Nâng cao vai trò của trí tuệ khoa học trong xây dựng bản lĩnh chính trị và năng lực nghiệp vụ cho cán bộ chủ trì công tác Đảng, công tác chính trị ở đơn vị cơ sở Quân đội Nhân dân Việt Nam

Lý luận trẻ | 15:41:00 13/11/2023

TNV - Sự hình thành, phát triển bản lĩnh chính trị (BLCT) của cán bộ chủ trì công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) ở đơn vị cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam phụ thuộc vào hàng loạt các nhân tố. Trong đó, trí tuệ khoa học (TTKH) có vai trò hết sức quan trọng trong nâng cao hiệu quả, chất lượng sự hình thành, phát triển các phẩm chất, BLCT của người làm CTĐ, CTCT nói chung và cán bộ chủ trì hoạt động này ở đơn vị cơ sở nói riêng.

Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả đề cập hai nội dung cơ bản sau:

Vai trò của TTKH trong hình thành, phát triển BLCT của cán bộ chính trị

Bản lĩnh chính trị của người cách mạng - người cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới trên nền tảng của những tư tưởng khoa học - có quan hệ chặt chẽ với hệ thống TTKH về các lĩnh vực khác nhau. Mối quan hệ nhân quả đó tham gia tác động vào toàn bộ quá trình hình thành, phát triển của TTKH và BLCT của cán bộ chủ trì CTĐ, CTCT trong quân đội.

Trước hết, hệ thống TTKH giúp cho cán bộ chủ trì CTĐ, CTCT trong Quân đội có nền tảng nhận thức trong hình thành, phát triển thế giới quan khoa học.

Thế giới quan duy vật biện chứng là hạt nhân của thế giới quan khoa học nói chung, bảo đảm cho người cán bộ có một cách nhìn nhận, xem xét, đánh giá sự vật, hiện tượng, quá trình trên lập trường duy vật biện chứng, khắc phục mọi ảnh hưởng duy tâm, duy ý chí trong nhận thức và hành động. Thế giới quan khoa học, cách mạng khi đã được phát triển và có sức sống bền vững trong phẩm chất nhân cách của cán bộ chủ trì CTĐ, CTCT sẽ định hướng chính trị đúng đắn cho họ trong công tác tư tưởng, công tác tổ chức, công tác chính sách, công tác cán bộ và các hoạt động khác.

Thứ hai, TTKH là “chìa khoá vàng” để cán bộ chủ trì CTĐ, CTCT nhận thức đúng đắn các quy luật vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và con người.

Trên cơ sở nhận thức khoa học và sự phát triển của xã hội, con người và những lĩnh vực đặc thù của nó, người cán bộ nói chung và cán bộ chủ trì CTĐ, CTCT mới có cơ sở lý luận để phát triển nhân sinh quan cách mạng. Đó là một phẩm chất không thể thiếu của con người trong hoạt động xã hội, con người trực tiếp tác động đến con người. Nhờ có nhân sinh quan đúng đắn của người cách mạng, cán bộ chính trị mới có định hướng giá trị và lựa chọn, nâng cao các giá trị nhân đạo, nhân văn trong hoạt động của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng: “Vô luận ở cấp bậc nào, chính trị viên  có ba nhiệm vụ chính:

1. ... Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn.

2. Đối với nhân dân... chính trị viên phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu...

3. Đối với quân địch..., chính trị viên phải biết cách tuyên truyền khôn khéo, thiết thực, để giác ngộ họ, lôi kéo họ về phía ta”.

Như vậy, theo tư tưởng của Bác thì người chủ trì CTĐ, CTCT trong Quân đội phải giải quyết tốt ba mối quan hệ cơ bản này, và đó cũng chính là kết quả của nhân sinh quan cách mạng, một thuộc tính cơ bản của bản chất người, năng lực người.

Thứ ba, hệ thống TTKH giữ vai trò quyết định trong phát triển tính nguyên tắc và tính sáng tạo ở cán bộ chủ trì CTĐ, CTCT trong Quân đội.

Tính nguyên tắc cao và năng lực sáng tạo dồi dào đối với con người nói chung và cán bộ chính trị nói riêng đều bắt nguồn từ thực tiễn. Từ hiện thực khách quan sinh động mới có thể nhận thức được quy luật và khi đã nhận thức được bản chất của hiện thực mới cho phép con người vừa hành động phù hợp với tất yếu khách quan, vừa bảo đảm sự tự do hành động để phát huy cao nhất sức sáng tạo của con người. Đối với cán bộ chính trị trong Quân đội, yêu cầu kết hợp giữa việc nắm vững hệ thống các nguyên tắc hoạt động CTĐ, CTCT với việc vận dụng sáng tạo trong đời sống và hoạt động phong phú của bộ đội đòi hỏi nhất thiết phải trên cơ sở nâng cao TTKH mới thực hiện được.

Thứ tư, hệ thống TTKH về các lĩnh vực tự nhiên, xã hội, con người tạo nên những tiền đề trí tuệ cho sự phát triển năng lực nghiệp vụ của cán bộ chủ trì CTĐ, CTCT ở đơn vị cơ sở.

Xét cả phương diện lịch sử và lôgíc của sự phát triển, CTĐ, CTCT trong Quân đội đã được Đảng, Quân đội luôn luôn quan tâm, nhất là việc bồi dưỡng kiến thức và năng lực toàn diện cho cán bộ chính trị nói chung và cán bộ chủ trì CTĐ, CTCT ở đơn vị cơ sở nói riêng. Nhờ được trang bị hệ thống TTKH khá toàn diện theo yêu cầu và khả năng thực tế của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử khác nhau nên đội ngũ cán bộ chính trị đã phát huy vai trò to lớn trong xây dựng sức mạnh chiến đấu của Quân đội, đó là một trong những yếu tố quyết định sự trưởng thành và chiến thắng của Quân đội ta từ khi ra đời đến nay. Dưới tác động mạnh mẽ của những biến đổi nhanh chóng, phức tạp của tình hình thực tiễn hiện nay với sự phát triển bão táp của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, thì sự phát triển, tiến bộ về trí tuệ của cán bộ, chiến sĩ Quân đội đang làm tăng lên vai trò của hệ thống TTKH trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của cán bộ chủ trì CTĐ, CTCT ở đơn vị cơ sở. Do vậy, việc đào tạo, tự học tập để có mặt bằng kiến thức rộng và các môn khoa học chuyên ngành sâu là rất cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng hoạt động CTĐ, CTCT của cán bộ chủ trì về công tác này ở đơn vị cơ sở.

Các giải pháp cơ bản nhằm kết hợp chặt chẽ tri thức khoa học, bản lĩnh chính trị và năng lực nghiệp vụ trong nhận thức và hoạt động của cán bộ chủ trì công tác đảng, công tác chính trị ở đơn vị cơ sở

Để phát huy vai trò của từng yếu tố và sức mạnh tổng hợp của TTKH, BLCT và năng lực nghiệp vụ, cần có một hệ giải pháp đồng bộ, trong khuôn khổ bài viết này tác giả xin đề cập những vấn đề cơ bản nhất dưới đây.

Một là, nâng cao chất lượng tuyển sinh đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội.

Cán bộ chủ trì CTĐ, CTCT ở đơn vị cơ sở chủ yếu được đào tạo qua Trường Sĩ quan Chính trị và Học viện Chính trị. Trước hết, công tác tuyển sinh cho đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội cần được tổng kết rút kinh nghiệm, nhằm tuyển chọn được những học viên có khả năng nhận thức, có các phẩm chất nhân cách để tiếp tục phát triển các phẩm chất chính trị tư tưởng và có những tiền đề nhất định nâng cao năng lực nghiệp vụ CTĐ, CTCT. Tiếp đó, cần nâng cao chất lượng tuyển chọn và đào tạo chuyển loại từ cán bộ chỉ huy và một số chuyên môn nghiệp vụ quân sự khác sang cán bộ chính trị. Song, trong thực tế cũng đã bộc lộ những vấn đề có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng cán bộ chính trị cấp phân đội như: Trình độ chưa đồng đều; quá trình tu dưỡng, rèn luyện chưa tốt; năng lực lãnh đạo chỉ huy rất hạn chế; khả năng phát triển để trở thành cán bộ chủ trì CTĐ, CTCT có BLCT tốt và nghiệp vụ chuyên môn giỏi không nhiều. Do vậy, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm về chất lượng tuyển sinh, chất lượng chuyển loại cán bộ chính trị của quân đội hiện nay.

Hai là, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ chính trị các cấp, đặc biệt chú ý đến đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội.

Quá trình đào tạo cán bộ chính trị quân đội đã thường xuyên được sự quan tâm của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, và đã qua nhiều lần đổi mới để không ngừng nâng cao chất lượng. Nhờ vậy, hệ thống nhà trường quân đội đã đóng góp cho Quân đội hàng chục vạn cán bộ chính trị có kiến thức, có BLCT, có năng lực nghiệp vụ và đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh cùng với toàn quân. Bên cạnh các thành tựu đã đạt được, trong đào tạo cán bộ chính trị của quân đội cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết: 1) Nội dung chương trình đào tạo cán bộ chính trị các cấp chưa phản ánh đậm nét mục tiêu đào tạo chuyên ngành cán bộ chính trị quân đội. Kiến thức cần trang bị cho người học vẫn còn hiện tượng vừa thừa vừa thiếu. Việc trang bị và tiếp nhận lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam còn thiếu chiều sâu. 2) Khả năng đấu tranh phê phán các quan điểm, nhận thức không đúng và những tư tưởng, hành vi thù địch chưa được quan tâm thoả đáng trong nội dung chương trình, trong hoạt động dạy và học. Đó là một nguyên nhân quan trọng hạn chế sự phát triển BLCT và năng lực nghiệp vụ cho cán bộ chính trị nói chung và cán bộ chủ trì CTĐ, CTCT ở đơn vị cơ sở nói riêng. 3) Nội dung chương trình, hoạt động dạy và học trong quá trình đào tạo cán bộ chính trị chưa quan tâm đúng mức đến sự phát triển của khoa học và công nghệ hiện đại. Xu hướng đó một mặt không hiện đại hoá được các kiến thức cần cho hoạt động CTĐ, CTCT, và mặt khác không nhận thức kịp thời để có biện pháp tích cực chống lại các trường phái lợi dụng thành tựu khoa học tiên tiến và công nghệ hiện đại hòng chống lại chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng. 4) Quá trình đào tạo cán bộ chính trị các cấp chưa thật quan tâm đến thực hành và thực tập. Thiếu sót này không chỉ liên quan đến thực hiện nguyên lý giáo dục, mà còn làm hạn chế sự phát triển các phẩm chất chính trị và năng lực nghề nghiệp.

Ba là, tổ chức khoa học có hiệu quả mọi hoạt động ở đơn vị cơ sở, xây dựng môi trường sống lành mạnh để tiếp tục hoàn thiện BLCT và năng lực nghiệp vụ của cán bộ chính trị cấp phân đội.

Quá trình hoàn thiện các phẩm chất để có BLCT vững vàng và phát triển năng lực nghiệp vụ CTĐ, CTCT của cán bộ chủ trì CTĐ, CTCT cấp phân đội được thực hiện trong hoạt động thực tiễn và môi trường sống ở đơn vị cơ sở. Việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị được tiến hành theo kế hoạch với cách thức tổ chức khoa học sẽ giúp cán bộ không chỉ trưởng thành về thực tiễn, mà còn nâng cao ý chí quyết tâm và năng lực nghiệp vụ. Vì rằng, BLCT và năng lực công tác của cán bộ chủ trì CTĐ, CTCT ở đơn vị cơ sở không tự phát hình thành và hoàn thiện, mà là kết quả lao động khoa học, sáng tạo, là sự tích lũy tự giác của con người qua hoạt động. Thực tế cuộc sống quân đội đã chứng minh: Quan hệ nhân quả giữa lao động thực tiễn quân sự, cuộc sống lành mạnh của các đơn vị và sự phát triển phẩm chất, năng lực của cán bộ cơ sở nói chung, cán bộ chính trị nói riêng suy cho cùng là nhân tố trực tiếp quy định chất lượng người. Ở đâu có chi bộ trong sạch vững mạnh, có đơn vị vững mạnh toàn diện thì ở đó có cán bộ tốt, cán bộ giỏi. Do vậy, để góp phần nâng cao vai trò trí tuệ trong phát triển BLCT và năng lực nghiệp vụ của cán bộ chính trị, cần nâng cao tính khoa học trong thực hiện huấn luyện quân sự, học tập chính trị và các hoạt động thực tiễn. Đồng thời, phải thường xuyên  xây dựng môi trường sống trong sạch, lành mạnh, đáp ứng được nhu cầu phát triển các giá trị nhân cách cán bộ chính trị cấp phân đội.

Bốn là, nâng cao chất lượng tự học tập, tự rèn luyện cho đội ngũ cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở là nội lực mạnh mẽ nhất để hoàn thiện BLCT và năng lực nghiệp vụ cho họ.

Các lãnh tụ của giai cấp vô sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy người cách mạng phải học tập suốt đời, phải tự tu dưỡng rèn luyện mọi nơi, mọi lúc. Tư tưởng đó lại càng có ý nghĩa khi cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại đang phát triển như bão táp; kinh tế tri thức đang hình thành và phát triển; sự nghiệp xây dựng Quân đội và tăng cường sức mạnh quốc phòng đang đòi hỏi cao về TTKH, về ý chí quyết tâm và nghệ thuật tiến hành. Thực tiễn đó đang đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ quân đội phải tăng cường tự học tập, tự rèn luyện để có đủ tri thức khoa học và kinh nghiệm thực tiễn nhằm nâng cao tính khoa học, tính thiết thực, tính tư tưởng, tính chiến đấu cho hoạt động CTĐ, CTCT ở đơn vị cơ sở. Đó cũng là nhân tố giữ vai trò quyết định sự trưởng thành về phẩm chất chính trị, tư tưởng, năng lực tổ chức thực tiễn của cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở. Để phát huy đầy đủ vai trò của tự học tập, tự rèn luyện của đội ngũ này, nhất thiết phải giải quyết tốt vấn đề định hướng, kiểm tra, đánh giá kết quả và một số chính sách trong đề bạt quân hàm, bổ nhiệm chức vụ...

Trong đó, cần tập trung vào các vấn đề: 1) Chương trình học tập tại chức hàng năm đối với cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở cần sát hơn với yêu cầu nâng cao BLCT và năng lực công tác cho cán bộ. 2) Cán bộ chủ trì CTĐ, CTCT cấp trung đoàn, sư đoàn với tư cách là lực lượng định hướng phải xác định rõ mục tiêu, nội dung, phương pháp tự học tập, tự rèn luyện của cán bộ chính trị cấp phân đội phù hợp với chức trách, nhiệm vụ công tác. 3) Kết quả tự học tập, tự rèn luyện phải được đánh giá khách quan, khoa học từng năm và gắn với nhận xét cán bộ, đảng viên; đưa kết quả đó vào chỉ tiêu đánh giá cán bộ, đảng viên.

Năm là, đào tạo lại, đào tạo nâng cao cho cán bộ chủ trì CTĐ, CTCT ở đơn vị cơ sở nhằm hoàn thiện BLCT và năng lực nghiệp vụ ở một trình độ cao hơn.

Kinh nghiệm của Quân đội ta đã chứng minh rằng, việc đào tạo lại, đào tạo nâng cao là vấn đề có tính quy luật trong phát triển đạo đức và tài năng của đội ngũ cán bộ. Trong thời đại hiện nay, vấn đề đó trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết đối với cán bộ quân đội nói chung và cán bộ chính trị cấp phân đội nói riêng. Bởi lẽ, hệ thống TTKH tiên tiến không ngừng phát triển; các kinh nghiệm mang tính phổ quát không ngừng được tích luỹ; thực tiễn quân sự không ngừng vận động phức tạp và đội ngũ cán bộ phải thường xuyên khái quát tri thức mới. Tất cả các yếu tố đó sẽ bảo đảm nâng cao chất lượng đào tạo lại, đào tạo nâng cao cho cán bộ chính trị cấp phân đội; và nhờ kết quả của đào tạo lại và đào tạo nâng cao để tiếp tục hoàn thiện BLCT và năng lực nghiệp vụ cho cán bộ chủ trì CTĐ, CTCT ở đơn vị cơ sở Quân đội ta đạt tới trình độ cao hơn./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.

Nguyễn Việt Cường - Lớp 58D, Hệ 1, Học viện Chính trị

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam