Vĩnh Phúc đề cao vai trò của cấp cơ sở và người dân trong xây dựng nông thôn mới

Thời sự, Chính trị | 14:26:00 12/04/2024

TNV - Năm 2024, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tỉnh Vĩnh Phúc xác định là nhiệm vụ quan trọng, trong đó vai trò của cấp cơ sở và người dân được đề cao, là nhân tố quyết định để hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Ra mắt công trình đường hoa thanh niên tại Làng văn hóa kiểu mẫu thôn Duy Bình, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường.

Vai trò làm chủ của người dân mang tính quyết định

Theo nội dung Kế hoạch thực hiện xây dựng nông thôn mới năm 2024 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Khước ký ban hành, thì tỉnh Vĩnh Phúc xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng, cần có sự vào cuộc quyết liệt thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị (đặc biệt là cấp cơ sở), trong đó vai trò của người dân mang tính quyết định.

Đồng thời, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng NTM tiếp tục được phát huy nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện công tác giám sát và phản hiện xã hội trong xây dựng NTM; đặc biệt là phát huy vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng NTM, nâng cao việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Do đó, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành và các địa phương cần chủ động, tích cực trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện, đặc biệt là tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động để các tổ chức, doanh nghiệp và người dân chủ động, tích cực tham gia, đóng góp nguồn lực trong triển khai thực hiện Chương trình. 

Trong năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu có 35 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu; 27 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn thông minh. Có 10 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao; 10 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu; 02 xã được công nhận đạt chuẩn xã thông minh. Các xã duy trì đạt chuẩn NTM có tối thiểu 90% số tiêu chí xã (17/19 tiêu chí) đạt chuẩn theo quy định của giai đoạn 2021-2025. 

Mặt khác, UBND tỉnh giao huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc hoàn thành hồ sơ, thẩm tra, thẩm định đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Các huyện Sông Lô, Lập Thạch, Tam Dương, Tam Đảo đạt tối thiểu 75% số tiêu chí huyện NTM (7/9 tiêu chí); Huyện Bình Xuyên có tối thiểu 90% số tiêu chí huyện NTM (8/9 tiêu chí) và thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên có tối thiểu 80% số tiêu chí (4/5 tiêu chí) đạt chuẩn theo quy định xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. 

Tuyến đường sáng, xanh, sạch đẹp xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc.

Đề cập đến các nội dung thực hiện chủ yếu, tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp hệ thống đường GTNT trên địa bàn các xã, hạ tầng giao thông kết nối liên xã, liên huyện; tập trung cải tạo, nâng cấp mở rộng các tuyến đường GTNT nhỏ, hẹp, các tuyến đường đã xuống cấp, đảm bảo tối thiểu 50% các tuyến đường trục xã, đường trục thôn mặt đường nhỏ hẹp (< 5,5m) có khả năng mở rộng được mở rộng, nâng cấp đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu Bnền = 6,5m; Bmặt = 5,5m.

Duy tu, cải tạo, xây dựng các công trình thủy lợi đảm bảo tưới, tiêu chủ động cho >97% diện tích đất sản xuất nông nghiệp và hoạt động của các ngành kinh tế khác trên địa bàn tỉnh; đảm bảo &gt;30% diện tích cây trồng chủ lực của địa phương được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Xây dựng 750 km hệ thống điện chiếu sáng đường giao thông trục xã, trục thôn, liên thôn, ngõ xóm đảm bảo tiêu chuẩn chiếu sáng và mỹ quan nông thôn.

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa thể thao, ưu tiên đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, thể thao các cấp, đặc biệt là cấp thôn của các xã thuộc vùng trung du miền núi; chú trọng xây dựng đáp ứng nhu cầu điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em và người cao tuổi; đảm bảo trang thiết bị và kinh phí hoạt động cho thiết chế văn hóa - thể thao cấp xã, thôn.

Xây dựng các chợ trung tâm, chợ đầu mối hoặc trung tâm thương mại cấp vùng, cấp huyện; trung tâm thu mua - cung ứng nông sản an toàn cấp huyện; trung tâm kỹ thuật nông nghiệp; hệ thống cung ứng nông sản hiện đại. Trước mắt tập trung cho các xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2024.

Phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình Đồng thời, chú trọng phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn. Chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư các khu xử lý chất thải tập trung quy mô liên xã, liên huyện ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường; đầu tư hạ tầng các điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; đầu tư, cải tạo, nâng cấp đồng bộ hệ thống thu gom, thoát nước thải và các công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung và tại chỗ với quy mô phù hợp, trong đó có phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình. Văn bản của UBND tỉnh nêu rõ. 

Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu năm 2024 có 25-30 sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt chất lượng từ 03 sao cấp tỉnh trở lên; thành lập mới 15 -20 HTX, doanh thu bình quân một HTX đạt 1.800 - 1.900 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều dưới 0,7%, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn dưới < 1,8%, mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 1,2 lần so với năm 2023. Đến năm 2025 tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu có 09 điểm du lịch nông thôn (du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề,... ) theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững. 

Đoàn viên thanh niên tham gia cải tạo cống rãnh tại xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên.

Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Phúc cam kết tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; tiếp tục nhân rộng mô hình câu lạc bộ hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cấp thôn, đặc biệt là hỗ trợ thành lập, duy trì, phát triển các câu lạc bộ dân ca tiêu biểu theo Nghị quyết số 12/2020/NQ- HĐND ngày 14/12/2020 của HĐND tỉnh. Xây dựng mô hình thí điểm phân loại rác thải tại nguồn, giảm thiểu sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa một lần tại thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo. Hoàn thành xây dựng 14 trạm xử lý nước thải phân tán khu vực nông thôn (dọc sông Phan) thuộc hợp phần 2 Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc và đưa vào khai thác, sử dụng trong năm 2024.

Để diện mạo nông thôn thực sự khởi sắc, đời sống thu nhập bà con nông thôn được nâng cao, tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định tiếp tục triển khai hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; đề án“Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”,.. Trong đó, chú trọng thúc đẩy chương trình khởi nghiệp, thanh niên làm kinh tế; triển khai hiệu quả Chương trình trí thức trẻ tình nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới; thực hiện hiệu quả các phòng trào “Xung kích phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc”,“Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”,...gắn với phong trào “Vĩnh Phúc chung sức xây dựng nông thôn mới”. 

Vào các buổi chiều hang ngày, nhân dân thôn Vũ Di, xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường phấn khởi tập luyện thể dục thể thao tại sân Nhà văn hóa thôn.

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam