Nhận diện và phê phán luận điệu xuyên tạc động cơ phấn đấu vào Đảng Cộng sản Việt Nam của thế hệ trẻ hiện nay

Lý luận trẻ | 14:00:00 19/04/2024

NCKH - Tóm tắt: Bài viết nêu và phân tích bản chất luận điệu xuyên tạc động cơ phấn đấu để đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, rằng “thế hệ trẻ không nên phấn đấu để đứng vào hàng ngũ của Đảng vì Đảng đã thoái hoá, biến chất, vào Đảng sẽ mất thời gian và sự tự do” nhằm đánh vào lý tưởng cách mạng của thế hệ trẻ, phủ nhận vai trò lãnh đạo, hạ thấp uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó, vạch ra các luận điểm nhằm khẳng định vai trò tiên phong, uy tín của Đảng, khơi dậy lý tưởng cách mạng, đồng thời, phê phán, phản bác lại luận điệu xuyên tạc trên.

Từ khoá:Đảng viên, thế hệ trẻ, Đảng Cộng sản Việt Nam.

1. Các luận điệu sai trái, thù địch

Các luận điệu sai trái, thù địch cho rằng, ngày nay Đảng đã thoái hoá, biến chất, nhiều đảng viên bị khiển trách, kỷ luật hay thậm chí có người còn chọn “bỏ Đảng”. Vì vậy, việc đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam khi còn là học sinh, sinh viên hay cán bộ trẻ là lựa chọn sai lầm… Các luận điệu này rất đa dạng, phong phú cả về hình thức lẫn nội dung, song tựu chung lại có thể khái quát thành các nhóm chủ yếu sau:

Thứ nhất, cho rằng việc vào Đảng phải có mục đích, có cơ cấu, để thăng quan tiến chức, nếu như không có “gốc” thì vào Đảng cũng chỉ để sinh hoạt, đóng đảng phí, ngồi cho có,… chứ không có tác dụng gì đối với công việc hay phát triển bản thân trong bối cảnh hiện nay.

Thứ hai, cho rằng vào Đảng rất tốn thời gian, chưa kể quá trình phấn đấu, thẩm tra lý lịch,… khi vào Đảng còn phải sinh hoạt thường xuyên, đúng quy định, nếu không thì sẽ ảnh hưởng đến công việc.

Thứ ba, Đảng có quá nhiều điều cấm, đặc biệt là có quá nhiều nội dung quy định trong những điều đảng viên không được làm khiến cho chúng ta khi vào Đảng sẽ rất mất tự do.

Thứ tư, Đảng ngày nay đã suy thoái, đã biến chất, tham ô, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi,… như vậy vào Đảng cũng không tốt đẹp gì.

2. Nội dung vấn đề

Bản chất của các quan điểm sai trái, thù địch trên là muốn hạ thấp uy tín của Đảng, hạ thấp đi sự thiêng liêng của việc kết nạp Đảng. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch muốn đánh thẳng vào niềm tin, lý tưởng cách mạng và ý chí cống hiến của thế học sinh, sinh viên và cán bộ trẻ.

Thế hệ trẻ là tương lai của đất nước, là những người kế thừa sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước và dân tộc Việt Nam sẽ phát triển bền vững, sẽ phồn vinh nếu xây dựng được thế hệ kế thừa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Ngược lại, nếu không có đội ngũ kế cận, nếu thế hệ trẻ mất đi lý tưởng cách mạng, mất đi phương hướng phấn đấu, mất niềm tin vào Đảng, vào vai trò lãnh đạo của Đảng và đặc biệt là xa rời Đảng… thì các thế lực thù địch rất dễ triển khai các hoạt động khác nhằm bôi nhọ, chống phá, hướng tới xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.

Đảng mạnh khi và chỉ khi có đội ngũ đảng viên mạnh. Đội ngũ đảng viên đó được xây dựng, phát triển, rèn luyện và chọn lọc từ những cá nhân ưu tú, trưởng thành từ Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh – Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh – Đảng Cộng sản Việt Nam… Do đó, tuyên truyền các luận điệu sai trái, thù địch, khoét sâu vào vấn đề “không nên vào Đảng” vì vô số các lý do rất chủ quan, vô lý, các thế lực thù địch muốn cắt đứt sợi dây liên lạc của Đội – Đoàn đến với Đảng, cắt đi sợi dây lý tưởng của thế hệ trẻ đến lý tưởng, chân lý của dân tộc. Khi mà lớp kế thừa không đủ đông, đủ mạnh cả về chất và lượng, khi tri thức, tình cảm, niềm tin và ý chí bị sai lệch thì sự nghiệp mà cha ông chúng ta xây dựng, đánh đổi bằng xương máu bấy lâu nay rất dễ bị lung lay.

3. Luận cứ phê phán

Các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng về cụ thể rất đa dạng, song chỉ xoay quanh một số thủ đoạn phổ biến như xuyên tạc, bịa đặt, lấy cá nhân đánh giá tập thể, quy cái hiện tượng về cái bản chất, quy cái thứ yếu về cái chủ yếu… Để phê phán các quan điểm này, cần khẳng định và dựa trên một số luận cứ sau:

Một là, Điều lệ Đảng ghi rõ: “Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2011). Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là những người có lý tưởng, dám phấn đấu, dám hy sinh về sự nghiệp cao cả và hội tụ đủ các điều kiện:Công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên; thừa nhận và tự nguyện : thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét để kết nạp vào Đảng” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2011). Như vậy, không hề có một quy định nào về việc vào Đảng nhất định phải có “gốc” hay phải có “cơ cấu” – đây là quan điểm hết sức sai trái, xuyên tạc, bịa đặt. Quan trọng hơn, đối với những người trẻ có lương tri, phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự nghiệp dấn thân, đó là lý tưởng và là chân lý, cơ hội để rèn luỵện, thử thách và trưởng thành nhằm thực hiện những ước mơ, hoài bão và khát vọng lớn lao.

Hai là, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là những người “Không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2011). Rõ ràng, việc “vào Đảng sinh hoạt cho có”, “để thăng quan, tiến chức”, “vào Đảng cho đẹp hồ sơ”… là điều hết sức xa lạ với đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam vốn đã xác định lý tưởng, sứ mệnh cao cả của mình là vì dân, vì nước, vì con người.

Thực tiễn cho thấy, các buổi sinh hoạt Đảng hiện nay đã được cải tiến, thay đổi đa dạng cả về nội dung lẫn hình thức, giúp cho đảng viên có thể vừa học tập, lắng nghe, chia sẻ bằng bài viết, bằng lời nói, bằng các chuyến đi thực tế, hành trình về nguồn,… và đồng thời soi rọi lại mình để phát triển bản thân ngày càng tốt hơn. Có thể khẳng định, chất lượng sinh hoạt Đảng ở tất cả các cấp đang đi đúng hướng, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, bên cạnh đó là tình đồng chí, tình đồng nghiệp là liều “vắc xin” hiệu quả để phòng và chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Thế nên, không có chuyện “sinh hoạt cho có” hay “không học được gì”.

Ba là, “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2011). Hơn ai hết, mỗi đảng viên phải là những người gương mẫu cả về “đức” lẫn “tài”, vì vậy, việc ban hành các nội quy, đặc biệt là quy định 37-QĐ/TW “Quy định về những điều đảng viên không được làm” (Quy định 37) là hoàn toàn phù hợp.

Theo đó, Quy định 37 căn cứ Điều lệ Đảng; căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quy chế làm việc của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá XIII nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Như vậy, những “điều không được làm” được nêu trong quy định hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp, Pháp luật và chuẩn mực đạo đức của dân tộc Việt Nam, hoàn toàn không khiến Đảng viên bị “mất tự do” hay “trói buộc”.

Bốn là, bồi dưỡng cán bộ, rèn luyện cán bộ, đảng viên là việc trọng yếu, thường xuyên của Đảng vì để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì cần phải có những con người xã hội chủ nghĩa, “vừa hồng, vừa chuyên”. Thoái hoá, biến chất, đặc quyền đặc lợi “không có đất sống” và hoàn toàn xa lạ với những người đảng viên cộng sản chân chính.

Bồi dưỡng, rèn luyện tư cách người cán bộ, đảng viên là một trong những nội dung quan trọng được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm từ khi Đảng mới thành lập và suốt cả quá trình về sau. Người nhấn mạnh trong tác phẩm Đường kách mệnh: “Giữ chủ nghĩa cho vững”, “Ít lòng tham muốn về vật chất”. Khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền thì Người nêu “12 điều xây dựng Đảng cách mạng, chân chính” và về sau là các tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Đảng ta, Cần, kiệm, liêm chính, Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân,… Người luôn căn dặn Đảng phải hết sức tránh bệnh độc đoán, chuyên quyền, đặc lợi, tham nhũng, quan liêu bằng việc thường xuyên chỉnh đốn Đảng, chỉnh đốn để gạt bỏ bệnh ba hoa, ham danh vị, bệnh cẩu thả, bệnh thiếu kỷ luật, bệnh xa quần chúng, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo,… Kiên quyết chống lại bệnh tự mãn, tự túc, tự ti, tự lợi. Cần: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Quán triệt lời daỵ của Người, những năm qua, Đảng ta xem nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, đảng viên là yếu tố sống còn. Trung ương Đảng các khoá XI, XII đã có Nghị quyết Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”. Đảng ta kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào Đảng những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, yếu về phẩm chất và năng lực; thiếu gương mẫu, bè phái, cơ hội, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, đặc quyền, đặc lợi; vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước, vi phạm những điều đảng viên không được làm;… nhưng không để sót những đồng chí, những cán bộ có đức, có tài, có uy tín.

Quan trọng hơn hết, dưới góc độ thực tiễn, cán bộ, đảng viên ta phần lớn đều có phẩm chất chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống lành mạnh, còn số cán bộ suy thoái, biến chất, đặc quyền đặc lợi, quan liêu, tham nhũng chỉ là một phần nhỏ mang tính hiện tượng mà thôi. Vì vậy, chúng ta đừng nhầm lẫn bản chất với hiện tượng, giữa cái thiểu số và cái đa số. Mặc dù, thực tiễn có một số đảng viên, cán bộ thoái hoá, biến chất, tham ô, lãng phí, đi ngược lại với luân thường đạo lý của dân tộc… nhưng chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ và họ đều đã bị xã hội lên án, chịu những hình thức xử lý, kỷ luật của Đảng và thậm chí là bị pháp luật trừng phạt.

Tóm lại, luận điệu cho rằng vào Đảng là mất thời gian, là mất tự do, Đảng đã thoái hoá, biến chất là cái nhìn hết sức phiến diện của những con người vô lương tri, thiếu lý tưởng sống, thiếu lý tưởng cách mạng nhằm hạ thấp uy tín, vai trò của Đảng, dập tắt niềm tin cách mạng của thế hệ trẻ. Dưới góc độ lý luận và thực tiễn đã chỉ ra, luận điệu trên là sai trái, là thù địch, kìm hãm sự phát triển của thế hệ kế cận, của đất nước, của dân tộc Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Điều lệ Đảng (do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua). Truy xuất từ: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/dieu-le-dang/dieu-le-dang-do-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xi-cua-dang-thong-qua-3431

ThS Nguyễn Trần Minh Hải

Khoa Giáo dục Chính trị

Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam