Thúc đẩy phát triển bền vững các khu công nghiệp Dệt may và Da giày - Thách thức và cơ hội

Thứ sáu, 08/12/2023 - 08:58

TNV - Ngày 7 tháng 12 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Vụ Quản lý các khu kinh tế), Bộ Công Thương (Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững), Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) phối hợp với Hiệp hội Da Giày và Túi xách Việt Nam (Lefaso) tổ chức Diễn đàn Khu công nghiệp: “Thúc đẩy phát triển bền vững các khu công nghiệp Dệt may và Da giày - Thách thức và cơ hội”.

Tại Diễn đàn đã tập trung thảo luận về các khó khăn thách thức và đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của các KCN dệt may tại Việt Nam. Vấn đề Hợp tác thúc đẩy phát triển bền vững các khu công nghiệp, tập trung cho Dệt may và Da giày tại Việt Nam là chủ đề xuyên suốt tại Diễn đàn lần này.Ngành Dệt may, Da giày đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam với việc góp phần dịch chuyển cơ cấu kinh tế và lao động nông nghiệp, nông thôn sang công nghiệp; giải quyết việc làm, tận dụng lợi thế lao động với vai trò là những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và sử dụng nhiều lao động; bảo đảm hàng hóa thiết yếu cho người dân; tạo nguồn thu ngoại tệ xuất khẩu, tạo tích lũy ban đầu khi dệt may và da giày là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng cao và là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp cho chuỗi giá trị toàn cầu, gia tăng sức mạnh mềm gắn với mỗi thương hiệu sản phẩm. Quy mô xuất khẩu của ngành Da giày và Dệt may Việt Nam lần lượt đứng thứ 2 và thứ 3 thế giới (2022).

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp nếu không có phương án quản lý hiệu quả có thể làm tăng mức độ tác động đến môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nước, khí thải, chất thải và phát thải khí nhà kính, ảnh hưởng đến phát triển bền vững các khu công nghiệp ở Việt Nam. Ngành dệt may và da giày là ngành gây ô nhiễm môi trường lớn thứ hai trên thế giới về những vẫn đề kể trên

Phát biểu tại Diễn Đàn, bà Vương Thị Minh Hiếu – Phó Vụ trưởng, Vụ quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến cuối tháng 08/2023, Việt Nam đã có hơn 412 KCN, trong đó có 293 KCN đang hoạt động trên 61 tỉnh thành và 119 KCN đang trong quá trình xây dựng ở 61/63 tỉnh thành, đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước nói chung cũng như các địa phương nói riêng.

Bộ KHĐT đánh giá cao vai trò của Tổ chức IDH trong việc huy động nguồn tài trợ và triển khai các hoạt động hỗ trợ đối với các doanh nghiệp nói chung và các KCN và doanh nghiệp Dệt may nói chung trong thời gian qua.

Việc IDH phối hợp với các Bộ ngành và Hiệp hội, các KCN và doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn Khu công nghiệp Lần thứ nhất với chủ đề: “Thúc đẩy phát triển bền vững các khu công nghiệp Dệt may và Da giày - Thách thức và Cơ hội” rất có ý nghĩa trong thực tiễn, là hoạt động khởi động cho Thỏa thuận Hợp tác Công tư Hỗ trợ phát triển bền vững ngành Dệt may và Da giày Việt Nam trong giai đoạn tới, góp phần quan trọng cùng các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp cùng hợp tác nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững các KCN ở Việt Nam,bà Vương Thị Minh Hiếu nói.

Theo ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho hay, tại Việt Nam, ngành dệt may da giày đóng vai trò là các ngành công nghiệp chủ lực xuất khẩu quan trọng trong nền kinh tế. Nhu cầu tiêu dùng bền vững có xu hướng gia tăng cùng với sự phát triển khoa học công nghệ tiên tiến mở  ra nhiều cơ hội kinh doanh mới. Tuy vậy, hiện nay các doanh nghiệp dệt may và da giày đang phải đối mặt nhiều các áp lực lớn về thị trường, sức cạnh tranh. Hơn thế, việc thực thi các yêu cầu, quy định, tiêu chuẩn, cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững là các thách thức lớn. Các vấn đề này đặt ra nhu cầu cấp thiết cho các doanh nghiệp về đổi mới chiến lược, mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững và tăng cường liên kết hợp tác phát triển bền vững.

Diễn đàn hôm nay là một trong các hoạt động ý nghĩa nhằm nhận diện rõ hơn  cơ hội thách thức và nhu cầu của các doanh nghiệp dệt may và da giày về áp dụng các mô hình kinh doanh tuần hoàn bền vững, đồng thời tham góp các ý kiến đóng góp về các chính sách và giải pháp thúc đẩy ngành dệt may và da giày phát triển bền vững trong thời gian tới đây, ông Trịnh Quốc Vũ chia sẻ thêm.

Trong những năm gần đây, số lượng các Khu công nghiệp (KCN) tại Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trên toàn quốc và góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu công nhân. Hiện nay, Việt Nam có trên 400 KCN, trong đó có khoảng 3.000 nhà máy/nhà cung cấp dệt may tập trung ở phía Bắc, Nam và da giày tập trung ở phía Nam, đóng góp lớn cho phát triển KT-XH, giá trị xuất khẩu chiếm tới 12,52% GDP, doanh thu xuất khẩu 71 tỷ USD (dệt may 44 tỷ USD và da giày 27 tỷ USD) vào năm 2022, thu hút khoảng 4 triệu nhân công. Có thể thấy, ngành Dệt may là một trong các ngành sản xuất quan trọng, chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn cũng như tạo nhiều công ăn việc làm nhất trong các khu công nghiệp ở Việt Nam.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp nếu không có phương án quản lý hiệu quả có thể làm tăng mức độ tác động đến môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nước, khí thải, chất thải và phát thải khí nhà kính, ảnh hưởng đến phát triển bền vững các khu công nghiệp ở Việt Nam. Ngành dệt may và da giày là ngành gây ô nhiễm môi trường lớn thứ hai trên thế giới về những vấn đề kể trên.

Cũng tại Diễn đàn, ông Huỳnh Tiến Dũng - Trưởng đại diện Tổ chức IDH tại Việt Nam chia sẻ: IDH Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Da giày và Túi xách tổ chức Diễn đàn lần này nhằm mục đích tập hợp các nhà quản lý, các doanh nghiệp, các nhãn hàng, nhà cung  cấp và sản xuất… trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về thực trạng quản lý và vận hành các KCN, nhà máy, những thách thức và cơ hội trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều quy định mới về môi trường, sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu…, từ đó đề xuất các giải pháp và hành động cụ thể hỗ trợ và thúc đẩy phát triển bền vững các KCN và các nhà máy dệt may, da giày ở Việt Nam.

Tại Diễn đàn, ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng nhóm Quan hệ đối tác, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đánh giá tình hình phát triển các KCN trên thế giới và Việt Nam, đồng thời chỉ ra những khó khăn, thách thức của các khu công nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các khu công nghiệp về dệt may và da giày trong mục tiêu phát triển bền vững.

Đại diện cho Hiệp hội Da Giày Túi xách Việt Nam, Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hộichia sẻ về đề xuất từ Hiệp hội liên quan đến định hướng phát triển bền vững của ngành.

Tham gia trực tuyến từ nước Đức, ông Klaas Nuttbohm - Giám đốc triển khai chương trình, ZDHC đã trình bày về Nâng cao năng lực về Hệ thống quản lý hóa chất (ZDHC) trong các khu công nghiệp Việt Nam (IPEV),các quy định về hóa chất của Việt Nam và EUDD, sự tham gia của nhãn hàng và yêu cầu đối với nhà cung cấp và lợi ích cho KCN.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn đã được giới thiệu về Tổng quan về Chương trình Khu công nghiệp dệt may bền vững (INSTEP) và Nền tảng Công khai thông tin môi trường minh bạch cho doanh nghiệp (TEDP)do dại diện IDH Việt Nam: bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Quản lý cấp cao, Chương trình Dệt may và Sản xuất và ông Đỗ Đình Chiến, Cán bộ chương trình cấp cao trình bày.

Kết thúc Diễn đàn, các đại biểu tham dự đã thảo luận bàn tròn để trao đổi về các giải pháp và hoạt động khả thi để tháo gỡ khó khăn, thách thức và phát huy cơ hội để phát triển bền vững các KCN Dệt may và Da giày Việt Nam.

Trong thời gian tới, IDH phối hợp với các đối tác và tổ chức triển khai các hoạt động, đó là:

- Chương trình Khu Công nghiệp Dệt may và Da giày bền vững (INSTEP) hỗ trợ các KCN nâng cao tính minh bạch dữ liệu và tính bền vững môi trường và xã hội trong ngành dệt may. INSTEP xoay quanh 02 trụ cột chính với các can thiệp gồm, (1) về mặt Môi trường, tập trung vào năng lượng, xử lý nước thải, xử lý hóa chất và minh bạch thông tin; (2) về mặt Xã hội, tập trung vào gắn kết công nhân, trao quyền cho phụ nữ, đảm bảo sức khỏe lao động nghề nghiệp. Chương trình này không chỉ nhắm tới việc củng cố ngành Dệt may, Da giày mà còn hướng đến sự phát triển bền vững và toàn diện của ngành hàng. Trong thời gian tới, IDH sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan và tổ chức trong và ngoài nước tiếp tục triển khai và nhân rộng Chương trình tại các KCN trên phạm vi cả nước.

- Để hỗ trợ cho các KCN hiểu rõ về vị trí của mình trong phát triển bền vững, đặc biệt hỗ trợ đánh giá, lựa chọn các KCN tham gia vào Chương trình hỗ trợ xây dựngh KCN kiểu mẫu, hoạt động Đánh giá tính bền vững khu công nghiệp (IPSA) hỗ trợ đánh giá cơ bản về xã hội, môi trường và hiệu quả an toàn của các Khu công nghiệp và nhà máy đang được từng bước triển khai. Trong tháng 12/2023, hoạt động này được triển khai tại Ethiopia, sau đó sẽ đến Việt Nam.

- Phát triển và vận hành Nền tảng Công khai thông tin môi trường minh bạch cho doanh nghiệp (TEDP): IDH phối hợp với Winrock/USAID hỗ trợ Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, thông qua Trung tâm Kiểm soát môi trường miền bắc, xây dựng nền tảng TEDP. Nền tảng hướng đến hỗ trợ khu công nghiệp và doanh nghiệp dệt may nâng cao thực hành môi trường, tuân thủ các quy định của pháp luật và thị trường, hiện đã và trang được triển khai thí điểm tại 1 số KCN và nhà máy dệt may và sẽ được triển khai nhân rộng trong các năm tiếp theo.