3 mô hình nổi bật trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Yên Bình

Thứ ba, 21/11/2023 - 16:35

TNV - Qua 12 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới,các xã của huyện Yên Bình (Yên Bái) từ chỗ bình quân đạt 4,8/19 tiêu chí và chưa có xã nào đạt chuẩn xã nông thôn mới, thì đến hết năm 2022 huyện Yên Bình đã có 22/22 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới,4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 14 thôn kiểu mẫu. Trong đó nổi bật lên với 3 mô hình tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới.

Huyện Yên Bình tổ chức Hội thi cây bưởi đẹp – vườn bưởi đẹp.

Và hiện nay (tháng 11/2023), huyện đã hoàn thành 9/9 tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới, đồng thời hoàn thiện hồ sơ đang trình tỉnh thẩm tra và đề nghị Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2023.

Nhờ vậy, diện mạo nông thôn huyện Yên Bình có nhiều thay đổi vượt bậc, kinh tế phát triển khá, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội, sản xuất được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở vật chất trường học, … Từ đây đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, các mô hình làm kinh tế giỏi, đặc biệt là sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp; nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Năm 2011 – năm đầu tiên triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện là 17,5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo lớn (26,7%); quy mô kinh tế nhỏ, kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập, hạn chế. Nhưng đến năm 2023, thu nhập bình quân đầu người ước đạt trên 53 triệu đồng, thu ngân sáchước đạt 400 tỷ đồng tăng gấp 6,4 lần so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo dự kiến còn 4,55% (1.382 hộ nghèo), và 914 hộ cận nghèo, chiếm 3,01%.

Bên cạnh đó, huyện đã tập trung thu hút được cácdoanh nghiệp, HTX đầu tư dây chuyền sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ tiên tiến, chế biến sâu vào địa bàn (như: Nhà máy chế biến đá của Công ty TNHH một thành viên đá trắng Bảo Lai, nhà máy chế biến gỗ của công ty TNHH Wood Industry, dự án nhà máy gạch đất sét nung lò tuy nen của công ty vật liệu chịu lửa và xây lắp Việt Trung…).Đồng thời, hỗ trợ 422 cơ sởsản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đầu tư phát triển sản xuất trên cơ sở khai thác vùng nguyên liệu sẵn có tại huyện.

Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm qua, Chủ tịch huyện Nguyễn Xuân Trường cho biết toàn huyện đã xuất hiện 3 mô hình đặc biệt tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới:

1. Xây dựng và phát triển vùng bưởi đặc sản xã Đại Minh

Huyện Yên Bình có trên 1.000 ha bưởi Đại Minh. Đây là cây ăn quả đặc sản, chủ lực của huyện, nên thời gian qua cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm, thông qua việc thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP ( 11,2 ha) ; đồng thời mời các viện nghiên cứu, các trường Đại học đến triển khai 06 Đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh.

Du khách tham quan vườn bưởi đẹp của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Đông, thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh

Từ năm 2016 Bưởi Đại Minh được cục sở Hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu, chứng nhận “Bưởi Đại Minh”; đến năm 2020 được cấp chỉ dẫn địa lý Bưởi Khả Lĩnh, xã Đại Minh, được cấp mã số vùng trồng cho 1,67 ha bưởi Đại Minh, tại xã Thịnh Hưng và được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Sản phẩm Bưởi Đại Minh hàng năm đem lại doanh thu cho nhân dân xã Đại Minh trên 50 tỷ đồng (doanh thu trên toàn huyện đạt trên 80 tỷ đồng ).

2. Phát huy lợi thế vùng hồ, đẩy mạnh phát triển thủy sản gắn với du lịch hồ Thác Bà

Phát huy thế mạnh vùng hồ Thác Bà, huyện đã chú trọng phát triển dịch vụ du lịch, từng bước khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thu hút được một số nhà đầu tư có tiềm năng vào khảo sát, triển khai dự án đầu tư phát triển du lịch vùng hồ, như: Tập đoàn Alphanam, tập đoàn Sungroup, công ty Cổ phần Flamigo Holding Group..., hình thành một số sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút khách trong nước và quốc tế, như: Du lịch tâm linh với điểm nhấn là Lễ hội Đền mẫu Thác Bà, Đình Làng Khả Lĩnh, Đình Làng Ba Chãng, du lịch nghỉ dưỡng, ngắm cảnh trên hồ, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá bản sắc các dân tộc tại các xã Vũ Linh, Phúc An, lễ hội Bưởi Đại Minh, đua thuyền trên Hồ Thác Bà.

Toàn huyện hiện có trên 30 điểm homestay, 18 câu lạc bộ, 08 đội văn nghệ dân gian phục vụ khách du lịch, mỗi năm thu hút trên 250.000 lượt khách , trong đó khách quốc tế chiếm trên 30%, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt trung bình 170 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, huyện cũngtích cực mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi cá lồng với quy mô lớn, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng mặt nước hồ Thác Bà để nuôi trồng thủy sản, đến nay, trên địa bàn huyện hiện có 2 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã, 6 tổ hợp tác và trên 300 hộ nuôi cá lồng bè, nuôi cá quây lưới với khoảng 2.000 lồng nuôi cá trên diện tích 230 ha mặt nước.

Nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà

Điển hình như: Công ty TNHH chế biến thủy sản sạch Hải Hà đã liên kết với HTX Thủy sản Hoàng Kim duy trì nuôi trên 300 lồng nuôi cá (lăng, tầm, diêu hồng) trong môi trường nước sạch, áp dụng các quy trình nuôi an toàn, quản lý chặt chẽ. Từ nguồn nguyên liệu chất lượng, Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất các sản phẩm từ cá như xúc xích cá, chả cá, giò cá, xúc xích cá, ruốc cá...trong đó có 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện. Sản phẩm của công ty đã có cơ hội tiến vào hệ thống các siêu thị lớn, cửa hàng OCOP ở nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ...

Tiếp đến là Công ty CP Nghiên cứu và ứng dụng dịch vụ khoa học T&T, quy mô trên 101 lồng nuôi cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao,với hệ thống lồng nuôi cá chất lượng cao, áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.Các sản phẩm cá của công ty đã được tiêu thụ rộng rãi tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh,như Vinmart, Aeon, Lotte ở Hà Nội. Năm 2022, công ty đã xuất bán ra thị trường khoảng 400 - 500 tấn cá, trong đó chủ yếu là cá nheo Mỹ, cá lăng, trắm đen, diêu hồng, rô phi… đạt doanh thu khoảng 15 - 20 tỷ đồng.

Đặc biệt, HTX thuỷ sản Hoàng Kim thành lập năm 2017 với thành viên là các hộ ngư dân tại xã Hán Đà, là một trong những đơn vị có số lượng cá lồng lớn nhất trên địa bàn huyện Yên Bình, với 300 lồng cá các loại, trung bình mỗi năm bán ra thị trường hàng nghìn tấn cá, doanh thu đạt trên 40 tỷ đồng, không chỉ tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương, đơn vị còn tiên phong trong việc chăn nuôi, tiêu thụ các sản phẩm cá lồng, tạo tiền đề để nghề nuôi cá lồng phát triển vững chắc tại địa phương.

Du lịch hồ Thác Bà mỗi năm thu hút trên 250.000 lượt khách, doanh thu 170 tỷ đồng

HTX nuôi trồng thủy sản hồ Thác Bàthành lập từ năm 2015, là một mô hình doanh nghiệp có quy mô, bài bản, tạo thành chu trình sản xuất khép kín từ nuôi trồng đến bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, có thể nhân rộng, góp phần thúc đẩy phong trào nuôi trồng thủy sản của địa phương; đồng thời, thực hiện có hiệu quả mục tiêu xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân.

Hàng năm các HTX này đều tiến hành thả chục tấn cá các loại xuống hồ Thác Bà, nhằm bổ sung nguồn lợi thủy sản và bảo đảm môi trường sinh thái trong hồ. Đồng thời tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển từ đánh bắt tự nhiên sang nuôi trồng thủy sản một cách bền vững và tham gia vào HTX để thuận lợi cho việc mở rộng diện tích nuôi trồng và thị trường tiêu thụ, đảm bảo ổn định sinh kế cho nhân dân ven hồ.

Hiện nay các doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi trồng thủy sản đã liên kết với các đơn vị du lịch để phát triển các hoạt động tham quan du lịch trên hồ Thác Bà, thu hút đông đảo du khách đến thăm.

3. Mô hình g iải phóng mặt bằng tuyến đường Yên Thế - Vĩnh Kiên

Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường Vĩnh Kiên - Yên Thế, đi qua 5 xã khu vực phía đông hồ Thác Bà thuooch huyện Yên Bình có chiều dài trên 40 km, tổng kinh phí 242 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Yên Bái làm chủ đầu tư.

Nhân dân xã Vũ Linh tự nguyện hiến đất, phá dỡ cây cối, vật kiến trúc để có mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công

Đây là tuyến đường quan trọng đối với người dân khu vực đông hồ Thác Bà.Chỉ trong vòng 17 ngày ra quân, nhân dân trên tuyến đường tỉnh lộ 170 đoạn qua các xã phía đông hồ Thác Bà đã hăng hái hiến đất, giải phóng mặt bằng để thi công nâng cấp mở rộng mặt đường. Dù là đường tỉnh lộ, nhưng việc GPMB lại được triển khai một cách “thần tốc”, với sự ủng hộ của trên 400 hộ dân trên tuyến hiến đất mà không đòi hỏi đền bù và tự phá dỡ cây cối, vật kiến trúc để có mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công.

Kết quả của cuộc vận đồng giải phóng mặt bằng tuyến đường Yên Thế - Vĩnh Kiên đã lan tỏa thành phong trào mạnh mẽ, theo đó việc giải phóng mặt bằng các tuyến đường liên xã, liên thôn của huyện tiếp tục được triển khai rất thành công trên cơ sở các hộ gia đình tự nguyện hiến đất, mở rộng đường.

Tuyến đường Vĩnh Kiên - Yên Thế, đi qua 7 xã khu vực phía đông hồ Thạc Bà có chiều dài trên 40 km, tổng kinh phí 242 tỷ đồng được “thần tốc” giải phóng mặt bằng để thi công

Ngoài 3 mô hình tiêu biểu trên, sản xuất nông nghiệp toàn huyện cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng, các vùng sản xuất quy mô lớn được hình thành, duy trì có hiệu quảcác mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho thu nhập cao như bưởi Đại Minh, chè xanh Hán Đà, gạo Bạch Hà, cá hồ Thác Bà, lợn thịt, cây dược liệu lá khôi, măng tre Bát Độ…

Công tác tổ chức sản xuất được quan tâm phát triển, có nhiều hợp tác xã, nhất là hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp được thành lập, hoạt động có hiệu quả, ổn định góp phần giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập, hỗ trợ các hộ gia đình nghèo, cận nghèo vươn lên khá, giàu.Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục phát triển toàn diện, công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững ổn định – Chủ tịch huyện Nguyễn Xuân Trường nhấn mạnh.

Phạm Quỳnh