Thông thường, mọi người cho rằng họ đang nói về rủi ro, nhưng thực tế họ lại đang kể về nỗi sợ hãi. Họ sợ đầu tư, sợ mất tiền hoặc đưa ra quyết định sai lầm.
Nỗi sợ hãi dựa trên những gì họ có điều kiện để tin tưởng, từ bạn bè và gia đình, phương tiện truyền thông, xã hội hoặc thậm chí là kinh nghiệm cá nhân trong quá khứ của chính họ. Ví dụ, nhiều người cho rằng mua bất động sản là an toàn nhưng đầu tư vào chứng khoán lại có rủi ro. Nhiều người cho rằng có việc làm là an toàn nhưng bắt đầu kinh doanh là rủi ro.
Nhưng rủi ro không quá rõ ràng như vậy. Rất hiếm khi xảy ra trường hợp có điều gì đó rủi ro hoặc không. Thông thường, có những rủi ro khác nhau liên quan đến một quyết định hoặc hoạt động cụ thể.
Việc không hiểu đúng về rủi ro sẽ phải trả giá đắt vì nó dẫn đến những quyết định sai lầm và đánh mất cơ hội, như tránh hoặc trì hoãn đầu tư, lựa chọn các phương án đầu tư không phù hợp với giả định rằng chúng “an toàn hơn”, hay hoảng loạn bán tháo khi thị trường sụt giảm.
Quan điểm “Bất động sản là khoản đầu tư an toàn”
Trên thực tế, không có khoản đầu tư nào an toàn cả, bởi rủi ro và lợi nhuận có mối quan hệ chặt chẽ. Các lựa chọn đầu tư có rủi ro thấp hơn sẽ có cơ hội sinh lời thấp hơn.
Đối với tiền mặt hoặc tiền gửi có kỳ hạn, rủi ro mất tiền thấp hơn các lựa chọn khác (nhưng bạn vẫn có thể mất tiền do lạm phát), nhưng lợi nhuận tiềm năng cũng sẽ thấp hơn.
Đối với những người mới tham gia, một khoản đầu tư an toàn cao ngay từ đầu có thể không mang lại mức lợi nhuận mà bạn cần để đạt được mục tiêu của mình.
Nếu xét ở góc độ lợi nhuận và rủi ro này, bất động sản không được coi là khoản đầu tư có rủi ro thấp. Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố rủi ro khác liên quan tới bất động sản, bao gồm việc đi vay một khoản thế chấp lớn, không đa dạng hóa danh mục đầu tư (chỉ tập trung vào một loại hình bất động sản), hay bất động sản (văn phòng, trung tâm thương mại) hoạt động không hiệu quả.
Do đó, nếu bạn không biết mình đang làm gì thì hoàn toàn có thể mất tiền ngay cả khi rót vốn vào bất động sản, loại tài sản vốn được nhiều người cho rằng vô cùng an toàn.
Quan điểm “Đầu tư vào chứng khoán rất rủi ro”
Như trên đã nói, mọi khoản đầu tư đều có rủi ro và tất nhiên cả cơ hội. Chứng khoán cũng không phải là một ngoại lệ. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều hình thức đầu tư chứng khoán có thể giảm thiểu rủi ro tốt hơn cho nhà đầu tư.
Cách đây không lâu, nếu muốn đầu tư vào thị trường chứng khoán, bạn thường phải đầu tư vào một công ty cụ thể. Ngày nay, bạn có thể đầu tư vào một quỹ ETF, cho phép bạn tiếp cận với cổ phiếu của một nhóm công ty ngay lập tức, mang lại cho bạn lợi ích từ việc đa dạng hóa danh mục tự động. Vì vậy, bạn không cần phải đặt hy vọng vào một (hoặc thậm chí một số ít) công ty.
Quản trị rủi ro đầu tư
Trên thực tế, rủi ro còn nằm ở bản thân nhà đầu tư. Rủi ro không chỉ là hoạt động đầu tư hay sản phẩm đầu tư. Nhà đầu tư với các kỹ năng, khả năng ra quyết định, khả năng duy trì cảm xúc, cũng làm tăng thêm rủi ro.
Mặc dù bạn có thể nghe những câu chuyện về những người bị mất tiền khi đầu tư, nhưng điều bạn thường không nghe là các quyết định hoặc hành vi của họ mang lại khoản lỗ như thế nào.
Có phải họ đã cố gắng nhảy vào một trào lưu đầu tư đang hot? Họ có giao dịch trong ngày không? Họ có hoảng sợ và bán tháo không? Hay họ đã không cân bằng được danh mục đầu tư để phù hợp hơn với mức độ rủi ro mà bản thân có thể gánh chịu? Họ đã thực sự hiểu về việc phát triển và vận hành loại hình bất động sản mà họ đang rót vốn?
Đây đều là những rủi ro mà nhà đầu tư có khả năng trực tiếp tác động và quản lý. Khi đầu tư, mức độ rủi ro bạn gặp phải không hoàn toàn cố định. Có nhiều cách để quản lý và giảm mức độ rủi ro của bạn và điều đó tùy thuộc vào bạn với tư cách là nhà đầu tư.
Vì vậy, hãy xem rủi ro là điều cần hiểu và quản lý. Rủi ro không phải là thứ đe dọa lấy đi tiền của chúng ta. Với mức độ hiểu biết nhất định, rủi ro có thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của cải và trở thành người bạn tài chính của nhà đầu tư.
Lam Vy (SMH)