Một số giải pháp phòng chống các thông tin xấu, độc ảnh hưởng tới sinh viên trên mạng xã hội

Lý luận trẻ | 11:59:00 11/03/2024

NCKH - Tóm tắt: Thông tin xấu, độc trên mạng xã hội gây tác động tiêu cực đến Đảng, Nhà nước và chế độ; ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống, nhân cách của cá nhân, cộng đồng trong đó có thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên nói riêng. Bài viết nhận diện các thông tin xấu độc và đề xuất các giải pháp phòng, chống các thông tin xấu độc ảnh hưởng tới sinh viên trên mạng xã hội trong tình hình hiện nay.

Từ khoá: không gian mạng, mạng xã hội, thông tin xấu, độc, sinh viên.

Khoản 3 Điều 2 Luật an ninh mạng định nghĩa ”Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian”.

Trong không gian mạng, mạng xã hội ( MXH) đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Mạng xã hội có thể hiểu là một trang web hay nền tảng trực tuyến với rất nhiều dạng thức và tính năng khác nhau, giúp mọi người dễ dàng kết nối từ bất cứ đâu.

Mạng xã hội là hệ thống những mối quan hệ giữa con người với nhau trên nền tảng Internet với nhiều mục đích khác nhau không phân biệt không gian và thời gian. Những người tham gia vào mạng xã hội gọi là cư dân mạng. Trên thế giới có hàng trăm mạng xã hội khác nhau. Các trang mạng xã hội phổ biến như Facebook, Youtube, WhatsApp, Skype, Qzone, WeChat, Instagram, Twitter, Flickr, Google Plus, Go.vn, Baidu Tieba. Ở Việt Nam cũng xuất hiện nhiều mạng xã hội, trong đó có một số mạng xã hội phổ biến, đó là Facebook, Zalo, Youtube, Twitter, Instagram,Google Plus, Go.vn, Tinhte...

Internet và mạng xã hội mang lại nhiều giá trị tích cực như: cho phép tìm kiếm thông tin dễ dàng; gặp gỡ, giao lưu, gắn kết cộng đồng, trao nhận, chia sẻ tình cảm; tìm kiếm việc làm, quảng cáo, kinh doanh và giải trí. Sự xuất hiện của mạng xã hội đã tạo ra những giá trị mới, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế, thúc đẩy sự phát triển giáo dục - đào tạo và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, mạng xã hội cũng ẩn chứa nhiều hiểm họa khó lường đối với người dùng, nhất là sinh viên. Có thể nói từ khi mạng xã hội ra đời trên thế giới và ở Việt Nam, sinh viên là những người sử dụng nhiều nhất, chịu ảnh hưởng lớn nhất. Theo Báo cáo của Bộ Giáo dục và đào tạo, trong 5 năm gần đây trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 2 triệu sinh viên theo học ở các trường đại học trong nước.

Qua điều tra của Trung ương Đoàn cho thấy thanh niên công chức, viên chức có thời gian sử dụng MXH nhiều nhất và nhiều hơn các đối tượng khác (với 46,2% thanh niên công chức, viên chức có thời gian sử dụng MXH trên 5 năm). Thanh niên sinh viên có thời gian sử dụng MXH phổ biến là từ 3 – 5 năm; trong khi đó, 1 – 3 năm là khoảng thời gian sử dụng MXH của gần 50,0% thanh niên sinh viên.

Theo kết quả tại một khảo sát của Bộ GD&ĐT năm 2018, có 92,5% sinh viên và 84,5% học sinh cấp trung học thường xuyên sử dụng mạng xã hội (MXH) Facebook; ngoài ra còn sử dụng thêm một số ứng dụng MXH khác như Zalo, Yahoo, Youtube, Zingme... Trong đó, có 26% học sinh sinh viên (HSSV) sử dụng dưới 1 giờ/ngày, 40% HSSV sử dụng từ 1 giờ đến 3 giờ/ngày và 34% HSSV sử dụng hơn 3 giờ/ngày. 45% HSSV thường truy cập MXH Facebook bất kỳ lúc nào và có thiết bị truy cập trong tay (điện thoại, laptop), 12% HSSV truy cập MXH Facebook bất cứ lúc nào nhận được thông báo mới.

Kết quả khảo sát tại 5 trường Đại học ở Hà Nội (Đại học Bách Khoa, Đại học FPT, Học viện Ngân Hàng, Đại học Luật, Học viện Báo chí Tuyên truyền) cho thấy, 100% số sinh viên được khảo sát đều sử dụng mạng xã hội, có đến 73,75% cho biết, việc đầu tiên khi họ truy cập Internet là sử dụng mạng xã hội, với tần suất trung bình 2h/ngày[1].

