

Phát huy vai trò là chủ, làm chủ của học viên trong học tập, rèn luyện phát triển phẩm chất và năng lực nhà trường đã xây dựng nhều mô hình học tập rèn luyện cho học viên như: mô hình “Lớp học kiểu mẫu”“Học viên gương mẫu”; mô hình tự học tự quản trong ký túc xá; chương trình “Ngày thứ 7 kết nối”; các phong trào vì cộng đồng của các lớp như: Ủng hộ, giúp đỡ đồng bào vùng lũ lụt; vùng sâu, vùng xa; người nghèo, trẻ em cơ nhỡ; những học viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc gặp những rủi ro trong cuộc sống,… đã tạo nên sự gắn kết chặt chẽ giữa các học viên ở từng lớp và cả trong phạm vi toàn trường.

Thứ năm, ý thức trách nhiệm và tinh thần học tập của học viên được nâng cao

Học viên khi học được phổ biến nội quy, quy chế, chương trình học và đặc biệt xác định rõ mục tiêu, nội dung, phương pháp học tập. Qua  đó học viên xác định đúng mục đích, động cơ học tập đúng đắn nâng cao ý thức, tinh thần, thái độ học tập cho mỗi cán bộ, công chức khi tham gia học tập

Bên cạnh những kết quả đó trong đào tạo lý luận chính trị cũng còn một số tồn tại hạn chế như:

- Về đội ngũ giảng viên

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao theo nhu cầu của người học, đội ngũ giảng viên của nhà trường cũng cần phải có trình độ lý luận cao, am hiểu đối tượng, am hiểu thực tiễn, đặc biệt là thực tiễn theo chức danh, vị trí việc làm và đặc biệt phải thành thạo về kỹ năng, phương pháp giảng dạy tích cực theo tình huống. Thực tế, một số giảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi này. Phương pháp giảng dạy của một số giảng viên, nhất là giảng viên lớn tuổi còn nặng về thuyết trình, việc gắn lý luận với thực tiễn trong bài giảng chưa cao; việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy còn hạn chế,  do vậy, chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo của học viên. Chưa hình thành được các chuyên gia, giảng viên đầu ngành trong từng khoa, từng chuyên đề.

- Về đối tượng học viên

Một bộ phận học viên nhận thức, thái độ và phương pháp học tập để chiếm lĩnh tri thức, hoàn thiện kỹ năng và phương pháp lãnh đạo, quản lý ở một bộ phận học viên còn hạn chế. Một bộ phận học cốt để có bằng cấp, chứng chỉ; chưa chú ý đến chất lượng học tập, chưa gắn việc học tập với hoạt động, rèn luyện trong thực tiễn nên khả năng tư duy, dự báo, năng lực tổ chức chỉ đạo thực hiện còn hạn chế.

- Về điều kiện cơ sở vật chất

Cơ sở vật chất của nhà trường phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu không ngừng được cải thiện trong những năm qua. Tuy nhiên, trước yêu cầu, nhiệm vụ giai đoạn mới vẫn còn thiếu nhà thư viện, phòng hội thảo, phòng học kỹ năng; thiếu phương tiện, điều kiện phục vụ nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn...

Trong giai đoạn hiện nay, với yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức

- Tỉnh ủy mà trực tiếp và thường xuyên là Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cẩn sớm chỉ đạo xây dựng đề án tổng thể phát triển trường chính trị cấp tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035. Cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trường chính trị thực hiện nghiêm quy chế đào tạo, bồi dưỡng; quan tâm chế độ, chính sách đối với cán bộ, giảng viên và học viên; tạo điều kiện thuận lợi để giảng viên đi đào tạo nâng cao, nhất là đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ, cao cấp lý luận chính trị.

- Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đề nghị Tỉnh ủy quyết định đội ngũ giảng viên thỉnh giảng, báo cáo viên của tỉnh tham gia hoạt động chuyên môn của trường chính trị; tạo điều kiện để giảng viên của trường chính trị được tham gia một số hoạt động như: dự thính các kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh; tham gia Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Hội đồng nhân dân tỉnh, các đoàn nghiên cứu thực tế trong và ngoài tỉnh...

-  Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật; bảo đảm kinh phí hoạt cho trường chính trị cấp tỉnh sớm đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bồi dưỡng đặt ra trong giai đoạn mới

Thứ hai, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên

Đội ngũ giảng viên trực tiếp tham gia giảng dạy cần có bản lĩnh chính trị vững vàng; có đạo đức phẩm chất nghề nghiệp trong sáng; có trình độ chuyên môn, lý luận giỏi, có kỹ năng nghiệp vụ sư phạm; có năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; có tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ cao, đáp ứng yêu cầu của nhà trường. Để tạo nguồn và phát triển đội ngũ giảng viên cho các chương trình bồi dưỡng cần phải thực hiện tốt các giải pháp sau:

- Trong xây dựng đội ngũ chú trọng tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm cho giảng viên

Trên cơ sở định hướng phát triển của nhà trường cần quy hoạch đội ngũ giảng viên đảm bảo cơ cấu số lượng, cơ cấu giới tính, độ tuổi để gối tiếp, tránh hiện tượng thừa hoặc thiếu giảng viên, khủng hoảng về chuyên môn do chuyển tiếp thế hệ. Chú trọng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho giảng viên nhằm nâng cao năng lực giảng dạy, năng lực nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, nâng cao năng lực quản lý đào tạo và quản lý học viên. Để có được điều đó, trước hết mỗi giảng viên cần tiếp tục đăng ký đi học nghiên cứu sinh, thay vì mới chỉ dừng lại ở trình độ thạc sĩ. Ngoài ra nhà trường cần tạo điều kiện tốt nhất về thời gian, kinh phí để giảng viên được tham dự đầy đủ các chương trình tập huấn chuyên sâu của Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, của Bộ Nội vụ tổ chức.

Bên cạnh đó giảng viên cần tăng cường dự giờ nghe giảng để học hỏi tri thức, kinh nghiệm giảng dạy từ các đồng nghiệp trong trường và học tập kiến thức từ giảng viên của Học viện chính trị Quốc Gia Hồ Chí Minh, Học Viện Chính trị khu vực I, các giảng viên cao cấp khi về trường giảng dạy các lớp cao học, các lớp cao cấp, lớp nguồn Ban chấp hành đảng bộ tỉnh...

- Nâng cao kiến thức thực tiễn cho giảng viên

Giảng viên của nhà trường được đào tạo khá bài bản và khoa học, nên về nhận thức chung nắm chắc về lý luận, chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên nếu chưa được trải nghiệm thực tiễn thì bài giảng sẽ khô khan, thô cứng giảm sức thuyết phục đối với người học. Chính vì vậy cần phải nâng cao kiến thức thực tiễn về vị trí việc làm, về đời sống kinh tế xã hội của giảng viên. Muốn nâng cao tính thực tiễn cho bài giảng, bản thân mỗi giảng viên phải tự ý thức sâu sắc và thường xuyên theo dõi, quan sát, đọc, nghe, tìm hiểu các kiến thức của đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực mà mình giảng dạy. Hàng năm giảng viên cần đi nghiên cứu, khảo sát thực tế theo quy chế giảng viên. Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường cần tiếp tục xin cơ chế để giảng viên được đi nghiên cứu thực tế, đảm nhiệm các công việc cụ thể tại các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị để nâng cao hiểu biết thực tiễn công việc

- Nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn

Để nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn cho giảng viên phải có giải pháp từ hai phía.Về giảng viên, phải thường xuyên tự học, tự nghiên cứu khai thác các vấn đề dưới góc độ khoa học chính trị hoặc chuyên môn nghiệp vụ; phải tập làm khoa học, tư duy nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn bằng cách viết những bài nghiên cứu, những đề tài khoa học cấp khoa, phòng đăng ở nội san hoặc Website, đến các bài báo chuyên ngành. Tích cực tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học của khoa, của trường và các đề tài cao hơn, trong môi trường nghiên cứu giảng viên sẽ tìm tòi, học hỏi lẫn nhau và tạo được thói quen nghiên cứu, tổng hợp các vấn đề, từ đó hình thành các phương pháp nghiên cứu, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của bản thân. Về phía nhà trường, cần tạo môi trường tốt, cơ chế tốt, kinh phí, thời gian để giảng viên có điều kiện nghiên cứu khoa học, phát triển, phát huy năng lực nghiên cứu. Nhà trường có thể mời chuyên gia tập huấn, hướng dẫn, giảng dạy về phương pháp nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn hoặc tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo về phương pháp nghiên cứu để giảng viên có thể tiếp cận nhanh hơn, trưởng thành nhanh hơn năng lực nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.

Ba là, nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần học tập của học viên

Tiếp tục làm tốt công tác quản lý học tập và rèn luyện của học viên. Trong đó, các khoa, phòng, giáo viên chủ nhiệm và giảng viên lên lớp phối hợp chặt chẽ quản lý học viên trong các giờ lên lớp, trong xét điều kiện thi, tổ chức học bổ sung, học lại, thi lại và định kỳ giao ban đánh giá tình hình học tập, rèn luyện của học viên. Duy trì và thực hiện tốt phong trào xây dựng và tôn vinh “Lớp học kiểu mẫu”, “học viên gương mẫu” gắn với nghi lễ chào cờ đầu tuần, đầu tháng.  Tổ chức học viên rèn luyện tác phong theo nguyên tắc 3 không (không vào lớp muộn, ra sớm; không cẩu thả; không làm việc riêng, sử dụng điện thoại trong giờ học), 3 có (có mục tiêu, động lực học tập tích cực; có tác phong, hình ảnh đẹp; có phương pháp học tập, rèn luyện khoa học). Bên cạnh đó phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cử cán bộ, công chức đi học để thông báo về tình hình, thái độ học tập của từng học viên. Để từ đó vừa tạo động lực cho mỗi học viên và cũng là cách gián tiếp nâng cao ý thức, tinh thần, thái độ học tập cho mỗi học viên

Bốn là, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ quá trình dạy - học

Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ quá trình dạy học là một điều hết sức quan trọng góp phần nâng cao chất lượng bồi dưỡng của nhà trường. Về cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy và học tập đã được Đảng ủy, Ban Giám hiệu hết sức quan tâm và chú trọng. Tuy nhiên do nhiều yếu tố tác động mà hiện nay việc trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa thực sự đầy đủ để có thể phục vụ tốt nhất cho quá trình dạy học. Trong giai đoạn tiếp theo Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường cần nắm chắc nội dung, yêu cầu, các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị đặc thù, đồng bộ để xin chủ trương đầu tư, mua sắm hoặc xã hội hóa để từng bước trang bị các thiết bị hiện đại, đầy đủ và đồng bộ phục vụ cho công tác đào tạo bồi dưỡng của nhà trường.

Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Người: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại” ; đồng thời, để khắc phục những hạn chế, phát huy những kết quả đạt được trong công tác giáo dục lý luận chính trị, đặc biệt là để tinh thần Nghị quyết số 35 –NQ/TW của Bộ Chính trị đi vào thực tiễn cuộc sống. Mỗi cán bộ, đảng viên phải không học tập, tu dưỡng, rèn luyện; chủ động đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.

Nguyễn Văn Sơn 

Giảng viên khoa Xây dựng Đảng - Trường chính trị tỉnh Thanh Hóa

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam