Tiếng nói lạc lõng của RSF - “tổ chức phóng viên không biên giới”

Thứ ba, 28/05/2024 - 15:42

NCKH - Xuyên tạc tình hình, bôi nhọ tự do báo chí Việt Nam là một chiêu trò luôn được những tổ chức, cá nhân cực đoan thực hiện bằng cách tìm đủ mọi lý lẽ mơ hồ hòng tấn công, xuyên tạc thực tế tự do báo chí, áp đặt quan niệm về tự do báo chí của các nước tư bản vào nước ta, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam. Trong đó đáng chú ý là hàng loạt các hoạt động thiếu thiện chí hướng tới Việt Nam của tổ chức “Phóng viên không biên giới – RSF”.

Như thường lệ, hàng năm RSF đều đưa ra những nhận định sai trái, thiếu khách quan về tình hình báo chí tại Việt Nam, cho rằng ở Việt Nam không có tự do báo chí, người dân không được thực hiện quyền tự do ngôn luận… Đáng chú ý, cuối năm 2023 vừa qua, tổ chức này còn đưa ra một phán xét vô căn cứ khi cho rằng “Việt Nam” nằm trong top 10 quốc gia giam giữ nhiều nhà báo nhất thế giới”, đồng thời duy danh, yêu cầu Việt Nam phải trả tự do cho các đối tượng này.

Đây là chiêu trò quen thuộc mà RSF sử dụng nhằm chính trị hóa, quốc tế hóa vấn đề tự do báo chí của Việt Nam, qua đó kêu gọi quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta. Để đạt được mục tiêu này, RSF đã dùng những lời có cánh công khai bênh vực, cổ xúy cho hành động vi phạm pháp luật trên lĩnh vực báo chí của những đối tượng chống đối chính trị đã bị chính quyền xử lý hình sự như: Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Lê Trọng Hùng bằng cách gắn cho họ cái mác “nhà báo độc lập”.

Hình thành từ năm 1985, RSF tên tiếng Pháp đầy đủ là “Reporters sans frontières”, có trụ sở quốc tế tại Paris. Đây là một tổ chức phi chính phủ hoạt động toàn cầu, lấy Điều 19, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền của Liên hiệp quốc làm cơ sở để hành động với mục đích bảo vệ tự do báo chí trên thế giới, chống kiểm duyệt và tạo áp lực, giúp đỡ những nhà báo đang bị giam giữ. Nhìn vào mục đích trên, nhiều người nghĩ rằng RSF là một tổ chức chân chính, hoạt động vì sự tiến bộ, thúc đẩy tự do và văn minh của thế giới. Nhưng trái ngược với chủ trương của Liên hợp quốc, nhiều năm nay tổ chức này thường xuyên có những luận điệu sai trái, xuyên tạc tình hình tự do báo chí, tự do ngôn luận của một số nước, trong đó có Việt Nam.

Tự xưng là bảo vệ nền báo chí thế giới theo phương thức khoa học nhưng từ trước đến nay, RSF không đưa ra được khái niệm về “nhà báo độc lập” và làm rõ nội hàm về “tự do báo chí” một cách cụ thể, rõ ràng để làm cơ sở cho các phán xét của mình. Và với cách tiếp cận không dựa trên nền tảng hiểu biết chung nên phương pháp đánh giá tình hình tự do báo chí của RSF luôn thiếu tính khách quan, thiếu sự minh bạch, thậm chí áp đặt theo ý trí chủ quan và mục đích của nhóm.

Do đó, việc RSF lấy mục đích bảo vệ tự do báo chí trên thế giới, chống kiểm duyệt và tạo áp lực, giúp đỡ những nhà báo đang bị giam giữ để kêu gọi tự do cho các đối tượng chống đối chính trị tại Việt Nam là một sai lầm lớn, thể hiện sự thiếu tôn trọng tới tính nghiêm minh của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các đối tượng được RSF duy danh như Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Lê Trọng Hùng… hay bất kỳ ai khi sinh sống và làm việc tại Việt Nam đều phải chấp hành quy định của pháp luật Việt Nam. Cho nên không thể lấy danh tiếng là “nhà báo độc lập” mà tự cho mình đặc quyền đứng ngoài vòng pháp luật và càng không thể lợi dụng quyền tự do dân chủ phát tán các các thông tin xấu, độc hại hay các ấn phẩm nhằm tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Hơn nữa, việc bắt, xử lý các đối tượng trên đều được các cơ quan chức năng thực hiện đúng theo Luật Tố tụng hình sự, khi bắt, xử lý trước pháp luật đều đảm bảo đầy đủ chứng cứ rõ ràng, thuyết phục gắn với các hành vi vi phạm pháp luật của từng đối tượng. Việc họ bị toà tuyên các bản án là đã căn cứ, đánh giá khách quan, đầy đủ chứng cứ, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Việc phải xử lý các đối tượng bằng pháp luật là biện pháp cuối cùng mà các cơ quan tiến hành tố tụng phải thực hiện. Vì trước đó, dù nhiều lần các cơ quan chức năng đã giáo dục, cảm hóa, răn đe, thậm chí là xử phạt hành chính nhưng với tư tưởng cực đoan, chống đối nên các đối tượng cố ý phạm tội đến cùng, tiếp tục tái phạm, thậm chí ngày càng nguy hiểm, manh động hơn. Do đó, việc họ phải nhận sự trừng phạt của pháp luật là điều tất yếu. Chính vì vậy cần khẳng định rằng không thể có chuyện Việt Nam giam giữ nhiều nhà báo như RSF quy chụp.

Thực tế cũng cho thấy, sau khi những đối tượng trên bị xử lý trước pháp luật, trên mạng xã hội, mạng Internet không còn xuất hiện các ấn phẩm, những bài viết có nội dung xuyên tạc, tác động tiêu cực đến nhận thức, tư tưởng của người dân. Việc “cắt nguồn” những thông tin sai trái, độc hại từ các trang cá nhân của các đối tượng chống phá tung ra đã góp phần làm “sạch” thông tin theo đúng nghĩa, giảm những bài viết xuyên tạc, bôi nhọ, xâm phạm quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức và công dân, ngăn ngừa quan điểm mang tính a dua, cổ xuý thông tin sai trái, chống phá cực đoan.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà RSF phớt lờ vấn đề trên và thông qua việc kêu gọi tự do cho các đối tượng chống đối chính trị “đội lốt” nhà báo ở Việt Nam, chứng tỏ giữa RSF và số đối này có mối quan hệ cộng sinh với nhau. Thực tế cho thấy, để có cở sở xếp loại tự do báo chí ở Việt Nam, RSF thường thu thập thông tin do các tổ chức, cá nhân phản động, thù địch, cơ hội chính trị cung cấp. Việc các cơ quan chức năng bắt, xử lý bằng pháp luật các đối tượng này khiến cho “vòi bạch tuộc” của RSF bị “cắt tỉa”, kéo theo các nguồn thông tin sai lệch cũng trở nên “khô cạn”. Cho nên, RSF cố tình lèo lái, tạo vốn chính trị cho các đối tượng chống đối bằng các duy danh họ và quốc tế hóa vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam nhằm kêu gọi sự can thiệp của quốc tế hòng “hồi sinh” cho “vòi bạch tuộc” đã bị “cắt tỉa”.

Việc xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền của Việt Nam nói chung và việc thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận nói riêng không phải là mới, nhưng thật nguy hiểm nếu như họ tái diễn nhiều lần gây ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Vì với xu hướng hoạt động thiếu thiện chí của mình, RSF chỉ chú trọng bênh vực một cách mù quáng các đối tượng chống đối đội lột “nhà báo” và cố tình làm ngơ trước một thực tế sống động về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam.

Trong khi đó, hiện nay cả nước có 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 báo (Trung ương: 68, địa phương: 74; 112 báo có hoạt động báo điện tử); 612 tạp chí (Trung ương: 520, địa phương: 92; có 98 tạp chí có hoạt động tạp chí điện tử); 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập (9 báo điện tử và 16 tạp chí điện tử). Cả nước có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình với 2 đài quốc gia (Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam), 1 Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, 64 đài địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình (Truyền hình Nhân Dân, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Truyền hình Công an Nhân dân, Truyền hình Quốc hội) với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình.

Báo chí Việt Nam đã thực sự trở thành diễn đàn ngôn luận và công cụ để bảo vệ tự do và lợi ích của các tầng lớp nhân dân. Mọi người dân, không phân biệt tuổi tác, giới tính, dân tộc, tôn giáo... đều có quyền phát biểu, đề đạt nguyện vọng và đóng góp ý kiến cho các cấp chính quyền thông qua báo chí. Nhờ bám sát, đưa thông tin nhanh nhạy, đúng bản chất sự kiện, phân tích trúng vấn đề trọng điểm và định hướng dư luận rõ ràng mà báo chí đã làm tốt vai trò phản biện, mang lại hiệu quả xã hội rõ rệt.

Đây là những con số biết nói về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam và phản bác lại luận điệu xuyên tạc của RSF khi rằng vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam đang dần xấu đi. Đặc biệt, với 36 đối tượng chống đối mà RSF nêu ra thì có người trước đây từng là nhà báo, công tác tại cơ quan báo chí nhưng sau đó do phạm pháp đã bị tước thẻ nhà báo, không còn được hoạt động báo chí; nhiều trường hợp khác không phải là nhà báo mà chỉ là cá nhân lợi dụng nền tảng số để viết bài, sản xuất các video clip xuyên tạc sự thật trên các trang mạng xã hội. Do đó, việc đánh đồng các trường hợp này thành “bắt nhà báo”, “trấn áp báo chí” là trái với bản chất sự việc. Việc phản ánh sai lệch, thiếu trung thực về tự do báo chí và cổ xúy cho các đối tượng chống đối nêu trên của RSF đã trở nên lạc lõng, không có giá trị tham khảo.

Phạm Viết Duy