Bàn về vấn nạn tin giả và môt số giải pháp nhận diện, ngăn chặn và chủ động xử lý tin giả trên không gian mạng hiện nay

Thứ tư, 10/07/2024 - 15:00

NCKH - Tin giả được tung ra với nhiều hình thức khác nhau. Tin giả có thể nhằm mục đích vụ lợi nhưng đôi khi chỉ nhằm “câu view”, “câu like” trên mạng xã hội. Tin giả thường có độ hấp dẫn cao khi được gắn với những sự kiện, chủ đề “nóng” nên đã gây được sự chú ý đặc biệt của công chúng. Chính vì vậy, việc nhận diện, ngăn chặn và chủ động xử lý tin giả trên không gian mạng hiện nay là một việc rất cần thiết và quan trọng.

1. Đặt vấn đề

Trong xã hội bùng nổ thông tin ngày nay, Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đóng vai trò thiết yếu trong việc làm cho nguồn thông tin trở nên ngày càng đa dạng, phong phú và dễ dàng truy cập ở khắp mọi nơi. Không gian mạng là nền tảng trực tuyến nơi mọi người dùng để xây dựng các mối quan hệ với người khác có chung tính cách, nghề nghiệp, công việc, trình độ… hay có mối quan hệ ngoài đời thực.

Không gian mạng là ngôi nhà tinh thần chung của hàng tỷ người trên thế giới và nhiều chục triệu người Việt Nam. Hiện nay, không gian mạng đã dịch chuyển theo hướng từ “không gian công cộng” sang “không gian riêng tư” làm cho những người xa lạ trở thành người thân quen, từ “chủ đề bàn luận” thành “các cuộc livestream”, từ “nơi tự do ngôn luận, chia sẻ thông tin” thành “nơi xúc phạm danh dự cá nhân, tung tin giả”… Theo các chuyên gia tại Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC), tin giả được tung ra với nhiều hình thức khác nhau. Tin giả có thể nhằm mục đích vụ lợi nhưng đôi khi chỉ nhằm “câu view”, “câu like” trên mạng xã hội.[1] Tin giả thường có độ hấp dẫn cao khi được gắn với những sự kiện, chủ đề “nóng” nên đã gây được sự chú ý đặc biệt của công chúng. Chính vì vậy, việc nhận diện, ngăn chặn và chủ động xử lý tin giả trên không gian mạng hiện nay là một việc rất cần thiết và quan trọng.

Từ khóa: thực trạng tin giả, giải pháp ngăn chặn; không gian mạng, nhận diện xử lý tin giả

2. Nội dung

2.1. Về thực trạng tin giả và cách nhận biết tin giả trên không gian mạng hiện nay

Tin giả (fake news) còn được gọi là tin rác hoặc tin tức giả mạo, là một loại hình báo chí hoặc tuyên truyền bao gồm các thông tin cố ý hoặc trò lừa bịp lan truyền qua phương tiện thông tin truyền thống (in và phát sóng) hoặc phương tiện truyền thông xã hội trực tuyến.

Về thực trạng tin giả:Theo thống kê của Báo Điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, đã có hàng nghìn hội nhóm phản động mới xuất hiện trên mạng xã hội (MXH), đáng chú ý là: “Việt Tân”, “Dân Luận”, “Pháp luân công”, “Hóng biến”, “Việt Nam Cộng hòa”; các trang phản động, như: Người Việt Online, “Nhật ký yêu nước”, “Dân làm báo” … Trung bình 1 tháng, các thế lực thù địch phát tán hơn 130.000 bài viết, video xuyên tạc lên internet, MXH (tin giả, xấu độc chiếm trên 50%). Trong đó, có hơn 80.000 bài viết được phát tán trên MXH Facebook, chiếm 67% và khoảng 40.000 bài viết, video xuyên tạc từ các kênh MXH Youtube, Blog cá nhân hoặc các kênh tin tức phản động.

Hệ lụy của tin giả ảnh hưởng rất lớn đến chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng. Có nguy cơ dẫn đến mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin, đạo đức, nhân cách của cá nhân và cộng đồng xã hội, đánh mất bản sắc dân tộc. Phá hoại bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục tốt đẹp của người Việt Nam. Ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước, con người, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.

Tin giả (fake news) giờ đây như một loại virus độc hại, đã và đang là mối đe dọa cho toàn xã hội.

Theo khảo sát của nhóm tác giả với 300 công chúng sử dụng mạng xã hội, có tới 284/300 công chúng (chiếm 95%) cho rằng đã từng tiếp cận với tin giả (số liệu thể hiện trong biểu đồ 1). Kết quả khảo sát cũng chỉ ra người dùng mạng xã hội thường kiểm chứng thông tin bằng việc dựa vào kinh nghiệm và kiến thức của bản thân (209/300 phiếu, chiếm 70,8%). Một bộ phận lớn công chúng cho rằng sẽ tìm kiếm thông tin từ các tờ báo chính thống để xác minh thông tin. Tuy nhiên, người dùng mạng xã hội có thể thấy bất kỳ loại tin tức nào trên mạng xã hội, thậm chí sớm hơn cả trên báo chí. Đồng thời, một số đối tượng tung tin giả bằng việc sử dụng khoảng trống thông tin, “độ trễ” của thông tin báo chí để tấn công vào sự hiếu kỳ của công chúng.

Về nguyên nhân phát sinh tin giả trên không gian mạng hiện nay

Do sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ. Không gian mạng có thể phát tán thông tin với tốc độ nhanh chóng. Với công nghệ đa phương diện, thì ai cũng có thể dễ dàng lập một trang web, blog, tài khoản fanpage, Twitter... trên mạng xã hội bằng tên của mình, tên khác, thậm chí giả danh tên của lãnh tụ, lãnh đạo hoặc tên của các nhân vật nổi tiếng, với chi phí bằng không. Ai cũng có thể đăng tải các thông tin mình muốn lên không gian mạng vốn được gọi là “không gian ảo, thông qua hay “cuộc sống ảo”. 

Một nguyên nhân nữa là do người dùng mạng xã hội chưa có thái độ dứt khoát trong việc đấu tranh với những thông tin fake news. Trong khảo sát cũng chỉ ra, công chúng thường tiếp cận tin giả từ nguồn Facebook là nhiều nhất 283/300 người (chiếm 95%), thứ hai là Youtube 151/300 người (chiếm 51%), thứ ba là Tiktok 121/300 người (chiếm 40,9%). Ngoài ra nguồn instagram, báo chí, kênh diễn đàn, … cũng là một số môi trường công chúng cho biết đã từng tiếp cận với tin giả. Nguyên nhân của vấn đề này bởi người dùng mạng xã hội chủ động trong việc đăng tải, chia sẻ thông tin mà không có sự kiểm duyệt thông tin trước đó. Đồng thời, với sự chi phối bởi “bong bóng lọc” thông tin và thuật toán của mạng xã hội khi căn cứ vào hành xử, mối quan tâm của người dùng mà tin giả sẽ bằng cách này “chủ động” tìm đến với công chúng.

Về cách nhận biết tin giả trên không gian mạng hiện nay

Tin giả được tung ra với nhiều hình thức khác nhau, có những tin giả thoạt đầu nhìn qua tưởng vô hại, đó những là những câu chuyện về tình mẫu tử, sự sẻ chia, đánh vào lòng trắc ẩn của con người. Nhưng đằng sau những câu chuyện “fake news” đó chính là “chiêu trò” được tạo nên bởi cả một tổ chức nhằm mục đích lừa đảo.

Tin giả thường được viết và xuất bản với mục đích đánh lừa nhằm gây thiệt hại cho một cơ quan, thực thể hoặc người về mặt tài chính, chính trị… Thực tế, tin giả thường có xu hướng lan truyền nhanh, “giật gân” hơn tin thật. Đây là một thách thức đối với tất cả các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Tin giả có thể được xuất hiện có chủ đích, do các đối tượng tung ra nhằm thu hút sự quan tâm của người đọc, tăng lượt theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội, thuận lợi cho việc bán hàng online….

Tuy nhiên, do hội chứng “tay nhanh hơn não” - mà chủ yếu là của giới trẻ -nên tin giả nhiều khi do các cá nhân đăng tải, chia sẻ các thông tin sai lệch do chưa được kiểm chứng cẩn thận, hoặc do chưa đọc hết nội dung đã vội chia sẻ vì một nửa cái bánh mì sẽ khác với một nửa sự thật.

Hàng ngày, ứng dụng Zalo, một ứng dụng nhắn tin, là mạng xã hội (MXH) phổ biến thứ hai đã vượt qua các đối thủ toàn cầu khác như YouTube và Instagram. Mức độ phổ biến của các nền tảng truyền thông xã hội thay đổi theo từng thế hệ. Trong khi Facebook và Zalo có mức độ ưa thích cao nhất trong thế hệ X[2], thì thế hệ Z[3] có mức sử dụng mạng quốc tế cao hơn đáng kể, bao gồm Facebook, YouTube và Instagram [5; tr.2]. Ngoài ra, TikTok đang tạo đà cho thế hệ người dùng MXH trẻ nhất trong nước, với hơn một nửa số người dùng internet trong độ tuổi này cho biết đang hoạt động trên nền tảng này.

2.2. Bàn về một số giải pháp nhận diện và xử lý tin giả trên không gian mạng hiện nay để định hướng dư luận xã hội

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, mạng xã hội (Facebook, Google, Zalo…) trở thành nền tảng lan truyền tin giả phổ biến nhất. Để nhận diện và xử lý tin giả trên mạng xã hội hiệu quả cần tiến hành một số giải pháp đồng bộ như sau: 

Một là, cải thiện pháp luật về không gian mạng, cơ chế phân tích, nhận định và cảnh báo sớm dư luận xã hội trực tuyến để nhận diện, ngăn chặn tin giả

Để tổ chức đấu tranh có hiệu quả với các thủ đoạn lợi dụng mạng xã hội nói trên, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật, tạo cơ sở chính trị và hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý nhà nước về an ninh dữ liệu, an ninh mạng, góp phần nhận diện, ngăn chặn và xử lý tin giả trên mạngxã hội. Tại điểm d, khoản 1, Điều 8, Luật an ninh mạng (2018) đã quy định hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng không gian mạng để: “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành án công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.” Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định các hành vi liên quan đến việc phát tán thông tin xấu, độc, tin giả và các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng và Nhà nước trên không gian mạng là tội phạm, cụ thể như: Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 117), Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288).

Cuối năm 2022 mạng xã hội lan truyền những thông tin thất thiệt liên quan tới ông Phạm Nhật Vượng, khi một số tài khoản mạng xã hội đăng tải và chia sẻ thông tin ông Phạm Nhật Vượng bị cấm xuất cảnh. Ngay sau đó, Bộ Công an đã giao các Cục nghiệp vụ làm rõ người tung tin đồn thất thiệt để xử lý theo quy định. Bước đầu, Bộ Công an đã làm rõ hành vi đưa thông tin không có thật này là ông T.V.H (38 tuổi, trú tại P. Cầu Diễn, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội). Đồng thời, Bộ Công an cũng đang xác minh để xử lý một số cá nhân đưa thông tin thất thiệt về ông Phạm Nhật Vượng. Tuy nhiên, ông Phạm Nhật Vượng và tập đoàn Vingroup cũng chịu những ảnh hưởng và tác động xấu đến thị trường chứng khoán làm cho 3 cổ phiếu “họ Vingroup” bị lao dốc, trong bối cảnh thị trường chứng khoán gặp nhiều biến động với hàng loạt tập đoàn lớn như FLC, Tân Hoàng Minh,...thì tin đồn này khiến các nhà đầu tư lao đao.

Trong thời đại ngày nay, mỗi người đều là “một hãng thông tấn” và ai cũng có kênh thông tin của riêng mình. Chính vì tính đa dạng và phức tạp của thông tin nên vấn đề quản lý thông tin đã được quy định cụ thể trong Luật An ninh mạng và Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi tung tin giả, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Tuy nhiên, mức xử phạt này được xem là quá nhẹ so với tính chất, mức độ nguy hại của nó.

Nhiều vụ việc vi phạm Luật An ninh mạng về tin giả được thực hiện xử lý hành chính. Thực hiện hiệu quả Luật An ninh mạng, tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng; bảo đảm an ninh thông tin, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng. Cần thực hiện các biện pháp quản lý một cách chặt chẽ, cứng rắn; mặt khác, cần giáo dục các tri thức, kỹ năng nhằm kiểm soát sự hỗn loạn của mạng, ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực từ mạng và làm cho không gian mạng. Tích cực thúc đẩy pháp luật về internet là biện pháp cần thiết để ngăn chặn thông tin độc hại xuất hiện trên internet và định hướng hiệu quả ngăn chặn tin giả.

Hai là, tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, nâng cao kiến thức và đạo đức cho cư dân mạng

Nhận diện rõ những vấn đề về an ninh tư tưởng mà các thế lực thù địch thường xoáy vào để chống phá Việt Nam để từ đó chuẩn bị các luận cứ khoa học thuyết phục, nghiên cứu tổng kết lý luận, phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, bịa đặt bằng một hệ thống các phương thức đa dạng trên nền tảng mạng xã hội. Tiếp tục nghiên cứu trên quan điểm khách quan, khoa học những tư tưởng, học thuyết mới, tiến bộ để chắt lọc, tiếp thu những giá trị tinh hoa văn hóa của nhân loại, làm phong phú đời sống tư tưởng, tinh thần của xã hội thông qua kênh mạng xã hội nhằm mở rộng và phát huy sức mạnh mạng lưới truyền thông.

Để làm tốt công tác ngăn chặn tin giả, chúng ta phải giải quyết được vấn đề cơ bản là “dựa vào ai, phục vụ ai? Ở đây định hướng dư luận là phải luôn lấy nhân dân làm trọng tâm phục vụ. Công tác dư luận xã hội trực tuyến cần khích lệ, cổ vũ sự sáng tạo vĩ đại của nhân dân trên môi trường mạng; đồng thời, phản ánh tiếng nói, mưu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Cần phải tuân thủ sự thống nhất giữa “ý Đảng” với “lòng dân” trên mọi nền tảng trực tuyến. Cần phải đi sâu phân tích việc dân nghĩ gì, lo gì, bức xúc điều gì. Cần đi theo dòng đại chúng thông qua internet, phát huy hết lợi thế của truyền thông internet, tương tác, trải nghiệm, chia sẻ, lắng nghe ý kiến của quần chúng, thông tin những điều có lợi cho dân sinh, giải tỏa lo lắng của người dân, xây dựng đồng thuận xã hội, sưởi ấm lòng dân, củng cố niềm tin của nhân dân xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong cả nước.

Trong bối cảnh môi trường dư luận trực tuyến phức tạp, chúng ta cần thay đổi quan niệm quản trị theo hướng tiệm cận dần đến cách quản trị trong không gian mạng, đồng thời thiết lập chính sách nắm tình hình chung, xu thế chung, tập trung vào các sự kiện lớn. Cán bộ lãnh đạo phải đi đầu trong việc “kết nối internet”, từng bước nâng cao khả năng sử dụng internet, học sử dụng “ngôn ngữ internet” để giao tiếp với cư dân mạng nhằm hướng dẫn dư luận, ứng phó với các điểm nóng trực tuyến và xử lý các tình huống khẩn cấp trực tuyến.

Về việc nâng cao kiến thức,  đạo đức cho cư dân mạng và toàn xã hội. Theo số liệu thống kê của tổ chức Internet World Stats, tính đến ngày 31/5/2023, Việt Nam là quốc gia có lượng người sử dụng internet cao thứ 11 trên thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực châu Á, tương đương với 78,1% dân số [3, tr.5], tăng 5,0 triệu tài khoản so với năm 2022. Số lượng và tỷ lệ người dùng internet ở Việt Nam tiếp tục tăng lên, với 77,93 triệu người dùng, chiếm tỷ lệ 79,1% tổng dân số; trong đó 70 triệu người dùng mạng xã hội [5, tr.6]. Vì vậy, việc tăng cường xây dựng đạo đức trực tuyến cho cư dân mạng và nâng cao khả năng tự kiềm chế của cư dân mạng để sử dụng internet một cách văn minh là một khía cạnh quan trọng của việc thanh lọc không gian mạng và định hướng dư luận trên mạng để ngăn chặn tin giả.

Cần tăng cường giáo dục đạo đức trên không gian mạng và đạo đức trong toàn xã hội, làm cho khái niệm “tham gia mạng văn minh, có trật tự” ăn sâu vào lòng cư dân mạng, và từng bước hướng dẫn cư dân mạng học cách sử dụng mạng đúng pháp luật, nói có lý, có trách nhiệm, không ngừng nâng cao khả năng nhận diện được cái đúng, cái thật, cái đẹp, cái giả dối, cái sai trái và những hiện tượng xấu, tiêu cực trên internet; có ý thức chống lại những thông tin xấu độc và những thái độ, hành vi thô tục; làm cho không gian mạng thực sự trở thành một xã hội mạng có tính mở và văn minh.

Ba là, tăng cường xây dựng nội dung tích cực, chân thực nhằm xây dựng một không gian mạng lành mạnh, tốt đẹp

Thông tin giả được phát tán nhanh gấp bội lần qua các hình thức lan truyền, “thích”, “chia sẻ”, “sao chép”. Các hình thức lan toả trên không gian mạng nhanh chóng, khó xác định nguồn gốc làm khả năng ngăn chặn và xử lý chúng chậm hơn nhiều tốc độ lan toả và khả năng xác thực. Để xây dựng một không gian mạng lành mạnh, tốt đẹp cần ngăn chặn tin giả một cách hiệu quả trên không gian mạng (bao gồm: nhà sản xuất, người phổ biến và người tiếp nhận thông tin nội dung internet) sự bảo đảm về khả năng nhận thức và kỹ năng để ngăn chặn các hành vi xâm phạm, tiếp tục khơi dậy sức sống, tạo động lực cho  cộng đồng mạng.

Thứ nhất, cần xây dựng nội dung tích cực trong công tác định hướng dư luận xã hội, cần phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là tin giả trên Internet và mạng xã hội. Để làm tốt nội dung đó, cần phải nghiên cứu các lý thuyết tâm lý học, xã hội học có ảnh hưởng đến việc hình thành dư luận xã hội, bám sát những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm; chủ động xây dựng các đề tài, kịch bản tốt để cung cấp thông tin định hướng dư luận xã hội. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng các lý thuyết truyền thông; sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại để cung cấp thông tin định hướng dư luận xã hội chống lại tin giả. Trong đó, cung cấp các kiến thức giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân phân biệt được đâu là nguồn thông tin thật, đâu là nguồn thông tin giả mạo để có thể “tự miễn dịch” với các quan điểm sai trái, thù địch là điều vô cùng cần thiết. Cần sớm xây dựng một bộ tiêu chí giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân xác định đâu là nội dung đáng tin cậy. Các chỉ tiêu trong bộ tiêu chí sẽ như một liều vắc-xin “tiêm chủng” giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân có khả năng nhận biết thông tin sai trái thù địch, thay vì chúng ta chỉ tập trung cho các bài phản bác các thông tin sai trái, thù địch.

Thứ hai, cân cần minh bạch hóa các nguồn thông tin, phân biệt rõ dư luận xã hội và tin đồn, loại bỏ tin đồn thất thiệt, các luận điệu kích động, xuyên tạc, chia rẽ nội bộ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ủng hộ các luồng dư luận xã hội đúng đắn, tích cực. Trong điều kiện ấy cần cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan hạn chế, chấn chỉnh các nhận thức sai lệch, tạo môi trường cho dư luận xã hội đúng đắn, lành mạnh phát triển trong đời sống xã hội.

Minh bạch thông tin tích cực trên không gian mạng lành mạnh sẽ ngăn chặn tin giả trên không gian mạng. Lịch sử và thực tế đã nhiều lần chứng minh rằng, sự tan rã của một chế độ thường bắt đầu từ địa hạt ý thức hệ. Ngày nay, internet đã trở thành một biên giới mới trong quá trình giao lưu tư tưởng và văn hóa khác nhau. Internet tự nó không có nhãn mác và phe nhóm, nhưng điều cốt yếu, quyết định là ai đang sử dụng nó. Nếu giá trị của chủ nghĩa Mác không tiếp quản thì “những thứ phản Mác và phi Mác” chắc chắn sẽ tiếp quản không gian mạng; nếu năng lượng tích cực không làm chủ đạo, thì năng lượng tiêu cực sẽ tràn ngập. Hướng dẫn cư dân mạng xây dựng vững chắc một thế giới quan đúng đắn, cái nhìn về cuộc sống và các giá trị, kiên quyết bác bỏ cái gọi là “giá trị phổ quát”, “dân chủ lập hiến phương Tây” hay “chủ nghĩa tân tự do”, “chủ nghĩa hư vô lịch sử” và các xu hướng tư tưởng sai lầm khác.

Tóm lại, chúng ta cần đổi mới sáng tạo theo điều kiện và tình hình mới nhằm có cách hướng dẫn, xử lý kịp thời, phù hợp để ngăn chặn xử lý tin giả. Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn việc xây dựng pháp luật và các quy định về quản lý mạng, kết hợp giữa luật chung, quy định hành chính và quy chế về quản lý và hướng dẫn dư luận  để ngăn chặn xử lý tin giả ngay từ gốc. Bổ sung, hoàn thiện các quyền và nghĩa vụ của công dân mạng và nhà khai thác mạng khi tham gia cộng đồng mạng. Đối với những đối tượng tung tin đồn trên mạng, xâm phạm đời tư cá nhân, công kích cá nhân, gây rối trật tự xã hội,... xâm phạm quyền và lợi ích của người khác, vi phạm pháp luật và kỷ luật phát ngôn thì phải nghiêm trị theo tinh thần thượng tôn pháp luật.                                                                                        

TS. Mai Vũ Dũng

Khoa LLCT&KHXHNV - Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần CAND

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

 1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.284

2. Đỗ Thị Thanh Hà, Nâng cao chất lượng công tác dư luận xã hội, chủ động xử lý thông tin, định hướng dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, 07/5/2022

 3. Vũ Văn Phong, Ban Tuyên giáo Trung ương dư luận xã hội trên không gian mạng và những yêu cầu đặt ra đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng hiện nay, 07/11/2023 08:44 PM

4. Xem https://tuoitre.vn/hay-manh-tay-voi-tin-gia-20210810080437596.htm

5. Xem Digital 2022: Vietnam https://datareportal.com/reports/digital-2022-vietnam


[1] Xem https://tuoitre.vn/hay-manh-tay-voi-tin-gia-20210810080437596.htm

[2] là những người được sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1965 đến năm 1980 (theo Wikipedia)

[3] là những người được sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2012 (theo Wikipedia)