Phát triển năng lực khai thác thông tin và dữ liệu của sinh viên sư phạm khu vực phía Nam trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay

Thứ sáu, 22/12/2023 - 15:05

NCKH - Tóm tắt: Nghiên cứu này tập trung tìm hiểu mức độ năng lực khai thác thông tin và dữ liệu của sinh viên (SV) sư phạm tại 3 trường ở miền Nam: trường Đại học Thủ Dầu Một, trường Đại học Tiền Giang, trường Đại học Sài Gòn. Đây là một nghiên cứu định lượng sử dụng phiếu tự đánh giá của SV ngành sư phạm theo thang đo Likert 3 lựa chọn. Kết quả cho thấy năng lực khai thác thông tin và dữ liệu của SV sư phạm ở mức trung bình (53,06%). Từ số liệu được phân tích, các tác giả đề xuất một số giải pháp hướng đến việc phát triển năng lực khai thác thông tin và dữ liệu của SV sư phạm trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.

Từ khoá: chuyển đổi số , năng lực khai thác thông tin và dữ liệu, sinh viên sư phạm

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay đã và đang có sự tác động đa chiều đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đối với người giáo viên trong quá trình dạy – học. Thực trạng đó đặt ra yêu cầu quan trọng đối với sinh viên sư phạm khi đang được đào tạo trong môi trường đại học – họ phải được hình thành và phát triển năng lực số một cách toàn diện. Theo mô hình khung năng lực số cho sinh viên Việt Nam được đề xuất trong kết quả nghiên cứu của dự án hợp tác giữa Tập đoàn Meta và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, thì “năng lực khai thác thông tin và dữ liệu” là một trong những nhóm năng lực quan trọng, có tính quyết định đối với chất lượng học tập, nghiên cứu của sinh viên nói chung, sinh viên sư phạm nói riêng. Vì vậy, thực hiện khảo sát sinh viên sư phạm của ba trường đại học (Đại học Thủ Dầu Một, Đại học Sài Gòn, Đại học Tiền Giang) bằng những câu hỏi cụ thể, với thang đo Likert ba mức độ về nhóm năng lực khai thác thông tin và dữ liệu là việc làm thực sự cần thiết, nhằm cung cấp cơ sở thực tiễn cho việc đề xuất các giải pháp phù hợp phát triển nhóm năng lực này cho sinh viên sư phạm thuộc các trường đại học khu vực phía Nam.

2. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Nội dung

2.1.1. Khái niệm “ Năng lực khai thác thông tin và dữ liệu”

Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia nói chung, chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo nói riêng đặt ra yêu cầu quan trọng là phải phát triển đồng bộ các yếu tố: hệ thống dữ liệu toàn quốc về giáo dục và đào tạo; hệ thống học liệu và môi trường học tập số; xây dựng và triển khai khung năng lực số cho người học… Trên phương diện lý luận, khái niệm “năng lực số” bắt đầu được quan tâm và nghiên cứu bởi nhiều tổ chức và các chuyên gia. Năng lực số, theo định nghĩa của UNESCO, “là khả năng truy cập, thấu hiểu, kết hợp, giao tiếp, đánh giá và sáng tạo thông tin một cách an toàn và phù hợp thông qua công nghệ số để phục vụ cho thị trường lao động phổ thông, các công việc cao cấp và khởi nghiệp kinh doanh” [1] .

Trên cơ sở kế thừa và đối sánh kết quả nghiên cứu của nhiều tổ chức quốc tế, đặc biệt là của UNESCO và CAUL (Council of Australian University Librarians), tập thể tác giả của Dự án nâng cao năng lực số cho sinh viên (Đỗ Văn Hùng và các cộng sự) đã đề xuất mô hình khung năng lực số cho sinh viên Việt Nam với 7 nhóm cơ bản như sau: (1)- Vận hành thiết bị và phần mềm; (2)- Khai thác thông tin và dữ liệu; (3)- Giao tiếp và hợp tác trong môi trường số; (4)- An toàn và an sinh số; (5)- Sáng tạo nội dung số; (6)- Học tập và phát triển kỹ năng số; (7)- Sử dụng năng lực số trong nghề nghiệp.

Cấu trúc của khung năng lực số trên đây cho thấy “Khai thác thông tin và dữ liệu” là một trong số những nhóm năng lực cơ bản mà sinh viên cần được trang bị và tự trang bị cho bản thân trong quá trình học tập, nghiên cứu và chuẩn bị sẵn sàng cho công việc trong tương lai.

Có thể định nghĩa một cách khái quát, năng lực khai thác thông tin và dữ liệu lànăng lực “nhận diện được nhu cầu thông tin của cá nhân; triển khai các chiến lược tìm tin, định vị và truy cập được thông tin; đánh giá các nguồn tin và nội dung của chúng; lưu trữ, quản lý và tổ chức thông tin; sử dụng thông tin phù hợp với đạo đức và pháp luật” [2] . Nếu diễn giải cụ thể hơn và theo một quy trình thì năng lực khai thác thông tin và dữ liệu gồm các năng lực thành phần: Xác định nhu cầu - Tìm kiếm - Đánh giá - Quản lý và lưu trữ - Sử dụng và phân phối . Việc nhận thức đúng và đầy đủ nội hàm và yêu cầu của từng năng lực cốt lõi sẽ giúp cho sinh viên ứng dụng công nghệ hiệu quả hơn vào thực tiễn học tập, nghiên cứu; đồng thời, sinh viên cũng có thái độ phù hợp, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề một cách sáng tạo hơn.

2.1.2. Chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo và sự cần thiết của năng lực khai thác thông tin và dữ liệu của sinh viên khối ngành sư phạm

Ngày 03/6/2020, Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được ký ban hành. Theo đó, chuyển đối số trong lĩnh vực giáo dục được xếp thứ tự ưu tiên chỉ sau mỗi lĩnh vực y tế, điều đó cho thấy sự nhận thức của Đảng và Nhà nước ta về tầm quan trọng cũng như vai trò to lớn của chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đối với sự phát triển chung của toàn xã hội trong thời gian tới. Có thể nói rằng, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) đã và đang tác động đến mọi quốc gia trên toàn cầu và thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, xu thế chuyển đổi số là một vấn đề mang tính tất yếu đối với nước ta.

Chuyển đổi số trong giáo dục hiện nay có thể được hiểu là việc áp dụng công nghệ vào các hoạt động quản lý giáo dục và hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học. Đối với sinh viên ngành sư phạm, để đáp ứng được những yêu cầu của bối cảnh chuyển đổi số trong giáo dục, năng lực khai thác thông tin và dữ liệu trở nên vô cùng quan trọng và cần thiết. Với những năng lực thành phần được thiết lập theo một quy trình đảm bảo tính khoa học – “xác định nhu cầu – tìm kiếm – đánh giá – quản lý và lưu trữ – sử dụng, phân phối” thông tin và dữ liệu, sinh viên sư phạm được trang bị có hệ thống, từng bước hình thành các phẩm chất và kỹ năng phù hợp với nghề nghiệp: kỹ năng xác định đúng chủ đề chính, nội dung cốt lõi và định hướng thực hiện nhiệm vụ trong học tập, nghiên cứu; kỹ năng chọn lựa công cụ, phương thức phù hợp để mang lại hiệu quả tối ưu trong tìm thông tin đối với từng lĩnh vực khoa học cụ thể, đặc biệt là tạo lập được những từ khóa quan trọng; có thể nhận diện được tính chính thống và chuẩn xác của tri thức từ nhiều nguồn khác nhau; tính cẩn trọng, ngăn nắp và hệ thống trong xử lý, phân loại, phân cấp các mức độ thông tin, cũng như lưu trữ, tổ chức, sắp xếp các dữ liệu một cách khoa học; tinh thần trách nhiệm, tính trung thực và liêm chính khoa học trong hoạt động tiếp nhận sử dụng, chia sẻ các thông tin, tri thức trong cộng đồng.

Sinh viên ngành sư phạm sẽ là giáo viên trong tương lai, nên nhìn chung, những năng lực được tích lũy và hình thành trong quá trình học tập cũng sẽ là những năng lực mà họ sẽ trao truyền cho các thế hệ mai sau, hoặc trở thành năng lực nền tảng để người giáo viên “chắp cánh” cho các lớp học trò tiếp tục sáng tạo, bay cao và bay xa hơn trong công việc và cuộc sống. Với nét đặc thù nghề nghiệp như vậy, khai thác thông tin và dữ liệu trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay thực sự là một trong những nhóm năng lực cần thiết, góp phần quyết định sự phát triển về chất lượng của sinh viên sư phạm.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng phương pháp điều tra bằng bảng hỏi theo hình thức trực tuyến. Phiếu khảo sát được thiết kế trên Google form và liên kết khảo sát được phân phối qua Zalo, email. Công cụ nghiên cứu là bảng hỏi được thiết kế theo thang đo Likert 3 chọn lựa (1 = chưa bao giờ; 2 = thỉnh thoảng; 3 = thường xuyên). Bảng hỏi gồm 05 câu hỏi về năng lực khai thác thông tin và dữ liệu của sinh viên sư phạm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục hiện nay. Chúng tôi tiến hành khảo sát 155 sinh viên sư phạm trường Đại học Thủ Dầu Một, Đại học Tiền Giang, Đại học Sài Gòn (tháng 9/2023). Kết quả thu được 146 phiếu hợp lệ. Kết quả được xử lí bằng những hàm có sẵn trong phần mềm Microsoft Excel.

Tiêu chí đánh giá: Tính điểm trung bình, tỉ lệ % năng lực khai thác thông tin và dữ liệu của sinh viên sư phạm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục hiện nay. Giá trị trung bình (Mean) được dùng thang đo Likert 3 lựa chọn trong bảng khảo sát để tính điểm đạt được của từng nội dung. Chúng tôi sử dụng thang đo 3 mức độ (Chưa bao giờ; Thỉnh thoảng; Thường xuyên) tương ứng với số điểm là 1, 2, 3. Điểm tối đa của thang đo là 3, tối thiểu là 1. Do vậy, điểm trung bình thấp nhất của mỗi mục là 1 và điểm trung bình cao nhất là 3, khi đó giá trị khoảng cách bằng (Maximum – Minimum) / n = (3-1)/3 = 0,66; tương ứng với khoảng điểm: 1 - 1,66: chưa bao giờ; 1,67 – 2,33: thỉnh thoảng; 2,34 - 3: thường xuyên. Tỉ lệ % được tính trên tổng số câu trả lời và từng mục của câu trả lời.

Hạn chế của nghiên cứu: Các dữ liệu trong nghiên cứu này mới chỉ được đo tại 3 trường đại diện: Thủ Dầu Một, Tiền Giang, Sài Gòn. Ngoài ra, hình thức khảo sát trực tuyến mặc dù có nhiều ưu điểm trong việc tiết kiệm chi phí, thời gian nhưng cũng có trở ngại trong việc tối ưu hóa thông tin qua phiếu hỏi.

3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

3.1. Kết quả nghiên cứu

Bảng thống kê kết quả khảo sát năng lực khai thác thông tin và dữ liệu của sinh viên ngành sư phạm trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay

(Đại học Thù Dầu Một, Đại học Tiền Giang, Đại học Sài Gòn)

3.2. Đánh giá kết quả

3.2.1. Xác định nhu cầu thông tin và dữ liệu

Kết quả khảo sát cho thấy năng lực xác định nhu cầu thông tin và dữ liệu của SV sư phạm đạt mức trung bình, chiếm tỉ lệ 53,9%. Cụ thể: SV đặt câu hỏi tìm kiếm thông tin chính xác, tường minh theo chủ đề quan tâm và vận dụng quy trình phân tích vấn đề để tìm ra các yêu cầu về thông tin cho vấn đề đặt ra (có ĐTB là: 2,45 và 2,36). Cho thấy, bước đầu SV nhận diện được nhu cầu thông tin cá nhân để giải quyết vấn đề đặt ra và lý giải được tầm quan trọng của đặt câu hỏi để định hướng tìm kiếm thông tin. Tuy nhiên, SV chưa xác định được loại thông tin nào mình cần, lượng thông tin ở mức độ nào, các tiêu chí căn bản để lựa chọn nguồn thông tin. Do đó, SV chưa tạo ra các pháp phương pháp hữu ích liên quan tới việc nhận diện, phân tích nhu cầu thông tin trong môi trường số (ĐTB = 1,96); SV chưa vẽ bản đồ tư duy để minh họa cây tri thức về vấn đề đang quan tâm, qua đó làm cơ sở cho chiến lược tìm kiếm thông tin hiệu quả (ĐTB = 2,00).

3.2.2. Tìm kiếm thông tin và dữ liệu

Kết quảGửi phản biện, thường mấy ngày sẽ được đăng tải khảo sát cung cấp số liệu đánh giá năng lực tìm kiếm thông tin và dữ liệu của SV sư phạmđạt ở mức trung bình (chiếm 51,14%). Trong đó, năng lực sử dụng các công cụ sẵn có để tổ chức tìm thông tin mình cần trong môi trường số và năng lực chỉ cách truy cập tới thông tin và lấy được thông tin mình cần lần lượt có điểm trung bình cao nhất là: 2,50; 2,25 có ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả đánh giá năng lực tìm kiếm thông tin và dữ liệu của sinh viên sư phạm.

Chia sẻ về năng lực tìm kiếm thông tin và dữ liệu của SV sư phạm, một số giảng viên trực tiếp giảng dạy SV sư phạm trường Đại học Tiền Giang cho rằng, đa số SV đã nhận biết một số loại tìm kiếm cơ bản như tìm kiếm theo tác giả, theo tiêu đề (tên sách, tên tài liệu), tìm kiếm dựa trên từ khóa của trang web Google chủ yếu là kỷ yếu hội thảo, các chương sách và báo cáo; bài tạp chí; luận văn tốt nghiệp, sáng kiến kinh nghiệm,… và kết hợp linh hoạt giữa tìm kiếm thông tin qua các máy tìm kiếm và trong thư viện. Tuy nhiên, sau khi truy cập được thông tin, phần lớn sinh viên chưa biết cách sử dụng một số phương pháp thu thập thông tin như đọc quét và đọc lướt; đánh dấu; ghi chú; và viết tắt các thông tin được đánh dấu hoặc thu thập; các dữ kiện chưa được viết lại dưới văn phong và ý hiểu của SV mà sao chép nguyên văn từ nguồn trích dẫn.

3.2.3. Đánh giá thông tin và dữ liệu

Dựa vào số liệu, cho thấy năng lực đánh giá thông tin và dữ liệu của SV sư phạm ở mức chưa cao, chiếm tỉ lệ 33,55%. Theo đó, năng lực đánh giá thông tin và dữ liệu của SV sư phạm chỉ mới bắt đầu lựa chọn được công cụ và tiêu chí đánh giá thông tin phù hợp với nguồn thông tin (ĐTB = 2,37); có 34,2% SV tìm ra nguồn gốc thông tin, mục đích của việc tạo lập và phát tán thông tin (ĐTB = 2,21); 30,8% xác định được thời điểm thông tin được tạo ra, tính cập nhật của thông tin (ĐTB = 2,20). Chỉ có 24,7% SV tạo ra các giải pháp hoặc tiêu chí cho việc đánh giá tính xác thực và tin cậy của nguồn thông tin (ĐTB = 2,01).

Thông qua nghiên cứu các bài tập lớn, bài tiểu luận, bài thuyết trình, bài tập nghiên cứu, bài báo cáo… của SV sư phạm trường Đại học Thủ Dầu Một, cho thấy đa số SV chưa quan tâm đến việc đánh giá chất lượng nội dung các tài liệu tham khảo để đảm bảo các tài liệu này phù hợp với nhu cầu cần tìm kiếm. SV chưa nhận thức các tiêu chí cơ bản để đánh giá thông tin gồm: tính cập nhật, tính liên quan, tính pháp lý/bản quyền, tính chính xác và tính mục đích cũng như mức độ tin cậy của thông tin.  Dựa vào danh sách các tài liệu đã được thu thập, phần lớn SV chưa trả lời được các câu hỏi (các nghiên cứu của tác giả có được chứng minh một cách đầy đủ hay không? Các lập luận hay khẳng định có dựa trên các phân tích thực tế và logic không? Tài liệu trước khi được xuất bản có được thông qua hội đồng xét duyệt, phản biện hay các hình thức nào khác không?) và chưa quan tâm đến thông tin này được kiểm chứng bởi các nguồn uy tín, thông tin được trích dẫn một cách rõ ràng và có thể đánh giá được nguồn tin trích dẫn. Vì vậy, SV thường mắc lỗi trong việc đánh giá, kiểm chứng tính xác thực và độ tin cậy của nguồn thông tin của tài liệu… phần nào ảnh hưởng đến chất lượng học tập và nghiên cứu của sinh viên sư phạm trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

3.2.4. Quản lý, lưu trữ thông tin và dữ liệu

Qua số liệu khảo sát đánh giá năng lực quản lý và lưu trữ thông tin và dữ liệu của SV sư phạmđạt mức chưa cao, chiếm tỉ lệ 29,25%. Trong đó, có 35,6% SV lựa chọn thông tin để tổ chức, lưu trữ và truy xuất một cách thường xuyên trong môi trường số; 32,9% SV tổ chức và lưu trữ thông tin trên thiết bị số để dễ dàng truy xuất và sử dụng thông tin; 32,9% SV biết lựa chọn và cài đặt các phần mềm quản lý và lưu trữ thông tin trên thiết bị số và 32,2% SV sử dụng phần mềm chuyên dụng để quản lý và lưu trữ thông tin thường xuyên.

Chia sẻ về năng lực quản lý và lưu trữ và dữ liệu của SV sư phạm trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, nhiều GV giảng dạy SV sư phạm trường Đại học Tiền Giang chia sẻ rằng, thông tin sau khi được thu thập được hầu hết SV lưu trữ, quản lý và trình bày chủ yếu là thông tin được tổ chức thành các phạm trù xác định, có thể dựa trên chủ đề, loại thông tin phục vụ cho mục đích nhất định. Mặc dù, hầu hết SV sư phạm nhận thức việc lưu trữ và quản lý thông tin giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho việc đọc, suy nghĩ và hình thành ý tưởng. Tuy nhiên, SV chưa xác định mức độ phức tạp thích hợp của thông tin đối với đối tượng tiếp nhận cũng như mức độ cần tiếp nhận qua việc sử dụng phương pháp phân loại của thang Bloom: Biết, hiểu, ứng dụng, phân tích, tổng hợp, đánh giá.

3.2.5. Sử dụng, phân phối thông tin và dữ liệu

Dựa vào số liệu khảo sát, cho thấy năng lực sử dụng, phân phối thông tin và dữ liệu của SV sư phạm có 36,94%đạt mức chưa cao và 50,88% đạt mức trung bình. Theo đó, có 51,4% SV lựa chọn và áp dụng thông tin để hoàn thành các bài tập, công việc được giao (ĐTB = 2,47) và 47,3% SV sử dụng các công cụ miễn phí để trích dẫn tài liệu đúng cách (ĐTB = 2,4), có 42,5% SV trích dẫn tài liệu khi viết các bài nghiên cứu, áp dụng các cách trích dẫn linh hoạt trong bài viết (ĐTB = 2,34).

Chia sẻ về năng lực sử dụng, phân phối thông tin và dữ liệu của SV sư phạm, giảng viên khoa sư phạm trường Đại học Thủ Dầu Một cho rằng, hầu hết SV đã phân biệt các hình thức đạo văn phổ biến và cách phòng tránh đạo văn, phân tích hậu quả của hành vi đạo văn, tác động của việc sử dụng, chia sẻ thông tin có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân hoặc tổ chức. Tuy nhiên, các em chưa vận dụng tốt các phương thức khắc phục lỗi đạo văn vào hoạt động học tập và nghiên cứu. Trong quá trình thực hiện bài tập lớn, bài tiểu luận, bài tập nghiên cứu, bài báo cáo…, các em còn mắc nhiều lỗi đạo văn trong nghiên cứu, thậm chí viết nguyên văn tài liệu trích dẫn, không ghi chú tác giả và nguồn trích. Hơn nữa, các em thường gặp khó khăn trong việc sáng tạo nội dung mới trên cơ sở những thông tin và dữ liệu đã thu thập được.

3.3. Một số giải pháp phát triển năng lực khai thác thông tin và dữ liệu của sinh viên sư phạm trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay

Nhìn chung, sinh viên hiện nay nói chung, sinh viên sư phạm nói riêng đều đã được trang bị những kiến thức, kỹ năng công nghệ cơ bản liên quan đến năng lực số ở những mức độ khác nhau. Đặc biệt, trải qua thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, phương thức dạy – học trực tuyến được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước. Để quá trình học tập, nghiên cứu không bị gián đoạn, bên cạnh sự hướng dẫn của giảng viên, sinh viên phải chủ động, tự giác nâng cao năng lực khai thác thông tin và dữ liệu cho chính mình. Tuy nhiên, qua phân tích kết quả khảo sát sinh viên sư phạm của ba trường đại học ở phía Nam, tập thể tác giả xin đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục phát triển năng lực này trong thời gian tới:

Một là, nhà trường cần tiếp tục nâng cao nhận thức của sinh viên: năng lực khai thác thông tin và dữ liệu trong bối cảnh chuyển đổi số là “chìa khóa vàng” cho sự thành công trong quá trình học tập, nghiên cứu của sinh viên sư phạm, cũng như trong hoạt động giảng dạy sau này của người giáo viên; đồng thời, làm chủ được năng lực này sẽ góp phần tích cực vào quá trình thực hiện mục tiêu Chuyển đổi số Quốc gia, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Nhận thức đúng để có thái độ tự giác, năng động và sáng tạo được xem là giải pháp quan trọng có tính quyết định;

Hai là, nhà trường cần khẩn trương và quyết liệt đầu tư thỏa đáng cho việc chuẩn hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của việc triển khai chuyển đổi số trong nội bộ trường đại học, cũng như đảm bảo sự liên thông, liên kết giữa các cơ sở đào tạo đại học với nhau; giữa trường đại học với các bộ, ngành và các cấp chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội, đảm bảo sự thông suốt, nhanh chóng và chính xác trong sự tiếp cận thông tin của sinh viên;

Ba là, linh hoạt và sáng tạo lồng ghép giáo dục kiến thức, năng lực khai thác thông tin và dữ liệu, cũng như năng lực số nói chung vào chương trình đào tạo với những học phần có liên quan, những nội dung phù hợp. Giải pháp này giúp cho những giáo viên tương lai tiếp cận, làm quen các kỹ năng cần thiết ngay từ khi còn trong môi trường đại học, như: xác định nhu cầu thông tin, xây dựng chiến lược tìm kiếm thông tin, đánh giá được các nguồn thông tin và nội dung của chúng, lưu trữ và quản lý thông tin, đặc biệt là sử dụng và phân phối thông tin phù hợp với đạo đức, pháp luật;

Bốn là, công tác quản lý, giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học của giảng viên… cần được đẩy mạnh đổi mới theo hướng chuyển đổi số, nhằm nêu gương và tạo sự lan tỏa tích cực đến toàn thể sinh viên đang học tập, nghiên cứu tại trường.

4. KẾT LUẬN

Kết quả khảo sát nhóm năng lực khai thác thông tin và dữ liệu của sinh viên sư phạm tại 3 trường đại học phía Nam (Thủ Dầu Một, Sài Gòn, Tiền Giang) cho thấy năng lực các em đạt được đang ở mức độ trung bình và còn có độ chênh lệch nhất định. Đa số sinh viên nhận thức được sự cần thiết và tầm quan trọng của năng lực này đối với hoạt động học tập, nghiên cứu cũng như trong công tác dạy học của người giáo viên, đặc biệt là trước bối cảnh chuyển đổi số. Muốn phát triển nhóm năng lực này cho sinh viên, đòi hỏi có sự đồng bộ, chủ động và quyết tấm của những chủ thể liên quan, trong đó, tính tự giác và năng động của bản thân sinh viên giữ vai trò quyết định.

NCS. GVC. ThS. Nguyễn Trung Hiếu - ThS. Từ Thị Trừ

Trường Đại học Tiền Giang

DEVELOPING INFORMATION AND DATA EXPLOITATION CAPACITY OF PEDAGOGY STUDENTS IN THE SOUTHERN REGION IN THE CURRENT CONTEXT OF DIGITAL TRANSFORMATION

SUMMARY:

This study focuses on researching the level of information and data exploitation of pedagogy students at 3 universities in the south: Thu Dau Mot University, Tien Giang University, Saigon University. This is a quantitative study using self-assessment of pedagogy students on three-choice Likert scale. The results show that the pedagogy students’ ability to exploit information and data is at an average level (53.06%). From analyzed data, the authors propose a number of solutions aimed at developing information and data capacity of pedagogy students in the context of strong digital transformation today.

Keywords : digital transformation, transformation and data exploitation capacity, pedagogy students

Tài liệu tham khảo

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2 , Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[2] Đỗ Văn Hùng (chủ biên, 2022), Năng lực số (sách chuyên khảo), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.

[3] Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ngày 03/6/2020.


[1] Đỗ Văn Hùng (chủ biên, 2022), Năng lực số (sách chuyên khảo), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.30.

[2] Đỗ Văn Hùng (chủ biên, 2022), Năng lực số (sách chuyên khảo), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.59.