Nhiều doanh nghiệp có khả năng cạn tiền trả nợ trái phiếu

Thứ năm, 16/05/2024 - 14:37

Trong tháng 5, VIS Ratings thống kê có 15.000 tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn. Trong đó, ước tính khoảng 4.700 tỷ đồng, tương đương 30% có nguy cơ chậm trả nợ đến hạn trong tháng 5.2024.

VIS Rating vừa công bố Báo cáo Tổng quan Thị trường Trái phiếu Doanh nghiệp tháng 4.2024.

Theo đánh giá của VIS Rating, trong tháng 4.2024, giá trị chậm trả gốc/lãi phát sinh mới ở mức thấp nhất kể từ tháng 8.2022, đồng thời việc tái cơ cấu và xử lý nợ vẫn tiếp tục với việc các tổ chức phát hành chậm trả đã hoàn trả một phần gốc trái phiếu ví dụ như Saigon Glory...

“Chúng tôi ước tính giá trị trái phiếu có rủi ro phát sinh chậm trả lần đầu là 0.7 nghìn tỷ đồng trong tháng 5.2024, thấp hơn nhiều so với 12.3 nghìn tỷ đồng trung bình theo tháng giá trị trái phiếu chậm trả phát sinh lần đầu trong năm 2023. Giá trị phát hành trong tháng 4.2024 đạt 17.7 nghìn tỷ đồng, cao hơn so với 17.1 nghìn tỷ đồng vào tháng 3.2024”, đơn vị này thống kê.

Theo VIS Rating, chỉ có một trái phiếu chậm trả lần đầu với giá trị 47,3 tỷ đồng thuộc Công ty Cổ phần ADEC. Trái phiếu này được phát hành từ năm 2021 với giá trị phát hành là 430 tỷ đồng, được đảm bảo bằng cổ phiếu và tài sản là bất động sản của công ty con của ADEC là Công ty Cổ phần Đóng tàu và Dịch vụ cảng Mỹ Xuân. Tổ chức phát hành này đã giảm lượng trái phiếu lưu hành thông qua nhiều đợt mua lại trước hạn và được các trái chủ chấp thuận gia hạn thời gian trả nợ gốc thêm một năm đến tháng 4.2024

Công ty Cổ phần ADEC cũng đã công bố thông tin trên HNX vào ngày 10.4.2024 về việc chưa thể thanh toán nợ gốc trái phiếu còn lại trị giá 47,3 tỷ đồng.

"Tỷ lệ trái phiếu chậm trả toàn thị trường cuối tháng 4.2024 ở mức 15%, không thay đổi so với tháng 3/2024. Hơn một nửa lượng trái phiếu chậm trả gốc/lãi đến từ nhóm ngành bất động sản dân cư, với tỷ lệ chậm trả gốc lãi của ngành này là 30%", báo cáo VIS Rating nêu.

Đối với tình hình tái cấu trúc nợ, nhóm doanh nghiệp bất động sản dân cư vẫn tiếp tục được gọi tên, cùng nhóm Xây dựng với việc xuất hiện các doanh nghiệp thanh toán một phần trái phiếu chậm trả.

Theo đó, trong tháng 4.2024, có 1 tổ chức phát hành là Tập đoàn Novaland đã thực hiện hoán đổi tài sản để hoàn trả một phần nợ trái phiếu chậm trả. Novaland hoán đổi một phần quyền tài sản thuộc dự án bất động sản của mình cho các trái chủ để thanh toán 1.82 tỷ đồng khoản nợ gốc của 1 mã trái phiếu đã chậm trả nợ gốc/lãi từ tháng 2.2023.

Tính gộp hết các khoản đã thanh toán của Novaland sau khi chậm trả gốc/lãi, VIS Rating ước tính tỷ lệ thu hồi dư nợ gốc của mã trái phiếu này hiện ở mức 25%.

Bên cạnh Novaland, còn có Saigon Glory với 5 mã trái phiếu, Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Bất động sản S-Homes, Công ty Cổ phần Đầu tư IMG Huế, Công ty Signo Land... cũng có tên trong nhóm tái cấu trúc trái phiếu chậm trả theo hướng thanh toán một phần.

Đáng chú ý, chỉ một lô trái phiếu của Novaland và 2 lô của Saigon Glory có tài sản đảm bảo là chứng khoán, còn lại đều các lô trái phiếu không có tài sản đảm bảo. Ngoài ra, hầu hết trái phiếu của các doanh nghiệp nhóm này được tư vấn bởi TVSI.

Thống kê chung của VIS cũng ghi nhận tổng cộng có 6 tổ chức phát hành chậm trả thuộc nhóm ngành bất động sản dân cư và xây dựng đã thực hiện hoàn trả một phần gốc trái phiếu cho trái chủ. Tổng số tiền hoàn trả là 21 tỷ đồng, tương đương 0,2% tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành của nhóm này. Phần lớn trái phiếu đã gia hạn ngày đáo hạn đến cuối năm 2024 hoặc 2025 sau khi không trả được nợ gốc vào năm 2023.

Trong tháng 5, VIS Ratings thống kê có 28 mã trái phiếu thuộc 24 tổ chức phát hành trị giá 15.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn. Trong đó, ước tính khoảng 4.700 tỷ đồng, tương đương 30% có nguy cơ chậm trả nợ đến hạn trong tháng 5.2024.

Trong số trái phiếu có rủi ro cao trị giá 4.700 tỷ đồng, có trái phiếu do Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam phát hành đã chậm trả lãi coupon trong năm 2023.

"Chúng tôi đánh giá rằng các tổ chức phát hành này có khả năng cao sẽ chậm trả nợ gốc đến hạn do dòng tiền yếu và nguồn tiền mặt cạn kiệt. 0,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu còn lại có rủi ro cao chậm trả lần đầu hầu hết của các tổ chức phát hành nhóm ngành bất động sản dân cư. Chúng tôi lưu ý rằng các tổ chức phát hành này có biên lợi nhuận EBITDA trung bình trong 3 năm qua thấp hơn 10% hoặc thậm chí bị âm và nguồn tiền để trả nợ đến hạn ở mức cạn kiệt", báo cáo của VIS Rating nêu.

Đơn vị này dự báo, VIS Rating cho biết có khoảng 19% lượng trái phiếu đang lưu hành với tổng giá trị là 221.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn. Nhóm phân tích ước tính 10% trong số này có rủi ro chậm trả lần đầu cao, tập trung chính ở các ngành bất động sản dân cư. Tỷ lệ thu hồi đối với trái phiếu chậm trả toàn thị trường không đổi so với tháng trước, ở mức 13% cuối tháng 4.2024.

 

Khiêm Phạm