TNV - Chiều ngày 25/10, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP. Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu, đánh giá cấp độ dịch cho thấy TP đang ở cấp độ 2 với tỷ lệ bao phủ vắc xin cao; tuy nhiên các biện pháp ứng phó với diễn biến của dịch bệnh của TP vẫn duy trì mức độ 3. Lý do, hiện số ca mắc COVID-19 mới của TP đang có xu hướng giảm nhưng con số vẫn đang ở cấp độ 3.
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho hay, các biện pháp ứng phó với diễn biến của dịch bệnh của TP vẫn duy trì mức độ 3
Mặt khác, đến cuối tháng này, TP sẽ hoàn toàn tự lực trong công tác phòng chống dịch bệnh khi các đoàn hỗ trợ, chi viện y tế của Trung ương và các địa phương trở về. “Vì vậy, công tác truyền thông cần nhấn mạnh để người dân tự giác trong phòng chống dịch, không chủ quan, lơ là với sức khỏe của bản thân và gia đình” - Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói.
Cùng với việc xây dựng kế hoạch triển khai trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc Covid-19 tại cộng đồng, ngành y tế đã xây dựng 04 kịch bản ứng phó tương ứng với các tình huống dịch bệnh tại các bệnh viện (kiểm soát tốt, kiểm soát, cơ bản được kiểm soát và dịch bùng phát).
Thứ nhất, nếu tình hình dịch COVID-19 tại thành phố được kiểm soát tốt, số ca mắc mới tương ứng mức độ 1 thì sẽ sử dụng Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 ba tầng - số 16, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Từ Dũ để điều trị người mắc Covid-19 với 2.000 giường (trong đó có 1.040 giường oxy và 360 giường ICU), 120 giường cho trẻ em và 60 giường cho phụ nữ mang thai.
Theo Phó Giám đốc HCDC Nguyễn Hồng Tâm, việc xét nghiệm được hướng dẫn rõ tại Quyết định số 4800 của Bộ Y tế.
Thứ hai, nếu tình hình dịch COVID-19 tại thành phố được kiểm soát, số ca mắc mới tương ứng mức độ 2 thì sẽ sử dụng 2 bệnh viện dã chiến thành phố (dã chiến thu dung điều trị COVID-19 ba tầng - số 13 và số 16), bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 quận, huyện; 2 bệnh viện chuyên khoa nhi (Nhi đồng Thành phố, Nhi đồng 2); 2 bệnh viện chuyên khoa sản (Từ Dũ, Hùng Vương) để điều trị người mắc COVID-19 với 11.623 giường (trong đó có 3.815 giường oxy và 803 giường ICU), 180 giường cho trẻ em và 120 giường cho phụ nữ mang thai.
Thứ ba, nếu tình hình dịch COVID-19 tại thành phố cơ bản được kiểm soát, số ca mắc mới tương ứng mức độ 3 thì sẽ sử dụng 3 bệnh viện dã chiến thành phố (dã chiến thu dung điều trị COVID-19 ba tầng - số 13, số 14, số 16); bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 quận, huyện; 3 bệnh viện hồi sức COVID-19 (Chợ Rẫy, Quân y 175, Bệnh nhiệt đới); 3 bệnh viện chuyên khoa nhi (Nhi đồng Thành phố, Nhi đồng 2, Nhi đồng 1) và 2 bệnh viện chuyên khoa sản (Từ Dũ, Hùng Vương) để điều trị người mắc COVID-19 với 11.623 giường (trong đó có 3.815 giường oxy và 803 giường ICU), 180 giường cho trẻ em và 120 giường cho phụ nữ mang thai.
Thứ tư, nếu tình hình dịch COVID-19 tại thành phố bùng phát lại, số ca mắc mới tăng cao tương ứng mức độ 4, ngoài các bệnh viện được huy động ở mức độ 3 thì mỗi quận, huyện phải đảm bảo có một bệnh viện dã chiến 300-500 giường. Tổng giường điều trị COVID-19 là 16.556 giường (bao gồm 6.568 giường oxy và 2.029 giường ICU)
Liên quan đến phản ánh một số chung cư yêu cầu khách đến phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu khẳng định, điều này là không đúng với tinh thần của Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Ông cho biết, công tác xét nghiệm chỉ được thực hiện khi người dân có triệu chứng hoặc đang ở khu cách ly, vùng cấp độ 4.
Phó Giám đốc HCDC Nguyễn Hồng Tâm thông tin thêm, Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 4800 Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP. Tại Quyết định này, Bộ Y tế chỉ rõ, việc xét nghiệm được thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ (các trường hợp có triệu chứng; xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên định kỳ do cơ quan y tế thực hiện tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như chợ đầu mối, bến xe, siêu thị, cơ sở khám chữa bệnh,…; các nhóm nguy cơ di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều người như người giao hàng, người chạy xe chở khách…; tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, công sở…).
Không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân, chỉ xét nghiệm đối với người đến từ vùng dịch cấp độ 4 hoặc cách ly y tế, các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3…
Người đã tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ, với trường hợp cách ly y tế hoặc theo dõi y tế và trường hợp đến từ địa bàn có dịch cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).
Việc thực hiện xét nghiệm để xử lý ổ dịch tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ, tình hình dịch bệnh và mức độ của ổ dịch, địa phương quyết định đối tượng, địa bàn xét nghiệm cho phù hợp.
Việc thực hiện xét nghiệm theo phương pháp mẫu gộp trong trường hợp xét nghiệm tầm soát, sàng lọc, định kỳ.
Tấn Tài