Đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Lý luận trẻ | 14:00:00 02/04/2024

NCKH - Tóm tắt: Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm về con đường cách mạng Việt Nam được hình thành trên nền tảng chủ nghĩa Mác- Lênin. Tư tưởng của Người đã trở thành “tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta”, mãi mãi “soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi” . Thực tiễn công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam chứng minh những quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội, về con đường quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn và sáng tạo.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường quá độ lên CNXH ở Việt Nam hiện nay

Hồ Chí Minh đã kết luận rằng, con đường đi đến tự do, dân chủ, độc lập dân tộc chỉ có thể là con đường cách mạng vô sản. Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mọi tầng lớp nhân dân lao động mới được giải phóng và con đường giải phóng dân tộc mới được mở ra, mới đi đến thắng lợi. Hồ Chí Minh cho rằng, học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tiếp thu vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin là để phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc và nhân dân “hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin được”[1]. Người đã kế thừa và tiếp thu có chọn lọc, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam để tìm ra con đường đúng đắn cho cách mạng Việt Nam là tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa. Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh là nghĩa Mác – Lênin ở Việt Nam; cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Khi kế thừa, vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin về chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh đã quán triệt “xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”[2]. Hồ Chí Minh đã thấm nhuần tư tưởng xã hội chủ nghĩa qua thuyết đại đồng trong Nho giáo của Khổng Tử. Giữa năm 1923, Hồ Chí Minh đến Liên Xô và chứng kiến thành công của “Chính sách kinh tế mới” (NEP) của Lênin, nhưng Người khẳng định con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam “không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa lý khác”[3], nên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam vốn từ một nước có nền kinh tế lạc hậu, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Vì vậy, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam có sự gắn kết chặt chẽ với độc lập dân tộc. Hồ Chí Minh khẳng định “chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân toàn thế giới”[4].

Đề cao đạo đức cách mạng, đạo đức giải phóng dân tộc, giải phóng nhân loại, Hồ Chí Minh khẳng định “thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh từ bỏ chủ nghĩa cá nhân”[5]. Với ngôn ngữ bình dị, dễ hiểu Hồ Chí Minh cho rằng “xây dựng chủ nghĩa xã hội là thay đổi cả xã hội, thay đổi cả thiên nhiên, làm cho xã hội không còn người bóc lột người, không còn đói rét, mọi người được ấm no và hạnh phúc”[6]. Người khẳng định công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam “không thể làm mau được mà phải làm dần dần”[7]. Mục tiêu của chủ nghĩa rất thiết thực và cụ thể “chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một cuộc đời hạnh phúc”[8] và “làm sao cho dân giàu nước mạnh”[9], “mọi người dân được áo ấm cơm no, nhà ở tử tế, được học hành”[10], “đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân ngày càng được nâng cao và “phải do nhân dân tự xây dựng lấy”[11].

Mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh do dân làm chủ, dân giàu nước mạnh, từng bước xóa bỏ bất công, xóa bỏ bóc lột, phát triển sản xuất, phát triển khoa học và giáo dục, nâng cao văn hóa. Xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp của toàn dân, do nhân dân thực hiện dưới sự lãnh đạo của một chính đảng cách mạng, đây là sự nghiệp to lớn, đẹp đẽ và hết sức vẻ vang, nhưng cũng đầy phức tạp, đầy khó khăn và thử thách, nên phải xây dựng từng bước, không nôn nóng chủ quan.  Hồ Chí Minh đã đưa ra một quan niệm hoàn chỉnh về chủ nghĩa xã hội và con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Người cho rằng, “chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà nhân dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì”[12], song “cần phải động viên toàn dân, tổ chức giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”[13].

Nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, theo Hồ Chí Minh “nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hóa khoa học tiên tiến… mà xây dựng là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài”[14]. Đó là “một cuộc đấu tranh cách mạng phức tạp, gian khổ và lâu dài”[15] và Người đã khẳng định “tiến lên chủ nghĩa xã hội, không thể một sớm một chiều. Đó là cả một công tác tổ chức và giáo dục”[16], không thể làm mau được mà phải làm dần dần, phải “biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống vui tươi hạnh phúc”[17].

Qúa độ tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam là thời kỳ lịch sử khó khăn, lâu dài cần phải có những nhân tố đảm bảo. Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cần phải học hỏi kinh nghiệm của các nước anh em, nhưng không rập khuôn máy móc vì Việt Nam có những đặc điểm riêng. Thời kỳ quá độ ở Việt Nam trải qua nhiều bước “bước ngắn, bước dài, tùy theo hoàn cảnh”, nhưng “đi bước nào vững vàng, chắc chắn bước ấy”[18].

Theo Hồ Chí Minh cần kết hợp cải tạo với xây dựng trên tất cả các lĩnh vực, lấy xây dựng làm chủ chốt và lâu dài. Với phương thức “đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”[19] và phải “dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”[20]. Đoàn kết là cái làm ra sức mạnh, đoàn kết là sức mạnh của chúng ta, “đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi”[21] mới phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Xây dựng chủ nghĩa xã hội không chỉ là vấn đề giai cấp mà còn là vấn đề dân tộc và là sự nghiệp của toàn dân tộc. Hồ Chí Minh coi thực hiện công bằng xã hội là một động lực trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Như vậy, Hồ Chí Minh đã nêu ra những vấn đề cơ bản về chiến lược, sách lược, mục tiêu, đặc trưng về chủ nghĩa xã hội; về cách thức, bước đi, động lực của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

2. Phê phán quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Khi chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, các thế lực chống cộng đã hí hửng vu cáo “chủ nghĩa xã hội đã cáo chung”, “chủ nghĩa xã hội là ảo tưởng không thực hiện được”. Tuy nhiên, cần khẳng định thực chất sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực, một nước cụ thể. Sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và một số nước Đông Âu thật sự là một chấn động mạnh, có tác động rất lớn đối với bản thân các nước đó, đến các nước xã hội chủ nghĩa mà tất cả các nước trên thế giới nói chung.

Cùng với đó, ở trong nước cũng có một số phần tử cự đoan ra sức phụ họa với những luận điệu trên.  Các thế lực phản động cho rằng, Việt Nam lựa chọn con đường phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội là sai lầm, đi theo vết xe đổ của Liên Xô… Tất cả những luận điệu trên là sai lầm, xuyên tạc, nhằm chống phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà toàn Đảng, toàn dân ta lựa chọn. Vì vậy, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà toàn Đảng, toàn dân ta đang tích cực xây dựng là hoàn toàn đúng đắn, qua đó nêu cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh chống mọi hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Trước tình hình đó, chúng ta cần kiên định quan điểm và đấu tranh phản bác lại các âm mưu của các thế lực thù địch, khẳng định:

Thứ nhất, chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng, chủ nghĩa xã hội là một chế độ xã hội tốt đẹp, phù hợp với quy luật khách quan và tiến trình lịch sử xã hội loài người. Việt Nam và một số nước vẫn đang tiếp tục đi theo con đường chủ nghĩa xã hội, kiên định với lập trường chủ nghĩa Mác – Lênin. Các thế lực thù địch vẫn ráo riết thực thi chiến lược “diễn biến hoàn bình”, ra sức chống phá phong trào cách mạng từ nhiều hướng khác nhau. Muốn giành thắng lợi trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội thì Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải thực sự tỉnh táo và kiên định con đường mình đã chọn.

Thứ hai, Việt Nam kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn của lịch sử dân tộc, của nhân dân ta, của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức, phức tạp nhưng con đường các nước xã hội chủ nghĩa đã đạt được như Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Cuba… đã chứng minh rằng chủ nghĩa vẫn là hiện thực, là thực tế, là một chế độ xã hội tốt đẹp nhất mà nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới hướng tới.

Việt Nam hơn 37 năm đổi mới thành công, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xã hội chủ nghĩa, trong đó Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý điều hành, được đông đảo các nước hợp tác để cùng phát triển trong xu thế hội nhập quốc tế đã minh chứng những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn. Đòi hỏi chúng ta phải tỉnh táo, trí tuệ sáng suốt, bản lĩnh để phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái đó.

Tóm lại, Lịch sử dân tộc đang phát triển trên con đường đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan và tiến trình lịch sử, phù hợp với đông đảo nguyện vọng của quần chúng nhân dân lao động. Xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội. Đảng ta khẳng định, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005,  tr.633.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, t.1.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, t.9.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, t.10.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, t.11.

8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, t.12.

9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, t.13.

10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.668.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.510.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.510.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.588.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.612.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.221.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.390.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.415.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.390.

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.415.

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.387.

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.175.

[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.617.

[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.412.

[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.216.

[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.392.

[17] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.92.

[18] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.464.

[19] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.81.

[20] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.617.

[21] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.119.

 

Hoàng Thanh Ngân - Huyện đoàn Văn Quan, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn

                Nguyễn Ngọc Tảo - UBND Xã Vạn thắng, Huyện Ba Vì , Hà Nội

 

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam