Trong khoảng 100 năm trở lại đây, Nhật Bản đã phải hứng chịu 3 thảm họa cực lớn do thiên tai. Đó là trận động đất tại khu vực Kanto (gồm Tokyo và các tỉnh lân cận) vào năm 1923 với hơn 140.000 người chết và mất tích. Trận động đất tại Kobe, tỉnh Hyogo vào năm 1995 với hơn 6.000 người thiệt mạng. Trận động đất và sóng thần năm 2011 tại khu vực Tohoku tuy đã sang năm thứ 10 kể từ ngày xảy ra, nhưng cho đến nay vẫn còn hàng nghìn người mất tích, hàng chục nghìn hộ dân vẫn phải sơ tán, nhiều khu vực vẫn như vùng đất chết do lo ngại ô nhiễm phóng xạ.
Cơn sóng dữ dội tấn công vào thành phố Miyako thuộc tỉnh Iwwate sau trận động đất có cường độ 8,9, ngày 11/11/2011. Ảnh: Reuters
Điều đó cho thấy rằng không phải những năm gần đây, mà từ lịch sử hàng trăm năm, nhiều thế hệ người Nhật Bản đều có những đúc kết nhiều kinh nghiệm, bài học để ứng phó với thảm họa. Dưới đây là một số điểm khiến Nhật Bản khá thành công trong việc giảm thiểu thiệt hại do thảm họa gây ra.
Thứ nhất, Nhật Bản luôn có 1 Bộ quản lý về thảm họa. Thứ hai, nước này đã xây dựng được hệ thống giáo dục về thảm họa cho học sinh cấp tiểu học, trong đó tập trung vào huấn luyện cách ứng phó khi thảm họa xảy ra. Thứ ba, Nhật Bản đưa ra quy định về xây dựng đối với các khu nhà cao tầng, nhà dân, sử dụng loại vật liệu gì, độ cao thế nào mà vẫn đảm bảo an toàn khi có động đất hay sự cố khác xảy ra. Thứ tư là thái độ ứng phó khi thảm thảm họa xảy ra, và thứ năm là tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả thảm họa.
Có nhiều ý kiến cho rằng Nhật Bản đã thực hiện tốt một số khâu trên, nhưng đang đối mặt với những thất bại trong việc đối phó với thảm họa. Lý do là năng lực quản lý nguy cơ và năng lực hình thành chính sách phục hồi sau nguy cơ đều ở mức thấp.
Bên cạnh đó, trong mỗi chính sách quản lý nguy cơ hay phục hồi kinh tế sau thảm họa thì sự tham gia và hợp tác của mỗi người dân là cực kỳ quan trọng, và hình như Nhật Bản chưa thực hiện tốt việc này.
Trong vòng 10 năm qua, Nhật Bản vẫn đang tiến hành phục hồi khu vực Tohoku sau thảm họa kép 11/3. Có thể nhìn thấy rõ nhiều nhà máy đã được xây dựng, nền công nghiệp tại khu vực này đã phục hồi. Tuy nhiên, một vấn đề lớn gặp phải là thiếu nhân lực, thế hệ trẻ không muốn trở về nơi đã từng là nỗi ám ảnh, khiến cho hoạt động sản xuất của các nhà máy cũng gặp phải khó khăn, kim ngạch bán ra không được như mong muốn.
Bên cạnh đó, nguy cơ giảm dân số ngày càng sâu sắc. Điều này khiến việc các nhà máy sản xuất mặc dù được xây dựng, nhưng dân số giảm mạnh sẽ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất. Đây là tình trạng cực kỳ nguy hiểm. Hơn nữa, tâm lý người tiêu dùng vẫn hoang mang cho đến tận bây giờ khi phải sử dụng nguồn nước, sản phẩm nông nghiệp, nơi có nhà máy hạt nhân bị rò rỉ, mặc dù đã được các chuyên gia vấn an về độ an toàn.
Trong thời gian vừa qua, Nhật Bản đã phải chi tới 38.000 tỷ yên cho việc xây dựng lại thành phố, hệ thống đê điều, chắn sóng, hệ thống giao thông, trường học… tại khu vực Tohoku. Tuy nhiên, cho đến nay, mặc dù đa số đã xong để có thể bắt đầu cuộc sống trở lại, nhưng có tới 60% hệ thống này không được người dân sử dụng. Đây lại trở thành vấn đề nan giải mới của Nhật Bản bởi khắc phục hậu quả thảm họa không đơn giản chỉ là xây mới lại trường học hay công sở, mà là con người có chấp nhận với những sản phẩm đó không?
Trong khi đó, đại dịch Covid-19 bùng phát, Nhật Bản lại phải tập trung nguồn lực đối phó. Hiện tại, nền kinh tế đang rất khó khăn khi vừa phải liên tục khắc phục hậu quả thiên tai, vừa phải đối phó với dịch bệnh, và nguy cơ gần có thể mất trắng khoản đầu tư tới hơn 29 tỷ USD cho việc tiến hành thế vận hội Olympic dự kiến vào tháng 7 tới.
Như vậy, đối với những thảm họa xảy ra bất chợt đồng thời cùng lúc, Nhật Bản phải đưa ra những chính sách mới kịp thời hơn./.
Bùi Hùng/VOV