Kết quả khảo sát của chúng tôi tại một số Học viện, trường đại học lớn như Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Thương mại, Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Hoà Bình, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Thủ đô, Trường Đại học Hà Nội cho thấy phấn lớn các em sinh viên đã quan tâm tới vấn đề an ninh thông tin nói chung, ứng xử với các thông tin xấu độc trên mạng xã hội nói riêng.

-100% số sinh viên khảo sát đã gặp các thông tin xấu độc dưới các dạng: các thông tin chống phá Đảng, Nhà nước và cách mạng Việt Nam; các thông tin văn hóa phẩm đồi trụy, sex; các thông tin bạo lực, khủng bố mạng; các thông tin tội phạm (mua bán ma túy, vũ khí,v.v.trên mạng); các thông tin tệ nạn xã hội.

-Hơn 70% số sinh viên khảo sát trả lời không bị ảnh hưởng bởi các mặt trái của MXH, không bị lôi kéo vào tham gia các tệ nạn ma túy, mại dâm, cờ bạc, cá độ, vay nặng lãi, tham gia vào các hội kín, nhóm kín trên MXH. Ở sinh viên các Trường Công an tỷ lệ này là 98%.

-80% sinh viên khảo sát trả lời không tham gia các hành vi bị cấm như:

+ Ngăn chặn việc truyền tải thông tin trên mạng, can thiệp, truy nhập, gây nguy hại, xóa, thay đổi, sao chép và làm sai lệch thông tin trên mạng trái pháp luật.

+Gây ảnh hưởng, cản trở trái pháp luật tới hoạt động bình thường của hệ thống thông tin hoặc tới khả năng truy nhập hệ thống thông tin của người sử dụng.

+Tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng của biện pháp bảo vệ an toàn thông tin mạng của hệ thống thông tin; tấn công, chiếm quyền điều khiển, phá hoại hệ thống thông tin.

+Phát tán thư rác, phần mềm độc hại, thiết lập hệ thống thông tin giả mạo, lừa đảo.

+Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân.

+Xâm nhập trái pháp luật bí mật mật mã và thông tin đã mã hóa hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tiết lộ thông tin về sản phẩm mật mã dân sự, thông tin về khách hàng sử dụng hợp pháp sản phẩm mật mã dân sự; sử dụng, kinh doanh các sản phẩm mật mã dân sự không rõ nguồn gốc.

-80% sinh viên khảo sát trả lời khi các em gặp các “sự cố an ninh thông tin MXH” đều báo cáo, trao đổi với nhà trường, Ban cán sự lớp học, Chi đoàn và Hội sinh viên cùng các bạn cùng học, cùng sinh sống và đều nhận được sự tư vấn, hỗ trợ để giải quyết các sự cố này.

- Có 40% sinh viên khảo sát trả lời là khi gặp các “sự cố an ninh thông tin MXH” như gặp khủng bố MXH, khi tiếp nhận các thông tin xấu, độc, thông tin về tội phạm, tệ nạn xã hội trên MXH, đã thông báo cho Công an. Các thông báo này tới 90% đều gián tiếp qua nhà trường đại học để báo tới cơ quan công an.

Chính vì vậy nên vai trò của Nhà trường, tổ chức Đoàn thanh niên, Hội sinh viên trong quản trị an ninh thông tin MXH trong sinh viên đặc biệt quan trọng. Kết quả khảo sát của Bộ Công an, Bộ Giáo dục và đào tạo, Trung ương Đoàn cho thấy trong những năm qua các Học viện, nhà trường QĐND, CAND, ĐHQG Hà Nội, ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Ngân hàng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Ngoại thương,v.v.là những trường đại học làm tốt công tác bảo vệ an ninh, trật tự, phòng chống ma túy, phòng chống tội phạm trong sinh viên nói chung, quản trị an ninh thông tin MXH trong sinh viên nói riêng.

Trong các đợt bọn phản động thông qua MXH kích động, kêu gọi sinh viên tham gia biểu tình chống chế độ nhân vụ ô nhiễm môi trường Formosa năm 2016-2017, nhân Nhà nước ta chuẩn bị thông qua Luật đơn vị hành chính đặc biệt (Luật đặc khu) tháng 6 năm 2018, qua khảo sát ở 4 tỉnh Miền Trung xảy ra biểu tình, bạo loạn liên quan tới vụ Formosa, và khảo sát ở 22 tỉnh, thành phố xảy ra biểu tình, bạo loạn liên quan tới Luật đặc khu, không có sinh viên tham gia các hoạt động chống phá này.

Nhận diện thông tin xấu, độc trên mạng xã hội

Những thông tin sai trái, bịa đặt, bóp méo, xuyên tạc sự thật, lẫn lộn đúng sai, thật giả, hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, thông tin chưa được kiểm chứng gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức; thông tin có những ngôn từ thô tục, nội dung phản cảm, soi mói, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục; kích động đồi trụy, bạo lực... được coi là thông tin xấu, độc.

Một số dạng thông tin xấu, độc hiện đang lưu hành trên mạng xã hội ở nước ta có ảnh hưởng tới sinh viên là: (1) Thông tin chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng và cách mạng Việt Nam, hòng phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; (2) Xuyên tạc đường lối xây dựng CNXH, đường lối bảo vệ Tổ quốc và đường lối đối ngoại của Đảng ta, phủ nhận những thành tựu của sự nghiệp đổi mới; (3) Xuyên tạc lịch sử dân tộc, nhất là lịch sử các cuộc kháng chiến, các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta; (4) Xuyên tạc thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phủ nhận công lao to lớn của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta; Vu cáo, bôi nhọ, giả mạo các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, tướng lĩnh trong quân đội; (5) Kích động xu hướng ly khai, phá hoại sự thống nhất quốc gia, dân tộc, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; (6) Truyền bá lối sống ích kỷ vụ lợi, xa hoa, trụy lạc, bạo lực và thù hận (hate speech) đối với cá nhân và tổ chức; (7) Phá hoại bản sắc văn hóa dân tộc, tuyên truyền, áp đặt các giá trị văn hóa và lối sống phương Tây; (8) Lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin, mật khẩu, phát tán virus...

Thủ đoạn thông tin xấu, độc trên mạng xã hội rất đa dạng, tinh vi. Các đối tượng xấu thường núp dưới vỏ bọc các tổ chức “xã hội dân sự”, “diễn đàn dân chủ”... để tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, quan điểm, cương lĩnh, nền tảng tư tưởng của Đảng, nhất là những vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”. Lợi dụng một số cá nhân thoái hóa, biến chất về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, hoặc có tham vọng chính trị cao, thành lập các hội, fanpage... làm cơ quan ngôn luận, địa chỉ hoạt động cho tổ chức “dân chủ” trên mạng. Lợi dụng mạng xã hội phát tán rộng rãi các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung xấu, độc, phản động, từ đó kích động hình thành các hoạt động như tuần hành, biểu tình, rải truyền đơn, tụ tập kêu gọi chống đối cán bộ địa phương, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống phá chính quyền, chia rẽ khối đoàn kết giữa Đảng và nhân dân.

Các đối tượng tung tin thường sử dụng các website, dịch vụ thư điện tử (e-mail) và các trang mạng xã hội (Facebook), Zalo (các dịch vụ chat, nhắn tin, hội thoại), truyền thoại (VoIP), diễn đàn (forum), Twitter, Youtube, MySpace... để đưa thông tin xấu độc. Cách thức tiến hành của chúng thường là tổng hợp tin tức từ các báo chính thống để tạo ra sự khách quan, sau đó cài dần các thông tin xấu, độc, theo tỷ lệ tăng dần cả về số lượng và mức độ bịa đặt, bóp méo sự thật, luận điệu sai trái. Người dùng truy cập thông qua đường dẫn (link) của bạn bè trên mạng xã hội dễ dàng “mắc mưu”, bị dẫn dắt và bị động trong việc tiếp nhận thông tin xấu, độc đó. Thực tế cho thấy, đã có những người do nhẹ dạ, cả tin, thiếu bản lĩnh chính trị nên đã tin theo những luận điệu của các thế lực thù địch, từ đó bị chúng dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo và khống chế để làm việc phục vụ cho mưu đồ của chúng.

Một thủ đoạn khác mà các đối tượng thù địch sử dụng là thiết lập trang mạng mạo danh tổ chức hoặc cá nhân, đưa ra những thông tin không đúng sự thật nhằm tạo ra hình ảnh méo mó về đất nước và con người Việt Nam, về các tổ chức và cá nhân. Các đối tượng xấu cũng lợi dụng những yếu kém trong công tác quản lý, công tác cán bộ, những sai phạm của một số tổ chức, cá nhân để nói xấu, bôi nhọ, vu cáo, bịa đặt đối với Đảng, Nhà nước, gây tác động tiêu cực đến dư luận xã hội, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Tác động thứ nhất: Thông tin xấu, độc trên mạng xã hội tác động đến nhận thức của sinh viên về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thực tế cho thấy sinh viên là lực lượng rất nhạy cảm, thường rất dễ bị lôi kéo và kích động. Vì thế, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước luôn xem thanh niên là đối tượng đặc biệt để thực hiện các âm mưu “diễn biến hòa bình”. Chúng lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet để phát tán tài liệu có nội dung phản động, thông tin xấu độc, ấn phẩm văn hóa đồi trụy để dần dần “chuyển hóa” giới trẻ, hòng tạo ra một thế hệ trẻ sống theo chủ nghĩa thực dụng, vụ lợi, vị kỷ, sẵn sàng xét đoán quá khứ và vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta. Những thông tin xấu độc nếu không kịp thời ngăn chặn sẽ tác động tiêu cực đến tư tưởng, gieo rắc sự hoài nghi, làm giảm sút lòng tin của thế hệ trẻ đối với Đảng, Nhà nước. Lợi dụng cái gọi là “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”, các thế lực phản động tập trung tấn công vào sinh viên nhằm “tẩy não”, chuyển hóa tư tưởng, đạo đức, dẫn tới quá trình “tự diễn biến” ở sinh viên. Bằng những thay đổi tinh vi về thủ đoạn, các thế lực chống phá cách mạng Việt Nam ở nước ngoài và phản động trong nước đang thực hiện ý đồ “chiến thắng không cần chiến tranh”. Các thế lực phản động lập ra hàng trăm tài khoản giả mạo bịa đặt nhiều thông tin sai lệch, khoét sâu vào những vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong xã hội nhằm kích động sinh viên tỏ thái độ bất mãn với đời sống xã hội và sự phát triển của đất nước. Từ sự tác động đó, một số sinh viên đã bị kích động, thông qua mạng xã hội Facebook và các trang blog, diễn đàn đề cao quan điểm dân chủ tư sản, nói xấu chế độ, vu cáo, soi mói đời tư nhằm hạ thấp uy tín, danh dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Những vấn đề mới nổi lên vài năm gần đây trong những người trẻ, nếu không được giải quyết sẽ tạo ra lệch lạc trong suy nghĩ và hành động, gây hậu quả hết sức khó lường. Thực tế tại Liên Xô (trước đây), vào thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, do những biến động về chính trị, Đảng Cộng sản đã dần đánh mất vai trò lãnh đạo đất nước. Cùng sự chống phá của các thế lực ở trong và ngoài nước, nên thời điểm trước khi Liên Xô sụp đổ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Côm-xô-môn đã không còn là tổ chức chính trị-đội hậu bị của Đảng Cộng sản Liên Xô, dần phát triển thành hiệp hội của các doanh nghiệp và sớm bị suy thoái, chuyển hóa về tư tưởng chính trị, tiếp đó chính thức “biến mất” khỏi vũ đài chính trị của đất nước. Đội thiếu niên và nhi đồng cũng cùng chung số phận, thanh thiếu niên bị mất phương hướng, “phi chính trị hóa” theo đúng kịch bản của các thế lực thù địch.

Tác động thứ hai: Thông tin xấu, độc là tin giả, các phát ngôn thù ghét, nói xấu, phỉ báng, bịa đặt, kỳ thị dân tộc, tôn giáo, kỳ thị giới tính, các hành vi gây hấn, tấn công trên mạng,… làm khủng hoảng đời sống sinh viên. Một bộ phận người sử dụng MXH, sinh viên ở Việt Nam thường có xu hướng quan tâm, thích (like), chia sẻ (share) thông tin giật gân, tiêu cực, trái chiều hơn thông tin tích cực. Nhiều người cho rằng mạng xã hội là ảo, không phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn, hành xử của mình. Tâm lý đó cộng hưởng với các công cụ được tạo ra để thu hút người dùng của truyền thông xã hội, cùng với sự bất cập, hạn chế trong quản lý của các cơ quan chức năng càng làm cho việc phát tán thông tin xấu, độc trở nên dễ dàng và nguy hiểm. Những nghiên cứu gần đây chỉ ra, hiện tượng tin giả, các phát ngôn thù ghét, nói xấu, phỉ báng, bịa đặt, kỳ thị dân tộc, tôn giáo, kỳ thị giới tính, các hành vi gây hấn, tấn công trên mạng,… đang trở nên đáng báo động. Những hành vi lệch lạc này có thể làm khủng hoảng đời sống cá nhân, có cá nhân đã lựa chọn cái chết làm lối thoát. Điểm chung giữa những sự việc thương tâm trên chính là nạn nhân phải chịu áp lực quá khủng khiếp từ dư luận, đặc biệt là từ mạng xã hội. Một số người sử dụng MXH, trong đó có sinh viên thiếu trách nhiệm với những thông tin chia sẻ, những lời bình luận đã vô tình tiếp thêm nỗi đau cho nạn nhân và để lại những hậu quả khôn lường.

Tác động thứ ba: Những thông tin xấu, độc tác động, làm lệch lạc về hành vi, nhân cách sống của sinh viên dẫn tới hậu quả khó lường, thậm chí là vi phạm pháp luật.

Sinh viên sử dụng mạng xã hội như một công cụ để tìm kiếm tài liệu phục vụ học tập, trao đổi thông tin hữu ích, chia sẻ, kết nối bạn bè. Tuy nhiên trên MXH hiện nay có vô số thông tin, hình ảnh nội dung xấu, độc tác động, làm lệch lạc về hành vi, nhân cách sống của thanh thiếu niên, dẫn tới các hậu quả khó lường. Gần đây, trên mạng xã hội và Internet xuất hiện “Bảng xếp hạng giang hồ Việt Nam”. Để có mặt trong bảng xếp hạng nêu trên, bên cạnh việc chứng minh thành tích bất hảo đã được kiểm chứng qua tiền án, tiền sự liên quan hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, tàng trữ và sử dụng vũ khí trái phép,… còn có yêu cầu nhân vật phải tạo được ảnh hưởng trên các mạng xã hội như Youtube, Facebook điển hình như Khá “ bảnh”. Đáng lo ngại, một bộ phận các bạn trẻ vẫn ra sức cổ súy cho những hiện tượng này mà không biết rằng mình đang “nuôi dưỡng” tình trạng sai lệch chuẩn mực xã hội. Tính độc hại của các sản phẩm này được minh chứng, thể hiện rất cụ thể qua hiện tượng thanh, thiếu niên, sinh viên phạm tội do tác động từ phim ảnh bạo lực đang có chiều hướng gia tăng tại Việt Nam và trên thế giới. Cũng từ lý do ấy, giới tội phạm đang ngày càng quan tâm tới vai trò, ảnh hưởng của truyền thông với mục đích, hành vi, hành xử xấu của họ. Với nhiều đối tượng xấu, mạng xã hội là nơi tạo ra cơ hội giúp họ tiếp cận nạn nhân, thu nạp “đệ tử”, phô trương thanh thế. Thậm chí, đã có người trong số này còn cộng tác với một số ca sĩ, nghệ sĩ cùng thực hiện các dự án phim, sản phẩm âm nhạc ca ngợi cuộc đời lưu manh, giang hồ, tù tội… Ở chiều ngược lại, với một bộ phận khán thính giả, sinh viên vốn bị tiêm nhiễm bởi các sản phẩm bạo lực, đồi trụy lại nảy sinh nhu cầu trò chuyện, giao lưu trực tiếp với những cá nhân, tội phạm bất hảo cụ thể như để được hiện thực hóa giấc mơ phi nhân tính. Đã có một số người công khai bày tỏ nguyện vọng được “các anh chị lớn” thu nạp, thành đệ tử, tay sai trong các băng nhóm, tổ chức xã hội đen. Đáng lo ngại, nhiều đối tượng lợi dụng sự phát triển của MXH và Internet để tìm hiểu cách sản xuất, tự chế thuốc pháo dẫn đến hậu quả chết người. Có trường hợp lên mạng để kêu gọi đua xe trái phép, sử dụng ma túy tổng hợp, thậm chí hướng dẫn sinh viên sản xuất và sử dụng súng tự chế. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật. Một thực trạng hiện nay trên Internet, mạng xã hội và ngay cả trên các báo điện tử, trang thông tin điện tử, dường như để tăng tính hấp dẫn đối với người đọc, tần suất xuất hiện của các tin, bài về các vụ án, hiện tượng lệch lạc khá nhiều; thông tin được mô tả khá chi tiết diễn biến sự việc và hành vi thực hiện. Như vậy, thay vì đạt được mục đích cảnh báo và định hướng dư luận xã hội, cách đưa thông tin quá cụ thể vô hình chung đã tạo nên hệ quả ngược và trở thành “cơ hội” người trẻ và sinh viên bắt chước theo hành vi đó.

Tác động thứ tư: Thông tin xấu, độc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm sinh lý của sinh viên.

Với đặc tính hấp dẫn, lôi cuốn của thông tin xấu, độc trên các trang mạng xã hội rất dễ làm cho người tham gia và sinh viên bị sa đà vào “biển thông tin” hỗn loạn đó lúc nào mà không hay biết, làm cho các bạn thanh thiếu niên, sinh viên sao nhãng việc học hành, giảm năng suất lao động, tinh thần uể oải, sa sút, đắm chìm vào thế giới ảo trong đời sống thực. Đây chính là tác nhân làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm sinh lý của giới trẻ và sinh viên. Theo thông tin từ Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 (Thành phố Biên Hòa, Đồng Nai), khoảng 3 năm trở lại đây, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận và điều trị ngoại trú cho khoảng trên dưới 30 ca mắc hội chứng “nghiện” internet nói chung và mạng xã hội nói riêng. Những bệnh nhân này phần lớn ở độ tuổi từ 13-25, thời gian sử dụng Internet và mạng xã hội từ 8-10 giờ/ngày, có trường hợp “lướt mạng” thâu đêm suốt sáng. Biểu hiện thường thấy ở những bệnh nhân này là bỏ bê công việc, trầm cảm, sống thu mình, hạn chế giao tiếp với bên ngoài, ít ăn, ngủ kém, có triệu chứng rối loạn vận động, hay cáu gắt, phản ứng thái quá khi bị “tước” mất máy tính, điện thoại thông minh hay bị cắt nguồn internet, wifi….

Phòng, chống các thông tin xấu độc ảnh hưởng tới sinh viên trên mạng xã hội

Tham gia mạng xã hội là xu thế tất yếu hiện nay của thanh niên và sinh viên, nhất là trong thời đại cách mạng số. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là làm sao vừa khai thác được thông tin hữu ích phục vụ cho học tập, công tác, nghiên cứu khoa học, vừa giao lưu, học hỏi, trao đổi lẫn nhau mà không bị nhiễm thông tin xấu độc làm ảnh hưởng đến nhận thức, tâm tư, tình cảm, quan điểm lập trường, niềm tin. Vì thế, chúng ta có thể và cần phải quan tâm đến một số giải pháp sau đây:

Một là, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, bản lĩnh chính trị cho sinh viên.Giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Làm rõ âm mưu, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch, của các đối tượng xấu trên Internet và mạng xã hội; những vấn đề, sự kiện mà chúng lợi dụng xuyên tạc, mức độ nguy hại, ảnh hưởng của các thông tin xấu, độc. Tổ chức trao đổi và làm rõ về thông tin xấu độc để mọi người nâng cao nhận thức, nhận diện được thông tin xấu, độc, có ý thức tự phòng vệ và ý thức ngăn chặn, phòng chống, đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc.

Phổ biến, quán triệt đầy đủ nội dung Điều 288 của Bộ luật Hình sự 2015 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ và Thông tư số 09/2014/BTTTT ngày 19-8-2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội, những hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng mạng xã hội; Đề án "Tăng cường quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với học sinh, sinh viên trên môi trường mạng đến năm 2025" của Bộ Giáo dục và đào tạo được phê duyệt tại Quyết định số 3296-QĐ-TTg ngày 30/8/2018.

Hai là, tăng cường quản lý, nắm bắt kịp thời tình hình tư tưởng, làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong nhà trường và trong sinh viên. Không để xảy ra hiện tượng sinh viên bị kẻ địch móc nối, lôi kéo. Thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy định về quản lý tài liệu, không để các ấn phẩm văn hóa độc hại, tài liệu phản động lọt vào, ảnh hưởng tới sinh viên, trang bị phương pháp tiếp cận thông tin trên mạng xã hội một cách khoa học và đúng đắn.

Người đứng đầu các trường đại học cần sâu sát, nắm vững mọi hoạt động và tình hình tư tưởng cán bộ, giảng viên, sinh viên, nhất là khi những luồng quan điểm thù địch, chống đối “mới” xuất hiện, những biểu hiện lệch chuẩn trong nhận thức chính trị; đồng thời thường xuyên tìm hiểu, nắm bắt tình hình hoạt động của các đối tượng xấu, có nội dung giáo dục, định hướng, điều chỉnh nhận thức đúng đắn, kịp thời. Các cơ quan quản lý giáo dục phải có trách nhiệm trong quản lý thông tin có liên quan tới cán bộ, giảng viên, sinh viên nơi mình quản lý trên mạng xã hội. Yêu cầu cá nhân thuộc nhà trường mình quản lý lên tiếng khi tài khoản cá nhân (Facebook, Zalo...) bị hack hoặc bị giả mạo, để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ, vu khống, hoặc bị lợi dụng phát tán thông tin xấu, độc cho người thân, bạn bè và cộng đồng mạng.

Ba là, quản lý chặt chẽ thông tin trên Internet và mạng xã hội trên cơ sở luật pháp và các điều ước quốc tế.

 Hoàn thiện hệ thống pháp luật về sử dụng Internet và mạng xã hội, bảo đảm môi trường pháp lý bình đẳng và minh bạch, tạo ra khung pháp lý nhằm răn đe, xử lý cá nhân, tổ chức đưa tin xấu độc trên Internet và mạng xã hội. Hình thành các cơ quan kiểm soát và chống tin giả trên mạng và hợp tác với các nước có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Xây dựng các quy định buộc các trang mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý đối với các bài viết bất hợp pháp, các thông tin đăng tải. Phối hợp với lãnh đạo các mạng xã hội trên thế giới xử lý, gỡ bỏ những thông tin có nội dung xấu, độc. Đối với những trang web, mạng xã hội có lượng truy cập lớn hoặc những trang web đặt máy chủ tại Việt Nam, phải cung cấp đầu mối liên hệ cho Bộ Thông tin và Truyền thông và thực hiện việc phối hợp ngăn chặn xử lý thông tin xấu, độc khi có yêu cầu. Xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dân chủ, đưa tin bịa đặt, sai sự thật nhằm kích động gây bất ổn xã hội theo pháp luật.

Nhà nước sớm ban hành “Bộ quy tắc ứng xử cho mạng xã hội Việt Nam”, kết hợp việc tăng cường thực thi quản lý nhà nước với những quy định cụ thể và những biện pháp “mềm” mang tính đạo đức, tham khảo Bộ quy tắc ứng xử của EU đối với Facebook, Microsoft, Twitter và YouTube để hướng tới xây dựng môi trường an toàn và công bằng hơn cho người sử dụng. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục ban hành các quy định mới phù hợp với diễn biến thực tế của mạng xã hội, tiến hành đối thoại, kêu gọi sự hợp tác và trách nhiệm hơn từ các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội. Nghiên cứu, phát triển các mạng xã hội nội địa để cạnh tranh và kiềm chế hoạt động độc quyền của các mạng nước ngoài. Có các giải pháp lâu dài và bền vững cho cộng đồng sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam.

Quản lý chặt chẽ báo chí trên môi trường mạng, khoa học công nghệ. Cơ quan quản lý phải thường xuyên theo dõi, bám sát mạng xã hội để phát hiện, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc, không để ảnh hưởng tới sinh viên. Phát huy vai trò của nhà báo trong đấu tranh ngăn chặn, phòng chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Nhà báo phải có trách nhiệm định hướng dư luận xã hội trước các luồng thông tin đa chiều trên mạng xã hội.

Bốn là, giúp sinh viên nhận diện, tự phòng chống các thủ đoạn, nội dung thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Chủ động, kịp thời cung cấp thông tin chính thống một cách đầy đủ, toàn diện. Đồng thời, chỉ rõ những thủ đoạn, tính chất nguy hại của thông tin xấu độc đối với xã hội; trang bị kiến thức cần thiết để mỗi sinh viên có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, đồng thời “miễn dịch” với những thông tin xấu, độc làm nhiễu loạn môi trường xã hội.     

Mỗi sinh viên tham gia mạng xã hội phải có kiến thức an ninh mạng cơ bản, biết nhận diện những trang thông tin, những diễn đàn trên mạng xã hội hay đăng tải những thông tin xấu độc, cảnh giác, thận trọng, sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, đồng thời có khả năng “miễn dịch” với những thông tin xấu, độc, có ý thức ngăn chặn, phản bác cái xấu một cách có lý, có tình, thuyết phục.

Đối với những bài viết, video có nội dung xấu, độc được phát tán trên mạng xã hội, mỗi cá nhân cần lên tiếng phản bác hoặc hạn chế sự lan truyền của chúng bằng cách lựa chọn ẩn bài viết, báo Spam để quản trị mạng xử lý.

Năm là, chủ động ngăn ngừa, giảm thiểu tiếp xúc của sinh viên với các nguồn thông tin xấu, độc, đồng thời tích cực đấu tranh với những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch.

Việc ngăn ngừa, giảm thiểu sự tiếp xúc đối với những thông tin xấu, độc là hết sức cần thiết, nhất là đối với những người trẻ tuổi, bản lĩnh chính trị còn chưa vững vàng, khả năng miễn dịch còn thấp. Để thực hiện điều này, mọi người không nên nghe, đọc, xem những đài, báo, trang mạng, bài viết, blogs, video của những phần tử chống đối, phản động.

Phát huy vai trò của báo chí, của các cơ quan ngôn luận trong đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ, chống phá của các thế lực thù địch, những thông tin giả mạo, sai lệch. Cần có những bài viết có “sức nặng” để đập tan những luận điệu của chúng. Xây dựng lực lượng làm nhiệm vụ đấu tranh trên Internet và mạng xã hội. Phát huy vai trò của các Blogger trong đấu tranh trực diện với các quan điểm sai trái, thù địch thông qua các trang mạng. Thành lập một số website, Fanpage của các trường đại học với tư cách là cổng thông tin, diễn đàn mở để trao đổi các ý kiến, quan điểm khác biệt. Tranh luận trực tuyến với những người có ý kiến, quan điểm khác biệt, hoặc phản bác những quan điểm thù địch, chống đối. Đầu tư trang bị hệ thống phương tiện, kỹ thuật hiện đại, quản lý kết nối mạng an toàn trong ngăn chặn các trang web, blog đăng tải những thông tin xấu độc.

Như vậy, tham gia mạng xã hội là nhu cầu thiết yếu của đời sống trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, các đối tượng xấu đang triệt để lợi dụng để đưa những thông tin xấu, độc, nhằm tạo ra những suy nghĩ lệch lạc, mơ hồ, dao động, mất niềm tin trong sinh viên để chống phá Đảng, Nhà nước. Do vậy, việc nhận diện và đấu tranh phòng chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội không chỉ là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, của các cơ quan chức năng mà là việc làm cần thiết đối với mỗi sinh viên khi tham gia mạng xã hội.

ThS Trần Thị Thuỳ Linh

  Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Truyền thông Evacom Việt Nam

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

4-Bộ Chính trị (2018), Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 25/07/2018 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng.

5-Bộ Chính trị (2018), Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25/07/2018 về Chiến lược an ninh mạng quốc gia.

11-Chính phủ (2018), Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

15-Nguyễn Thị Lan Hương, “Quản lý mạng xã hội trên hệ thống phương tiện truyền thông mới ở Việt Nam”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 405, tháng 3 – 2018.

16-Tôn Nữ Cẩm Hường (2014), “Thái độ của sinh viên một số Trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh về mạng xã hội” Luận văn Thạc sĩ Tâm lý học, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguyễn Khánh Vĩnh Lộc (2022), Quản trị an ninh thông tin mạng xã hội trong sinh viên ở Việt Nam hiện nay, Luận văn Thạc sỹ Quản trị an ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nguyễn Lan Nguyên (2020), Ảnh hưởng của việc sử dụng mạng xã hội Facebook đến học tập và đời sống của sinh viên hiện nay, Luận án Tiến sĩ xã hội học, Trường  Đại học KHXH và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

21-Tô Lâm, Nguyễn Xuân Yêm và các tác giả (2017), An ninh phi truyền thống trong thời kỳ hội nhập quốc tế, NXB CAND.

Lê Thị Hà Phương, Tác động của mạng xã hội đến lối sống của sinh viên các trường đại học khu vực Hà Nội, Tạp chí Người làm báo điện tử, http://nguoilambao.vn, ngày 12.01.2021

25-Quốc hội (2016),  Luật An toàn thông tin, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

26-Quốc hội (2018), Luật An ninh mạng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

31-Lê Văn Thắng, An ninh thông tin ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay-Vấn đề đặt ra và giải pháp, Tạp chí Tuyên giáo, số 30/06/2020

32. Thu An, Giúp học sinh, sinh viên ứng xử lành mạnh trên môi trường mạng, Báo QĐND, 19/07/2020.

33-Phan Xuân Thủy (2019), Quản lý Nhà nước về thông tin đối với mạng xã hội tại Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật, Học viện Khoa học Xã hội.

34.Trung ương Đoàn (Học viện Thanh thiếu niên), Điều tra mạng xã hội, 2018.


[1] Lê Thị Hà Phương, Tác động của mạng xã hội đến lối sống của sinh viên các trường đại học khu vực Hà Nội, Tạp chí Người làm báo điện tử, http://nguoilambao.vn, ngày 12.01.2021

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam