“Hồi sinh” làn điệu dân ca Tày trên đất Mường Lai

, | 09:29:00 14/06/2024

TNV - Trăn trở trước thực tế những làn điệu dân ca Tày đang dần rơi vào quên lãng, hoạt động của các đội văn nghệ trong xã chưa tạo ra dấu ấn, bản sắc riêng. Bà Nông Thị Kiệm, cựu Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mường Lai (Lục Yên – Yên Bái) – địa phương có 97% dân số là người Tày, đã nung nấu quyết tâm phải “hồi sinh” bằng được các làn điệu dân ca Tày trên mảnh đất quê hương.

Tiết mục của CLB dân ca Tày xã Mường Lai tại một hội thi do Hội Phụ nữ huyện tổ chức. (Ảnh: CLB)

Mang lại niềm vui cho bản làng, hạnh phúc cho gia đình 

Bà Kiệm nhớ lại, năm 2013 - sau khi nghỉ công tác  khoảng 02 năm, bà vận động các chị em từng tham gia công tác phụ nữ ở các thôn bản trong xã qua các thời kỳ thành lập Câu lạc bộ “Giúp nhau cùng phát triển”. Thấy vậy, Hội Phụ nữ huyện và xã vào cuộc hướng dẫn đặt tên lại là Câu lạc bộ “Phụ nữ Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”, đồng thời mở rộng các nội dung hoạt động và trở thành câu lạc bộ (CLB) đầu tiên của huyện, của tỉnh được thành lập theo hướng dẫn của Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam.

Trong CLB có 02 đội văn nghệ để tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ do địa phương tổ chức và để giao lưu với các địa phương khác. Nhiều năm trôi qua, nhưng nội dung hoạt động của 02 đội văn nghệ vẫn có phần đơn điệu, chưa tạo ra dấu ấn, bản sắc riêng, chưa phát huy được giá trị văn hóa truyền thống của người Tày chiếm đa số ở địa phương, trong khi các làn điệu dân ca Tày đang dần mai một và có nguy cơ thất truyền.

Bà Nông Thị Kiệm thổi sáo đệm cho chị Thương hát nhân kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn. (Ảnh: CLB)

Trăn trở trước thực tế này, cuối năm 2019 bà Kiệm đã bàn với chị Mát về việc thành lập CLB dân ca Tày. Được chị Mát hăng hái ủng hộ, lại được cụ Hoàng Ngân – một trong số ít người am hiểu nhất về dân ca Tày trong xã nhiệt tình tham gia làm cố vấn, cả ba liền bắt tay ngay vào việc vận động, thuyết phục một số người có năng khiếu và cảm tình yêu thích dân ca Tày làm hạt nhân nòng cốt tham gia.

Ngày ấy, rất nhiều người tỏ ra hoài nghi và nói ra nói vào cho là hâm. Nhưng bỏ qua mọi ánh mắt kỳ thị, lời nói bóng gió gièm pha, các nhân tố chủ chốt vẫn kiên trì, nhẫn nhịn, khơi dần ngọn lửa đam mê, trân quý những làn điệu dân ca Tày ở những người có thiện cảm ở trong thôn, xã. Dần dà nhiều gia đình đã hiểu được ý nghĩa tích cực của CLB là mang lại niềm vui cho bản làng, hạnh phúc cho gia đình,.. nên đã tham gia, ủng hộ.

 Tuy nhiên, phải mất khoảng 02 năm chờ đợi do ảnh hưởng của đại dịch Covid nên đến tháng 7/2022 Câu lạc bộ dân ca Tày mới chính thức ra mắt, với 22 thành viên, do bà Nông Thị Kiệm làm chủ nhiệm. Thêm một lần nữa, xã Mường Lai trở thành địa phương có CLB dân ca đầu tiên của huyện, của tỉnh. 

Những ngày tháng sau đó, bà Kiệm cùng các thành viên CLB lại miệt mài và âm thầm vừa sưu tầm học hỏi các làn điệu, bài hát dân ca truyền thống của đồng bào Tày từ các nghệ nhân, các bậc cao niên trong xã, vừa nỗ lực khắc phục những khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất,.. để cùng nhau say mê tập luyện.

Một số thành viên CLB giới thiệu nét đẹp của dân ca Tày với du khách. (Ảnh: Phạm Quỳnh)

Chị Chu Thị Sinh (Chủ tịch Hội Phụ nữ xã) cho hay: Đến nay, sau gần 02 năm hoạt động, CLB đã có 34 thành viên, với hàng trăm bài hát thuộc các làn điệu hát then, khắp cọi, hát ru, hát bụt, phong slư, vỉ quan làng, cùng các tiết mục tấu sáo, múa hát dậm thuông,.. mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Tày đều được Câu lạc bộ duy trì sinh hoạt, biểu diễn thành thạo. Hiện CLB có 32 nữ và 02 nam, thành viên cao tuổi nhất 78 tuổi, người ít nhất 37 tuổi, còn lại đa phần từ 50 – 65 tuổi. CLB sinh hoạt dưới sự quản lý trực tiếp của Hội Phụ nữ xã.

Từ chỗ nhiều người tỏ ra không mặn mà, thậm chí bỏ ra về mỗi khi CLB biểu diễn hát dân ca, nhưng bằng sự nỗ lực sáng tạo của toàn thể CLB, đặc biệt là các hạt nhân nòng cốt như ông Ngân, bà Kiệm, bà Mai, bà Thơ, bà Thì, bà Ước, chị Mát, chị Thương, chị Quả, anh Trường, anh Duyệt,.. cùng sự tham gia giúp sức của các nghệ nhân, bậc cao niên như cụ Hứa Văn Kiểm, Hoàng Quang Nhạn,.. mà chất lượng hoạt động của CLB tiến bộ rõ rệt, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong xã, trong huyện ngợi khen và ghi nhận – chị Sinh tự tin khẳng định.

Ngày càng nhiều bà con, du khách muốn xem dân ca Tày

 Như tiếng lành đồn xa, kể từ khi đi vào hoạt động, CLB đã trở thành điểm sáng của xã, của huyện và của tỉnh về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; được mời tham gia nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Gần 02 năm qua, CLB đã tham gia biểu diễn tại 18 sự kiện lớn trong xã, huyện, tỉnh và tỉnh bạn; tiêu biểu như: biểu diễn chào mừng 120 năm thành lập thị xã Sa Pa (Lào Cai), giao lưu tại huyện Vị Xuyên (Hà Giang), tỉnh Nam Định, Hội xòe Nghĩa Lộ,..

Đặc biệt, không dừng lại ở các hoạt động sưu tầm, giao lưu biểu diễn, từ nhiều năm nay các hạt nhân hát dân ca của CLB còn hỗ trợ trường TH&THCS Mường Lai tổ chức truyền dạy các làn điệu dân ca Tày cho nhiều thế hệ học sinh con em trong xã vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa. Qua đó đã lan tỏa sức sống của dân ca Tày trong lớp trẻ, một số nhân tố trẻ có năng khiếu đã xuất hiện, tiêu biểu như em Ma Thị Quỳnh (Lớp 8A), Triệu Tuấn Kiệt (Lớp 7B), Hoàng Thị Kim Oanh ƠL[ps 5A),...

CLB hát then, khắp, cọi của trường TH&THCS xã Mường Lai trong một buổi sinh hoạt. (Ảnh: CLB)

Trong mấy tiếng đồng hồ, được trò chuyện, được lắng nghe một số làn điệu dân ca Tày do các bà, các chị ở CLB hồn nhiên thể hiện như lời kể, lời minh họa về nét đẹp dân ca của dân tộc mình ngay bên bàn nước, ngay tại bữa tối trong ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày. Cả đoàn chúng tôi càng thêm trân quý những nỗ lực, niềm say mê của các bà, các chị. 

Nổi bật nhất là bà Nông Thị Kiệm (65 tuổi), tuy tuổi đã cao nhưng ngọn lửa yêu dân ca Tày có vẻ như còn mạnh mẽ hơn thế hệ đàn em kém 10 – 15 tuổi. Bà sôi nổi giới thiệu về đặc điểm của từng làn điệu dân ca Tày, mỗi khi cao hứng bà lại bắt nhịp để các chị em hát theo, hoặc cầm sáo để thổi,.. Ngắm nhìn phong thái ung dung, điềm tĩnh cùng gương mặt đẹp phúc hậu của bà, mọi người đều bất ngờ khi 48 năm trước thiếu nữ Tày xinh xắn Nông Thị Kiệm (17 tuổi) đã được tỉnh Yên Bái chọn tham gia đoàn văn nghệ về Thủ đô biểu diễn chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV.

Được biết, các cơ quan chức năng đang trong quá trình xét duyệt để được công nhận bà Kiệm là nghệ nhân, nhưng đối với nhân dân xã Mường Lai và các vùng lận cận bà đã được mọi người yêu mến gọi là nghệ nhân từ lâu rồi. 

Bên cạnh bà Kiệm, không thể không kể tới những gương mặt xuất sắc nhất của xã và hứa hẹn sẽ là những nghệ nhân trong tương lai không xa, gồm chị Mát, chị Thương, chị Quả, anh Trường. Trong số đó, chị Thương, chị Mát là hai chị em ruột trong cùng gia đình có ông nội, bà nội và bố đều là những “nghệ nhân” hát dân ca Tày. Những năm tháng tuổi thơ các chị đã lớn lên cùng những làn điệu dân ca của dân tộc mình, nên khi thành lập CLB dân ca là các chị vui mừng nhận lời ngay.

Khác với nhiều thành viên trong CLB, chị Quả dù sẵn có dòng máu yêu thích hát dân ca trong người, nhưng sau nhiều lần thuyết phục thì gia đình mới đồng ý, nhưng đến nay gia đình chị lại là “fan” hâm mộ nhiệt tình của CLB dân ca Tày. Còn thầy giáo Vi Xuân Trường, không chỉ là nhân tố cốt cán trong CLB dân ca của xã ngay từ ngày đầu thành lập, mà còn là người dóng dựng thành lập, truyền dạy và làm chủ nhiệm CLB hát then, khắp, cọi dân ca Tày cho hơn 50 học sinh TH&THCS xã Mường Lai nơi anh đang công tác. 

Chị Thương truyền dạy hát dân ca Tày cho một số học sinh có triển vọng. (Ảnh: CLB)

Theo chia sẻ của các bà, các chị từ khi tham gia CLB thấy cuộc đời như vui hơn, hạnh phúc hơn, được nhiều người yêu quý hơn và thấy tự tin hơn trong cuộc sống. “Chính vì vậy mà ngày càng có nhiều bà con muốn xem CLB biểu diễn và sau mỗi buổi diễn lại có nhiều người ngỏ ý muốn xin gia nhập CLB để cuộc sống vui tươi hơn”, bà Kiệm vui mừng khoe.

Chia tay xã Mường Lai, chúng tôi vui mừng vì dân ca Tày đã “hồi sinh”, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho bà con, làm cho nhịp sống làng quê hạnh phúc hơn. Nhưng thiết nghĩ, nếu xã Mường Lai triển khai thêm chuyên mục hát dân ca Tày trên Đài truyền thanh xã hàng tuần, và có thêm hình thức sinh hoạt CLB ngay tại quán café của một số thành viên gắn với giao lưu văn nghệ “Hát cho nhau nghe” cùng khách ngoại quốc, khách du lịch và các bạn trẻ địa phương, thì sức lan tỏa của dân ca Tày sẽ ngày càng thấm đượm sâu rộng hơn, lâu bền hơn vào đời sống xã hội.

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam