Gia đình và giáo dục ý thức đạo đức công dân cho thế hệ trẻ trong giai đoạn hiện nay

Thứ tư, 10/07/2024 - 08:00

NCKH - Tóm tắt: Vấn đề giáo dục ý thức đạo đức công dân luôn là một trong những vẫn đề quan trọng, mang tầm chiến lược của mọi quốc gia, dân tộc trong mọi thời đại. Trong các thiết chế giáo dục thì gia đình được coi là trường học đầu tiên và trường học suốt đời, là môi trường gần nhất, chắc chắn nhất, lâu dài, bền vững nhất để giáo dục ý thức đạo đức công dân.

Từ khoá: gia đình, giáo dục ý thức đạo đức công dân.

1. Ý thức đạo đức công dân - gốc để phát triển nhân cách toàn diện

Đạo đức là “bản lề” giữ cho con người làm việc thiện, chính trực, ngay thẳng, tốt đẹp và được coi là phần cốt lõi của nhân cách. Theo Từ điển Tiếng Việt, “đạo đức là những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội”[6]. Nói đến đạo đức là nói đến một hiện tượng xã hội có cấu trúc phức tạp, bao gồm: ý thức đạo đức, hành vi đạo đức và quan hệ đạo đức.

Giáo dục ý thức đạo đức công dân (GDYTĐĐCD) luôn là một vấn đề quan trọng, mang tầm chiến lược của mọi quốc gia, dân tộc trong mọi thời đại. Đó là quá trình biến các chuẩn mực đạo đức từ những yêu cầu, đòi hỏi của người khác, của xã hội thành những đòi hỏi bên trong của mỗi cá nhân, thành niềm tin, nhu cầu, thói quen của người được giáo dục, bao gồm giáo dục thế giới quan, nhân sinh quan, giáo dục tư tưởng chính trị và giáo dục các phẩm chất đạo đức tốt đẹp, phù hợp với xã hội.

Sự tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giao lưu hội nhập quốc tế, cách mạng khoa học công nghệ 4.0 mang đến nhiều thuận lợi, tích cực nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ hình thành một thế hệ con người Việt Nam thụ động, ỷ lại, nảy sinh lối sống thực dụng, đề cao lợi ích cá nhân, tuyệt đối hóa đồng tiền... Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước nhấn mạnh: cần giáo dục các phẩm chất đạo đức cơ bản của công dân Việt Nam là: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng yêu cầu: “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ”[3]

Do vậy, GDYTĐĐCD trong gia đình là sự tác động có hệ thống, có mục đích của những người lớn trong gia đình, đặc biệt là của cha mẹ với con nhằm chuyển hóa những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức xã hội thành những phẩm chất đạo đức, nhân cách cho trẻ, hình thành ở trẻ thái độ đúng đắn trong giao tiếp, ý thức tự giác, tự nguyện thực hiện các chuẩn mực đạo đức của gia đình, thói quen chấp hành các quy định của pháp luật và của cộng đồng xã hội phù hợp (lòng nhân ái, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi, khiêm tốn, trung thực, dũng cảm, ham học hỏi, sáng tạo, yêu cái đẹp, bảo vệ cái đúng, tiến bộ; chống lại cái xấu, cái ác, trì trệ; thực hiện tốt bình đẳng giới, ý chí tự lực, tự cường, vươn lên thoát đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương, đất nước, bảo vệ Tổ quốc).

2. Thực trạng giáo dục ý thức đạo đức công dân trong gia đình ở Lào Cai

Tính đến tháng 12/2023, dân số Lào Cai là 781.103 người với 25 dân tộc cùng chung sống [8]. Đảng bộ, Uỷ ban nhân dân và các cơ quan, ban ngành chức năng đã rất nỗ lực để gia đình phát huy các giá trị tích cực. Tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa trên 85%. Tổng số trẻ em là 227.532, trong đó 57.144 trẻ mầm non; 85.458 học sinh tiểu học; 63.953 học sinh THCS và 24.212 học sinh THPT ở các trường công lập; 4.193 học viên Trung tâm GDNN&GDTX. Đa phần trẻ em trong số này đều có đạo đức tốt, chăm ngoan, yêu thương gia đình, lối sống lành mạnh, có ước mơ, lý tưởng vươn lên.

