Tư tưởng của Ph.Ăngghen về bản chất nhà nước và việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay

Lý luận trẻ | 09:29:00 28/11/2023

TNV - Ph.Ăngghen là người bạn thân thiết và người cộng sự thân tín của C.Mác. Trong suốt quá trình cộng tác, kể cả sau khi C.Mác mất, nhiều bản thảo quan trọng còn dang dở của C.Mác đã được Ph.Ăngghen tập hợp, hoàn thành và xuất bản. Ph.Ăngghen cũng bổ sung nhiều tư tưởng quan trọng vào hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác và hiện thực hóa nhiều tư tưởng vĩ đại của C.Mác. Một trong những cống hiến đó là tư tưởng của Người về bản chất nhà nước, đây cũng là cơ sở khoa học trong việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối vớiNhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.  

Theo quan điểm của Ph.Ăngghen, nhà nước mang bản chất giai cấp, bản chất giai cấp của nhà nước thể hiện ra như là công cụ để giai cấp thống trị đàn áp các giai cấp bị bóc lột nhằm thực hiện lợi ích kinh tế của mình trong xã hội phân chia thành các giai cấp. Nhà nước ra đời tựa hồ đứng ngoài xã hội, làm cho xã hội tồn tại trong vòng trật tự nhất định, nhưng trên thực tế, chỉ giai cấp có thế lực nhất - giai cấp thống trị về kinh tế mới có đủ điều kiện lập ra và sử dụng bộ máy nhà nước. Nhờ có nhà nước, giai cấp này cũng trở thành giai cấp thống trị về mặt chính trị, và do đó có thêm những phương tiện mới để đàn áp và bóc lột giai cấp khác.

Theo Ph.Ăngghen, bản chất của nhà nước chỉ là bộ máy bạo lực, công cụ áp bức của một giai cấp. Nhà nước bao giờ cũng là nhà nước của giai cấp thống trị, có bản chất giai cấp sâu sắc, bản chất của giai cấp tổ chức, sử dụng nó. Ph.Ăngghen viết: “…nhà nước chẳng qua chỉ là một bộ máy của một giai cấp này dùng để trấn áp một giai cấp khác, điều đó, trong chế độ cộng hòa dân chủ cũng hoàn toàn giống như trong chế độ quân chủ”. Không có và không thể có nhà nước đứng trên các giai cấp hoặc nhà nước chung cho mọi giai cấp. Nhà nước chính là một bộ máy do giai cấp thống trị kinh tế thiết lập ra nhằm hợp pháp hóa và củng cố sự áp bức của chúng đối với quần chúng lao động. Giai cấp thống trị sử dụng bộ máy nhà nước để đàn áp, cưỡng bức các giai cấp khác trong khuôn khổ lợi ích của giai cấp thống trị. Đó là bản chất của nhà nước theo nguyên nghĩa, tức nhà nước của giai cấp bóc lột. Theo bản chất đó, nhà nước không thể là lực lượng điều hòa sự xung đột giai cấp, mà trái lại, nó càng làm cho mâu thuẫn giai cấp ngày càng gay gắt. Cũng theo bản chất đó, nhà nước là bộ máy quan trọng nhất của kiến trúc thượng tầng trong xã hội có giai cấp. Vì vậy, nhà nước bao giờ cũng là của một giai cấp và mang bản chất của giai cấp tổ chức ra nó. Ph.Ăngghen viết: “Vì nhà nước nảy sinh ra từ nhu cầu phải kiềm chế những sự đối lập giai cấp; vì nhà nước đồng thời cũng nảy sinh ra giữa cuộc xung đột của các giai cấp ấy, cho nên theo lệ thường, nhà nước là nhà nước của giai cấp có thế lực nhất, của cái giai cấp thống trị về mặt kinh tế và nhờ có nhà nước mà cũng trở thành giai cấp thống trị về mặt chính trị và do đó có thêm được những phương tiện mới để đàn áp và bóc lột giai cấp bị áp bức”.

Tư tưởng Ph.Ăngghen về bản chất nhà nước cho đến nay vẫn mang tính thời sự và có ý nghĩa nhận thức luận cực kỳ quan trọng, bởi nó cung cấp những căn cứ lý luận cốt yếu để soi sáng nhiều vấn đề căn bản trong thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; các vấn đề dân tộc, dân chủ, nhân quyền đang diễn ra gay go, quyết liệt trên lĩnh vực chính  trị, tư tưởng, chúng ta lại càng thấy giá trị trường tồn tư tưởng của Ph.Ăngghen về bản chất của nhà nước không chỉ soi sáng ở cả phương diện lý luận và thực tiễn cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, mà còn là sự tiếp sức để quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta vững tin trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - một bộ máy quản lý gọn nhẹ, năng động, “Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ” nhằm bảo đảm cho quyền lực Nhà nước thực sự thuộc về Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nhà nước xã hội chủ nghĩa là một tổ chức thông qua đó Đảng Cộng sản thực hiện sự lãnh đạo của mình đối với tiến trình phát triển của xã hội. Sự lãnh đạo của Đảng quyết định phương hướng tổ chức và hoạt động của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, là điều kiện quyết định để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia vào công việc của Nhà nước. Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối vớiNhà nước là vấn đề tất yếu có tính quy luật trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo là điều kiện đảm bảo cho tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước nhằm giữ vững bản chất giai cấp công nhân của nhà nước, đảm bảo mọi quyền lực thuộc về Nhân dân, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực hiện: “Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng Cương lĩnh, chiến lược, các chủ trương, chính sách lớn, bằng công tác tổ chức, cán bộ, bằng kiểm tra, giám sát; lãnh đạo thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật; lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, Hiến pháp và pháp luật; chú trọng lãnh đạo đổi mới, nâng cao chất lượng lập pháp, cải cách hành chính và cải cách tư pháp”.

Quán triệt và vận dụng tư tưởng của Ph.Ăngghen về bản chất nhà nước vào tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, cần thực hiệntốt một số nội dung sau:

Một là, tăng cường nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về phân định vai trò lãnh đạo của Đảng và chức năng quản lý của Nhà nước. Nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước là nguyên tắc hiến định. Điều 4 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước thể hiện: Đảng vạch ra đường lối chính trị, những chủ trương, phương hướng lớn, và quyết định những vấn đề quan trọng về tổ chức bộ máy nhà nước; chỉ đạo quá trình xây dựng pháp luật; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan nhà nước hoạt động theo đường lối của Đảng và đào tạo cán bộ tăng cường cho bộ máy nhà nước. Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong chấp hành đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các tổ chức đảng và đảng viên làm việc trong bộ máy nhà nước.

Hai là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện quy chế phối hợp làm việc giữa cơ quan, tổ chức Đảng với cơ quan, tổ chức nhà nước ở tất cả các cấp theo phương châm tôn trọng Điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật, thể chế của cơ quan nhà nước, tính đến đặc thù của từng nội dung lãnh đạo.

Ba là, thường xuyên củng cố, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng trong các lĩnh vực xây dựng nhà nước, xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật, nhất là cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Đảng và chính quyền cơ sở, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, đảng viên trong bộ máy nhà nước.

Bốn là, tăng cường các hoạt động kiểm tra, bảo vệ nội bộ của Đảng, chỉ đạo sát sao hơn đối với những hoạt động thanh tra và hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật khác. Đây là giải pháp để các cơ quan tư pháp của Nhà nước thực sự là “thanh bảo kiếm” trong việc giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác cán bộ trong bộ máy nhà nước, bảo đảm Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và cán bộ và đội ngũ cán bộ. Việc xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên cần phải tập trung vào đổi mới quy trình đào tạo; công khai dân chủ trong tuyển dụng, đề bạt cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt. Nhà nước cần có cơ chế kiểm tra, kiểm soát, giám sát đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước một cách hết sức cụ thể đặc biệt là chế độ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan nhà nước. Đồng thời kiên quyết xử lý đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước vi phạm bảo đảm công khai, chính xác, đúng người, đúng tội, không bao che, hoặc xử lý theo kiểu “nhẹ trên, nặng dưới”, có như vậy mới tạo lòng tin cho Nhân dân, tạo tiền đề vững chắc xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Đại tá, TS Nguyễn Văn Thủy, Thiếu tá, ThS Nguyễn Viết Tiến

Khoa Triết học Mác - Lênin, Học viện Chính trị, BQP

 

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam