2 Cách Đăng Ký Tạm Trú Online Cho Người Thuê Nhà Nhanh Chóng, Thuận Tiện [2024]

Thứ hai, 13/05/2024 - 15:19

Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn chi tiết 2 cách đăng ký tạm trú online cho người thuê nhà trên cổng Dịch vụ công và trên ứng dụng VNeID cập nhật mới nhất và một số thông tin liên quan đến đăng ký tạm trú cho người thuê nhà trọ theo quy định hiện hành.

Mục Lục
1. Những Quy Định Về Đăng Ký Tạm Trú Cho Người Thuê Nhà
Đăng Ký Tạm Trú Là Gì?
Người Thuê Nhà Có Phải Đăng Ký Tạm Trú Không?
Người Thuê Nhà Không Đăng Ký Tạm Trú Bị Phạt Bao Nhiêu Tiền?
2. Cách Đăng Ký Tạm Trú Online Cho Người Thuê Nhà
Cách Đăng Ký Tạm Trú Online Cho Người Thuê Nhà Trên Cổng Dịch Vụ Công
Cách Đăng Ký Tạm Trú Online Cho Người Thuê Nhà Trên VNeID
Cách Đăng Ký Tạm Trú Online Cho Người Thuê Nhà Là Người Nước Ngoài
3. Cách Tra Cứu Đăng Ký Tạm Trú Online
4. Lưu Ý Gì Khi Đăng Ký Tạm Trú Online Cho Người Thuê Nhà Trọ?

1. Những Quy Định Về Đăng Ký Tạm Trú Cho Người Thuê Nhà

Trước khi tìm hiểu những cách đăng ký tạm trú online cho người thuê nhà, hãy cùng tìm hiểu các nội dung, quy định liên quan đến đăng ký tạm trú theo pháp luật hiện hành nhé!

Đăng Ký Tạm Trú Là Gì?

Về khái niệm đăng ký tạm trú, Điều 20 Luật Cư trú 2020 quy định như sau:

Đăng ký cư trú là việc thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng; thông báo lưu trú và khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú.”

“Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.”

Từ các nội dung trên, có thể hiểu đăng ký tạm trú là một thủ tục đăng ký cư trú được thực hiện nhằm mục đích thông báo sự lưu trú của công dân trong một khoảng thời gian nhất định ở ngoài nơi thường trú. Đăng ký tạm trú là một thủ tục hành chính bắt buộc khi công dân có sự thay đổi về nơi cư trú.

Xem thêm: Hướng Dẫn Thủ Tục Cấp Sổ Đỏ Online

Người Thuê Nhà Có Phải Đăng Ký Tạm Trú Không?

Điều 13 Thông tư 55/2021/TT-BCA hướng dẫn Luật Cư trú quy định công dân Việt Nam thuộc các trường hợp dưới đây phải thực hiện đăng ký tạm trú khi thay đổi chỗ ở, nơi lư trú:

1. Công dân thay đổi chỗ ở ngoài nơi đã đăng ký tạm trú thì phải đăng ký tạm trú mới. Trong trường hợp nơi ở đó thuộc phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú thì thực hiện đăng ký tạm trú theo quy định tại khoản 3 Điều 6 của Thông tư này.

2. Công dân là học sinh, sinh viên, học viên đến ở tập trung trong ký túc xá, khu nhà ở của học sinh, sinh viên, học viên; người lao động đến ở tập trung tại các khu nhà ở của người lao động; trẻ em, người khuyết tật, người không nơi nương tựa được nhận nuôi và sinh sống trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; người được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp tại cơ sở trợ giúp xã hội có thể thực hiện đăng ký tạm trú thông qua cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp chỗ ở, nơi lưu trú đó.

Đăng ký tạm trú là thủ tục hành chính bắt buộc khi công dân thay đổi nơi cư trú, bao gồm người thuê nhà. Ảnh: Báo Thanh niên

Với trường hợp 2, các cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp chịu trách nhiệm lập danh sách người tạm trú kèm theo Tờ khai thay đổi thông tin cư trú của từng người; văn bản đề nghị đăng ký tạm trú có ghi rõ thông tin về chỗ ở hợp pháp và được cơ quan đăng ký cư trú cập nhật thông tin về nơi tạm trú vào Cơ sở dữ liệu về cư trú. Các thông tin cần có trong danh sách người tạm trú gồm:

  • Họ tên
  • Số CCCD/số định danh cá nhân
  • Ngày, tháng, năm sinh
  • Giới tính
  • Thời hạn tạm trú

Người thuê nhà thuộc trường hợp có thay đổi về chỗ ở, nơi cư trú ngoài địa chỉ thường trú nên đăng ký tạm trú cho người thuê nhà là thủ tục hành chính bắt buộc phải thực hiện. Cá nhân là người thuê nhà cần chủ động khai báo tạm trú khi chuyển đến nơi thuê nhà. Chủ nhà trọ cũng có trách nhiệm nhắc nhở, đôn đốc những người thuê nhà của mình đi làm thủ tục đăng ký tạm trú theo đúng quy định của pháp luật.

Người Thuê Nhà Không Đăng Ký Tạm Trú Bị Phạt Bao Nhiêu Tiền?

Các trường hợp không thực hiện đăng ký tạm trú đúng quy định sẽ bị phạt tiền theo các mức phạt được quy định cụ thể tại Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP:

  • Người không thực hiện đúng quy định về đăng ký tạm trú có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Như vậy, nếu người thuê nhà không thực hiện nghĩa vụ đăng ký tạm trú thì có thể sẽ bị phạt hành chính với mức phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng tùy từng trường hợp cụ thể.
  • Các trường hợp cho người nước ngoài thuê nhà mà không khai báo tạm trú cho khách thuê là người nước ngoài thì chủ nhà trọ sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.

2. Cách Đăng Ký Tạm Trú Online Cho Người Thuê Nhà Nhanh Chóng, Thuận Tiện

Trước đây, công dân muốn đăng ký tạm trú đều phải trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú (Công an xã, phường, thị trấn) nơi tạm trú để làm thủ tục khai báo. Hiện nay, nhờ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cư trú và cải cách hành chính, công dân có thể thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú online một cách thuận tiện, tiết kiệm đáng kể thời gian, công sức đi lại. Tính đến thời điểm hiện tại, có 2 cách đăng ký tạm trú online cho người thuê nhà trọ là đăng ký trên cổng Dịch vụ công và đăng ký qua ứng dụng (app) VNeID trên điện thoại.

Dưới đây là hướng dẫn đăng ký tạm trú online cho người thuê nhà chi tiết, dễ thực hiện:

Cách Đăng Ký Tạm Trú Online Cho Người Thuê Nhà Trên Cổng Dịch Vụ Công

Bước 1: Đăng nhập Cổng Dịch vụ công quản lý cư trú

Truy cập Cổng Dịch vụ công, đăng nhập tài khoản. Nếu bạn chưa có tài khoản Dịch vụ công quốc gia thì cần thực hiện đăng ký rồi mới đăng nhập được.

Sau khi đăng nhập thành công, tại danh mục Dịch vụ công trực tuyến, chọn Đăng ký, quản lý cư trú => Đăng ký tạm trú.

Thực hiện đăng ký tạm trú trên cổng Dịch vụ công quản lý cư trú

Bước 2: Khai báo thông tin tạm trú

Khi giao diện website chuyển đến trang Hồ sơ đăng ký tạm trú, người thuê nhà cần khai báo chính xác thông tin của bản thân, bao gồm:

  • Cơ quan thực hiện: Nhập tên tỉnh/thành phố, quận/huyện, phường/xã/thị trấn nơi đăng ký tạm trú
  • Thủ tục hành chính: Nhập thông tin vào các mục Thủ tục, Trường hợp, Thời hạn tạm trú theo những lựa chọn có sẵn
  • Thông tin đề nghị đăng ký tạm trú: gồm các mục Nơi đề nghị đăng ký tạm trú – Thông tin tỉnh thành phố, quận/huyện, phường/xã,… được tự động cập nhật theo các thông tin mà bạn đã nhập phía trên. Tại đây, bạn chỉ cần nhập địa chỉ, thông tin cá nhân của chủ hộ hoặc thông tin của người đại diện theo pháp luật
  • Thông tin cá nhân: gồm Họ tên; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Số định danh cá nhân (CCCD)/CMND; Nơi thường trú; Nơi ở hiện tại; Quan hệ với chủ hộ
  • Thông tin nhận thông báo tình trạng hồ sơ, kết quả giải quyết hồ sơ: chọn hình thức phù hợp từ các lựa chọn có sẵn
  • Hồ sơ đính kèm: Tải ảnh của các loại giấy tờ được yêu cầu lên

Sau khi hoàn thành bước điền thông tin (những trường thông tin đánh dấu * là bắt buộc phải điền), bạn đánh dấu vào mục ”Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời khai trên”, tiếp theo chọn “Ghi” để lưu lại hồ sơ hoặc chọn “Ghi và gửi hồ sơ” để nộp hồ sơ đăng ký tạm trú qua cổng online.

Bước 3: Chờ kết quả

Sau khi công dân nộp hồ sơ đăng ký tạm trú, yêu cầu sẽ được xử lý và trả kết quả trong vòng 3 ngày làm việc. Nếu cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bạn đến trực tiếp để xuất trình các giấy tờ bản chính, bạn hãy sắp xếp thời gian đến để hoàn thành thủ tục đăng ký tạm trú.

Cách Đăng Ký Tạm Trú Online Cho Người Thuê Nhà Trên VNeID

Kể từ ngày 01/01/2024, ngoài cổng Dịch vụ công, công dân có thể thực hiện đăng ký tạm trú online thông qua app định danh điện tử VNeID. Qua đây, công dân có thể thông báo việc lưu trú của mình cho cơ quan đăng ký cư trú một cách nhanh chóng mà không cần phải trực tiếp đến cơ quan đăng ký.

Lưu ý: Để thực hiện đăng ký tạm trú online qua ứng dụng VNeID, cần nâng cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 mới có thể sử dụng đầy đủ chức năng của VNeID.

Cách thực hiện đăng ký tạm trú online cho người thuê nhà trên VNeID như sau:

Bước 1: Đăng nhập tài khoản VNeID

Đầu tiên, mở ứng dụng VNeID trên điện thoại và đăng nhập vào tài khoản VNeID của bạn => Chọn mục Thủ tục hành chính => Chọn Thông báo lưu trú (như vị trí (1) trong ảnh minh họa).

Bước 2: Tạo yêu cầu đăng ký lưu trú

Chọn Tạo mới yêu cầu (2), kiểm tra lại các thông tin của bạn => Chọn Địa chỉ cơ quan nơi bạn dự kiến tạm trú và điền đầy đủ thông tin về địa chỉ cơ quan đó. Cần điền đầy đủ thông tin ở những mục có dấu (*), sau đó chọn Tiếp tục (3)

Giao diện đăng ký tạm trú online trên ứng dụng VNeID

Bước 3: Xác nhận thông tin

Sau khi điền đầy đủ các trường thông tin yêu cầu, chọn Thông tin cơ sở lưu trú (4) và Loại hình cơ sở lưu trú (5) phù hợp với nơi bạn đang lưu trú => Nhấn Tiếp tục để xác nhận thông tin.

Lúc này, hệ thống sẽ hiển thị thông báo “Các thông tin bạn vừa nhập sẽ không thể thay đổi. Bạn có xác nhận muốn tiếp tục?” Nếu thông tin đã nhập đều chính xác, bạn nhấn Xác nhận. Có thể chọn Kiểm tra lại nếu muốn kiểm tra lại thông tin.

Bước 4: Đăng ký thêm người lưu trú

Nếu muốn đăng ký thêm người lưu trú khác, chọn Thêm người lưu trú (6) và nhập các thông tin tương ứng => Chọn Người thông báo là người lưu trú (7) và bạn cần điền thông tin chi tiết về thời gian, địa điểm và lý do lưu trú. Tiếp theo, chọn Lưu để lưu lại các thông tin vừa nhập.

Các bước tiến hành đăng ký thêm người lưu trú

Bước 5: Gửi yêu cầu

Ở bước cuối cùng, bạn chỉ cần nhấn Gửi yêu cầu để hoàn tất quá trình đăng ký tạm trú online qua ứng dụng VNeID. Hệ thống sẽ gửi mã xác nhận để bạn có thể theo dõi trạng thái hồ sơ của mình trên ứng dụng.

Cách Đăng Ký Tạm Trú Online Cho Người Thuê Nhà Là Người Nước Ngoài

Theo quy định của pháp luật hiện hành, người nước ngoài đang lưu trú tại Việt Nam phải khai báo tạm trú. Người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú có trách nhiệm ghi đầy đủ nội dung mẫu phiếu khai báo tạm trú và chuyển đến cơ quan chức năng. Nếu là chủ nhà trọ có khách thuê là người nước ngoài, bạn cần thực hiện khai báo tạm trú cho khách thuê theo 1 trong 2 cách dưới đây:

  • Đến trực tiếp cơ quan Công an xã/phường/thị trấn nơi muốn tạm trú để khai báo trực tiếp theo mẫu NA17
  • Khai báo online tại website của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh/thành phố nơi muốn tạm trú
Người nước ngoài thuê nhà tại Việt Nam phải khai báo tạm trú. Ảnh: ohmyhome

Các bước thực hiện đăng ký tạm trú online cho người nước ngoài thuê nhà như sau:

Bước 1: Truy cập cổng thông tin khai báo tạm trú

Cổng thông tin khai báo tạm trú của mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có cấu trúc: https://tentinh.xuatnhapcanh.gov.vn.

Ví dụ, nếu muốn khai báo tạm trú tại thành phố Đà Nẵng thì truy cập website https://danang.xuatnhapcanh.gov.vn/.

Bước 2: Đăng ký tài khoản đăng ký tạm trú online

Nếu chưa có tài khoản đăng nhập, người khai báo tạm trú cho người nước ngoài cần đăng ký tạo tài khoản mới. Mỗi cơ sở lưu trú chỉ được đăng ký 1 tài khoản quản lý, nếu muốn thêm người dùng thì phải tạo tài khoản người dùng riêng.

Bước 3: Đăng nhập, khai báo thông tin

Sau khi đăng nhập tài khoản thành công, giao diện website sẽ hiển thị các mục chức năng để người khai báo nhập đầy đủ thông tin của người muốn đăng ký tạm trú => Nhấn Lưu thông tin và chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

3. Cách Tra Cứu Đăng Ký Tạm Trú Online Cho Người Thuê Nhà

Nhiều người sau khi đăng ký tạm trú rất nóng lòng muốn biết tình trạng, kết quả xử lý hồ sơ đăng ký tạm trú của mình. Trên thực tế, bạn hoàn toàn có thể chủ động tra cứu kết quả tại cổng Dịch vụ công theo hướng dẫn dưới đây:

Bước 1: Truy cập Cổng Dịch vụ công

Bước 2: Chọn Tra cứu hồ sơ => Nhập mã hồ sơ, mã xác nhận => nhấn nút Tra cứu. Một cách khác là chọn khung đề họ, tên ở góc phải trên => Quản lý hồ sơ đã nộp. Bạn điền thông tin số hồ sơ, số CCCD, tên người nộp, lĩnh vực nộp => Nhấn Tìm kiếm.

Bước 3: Nhận kết quả tra cứu, gồm các thông tin về tình trạng và kết quả xử lý hồ sơ.

This image has an empty alt attribute; its file name is Vao-muc-Tra-cuu-ho-so-roi-nhap-ma-ho-so-de-tra-cuu.jpg
Giao diện Tra cứu đăng ký tạm trú online

4. Lưu Ý Gì Khi Đăng Ký Tạm Trú Online Cho Người Thuê Nhà Trọ?

Để việc đăng ký tạm trú được thuận lợi, nhanh có kết quả như mong muốn, người thuê nhà cần lưu ý một số điểm dưới đây:

  • Khai báo đầy đủ, chính xác: Mọi thông tin phải trùng khớp với thông tin đã lưu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong trường hợp thông tin không khớp, người đan sẽ phải đến cơ quan quản lý cư trú để cập nhật, bổ sung.
  • Đính kèm ảnh chụp hoặc bản scan các hồ sơ, giấy tờ mà bạn nộp online.
  • Với các trường hợp học sinh, sinh viên ở tập trung tại ký túc xá hay khu nhà ở dành cho học sinh, sinh viên hoặc người lao động ở tập trung tại khu nhà ở dành riêng cho họ, thủ tục đăng ký tạm trú sẽ được thực hiện thông qua cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp nơi ở.

Trên đây là hướng dân chi tiết cách đăng ký tạm trú online cho người thuê nhà, cách tra cứu kết quả đăng ký tạm trú và một số lưu ý khi thực hiện đăng ký tạm trú cho người thuê nhà. Hy vọng rằng bài viết đã giải quyết được các thắc mắc của bạn. Hãy tiếp tục theo dõi các bài viết trên Wiki BĐS để không bỏ lỡ các thông tin hữu ích nhé!

Lan Chi

Xem thêm: