Giải pháp “đào tạo kép” nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại doanh nghiệp trong giai đoạn mới

Thứ ba, 21/05/2024 - 08:00

NCKH - Nguồn nhân lực tốt có khả năng tạo ra giá trị thực cho doanh nghiệp, bao gồm tài sản vật chất, sản phẩm mới và văn hóa doanh nghiệp. Vì vậy, phát triển nguồn nhân lực là một chiến lược trọng điểm mà mỗi doanh nghiệp cần quan tâm, trong đó có công tác tái đào tạo nguồn nhân lực thông qua mô hình “đào tạo kép”, được tác giả đề cập trong bài viết này, nhằm giúp doanh nghiệp phát triển một cách bền vững, đặc biệt trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt như giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: doanh nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tái đào tạo; đào tạo kép.

Nhu cầu nhân lực theo kinh nghiệm làm việc tại TP Hồ Chí Minh quý I năm 2024 (%)

1. Vai trò nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực là tất cả các thành viên trong tổ chức sử dụng kiến thức, kỹ năng, trình độ, kinh nghiệm, hành vi đạo đức… để thành lập, phát triển và duy trì doanh nghiệp.

Nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quyết định đối với sự tồn vong của mỗi doanh nghiệp nói riêng và mức độ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia nói chung.

So với các nguồn lực khác, nguồn nhân lực với yếu tố hàng đầu là trí tuệ, chất xám có ưu thế nổi bật là không bị cạn kiệt nếu biết bồi dưỡng, khai thác và sử dụng hợp lý; còn các nguồn lực khác dù nhiều đến đâu cũng chỉ là yếu tố hữu hạn và chỉ phát huy được tác dụng khi kết hợp với nguồn nhân lực một cách có hiệu quả. Bởi lẽ, chính sự sáng tạo, tư duy và kỹ năng của nguồn nhân lực quyết định trong việc tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Vì vậy, có thể nói, công tác tái đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một yếu tố quan trọng hàng đầu, không thể thiếu trong chiến lược phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp.

Hay hiểu một cách rộng hơn, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động và cạnh tranh quyết liệt như hiện nay, bên cạnh yếu tố môi trường pháp lý thuận lợi cho đầu tư và một môi trường chính trị - xã hội ổn định, thì phần thắng sẽ thuộc về những quốc gia có nguồn nhân lực chất lượng cao.

Các nhóm ngành nghề có nhu cầu tìm việc cao tại TP Hồ Chí Minh quý I năm 2024 (%)

2. Đặc điểm tình hình nguồn nhân lực

Theo báo cáo số 170/BC-TTDBNL ngày 19/3/2024 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2023, các ngành kinh tế của Thành phố có mức tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 1.621.191 tỷ đồng (theo giá hiện hành). Tính theo giá so sánh 2010, chỉ số GRDP của Thành phố năm 2023 đạt 1.099.072 tỷ đồng, tăng 5,81% so với năm 2022.

Trong quý I năm 2024, Trung tâm đã thực hiện khảo sát nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp tại 1.443 doanh nghiệp với tổng số lao động đang làm việc tính đến thời điểm 31/12/2023 là 41.119 người, tỷ lệ lao động nữ chiếm 38,21%; tỷ lệ lao động tỉnh chiếm 42,63%. Trong đó, lao động từ 25 - 34 tuổi chiếm tỷ trọng cao nhất (43,77%), kế đó là lao động từ 35 - 49 tuổi (28,04%), lao động dưới 25 tuổi (20,88%) và lao động từ 50 tuổi trở lên (7,31%). Tính theo loại lao động thì lao động trực tiếp chiếm tỷ trọng cao nhất (73,66%), kế đến là lao động gián tiếp (17,32%) và lao động quản lý (9,02%). Tính theo trình độ chuyên môn kỹ thuật thì lao động làm việc trong doanh nghiệp chủ yếu là lao động có trình độ đại học trở lên (29,45%), kế đến là lao động phổ thông (25,8%), trình độ cao đẳng (18,24%), sơ cấp (13,61%) và trung cấp (12,9%).

Cũng theo kết quả khảo sát của Trung tâm tại 14.300 lượt doanh nghiệp, 82.600 chỗ làm việc, thị trường lao động quý I năm 2024 sôi động hơn so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, nhu cầu nhân lực tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại - dịch vụ với 53.525 chỗ làm việc chiếm 64,8% (tăng 14,63% so với quý I năm 2023), khu vực công nghiệp - xây dựng với 29.026 chỗ làm việc chiếm 35,14% (tăng 5,46% so với quý I năm 2023), khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản với 50 chỗ làm việc chiếm 0,06% (giảm 3,85% so với quý I năm 2023).

Một số ngành kinh tế có nhu cầu nhân lực cao trong quý I năm 2024 như: Công nghiệp chế biến chế tạo cần 27.283 chỗ làm việc, chiếm 33,03% tổng nhu cầu nhân lực, (tăng 13,21% so với quý I năm 2023); Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác cần 18.684 chỗ làm việc, chiếm 22,62% (tăng 21,89% so với quý I năm 2023); Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ cần 8.219 chỗ làm việc, chiếm 9,95%, (tăng 16,61% so với quý I năm 2023); Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ cần 6.881 chỗ làm việc, chiếm 8,33%, (tăng 61,98% so với quý I năm 2023)…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm một cách đúng mức đến công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là hoạt động tái đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động. Mặt khác, người lao động phần lớn cũng thường sa đà vào thói quen tăng ca để có thêm thu nhập nên bỏ qua nhiều cơ hội tái đào tạo nâng tay nghề, dẫn đến bị mất cơ hội lên lương hay thăng chức khi công ty thay đổi công nghệ mới, trong khi việc thay đổi vị trí việc làm tốt hơn, hay thăng tiến với mức thu nhập ổn định hơn là một nhu cầu chính đáng của người lao động.

Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo gắng với giải quyết việc làm cho học sinh sau tốt nghiệp”

3. T ái đào tạo nguồn nhân lực bằng “đào tạo kép”

Mặc dù nhu cầu nguồn nhân lực cho các ngành nghề vẫn còn rất lớn, nhưng trong thực tiễn thị trường lao động những năm gần đây cho thấy, nhu cầu về nhân lực đã qua đào tạo đúng chuyên môn nghiệp vụ thường được các nhà tuyển dụng ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, nếu người lao động không thực sự vững chuyên môn, kỹ năng làm việc thực tế, hay không có khả năng hành nghề theo đúng yêu cầu năng lực của từng vị trí việc làm cụ thể, thì sẽ sớm bị đào thải.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tái đào tạo nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp có thể phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học để thực hiện mô hình “Đào tạo kép”, trong đó doanh nghiệp trở thành chủ thể tham gia đào tạo nghề, với nhiều ưu điểm vượt trội có thể kể đến như sau:

Một là, thông qua các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, người lao động sẽ được đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật các kiến thức lý thuyết, kết hợp thực hành tại doanh nghiệp, góp phần không ngừng chuẩn hoá năng lực cho người lao động, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công việc.

Hai là, doanh nghiệp từ vai trò bị động, phụ thuộc vào chất lượng đào tạo từ các cơ sở đào tạo, chuyển sang tâm thế chủ động và tích cực tham gia vào hệ thống “đào tạo kép” với vai trò vừa là nhà đầu tư, vừa là đối tác khách hàng cho chính “sản phẩm” đào tạo của mình.

Ba là, với mô hình “trường học trong doanh nghiệp”, đội ngũ giáo viên hướng dẫn học viên chính là những người thợ bậc cao, kỹ sư lành nghề, hay các chuyên gia trong doanh nghiệp, với cơ sở hạ tầng hiện đại, hoàn chỉnh tại doanh nghiệp, vừa mang lại hiệu quả cao, vừa tiết kiệm chi phí đào tạo nhân sự mới tại doanh nghiệp.

Bốn là, thông qua việc tái đào tạo, doanh nghiệp có thể lấp đầy các lỗ hỏng năng lực cần thiết; củng cố sự gắn kết giữa người lao động với doanh nghiệp và xây dựng một lộ trình phát triển phù hợp cho từng nhân viên; tạo môi trường làm việc năng động, hấp dẫn, lành mạnh, có sức hấp dẫn cao.

Năm là, giúp nhân viên hiểu rõ hơn về tính chất công việc, học hỏi được nhiều kinh nghiệm công tác bằng cách quan sát quy trình làm việc, xử lý các tình huống phát sinh, những thành phẩm thực tế và tham gia hỗ trợ những thành viên các bộ phận khác trong doanh nghiệp.

Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh nhiều năm liền tổ chức Hội thảo “Đào tạo kép” nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp

4. Kết luận

Trong nền kinh tế hiện đại, nguồn nhân lực được coi trọng hơn các nguồn lực khác như vốn, nguyên vật liệu, công nghệ… Nguồn nhân lực đại diện cho con người trong tổ chức, mang tính năng động và sáng tạo. Ở nhiều lĩnh vực ngành nghề, các hoạt động trí óc của người lao động quyết định doanh nghiệp có đạt được sự bứt phá trong hoạt động kinh doanh hay không. Do đó, các doanh nghiệp nên xem hoạt động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có tái đào tạo là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng hàng đầu nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao nội lực cạnh tranh, không ngừng phát triển bền vững.

Tóm lại, hoạt động tái đào tạo, đặc biệt thông qua mô hình “đào tạo kéo” là một trong những chiến lược nhân sự tối ưu, giúp nhà quản lý giữ chân người tài và củng cố sự gắn kết của người lao động với doanh nghiệp, đóng góp quan trọng đối với các chương trình, kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn mới.

ThS Lương Thế Phúc

Trưởng Phòng Đào tạo