
Emile Ouamouno đang chơi dưới một gốc cây Cola cổ thụ thì một đàn dơi bất ngờ bay ra khỏi đó. Cậu bé mới 2 tuổi chập choạng biết đi, lập tức bị choáng ngợp bởi khung cảnh mà người dân ở làng Meliandou vẫn gọi là "cơn mưa dơi".
Cứ mỗi buổi chiều chạng vạng, từng đoàn, từng đoàn, hàng ngàn con dơi lại nối đuôi nhau bay ra khỏi những gốc cây khổng lồ rỗng toác. Chúng quần thảo toàn bộ không trung, lợp kín bầu trời, và đôi khi một con sẽ rụng xuống mặt đất một cách khó hiểu.
Đối với một đứa trẻ sinh ra ở miền nông thôn của Guinea - một đất nước Tây Phi có tổng sản phẩm quốc nội chỉ bằng tỉnh Bắc Ninh của Việt Nam, những con dơi chết này cũng giống như một món đồ chơi Squishy làm bằng cao su dẻo.
Chúng mềm nhũn, ấm áp và có thể phát ra tiếng kêu "eek eek" mỗi khi bóp.

Những gốc cây cổ thụ là nơi mà những đứa trẻ Châu Phi thường hay chơi đùa.

Vào mỗi buổi chiều chập choạng, hàng ngàn con dơi có thể bay ra khỏi đó tạo ra một khung cảnh được gọi là "cơn mưa dơi".
Thật không may, chơi với dơi rụng - những con dơi mà một đứa trẻ 2 tuổi như Ouamouno cũng bắt được - là một ván cược định mệnh với hệ miễn dịch còn đang non nớt của đứa trẻ.
Chỉ vài ngày sau khi tiếp xúc với con dơi dưới gốc cây Cola, Ouamouno phát sốt. Cậu bé nôn mửa, mệt lả và tiêu chảy ra phân đen suốt 4 ngày liên tục. Mặc dù đã được đưa tới bệnh viện, Ouamouno qua đời vào ngày 6 tháng 12 năm 2013.
Cái chết của cậu bé, người được mệnh danh là "Bệnh nhân số 0" đã mở đầu cho một dịch bệnh khủng khiếp đầu tiên trong thế kỷ 21 càn quét khắp Châu Phi. Lần lượt chị gái cậu, rồi người mẹ của hai đứa trẻ, cũng qua đời với các triệu chứng tương tự.
Một tháng sau đó, hàng chục ca tử vong lẻ tẻ đã được xác nhận ở Guinea. Căn bệnh tiếp tục lan ra các nước Tây Phi, vượt ra khỏi ranh giới châu lục, cuối cùng đã lây nhiễm 28.646 người trên toàn thế giới, giết chết 11.323 người chỉ trong vòng 2 năm.
Đó là sự khởi đầu của Ebola, dịch bệnh nguy hiểm nhất, gây ra cơn hoảng loạn kinh hoàng nhất ngay trước đại dịch COVID-19. Với tỷ lệ tử vong lên tới 90% ở một số khu vực Châu Phi và 25% ở ngay cả các quốc gia có nền y học phát triển như Mỹ và Châu Âu, Ebola từng được mệnh danh là "Cái chết đen của thế kỷ 21".

Etienne Ouamouno đứng dưới gốc cây mà con mình đã từng chơi cách đây 12 năm. Đàn dơi ăn quả sống trong gốc cây này được cho là điểm khởi đầu cho dịch Ebola năm 2014.

Chỉ trong vòng 1 tháng, Etienne đã mất vợ và cả hai con của mình, vì chủng virus được mệnh danh là "Cái chết đen trong thế kỷ 21".
Giống như nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác, việc tìm ra thuốc chữa cho Ebola là bất khả thi trong thời kỳ bùng phát của dịch bệnh. Suốt 2 năm đầu tiên, các nhà khoa học đã thử nghiệm tới 9 liệu pháp, từ thuốc trị sốt rét cho tới kháng thể đơn dòng để điều trị cho bệnh nhân Ebola. Không một phương pháp nào thể hiện được hiệu quả đáng kể.
Phải đến tận tháng 8 năm 2019, hơn 5 năm sau khi dịch bệnh bùng phát, hai phương pháp điều trị Ebola mới chứng minh được hiệu quả điều trị 90%.
Đó là INMAZEB, một kết hợp của 3 loại kháng thể đơn dòng là Atoltivimab, Maftivimab và Odesivimab. Loại thuốc thứ hai là Ebanga, chứa một kháng thể đơn dòng duy nhất là Ansuvimab.
Kháng thể đơn dòng là những protein được phân lập từ chính tế bào miễn dịch của bệnh nhân sống sót qua Ebola. Sau đó, chúng được nuôi cấy để nhân bản lên số lượng lớn trong phòng thí nghiệm. Các công ty dược phẩm sẽ thu hoạch và đóng gói các kháng thể này, biến chúng thành thuốc chữa trị cho người mới nhiễm bệnh.
Vấn đề với các loại thuốc kháng thể đơn dòng là chúng đòi hỏi môi trường và kỹ thuật nuôi cấy sinh học rất phức tạp. Kháng thể cũng cần quy trình vận chuyển, bảo quản lạnh khiến việc tiếp cận đến các khu vực xa xôi, hẻo lánh ở Châu Phi là rất khó khăn.
Đó là chưa kể mức giá của các loại thuốc này thường cực kỳ đắt. Cả INMAZEB và Ansuvimab hiện đều được phân loại là "thuốc mồ côi", là những loại thuốc có giá lên tới hàng tỷ VNĐ/liều, vì các hãng dược phẩm không thể sản xuất đại trà, họ buộc phải bán "thuốc mồ côi" với giá cực kỳ đắt để bù lại chi phí nghiên cứu phát triển.


Kháng thể đơn dòng đang là phương pháp điều trị tiêu chuẩn và hiệu quả nhất cho bệnh nhân Ebola hiện nay.
Thuốc quá đắt và khó bảo quản là lý do tại sao trong đợt bùng phát Ebola lớn thứ hai, từ năm 2018-2020, tỷ lệ tử vong căn bệnh gây ra vẫn duy trì ở mức 66% - gấp 45 lần so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trong cùng thời điểm và cùng điều kiện y tế ở Châu Phi.
Đó là lý do tại sao các nhà khoa học phải tiếp tục nghiên cứu để tìm ra một thế hệ thuốc chữa trị Ebola mới, đơn giản hơn, hiệu quả hơn và quan trọng là có giá thành rẻ hơn.
Hơn 5 năm sau đợt bùng phát dịch Ebola lớn thứ hai, hơn một thập kỷ sau ngày "Bệnh nhân số 0" Emile Ouamouno được xác nhận, hi vọng bây giờ đang được mở ra cùng với một nghiên cứu trên tạp chí Science Advances.
Trong đó, một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Texas tuyên bố đã tìm ra được một loại thuốc uống có khả năng chữa khỏi Ebola. Những con khỉ thí nghiệm được sử dụng loại thuốc này đã đạt được tỷ lệ khỏi bệnh từ 80-100%.
"Ở đây, chúng tôi chứng minh rằng ODV, một tiền chất dạng uống của nucleoside GS-441524, có thể bảo vệ 80% khỉ đuôi dài và 100% khỉ rhesus khỏi nhiễm Ebola gây tử vong khi được dùng trong vòng 24 giờ sau khi tiếp xúc với virus", Giáo sư, Tiến sĩ Thomas Geisbert, tác giả nghiên cứu, đồng thời là một nhà virus học tại Khoa Miễn dịch và Vi sinh, Đại học Texas cho biết.
"Chúng tôi đang thực sự cố gắng tìm ra một thứ gì đó thiết thực hơn, dễ sử dụng hơn, có thể giúp ngăn, ngừa, kiểm soát và chặn đứng các đợt bùng phát của Ebola".


Một loại thuốc uống đang được thử nghiệm để chữa Ebola một cách đơn giản, như uống một liều kháng sinh.
OVD là viết tắt của Obeldesivir, một chất ức chế polymerase, có nghĩa là nó có khả năng ngăn chặn một loại enzyme quan trọng mà virus cần dùng để nhân lên trong cơ thể. Dược chất này ban đầu được nghiên cứu như một loại thuốc uống sử dụng cho bệnh nhân COVID-19, tương tự như remdesivir dùng theo đường tiêm tĩnh mạch.
Tuy nhiên, bởi Obeldesivir là một chất ức chế có hoạt tính kháng virus phổ rộng, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Geisbert đã thử nghiệm OVD với virus Ebola để xem nó có hiệu quả hay không.
Năm con khỉ đuôi vàng và năm con khỉ rhesus – những loài linh trưởng có đặc điểm sinh học gần giống với con người – đã được chủ động lây nhiễm Makona, biến thể cực mạnh của virus Ebola ở liều lượng gấp 30.000 lần liều gây tử vong cho con người.
Trong vòng 24 giờ tiếp theo, mỗi con khỉ được cho uống 1 viên Obeldesivir và duy trì liều này 10 ngày sau đó. Kết quả được so sánh với nhóm đối chứng là những con khỉ cũng bị lây nhiễm Ebola nhưng không được điều trị.
Trong khi toàn bộ số khỉ trong nhóm chứng đã tử vong, 4/5 con khỉ đuôi dài và 5/5 con khỉ rhesus đã khỏi bệnh sau khi uống thuốc Obeldesivir. Xét nghiệm chỉ ra tải lượng cực cao của virus Ebola trước đó xuất hiện trong máu của những con khỉ thí nghiệm đã giảm xuống mức trung bình hoặc thấp.
Đồng thời, những con khỉ được cho uống Obeldesivir cũng có biểu hiện protein hỗ trợ kích hoạt tế bào T của hệ miễn dịch cao hơn. Điều này cho thấy chúng có khả năng chống viêm và giảm phản ứng miễn dịch nghiêm trọng sau khi nhiễm Ebola, đem lại hiệu quả ngăn ngừa tử vong.

Giáo sư, Tiến sĩ Thomas Geisbert cho biết một viên thuốc uống là lợi thế lớn trong cuộc chiến với Ebola toàn cầu.
Với kinh nghiệm làm việc với virus Ebola từ năm 1980, và là người phát hiện ra biến chủng Reston của virus này, Tiến sĩ Geisbert cho biết việc một loại thuốc đường uống như Obeldesivir thể hiện khả năng điều trị Ebola đến ngưỡng 80-100% là "một lợi thế rất lớn" trong cuộc chiến toàn cầu với căn bệnh nguy hiểm này.
Nếu những con số có thể dịch sang thử nghiệm trên người, Obeldesivir chắc chắn sẽ thay thế được cho các thế hệ "thuốc mồ côi" dựa trên kháng thể đơn dòng đang được sử dụng cho bệnh nhân Ebola.
Không chỉ tại các quốc gia kém phát triển ở Châu Phi, một loại thuốc đường uống, dễ sản xuất, dễ bảo quản và có giá thành rẻ là vũ khí tiên quyết nếu chúng ta muốn hướng đến mục tiêu xóa sổ Ebola, căn bệnh khét tiếng được mệnh danh là "Cái chết đen trong thế kỷ 21".
Thanh Long