Giá trị và ý nghĩa tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam hiện nay

Thứ năm, 23/05/2024 - 23:00

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về đoàn kết trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cũng như với nhân dân tiến bộ thế giới, là biểu hiện rực rỡ của tinh thần đoàn kết quốc tế cao đẹp trong thời đại mới. Những giá trị đoàn kết quốc tế mà Người đã xây dựng không chỉ bền vững mà còn mang ý nghĩa sâu sắc cả trên bình diện quốc gia lẫn quốc tế. Đây là một trong những di sản vô giá của Hồ Chí Minh, đặc biệt có giá trị và ý nghĩa to lớn trong thời kỳ đổi mới đất nước hiện nay.

  1. 1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế là nền tảng lý luận vững mạnh giúp Đảng và Nhà nước ta định hình đường lối đối ngoại và thúc đẩy mở rộng quan hệ quốc tế

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh với tinh thần "muốn làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai," Đại hội VII của Đảng (1991) đã tuyên bố đường lối đối ngoại rộng mở: "Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển." Đại hội đã xác định nguyên tắc cơ bản trong hội nhập kinh tế quốc tế là: "mở rộng, đa dạng hoá và đa phương hoá quan hệ kinh tế đối ngoại trên nguyên tắc giữ vững độc lập chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi." Đại hội IX của Đảng (2001) tiếp tục khẳng định: "Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển." Đại hội nhấn mạnh rằng độc lập tự chủ là cơ sở để thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá, và Việt Nam không chỉ "sẵn sàng là bạn" mà còn sẵn sàng "là đối tác tin cậy của các nước" và "chủ động hội nhập kinh tế quốc tế." Đây là sự phản ánh một bước tiến cao hơn trong nhận thức và tư duy về đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng trong thời kỳ đổi mới.

Đại hội XI của Đảng (2011) đánh dấu bước phát triển mới trong chủ trương hội nhập quốc tế với tuyên bố: "Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới." Đây không chỉ là sự chủ động và tích cực hội nhập trong lĩnh vực kinh tế mà còn trong các lĩnh vực khác như chính trị, văn hoá, xã hội. Bước phát triển này trong nhận thức và tư duy đối ngoại của Đảng phản ánh những nhu cầu cấp thiết đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta trong bối cảnh quốc tế mới.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế là cơ sở lý luận quan trọng để Đảng Cộng sản Việt Nam củng cố quan hệ với các đảng cộng sản, công nhân, cánh tả, và các phong trào tiến bộ trên thế giới. Đồng thời, tư tưởng về đoàn kết khu vực, đặc biệt với Lào và Campuchia, giúp Đảng xác định việc thúc đẩy hợp tác toàn diện với ASEAN và các nước châu Á - Thái Bình Dương, cũng như củng cố quan hệ với các đối tác chiến lược.

Hiện nay, Việt Nam có quan hệ hợp tác với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đạt nhiều thành công trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ. Những thành công này góp phần thúc đẩy phát triển đất nước và nhanh chóng hội nhập quốc tế.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế là nền tảng quan trọng cho Đảng Cộng sản Việt Nam xác định đường lối đối ngoại. Chính sách rộng mở và đa dạng hóa quan hệ quốc tế nhằm làm cho Việt Nam trở thành đối tác tin cậy trong cộng đồng quốc tế.

  1. 2. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc Đảng và Nhà nước ta thiết lập nguyên tắc đối ngoại, nhấn mạnh sự tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ

Ngay những năm đầu độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư đến Quốc hội và Chính phủ Pháp, nêu rõ: “Chính phủ và nhân dân Pháp chỉ cần có một cử chỉ công nhận độc lập và thống nhất của nước Việt Nam là chấm dứt được những tai biến này, hoà bình và trật tự sẽ trở lại ngay tức khắc”( ). Với đế quốc Mỹ, Người kiên định: “Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và dân tộc Việt Nam”. Chính nguyên tắc đó, nhân dân Việt Nam đã trường kỳ kháng chiến vì độc lập và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Cuối cùng, Hiệp định Genève năm 1954 và Hiệp định Paris năm 1973 đều ghi nhận các nước tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Nhờ vậy, sau khi hòa bình lập lại, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, với phương châm “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, quan hệ giữa Việt Nam với Pháp và Hoa Kỳ đã được xác lập, phát triển trên tinh thần hữu nghị và hợp tác cùng có lợi.

Trong thời kỳ đổi mới, việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và quan hệ quốc tế có mối quan hệ chặt chẽ và phản ánh sự gắn bó biện chứng. Việc gìn giữ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ không được phép bị ảnh hưởng bởi áp lực kinh tế hay chính trị. Mặc dù không còn chiến tranh lạnh, nhưng vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ vẫn rất phức tạp. Chỉ khi giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, ta mới có thể đạt được hòa bình và độc lập vững chắc, thực hiện lời nguyện của Bác Hồ "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Đồng thời, tư tưởng đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh được Đảng ta sáng tạo áp dụng vào xây dựng đường lối đối ngoại độc lập tự chủ. Với phương châm "Dĩ bất biến, ứng vạn biến", Đảng đã điều chỉnh từ chủ trương "chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khác" sang "chủ động và tích cực hội nhập quốc tế" tại Đại hội lần thứ XI. Với chủ trương này, hội nhập quốc tế không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế mà còn mở rộng ra tất cả các lĩnh vực khác.

  1. 3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế là cơ sở lý luận để Đảng và Nhà nước ta thực hiện phương châm đối ngoại: “làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn”

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn làm cách mạng thắng lợi thì phải phân biệt rõ ai là bạn ai là thù, phải thực hiện thêm bầu bạn, bớt kẻ thù”( ). Đó là nguyên tắc chung của mọi cuộc cách mạng, đối với một dân tộc nhỏ lại phải đối đầu với các kẻ thù mạnh và thâm độc thì việc “làm cho nước mình ít kẻ thù hơn hết và nhiều bạn đồng minh hơn hết” càng trở nên cấp thiết.

Trong thời kỳ đổi mới, Việt Nam mở rộng quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế nhằm mục tiêu "hòa bình, độc lập và phát triển", trên nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi. Quan hệ này dựa trên sự tôn trọng độc lập chủ quyền và xây dựng quan hệ bình đẳng, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, mang lại lợi ích cho tất cả các bên.

Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác ổn định và lợi ích với các nước láng giềng, khu vực và duy trì quan hệ hữu nghị với các nước bạn truyền thống như Nga, Cuba, Ấn Độ và Triều Tiên. Nước ta cũng mở rộng quan hệ với các nước châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh, đồng thời tăng cường hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc và Tây Bắc Âu, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

Việt Nam cũng tham gia tích cực vào các tổ chức quốc tế như ASEAN, ASEM, APEC và có mối quan hệ chặt chẽ với IMF, WB, WTO. Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cũng được coi trọng, và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được xem là một phần không thể thiếu của dân tộc.

Những thành tựu này đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, và Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện chủ trương "thêm bạn, bớt thù" để đạt được những thành tựu này.

  1. 4. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế là cơ sở lý luận để Đảng và Nhà nước ta thực hiện nguyên tắc "dựa vào lực lượng nhân dân" cả trong và ngoài nước

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thông qua nhiều hành động và nghĩa cử cao đẹp, thu hút sự ủng hộ của dư luận quốc tế, đặc biệt là từ các tầng lớp nhân dân Pháp và Mỹ. Điều này đã đóng góp tích cực vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam và đặt nền móng cho "ngoại giao tâm công", một mặt trận rộng lớn kết hợp chặt chẽ với hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước

Tuy nhiên, khi bàn về quan hệ hợp tác, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến thực lực của bản thân là nhân tố quyết định thành công. Trong cuộc đấu tranh giải phóng, được sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới, Người thường nhắc nhở phải “tự lực cánh sinh, dựa vào sức mạnh là chính”; “muốn người ta giúp cho thì trước hết mình phải tự giúp lấy mình”; “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Người còn nhấn mạnh: “Chú ý rằng: Ta có mạnh thì họ mới chịu “đếm xỉa đến”. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dầu kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy”.

Có thể thấy ở đây một lời cảnh báo nghiêm khắc, không chỉ đúng trong thời chiến mà còn có ý nghĩa thiết thực trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay. Người dặn dò: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi”.

Với những biến động phức tạp trong và ngoài khu vực, đặc biệt là các xung đột gần đây ở Đông Á, Đông Nam Á có ảnh hưởng đến Việt Nam, chúng ta đối diện với một thách thức mới. Đây là thời điểm quan trọng để chúng ta tiếp tục áp dụng những nguyên tắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời kiên trì theo đuổi đường lối đối ngoại hòa bình, hợp tác và phát triển. Chúng ta cần tôn trọng và yêu cầu các quốc gia khác tôn trọng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Xây dựng lòng tin chiến lược giữa các quốc gia, chống lại tư tưởng hẹp hòi và lòng tham của các quốc gia lớn, để bảo đảm một môi trường hòa bình ổn định, là nền tảng và chìa khóa của sự phát triển.

Tác giả: Cao Thùy Dương