Tuy nhiên, theo Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020- 2023 của Hội đồng nhân dân, năm 2023 số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 3.141 trẻ, (chiếm1,38%), trẻ em mồ côi, khuyết tật trong độ tuổi đi học cần hỗ trợ, giúp đỡ là 1.804 em, trong đó có 260 em mồ côi cả cha và mẹ; 1.366 trẻ em bị khuyết tật, 178 trẻ em không nơi nương tựa; tỷ lệ trẻ em sống trong hộ nghèo dưới 20%; tỷ lệ trẻ em sống trong hộ cận nghèo dưới 12%;

Tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương vẫn chưa dược giải quyết triệt để. Tính từ năm 2012 – 2022, riêng lực lượng Công an tỉnh Lào Cai đã đề nghị các lực lượng chức năng của Trung Quốc, Myanmar tiến hành giải cứu 40 bị hại, giải cứu khu vực nội địa 4 bị hại; tiếp nhận bàn giao của công an các nước 368 nạn nhân; khởi tố 222 vụ việc vi phạm pháp luật về phòng chống mua bán người với 456 nạn nhân bị mua bán.

Từ năm 2020 đến hết năm 2023, Tòa án Nhân dân tỉnh Lào Cai đã giải quyết 5.378 vụ việc ly hôn, trẻ em là con các đương sự của các vụ việc ly hôn sẽ thiếu đi sự chăm sóc đầy đủ của cả bố và mẹ, là đối tượng đầu tiên bị chịu ảnh hưởng nặng nề.

Tỷ lệ tảo hôn vẫn tồn tại gây nhiều hệ luỵ: theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2020 đến hết năm 2023 có 710 trường hợp tảo hôn (riêng năm 2023 còn 112 trường hợp vi phạm) dẫn đến tình trạng trẻ sinh ra chưa được cấp giấy khai sinh, thẻ BHYT.  

Số trẻ bị tai nạn, thương tích là 5.611 trường hợp, trong đó có 67 trẻ tử vong; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp mầm non còn thấp; tỷ lệ trẻ em học hết THCS không học THPT và không học nghề khá lớn; tỷ lệ trẻ em học bỏ học, em bị lạm dụng tình dục, buôn bán, bắt cóc, lạm dụng lao động vẫn còn, cơ quan Công an đã điều tra xử lý 376 vụ xâm hại trẻ em; trẻ tự kỷ có chiều hướng gia tăng.

 Tình trạng trẻ em lạm dụng đồ chơi công nghệ, nghiện game, điện tử, truy cập vào các trang mạng intenet có nội dung độc hại hoặc các trò chơi không lành mạnh tăng; 196 trẻ em vi phạm pháp luật (riêng năm 2023 có 68 đối tượng trẻ em dưới 18 tuổi phạm tội, chủ yếu là trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích) [2]. Nạn ma tuý học đường diễn biến ngày càng phức tạp, riêng năm 2023 đã phát hiện, xử lý 117 học sinh, sinh viên các trường học trên địa bàn về hành vi mua bán, sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, trong đó có 93 trường hợp xử lý kỷ luật [1]

Trên đây là những con số tuy chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng ảnh hưởng rất lớn đến gia đình và xã hội. Có muôn vàn lý do để trẻ em, thanh niên trở thành đối tượng bị xâm hại, lợi dụng hoặc chính bản thân trẻ là chủ thể của hành vi vi phạm pháp luật. Mỗi vụ việc là một hoàn cảnh, nguyên nhân, mức độ khác nhau. Nhưng mẫu số chung thường thấy đó là những đứa trẻ thiếu kỹ năng sống, nhân cách lệch lạc, vô ơn, thiếu trung thực, coi thường các giá trị chuẩn mực đạo đức, đua đòi, ăn chơi, lười lao động, dễ bị kích động, lôi kéo,..

Nguyên nhân của thực trạng:

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên (ảnh hưởng tiêu cực từ kinh tế thị trường, lối sống thực dụng, mạng xã hội, phim ảnh đồi truỵ, phản văn hoá,..). Nhưng nhiều đề tài nghiên cứu trong và ngoài nước đều nhất quán xác định nguyên nhân sâu xa nhất chính là thiếu sự giáo dục ý thức đạo đức công dân ngay từ gia đình. Dưới góc độ tâm lý học lứa tuổi, các chuyên gia cho rằng: giữa những người khác nhau cùng trải qua một hoàn cảnh tương đồng, hành vi của họ sẽ khác nhau, phụ thuộc vào các yếu tố nguy cơ và yếu tố bảo vệ trong cuộc đời họ. Quá trình hình thành và trưởng thành của đứa trẻ trải qua nhiều giai đoạn và ở mỗi giai đoạn lại có các yếu tố nguy cơ đặc thù, có thể do di truyền từ tính cách của cha mẹ hoặc sự bất ổn tâm lý của người mẹ khi mang thai; hoặc trẻ lớn lên trong gia đình đã bị “hỏng từ gốc”, tức chính ông bà, cha mẹ của họ đã phạm tội hoặc sa vào tệ nạn (buôn lậu ma túy, nghiện ma túy, tổ chức mại dâm, cầm đầu băng nhóm tội phạm, tham nhũng, cờ bạc, đua xe trái phép, ngoại tình, loạn luân, v.v.) trở thành những “tấm gương mờ, dị dạng”. Những đứa trẻ xuất thân từ những gia đình này dễ bị sa vào tội phạm, tệ nạn và lựa chọn các lối sống tiêu cực như một sự tiếp nối tự nhiên “truyền thống” gia đình.

Hoặc có thể xuất phát từ gia đình bỏ mặc, không quan tâm đến con: có những gia đình do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên bố mẹ không thể nuôi dạy, quan tâm, giáo dục con; hoặc bố mẹ đều đi làm xa, gửi con ở nhà cho ông bà, người thân nuôi dưỡng. Ngược lại, có những gia đình khá sung túc, nhưng bố mẹ do mải làm ăn, kiếm tiền nên không quan tâm đến con.

Hoặc là do phương pháp giáo dục gia đình không đúng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát triển nhân cách, đạo đức của trẻ. Trước hiện tượng con cái hư hỏng, nhiều gia đình đã quay trở về với những phương pháp cổ truyền, nghiêm khắc, khắt khe, lạm dụng “gia quy”, “gia phong” xúc phạm tinh thần và thậm chí không ngần ngại sử dụng đòn roi hoặc đưa lên mạng xã hội, xâm phạm quyền trẻ em. Bên cạnh đó, có nhiều gia đình tiếp thu những phương pháp giáo dục cởi mở hơn với con trẻ, chỉ khuyên bảo, giải thích, thậm chí nuông chiều, nương nhẹ, “không dám” giáo dục, uốn nắn. Có những trẻ vốn được coi là ngoan, hiền, nhưng đột nhiên “dạt nhà”, “đi bụi”, phạm tội, thậm chí tự tử chỉ vì những xung đột nhỏ trong gia đình, như bị cha mẹ mắng mỏ, cấm đoán có bạn khác giới, hoặc cho là bị cha mẹ, người thân coi thường, đối xử không công bằng..

Đặc biệt, những đứa trẻ trong hoàn cảnh “lời ru chia đôi”, gia đình khuyết thiếu (do li hôn, cha/mẹ đơn thân,..) rất dễ trở thành nạn nhân của tội phạm, hoặc chính chúng do buồn chán, thất vọng, hụt hẫng, thiếu sự chia sẻ với bạn bè sẽ dẫn đến các biểu hiện hành vi hung tính, dễ bị dẫn dụ vào các việc làm vi phạm pháp luật.

Trước thực trạng trên, giải pháp nào để phát huy vai trò của gia đình trong giáo dục, nâng cao YTĐĐCD cho mỗi thành viên, để gia đình vừa là “chiếc nôi”, “tổ ấm” vừa là “lá chắn” vững vàng ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức, trở thành những “tế bào khoẻ mạnh” nuôi dưỡng xã hội phát triển?

3. Một số giải pháp giáo dục ý thức đạo đức công dân cho thế hệ trẻ

Một là, sự chung tay giáo dục từ phía các thành viên trong gia đình:

 Phương pháp giáo dục: Giáo dục gia đình có đặc điểm riêng là gắn liền với quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng; giáo dục bằng tình yêu thương ruột thịt bởi những mối quan hệ thân thiết giữa vợ chồng, cha mẹ, ông bà, anh chị em. Việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, cư xử có phép tắc, trên kính dưới nhường, hòa thuận anh em là điều cốt lõi của mọi gia đình không phân biệt đẳng cấp, giàu nghèo, dân tộc thiểu số hay đa số, miền núi, nông thôn hay thành thị. Việc thường xuyên gần gũi tâm sự sẽ giúp cha mẹ và con cái hiểu nhau hơn, cha mẹ dễ định hướng cho con cái theo cái đúng- thiện- đẹp, giúp chúng sửa chữa sai lầm một cách kịp thời, và ngược lại, con cái cũng hiểu rõ mục đích sự bảo ban, giáo dục của cha mẹ, người lớn đối với mình, tránh được những hiểu lầm không đáng có. Cùng với đó là tổ chức các hoạt động hợp lý trong gia đình (nấu ăn, trồng cây, dọn dẹp nhà cửa, vui chơi giải trí, du lịch, giao lưu, thăm hỏi người thân…), qua đó giúp các thành viên thêm hứng thú, việc giáo dục ý thức đạo đức công dân một cách tự nhiên này góp phần hình thành các năng lực, phẩm chất, kỹ năng sống, xử lý các tình huống phù hợp với gia đình, xã hội..

Ngoài cha mẹ, ông bà chính là đối tượng mà nhiều đứa trẻ cảm thấy gần gũi và dễ tâm sự nhất. Không những thế, ông bà chính là “thư viện sống” kể cho trẻ biết những bài học lịch sử hào hùng của đất nước, những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc và của gia đình. Do vậy cần tăng cường vai trò giáo dục trong gia đình có 3 thế hệ cùng chung sống là một yếu tố rất thuận lợi.

Vai trò nêu gương của người lớn, cha mẹ: Sự gương mẫu được thể hiện trong rất nhiều khía cạnh: trong cách cư xử văn minh, văn hoá của cha mẹ với nhau (tôn trọng, yêu thương, chung thuỷ, quan tâm, chia sẻ,..); giữa cha mẹ với con cái (đặc biệt là sự bình đẳng trong đối xử với con trai và con gái); giữa cha mẹ với ông bà nội, ngoại (hiếu thuận); với hàng xóm, những người xung quanh…; gương mẫu trong lao động, học tập nâng cao kiến thức, hiểu biết xã hội: cha mẹ, người lớn tuổi cần phải là những người nêu gương sáng về tinh thần ham học hỏi, cầu thị, vươn lên trong học tập, thoát đói nghèo, đóng góp cho quê hương, đất nước. Đồng thời, với sự phát triển của thông tin, công nghệ số, của mạng xã hội, thế hệ trẻ tiếp thu rất nhanh cả những điều hay và có hại. Do đó cha mẹ cần cập nhật thông tin, nắm bắt được nhu cầu, xu thế cũng như tâm lý của trẻ để có phương pháp giáo dục, rèn luyện nhân cách phù hợp với từng giai đoạn phát triển của con. Sự tu dưỡng đạo đức, gương mẫu kết hợp với kiến thức, hiểu biết sâu, rộng, thống nhất giữa lời nói với việc làm của cha mẹ và người lớn trong gia đình sẽ củng cố thêm uy tín đối với con cái.

 Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh ngay từ trong gia đình: mỗi thành viên tuỳ theo vị trí cần tự giác, chủ động, tích cực thực hiện tốt Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình (ban hành kèm theo Quyết định số 224/QĐ-BVHTTDL ngày 28/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Đây là giải pháp căn cơ cho việc củng cố ý thức đạo đức công dân, nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, làm nền tảng xây dựng xã hội lành mạnh, tốt đẹp, phồn vinh.

Hai là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo:

 Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền về việc thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến công tác gia đình, trẻ em, giáo dục đạo đức công dân như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”, Quyết định số 96/QĐ-TTg ngày 19/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030,… Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các văn bản trên. Rà soát các chủ trương, nghị quyết, cơ chế, chính sách về gia đình, trẻ em để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới bảo đảm phù hợp với thực tế, đúng quy định.

Ba là, sự phối hợp của các Sở, ban, ngành, đoàn thể:

Trong công tác tuyên truyền: tăng cường tuyên truyền các giá trị đạo đức và văn hoá ứng xử tốt đẹp của gia đình Việt Nam, nâng cao nhận thức của mỗi người về vị trí, vai trò của gia đình cũng như những giá trị của văn hóa gia đình đối với sự phát triển quê hương, đất nước. Các cơ quan, ban ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chiến lược, đề án, chương trình về công tác gia đình bằng nhiều nội dung, hình thức thiết thực, phong phú, đa dạng, hiệu quả, theo chuyên đề, thời gian, đối tượng, địa hình: pa-nô, băng-rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, phát thanh, truyền hình, xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình, các cuộc thi sân khấu hoá, hội thảo, toạ đàm, sáng tác, phim truyền hình, điện ảnh,..

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị- xã hội các cấp cần lồng ghép nội dung GDYTĐĐCD vào các cuộc vận động, các phong trào để tuyên truyền, thực hiện tốt trong hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân.

 Phối hợp hài hoà giữa giáo dục gia đình- nhà trường- xã hội để nâng cao hiệu quả giáo dục ý thức đạo đức công dân: Cùng với gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội là các thiết chế chung tay GDYTĐĐCD. Nâng cao hiệu quả thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa trong các trường học; tổ chức các buổi sinh hoạt giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình cho học sinh, sinh viên; biểu dương kịp thời các điển hình những tấm gương tốt đẹp về ứng xử văn hóa trong trường học.

­ Nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực sự là tấm gương sáng trong việc xây dựng gia đình văn hoá mẫu mực và thực hiện tốt Bộ tiêu chí ứng xử văn hoá trong gia đình.

Phát huy vai trò của các Mái ấm tình thương, mô hình “con nuôi công an”, “con nuôi bộ đội biên phòng”,.. đối với trẻ thiệt thòi, yếu thế.

Mục tiêu “Xây dựng Lào Cai phát triển toàn diện trở thành trung tâm, cầu nối giao thương kinh tế, đối ngoại giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam- Trung Quốc; đến năm 2025 tiếp tục là tỉnh phát triển của vùng trung du, miền núi phía Bắc, năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước, năm 2045 là tỉnh phát triển của cả nước” đã được khẳng định trong văn kiện Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI. Để thực hiện được mục tiêu ấy đòi hỏỉ mỗi gia đình ở Lào Cai cần phát huy tốt nhất vai trò giáo dục ý thức đạo đức để mỗi thành viên trong đó, đặc biệt là thế hệ trẻ- những chủ nhân tương lai- luôn ý thức cao về trách nhiệm công dân, thực hiện tốt các chuẩn mực văn hoá trong gia đình và xã hội, tự hào với sự phát triển của tỉnh, nhìn nhận rõ những hạn chế, khó khăn, tồn tại để tự lực, tự cường vươn lên, đạt được mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, xây dựng Lào Cai phát triển./.

         ThS. Vũ Thị Việt Hiếu

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. An Nhiên, Ngọc Nam, Lào Cai xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn, tệ nạn, https://daibieunhandan.vn ngày 15/3/2024.

2. Ban chỉ đạo kế hoạch 312, Báo cáo kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi năm 2023

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.I, tr.136.

4. Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai, Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 – 2023.

5. Tuyết Lê, Nhức nhối nạn buôn người, congly.vn ,ngày 12/7/2023.

6. Từ điển Tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, Nxb Đà Nẵng, 2005, tr.290

7. Tỉnh uỷ Lào Cai, Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020- 2025, tr. 142, 143.

8. https://danso.laocai.gov.vn/ngày 26/12/2023.

Trường Chính trị tỉnh Lào Cai